Những mầm xanh vươn mình cùng sóng gió

Giống như những cán bộ, chiến sỹ đang ngày đêm canh gác, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, từng gốc cây, ngọn cỏ trên quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) đều kiên cường, tỏa sức sống mãnh liệt giữa phong ba, bão tố biển khơi.

Biểu tượng sức sống Trường Sa

Cùng với nỗ lực không ngừng của nhiều thế hệ, quân và dân huyện đảo Trường Sa đã trồng và phát triển được nhiều loài cây nước lợ. Từ một quần đảo không có sẵn các điều kiện tự nhiên thích hợp cho việc trồng cây, bây giờ cây xanh ở các đảo đều trưởng thành và đầy sức sống trong nắng gió Biển Đông. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mưa ít, nắng nhiều, thổ nhưỡng lại kém chất dinh dưỡng nên mỗi đảo ở quần đảo Trường Sa lại phù hợp với một loại cây khác nhau. Chủng loại cây xanh trên các đảo hiện nay vì thế cũng rất đa dạng và phong phú. Cây ăn quả như: dừa, đu đủ được trồng nhiều ở Nam Yết, Song Tử Tây, Trường Sa. Cây che bóng mát như: mù u, cây tra lại sinh trưởng đặc biệt tốt ở đảo Sơn Ca. Thế nhưng sức sống mãnh liệt nhất nơi đầu sóng vẫn là cây phong ba và cây bàng vuông trồng phổ biến tại hầu hết các đảo.

Tại đảo Song Tử Tây, một cây di sản được công nhận trên đảo, đó là cây phong ba. Cây phong ba này nằm ngay sau Sở chỉ huy của đảo và có tuổi đời khoảng 300 năm. Cây cao trên 20m, thân có đường kính khoảng 4m. Dù thời tiết khắc nghiệt nhưng cây vẫn chống chọi và vươn mình xanh tốt. Cây phong ba cùng cột mốc chủ quyền là chứng tích lịch sử đặc biệt khẳng định chủ quyền liên tục của nước ta tại quần đảo Trường Sa. Với những cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ chủ quyền tại đảo Song Tử Tây, cây phong ba này như một người bạn tri kỷ, chứng kiến vô số những kỷ niệm của họ. Việc chăm sóc, bảo vệ cây cũng được xem là nhiệm vụ quan trọng được chỉ huy đảo quan tâm, phổ biến tới toàn bộ cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo. Từ cây phong ba di sản này, những người lính đã khéo léo nhân giống, phát triển được hàng trăm cây phong ba khác trên đảo. Đến Song Tử Tây, không khó để nhìn thấy một màu xanh mướt tầm mắt của cây phong ba. Cũng không ngạc nhiên khi Song Tử Tây được mệnh danh là "đảo phong ba".

Đảo Nam Yết lại là nơi có thảm thực vật xanh bao phủ với nhiều loại cây lâu năm như: phong ba, bàng vuông, mù u, dừa. Trên đảo có cây bàng vuông cổ thụ sinh trưởng tự nhiên có độ tuổi khoảng 300 năm, cây cao hơn 10m. Thân cây có 7 nhánh tỏa bóng mát trong khuôn viên vui chơi, thể thao của cán bộ, chiến sĩ trên đảo, là một trong những biểu tượng độc đáo có sức sống mãnh liệt của vùng đất và người Trường Sa. Trên đảo còn có cây mù u hơn 100 năm tuổi tỏa bóng mát trên khoảng sân rộng. Những cây cổ thụ rợp bóng trên đảo Nam Yết gắn bó với những hoạt động của quân và dân trên đảo vào những ngày lễ, Tết và những sự kiện quan trọng.

Những mầm xanh vươn mình cùng sóng gió
Chiến sỹ đảo Trường Sa nâng niu những chùm “nho biển”.

“Nho biển” - quà quý của Trường Sa

Xen lẫn giữa những cây phong ba, bàng vuông đầy sức sống là cây tra cao lớn, hiên ngang trước bão tố, mưa giông. Cây tra ngày càng được trồng phổ biến ở các đảo, điểm đảo tại quần đảo Trường Sa. Cây tra tán rộng và cao hơn cây bàng, lá gần giống với lá sen, mịn và không có lông tơ. Phiến lá phía trên có màu xanh, phiến lá phía dưới có màu tím phớt. Những bông hoa của cây tra mà người lính đảo gọi bằng cái tên hết sức thân thương là cây “nho biển” hoa dài như hoa cây bàng ở trong đất liền. Nụ hoa tra nhỏ li ti, khi bung nở, hoa tra như những bông tuyết trắng xóa, nổi bật giữa màu xanh của lá. Từ những bông hoa trắng tinh khôi đó, sẽ kết trái thành quả tra. Quả tra mọc theo từng chuỗi, quả to như đầu ngón tay út của người trưởng thành, lúc chưa chín quả có màu xanh non như những hạt ngọc xanh. Khi chín, quả có màu đỏ đậm tựa màu của quả cà-phê chín. Chỉ sau ít ngày, những bông hoa nhỏ ấy đã kết quả nhỏ xíu như đầu tăm và lớn dần. Bông hoa càng dài thì khi đậu quả càng nhiều, càng lớn, tựa như một chùm nho trĩu quả. Nếu gặp thời tiết thuận lợi, chỉ ước chừng 2 tháng, từ những bông hoa nhỏ trắng xinh ấy, sẽ cho ra những chùm nho biển xanh biếc, quả to bằng đầu ngón tay cái của trẻ con. Lính đảo mừng lắm, chăm chút từng chùm một, thuộc từng vị trí chùm nho trên tán cây.

Từ khi ra hoa cho đến quả, những chùm nho biển chỉ mất chừng 2 tháng. Khi thấy những chùm quả này quả sẫm màu chín, lính trẻ nhẹ nhàng dùng dụng cụ đặc biệt được thiết kế từ những bàn tay khéo léo hái chùm quả xuống mà không để rơi, gẫy bất cứ một chiếc lá tra nào. Những chùm nho biển đẹp nhất sẽ được cán bộ, chiến sĩ lựa chọn để đưa vào mâm ngũ quả ngày Tết, ý nghĩa sung túc, sinh sôi phát triển. Số còn lại, sẽ được lính đảo phơi qua nắng gió của biển trước khi cẩn thận cho vào chiếc lọ thủy tinh trong suốt, rắc lên ít đường trắng và đóng nắp lại, dán băng dính kín. Chỉ khi nào có khách quý từ đất liền ra, những lọ mứt tra này mới được lính đảo mang ra thiết đãi khách. Cùng với cốc nước vối thơm lừng vị quê nhà, vị chan chát, ngọt dịu và có cả chút mằn mặn của muối biển từ những quả nho biển này khiến cho bất cứ ai thưởng thức cũng không bao giờ có thể quên được.

Mỗi người lính trước khi rời đảo sẽ để lại cây xanh tươi tốt, như tính bền vững, bản lĩnh của họ khi sinh sống trên đảo Trường Sa. Với bộ đội Trường Sa, cây xanh, đặc biệt là cây di sản là biểu tượng của sức sống bất diệt, sinh sôi và trường tồn như những cột mốc chủ quyền xanh giữ đảo. Những cây di sản luôn sừng sững giữa biển cả, đồng hành cùng những người lính hải quân kiên trung của đất nước để ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Nguyễn Khánh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy