Ở trung tâm thị trấn Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), công trình Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trang nghiêm mà bình dị giữa không gian khoáng đạt của một vùng biển trời Tổ quốc. Nhà tưởng niệm Bác Hồ từ khi hoàn thành đến nay đã trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng, địa chỉ văn hóa của quân và dân đang sinh sống, công tác, chiến đấu trên đảo. Hình ảnh và những lời dạy của Bác lưu giữ tại công trình đặc biệt này từ lâu đã trở thành động lực, tiếp thêm sức mạnh cho mỗi chiến sỹ, công dân nơi đây trong nỗ lực quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Trường Sa khánh thành vào đúng dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Bác (năm 2010). Xây dựng ở vị trí trung tâm đảo Trường Sa với phong cách truyền thống, mái ngói cong, biểu vật trang trí hình con sóng biển cách điệu… nhìn từ xa công trình nhà tưởng niệm tựa như một đóa sen hồng nở giữa hòn đảo đầy nắng gió. Bên trong nhà tưởng niệm, bức tượng Bác đặt ngay giữa gian chính, phía trên là câu nói bất hủ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” được trưng bày như một bức đại tự. Lời căn dặn “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” được khắc như hai câu đối. Nhà tưởng niệm lưu giữ rất nhiều tư liệu, hình ảnh lịch sử gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Bến Nhà Rồng, tàu đô đốc Latútsơ Tơrêvin, Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc, cuốn Đường Kách Mệnh, những tư liệu Bác Hồ với lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam… Các tủ tư liệu còn trưng bày 64 bức ảnh và lưu bút của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo hệ thống thời gian và nội dung: thời niên thiếu, quê hương, gia đình, quá trình hoạt động cách mạng... Đặc biệt, tại gian trưng bày Bác Hồ với bộ đội hải quân có lưu lại những hình ảnh quý giá của Người được bộ đội tặng bông hoa san hô, Bác Hồ đội mũ hải quân... Những tư liệu về cuộc đời hoạt động của Bác và chủ đề Bác Hồ với chủ quyền biển đảo đã tạo không khí gần gũi, ấm cúng với những vị khách được đến thăm Nhà tưởng niệm và đặc biệt hơn là với các chiến sĩ hải quân. Phía trước chính giữa nhà tưởng niệm dựng tấm bia trắng bằng đá granite khắc bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt như một lời nhắc nhớ những người con đất Việt: Việt Nam – đất nước có chủ quyền, biển đảo Việt Nam phải được người dân Việt Nam cai quản, quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là mảnh đất thiêng liêng không tách rời lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam.
Công trình Nhà tưởng niệm Bác Hồ được xây dựng tại Trường Sa có ý nghĩa rất quan trọng, là nơi sinh hoạt, giáo dục truyền thống của bộ đội và các tầng lớp nhân dân trên đảo, từ đó giúp mọi người nhận thức sâu sắc thêm trách nhiệm của mình, từ đó tự giác rèn luyện, chiến đấu, học tập và làm theo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trung tá Đinh Văn Cường, Chính trị viên đảo Trường Sa cho biết: Để nâng cao nhận thức chính trị của cán bộ, đảng viên, quần chúng, lồng ghép với các nội dung công tác Đảng, công tác chính trị, nhiều năm qua Đảng ủy, chỉ huy đảo Trường Sa thường xuyên tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ đến dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh vào những ngày lễ lớn của đất nước và ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Đảng ủy, chỉ huy đảo cũng luôn chú trọng thực hiện việc hướng dẫn những chiến sĩ trẻ mới nhận công tác tại đảo đến thăm và tìm hiểu ý nghĩa của những hình ảnh, tư liệu quý về cuộc đời hoạt động của Bác qua các thời kỳ cách mạng cũng như sự quan tâm sâu sắc, tình cảm bao la của Bác dành cho bộ đội hải quân và các tầng lớp nhân dân.
Hằng ngày, ngoài giờ luyện tập, tăng gia sản xuất, quân và dân trên đảo đều dành thời gian tới thăm nhà tưởng niệm, đọc sách báo, tìm hiểu tư liệu về cuộc đời hoạt động của Bác qua những tư liệu trưng bày ở đây. Dưới tán cây bàng vuông râm mát, khuôn viên Nhà tưởng niệm Bác luôn đầy ắp tiếng cười đùa của trẻ em trên đảo. Với những giá trị tinh thần to lớn đó, công trình văn hóa này thực sự là nguồn động viên, khích lệ, là điểm tựa tinh thần vững chắc cho cán bộ, chiến sỹ, nhân dân trên quần đảo Trường Sa trong nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nơi đây không chỉ là “địa chỉ đỏ” của quân và dân trên đảo mà còn thu hút rất nhiều con dân đất liền đến viếng thăm mỗi khi có dịp đặt chân lên đảo Trường Sa. Ngư dân trên các tàu, thuyền ra đánh bắt cá ở vùng biển này khi ghé qua đảo nhất định sẽ đến thăm Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đảo. Không ở đâu như ở Trường Sa, hình ảnh Bác Hồ thật gần gũi và ấm áp đến diệu kỳ. Hình ảnh và những lời dạy của Người có ở khắp nơi: Từ tượng đồng lớn được đặt uy nghiêm tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo, trong các hội trường, phòng họp, nhà khách… cho đến những tấm hình Bác hiền hòa, rất đỗi gần gũi trong gia đình mỗi hộ dân. Nghĩ về Bác, mỗi cán bộ, chiến sĩ, người dân như được tiếp thêm niềm tin, dũng khí, vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh, chung sức chung lòng dựng xây non sông gấm vóc.
Trong nhiều năm qua, quân dân thị trấn Trường Sa luôn phát huy truyền thống, thành tích của đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đoàn kết thống nhất, chủ động, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Cùng với đó, đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sỹ Hải quân”, góp phần xây dựng đảo “Mạnh về phòng thủ, tốt về nếp sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân”, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Nguyễn Khánh - Thu Hà