Cách đây tròn 35 năm, ngày 14/3/1988, tại vùng biển đảo Gạc Ma thuộc Quần đảo Trường Sa, 64 cán bộ, chiến sỹ lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tinh thần chiến đấu, cùng sự hy sinh dũng cảm quên mình vì đất nước của những người lính Hải quân Nhân dân Việt Nam Anh hùng mãi là dấu son trong lịch sử dân tộc mà thế hệ trẻ hôm nay và mai sau luôn tự hào, khắc ghi, tri ân, đồng lòng tiếp nối.
35 năm qua, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam cùng người thân, bạn bè và các tầng lớp nhân dân luôn nhắc nhớ, khắc ghi, tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma. Năm 2017, Khu tưởng niệm “Những người nằm lại phía chân trời” nhằm ghi nhớ, tri ân sự hy sinh anh dũng của 64 cán bộ, chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng trong trận chiến Gạc Ma đã được khánh thành tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Từ đó đến nay, địa chỉ văn hóa, lịch sử đặc biệt này đã đón hàng triệu lượt đại biểu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, học sinh, sinh viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân đến thăm viếng, tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sỹ.
Cũng trong nhiều năm qua, những con tàu chở các đoàn đại biểu cán bộ, nhân dân khắp mọi miền đất nước ra thăm vùng biển đảo tiền tiêu Trường Sa khi đi qua địa danh Gạc Ma đều thành kính thực hiện nghi thức thả hoa tưởng niệm những anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống trong trận chiến ngày 14/3/1988. Và một điều đặc biệt xúc động nữa là nhiều thân nhân con, cháu, họ mạc, đồng hương… của những liệt sỹ hy sinh trong cuộc chiến Gạc Ma, xuất phát từ niềm tự hào đã tình nguyện tiếp bước cha, anh, trở thành cán bộ, chiến sỹ tham gia lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam ngày đêm bám trụ công tác, chiến đấu nơi vùng biển đảo tiền tiêu, góp sức, chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong số 64 liệt sỹ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma tháng 3/1988, có một liệt sĩ quê hương Hà Nam - Liệt sỹ Trần Văn Bảy (thôn Phương Thượng, Xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng). Gia đình Liệt sỹ Trần Văn Bảy là một gia đình giàu truyền thống cách mạng, có nhiều đóng góp, cống hiến cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bố Liệt sỹ Trần Văn bảy là bộ đội kháng chiến chống Pháp; hai anh trai thứ nhất và thứ hai là liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; anh trai thứ tư là thương binh trong cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền biên giới phía Bắc. Năm 1985, trong lúc người anh trai thứ tư đang là bộ đội tham gia chiến đấu ở mặt trận biên giới phía Bắc thì Trần Văn Bảy đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ và nhận nhiệm vụ công tác, chiến đấu tại vùng biển đảo Trường Sa. Cuối năm 1987, sau ba cái Tết xa nhà, chiến sỹ hải quân Trần Văn Bảy cùng con tàu của đơn vị từ Vùng 4 Hải quân ra cảng Hải Phòng tiếp nhận hàng chuẩn bị cho chuyến công tác tiếp theo tại Trường Sa. Khoảng thời gian ngắn ngủi hiếm hoi lưu lại cảng Hải Phòng, Trần Văn Bảy may mắn được gặp người anh trai thứ ba và anh trai thứ tư- thương binh. Thời gian cho ba anh em bên nhau tâm sự không nhiều, chiến sỹ trẻ Trần Văn Bảy dành trọn đêm tâm tình về cuộc sống lao động, công tác và sẵn sàng chiến đấu trên vùng biển tiền tiêu của Tổ quốc.
Trong câu chuyện của mình, chiến sỹ hải quân trẻ tuổi Trần Văn Bảy luôn nhắc đến câu nói "Tàu là nhà, biển đảo là quê hương" như lời tự nhắc mình và đồng đội phải vững vàng vượt lên gian khổ, khó khăn, thiếu thốn, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc, nhân dân trao gửi. Trước khi chia tay, Trần Văn Bảy gửi hai người anh trai mang về nhà chiếc vỏ ốc biển Trường Sa cùng lời nhắn: “Mỗi lần nhớ em, cả nhà cứ úp tai vào con ốc này, nghe tiếng sóng biển ngân lên là coi như có em ở đó…”. Những người thân trong gia đình không ngờ đó là lần cuối cùng được gặp người con trai, người em trai út thân yêu của mình.
35 năm đã trôi qua, nhưng trong câu chuyện về ngày chiến sỹ hải quân Trần Văn Bảy hy sinh trên con tàu HQ604 trong trận hải chiến lịch sử bảo vệ chủ quyền đảo Gạc Ma, những người thân trong gia đình vẫn không khỏi nghẹn ngào khi nhắc đến bức thư cuối cùng mà anh gửi về thăm nhà. Bức thư viết từ Quân cảng Cam Ranh vào ngày 3/3/1988, trước khi tàu nhổ neo đi thực hiện nhiệm vụ ở vùng biển đảo Trường Sa. Vẫn tính cách hồn nhiên, vô tư của chàng thanh niên tuổi hai mươi đầy ước mơ, hoài bão, “Út Bảy” hỏi thăm từng người và không quên động viên bố mẹ, anh chị: “Ngày mai tàu con rời bến đi đảo. Nói đi đảo Trường Sa có lẽ bố mẹ lo, nhưng không có gì nguy hiểm cả…”. Không ai ngờ rằng, chỉ mấy ngày sau khi nhận thư, gia đình cũng đồng thời nghe tin dữ, Trần Văn Bảy cùng 63 chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Năm 2018, đúng tròn kỷ niệm 30 năm Liệt sỹ Trần Văn Bảy cùng 63 đồng đội hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, ngôi nhà tình nghĩa mang nặng tình cảm của đồng đội Quân chủng Hải quân, Hội truyền thống Cựu chiến binh Hải quân, Hội truyền thống Đoàn tàu không số tỉnh Hà Nam và nhiều tập thể, cá nhân xa gần… đã được dựng lên trên nền đất gia đình tại thôn Phương Thượng, Xã Lê Hồ (Kim Bảng). Ngôi nhà tình nghĩa ấy giờ đây là nơi thắp hương tưởng niệm người cha “Chiến sĩ Điện Biên”, người “Mẹ Việt Nam Anh hùng”, cùng ba anh em liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc; là nơi hội tụ, quây quần con cháu mỗi dịp lễ, Tết, để nhắc nhớ, lưu truyền bao câu chuyện xúc động, thấm đẫm niềm tự hào về truyền thống quê hương, truyền thống gia đình. Bức thư cùng tấm áo Hải quân Nhân dân, vài bức ảnh và con ốc biển Trường Sa mà chiến sỹ hải quân Trần Văn Bảy gửi về đã được gia đình trao tặng bảo tàng phục vụ công tác giáo dục truyền thống.
Nữ phóng viên Nguyễn Khánh Chi (Báo Hà Nam) là một trong những người có dịp đến công tác tại quần đảo Trường Sa năm 2018. Và trong chuyến công tác vô cùng đáng nhớ đó, chị đã cùng đoàn công tác đi qua vùng biển “Nghĩa trang đỏ Trường Sa”- khu vực biển giữa các bãi đá ngầm Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin thuộc Quần đảo Trường Sa. “Nghĩa trang đỏ Trường Sa” là vùng biển yên nghỉ của Liệt sỹ Trần Văn Bảy cùng 63 cán bộ, chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong trận chiến bảo vệ chủ quyền quốc gia tại đảo đá Gạc Ma ngày 14/3/1988. Và trong chuyến công tác ấy, Khánh Chi đã thực hiện một “nhiệm vụ đặc biệt”, đó là chuyển bức “tâm thư” của người anh trai - thương binh cho Liệt sỹ Trần Văn Bảy đang yên nghỉ tại “Nghĩa trang đỏ Trường Sa”. (Trước đó, khi biết có phóng viên của Báo Hà Nam tham gia đoàn công tác tới quần đảo Trường Sa, người anh trai của Liệt sỹ Trần Văn Bảy đã viết một bức thư và tha thiết nhờ Khánh Chi “gửi tới người em trai đã khuất của mình nơi đảo xa”). Hành trang cho chuyến công tác Trường Sa của phóng viên Khánh Chi vì thế có thêm bức thư trĩu nặng tâm tình: “Quê nhà, ngày 29/12/2018… Bảy, em yêu quý của anh! Đã 30 năm trôi qua… không lúc nào anh quên được em. Mong cho vong linh của em và các đồng đội linh thiêng, phù hộ cho các chiến sỹ đang vững chắc tay súng bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc… Mong em yên nghỉ”. Trong chuyến công tác đó, khi con tàu mang số hiệu Trường Sa 571 đi ngang qua đảo đá Gạc Ma, nữ phóng viên Nguyễn Khánh Chi và đồng nghiệp đã nghẹn ngào đọc những dòng tâm thư vô cùng đặc biệt ấy rồi thành kính thả bức thư xuống cánh sóng bên mạn tàu cùng vòng hoa của đoàn công tác…, để những tâm tình thiêng liêng, trữu nặng niềm nhớ thương, niềm tự hào, tri ân của gia đình, đồng đội, quê hương, đất nước hòa vào đại dương, nơi Liệt sỹ Trần Văn Bảy và các chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng đang yên nghỉ…
35 năm đã trôi qua, tấm gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của những người con Đất Việt yêu dấu nơi vùng biển tiền tiêu Gạc Ma đã trở thành tượng đài bất tử về tình yêu Tổ quốc, về ý chí kiên cường và tinh thần đấu tranh bất khuất vì chủ quyền quốc gia. Tinh thần chiến đấu cùng sự hy sinh cao đẹp của các anh đã trở thành cột mốc chủ quyền linh thiêng, bất khả xâm phạm, thể hiện ý chí mãnh liệt của một dân tộc, ghi dấu ấn đậm nét, không thể phai mờ trong tâm khảm thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.
Thế Vĩnh