Đối thoại Biển lần thứ 11 tại Hải Phòng thu hút hơn 150 đại biểu tham dự

Ngày 11/7, tại thành phố Hải Phòng diễn ra Đối thoại biển lần thứ 11 với chủ đề “Hoạt động vùng xám: Thúc đẩy hay cản trở trật tự trên biển”.

Chương trình do Học viện Ngoại giao phối hợp Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung tổ chức, có sự tham gia của hơn 150 đại biểu (trực tiếp và trực tuyến), trong đó gần 20 diễn giả là các chuyên gia uy tín từ 14 quốc gia trên thế giới.  

Hơn 150 đại biểu tham dự Đối thoại Biển lần thứ 11 tại Hải Phòng
Đối thoại biển lần thứ 11 có sự tham gia của hơn 150 đại biểu, chuyên gia trên thế giới.

 Theo các chuyên gia, “hoạt động vùng xám” hay “hoạt động phức hợp” không phải hiện tượng mới trong lịch sử thế giới, tuy nhiên vẫn chưa được nhận diện đầy đủ và đánh giá rõ ràng trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đây là hoạt động  kết hợp các phương tiện truyền thống và phi truyền thống, quân sự và phi quân sự trong một phạm vi nào đó (trên bộ, trên không hoặc trên biển…) nhằm đạt được mục đích, lợi thế cạnh tranh. Các hoạt động này có thể do các chủ thể khác nhau, thường được thực hiện bởi chủ thể phi Nhà nước nhưng có hậu thuẫn bởi Nhà nước…

Giáo sư Peter Layton, Viện Griffiths (Australia) cho biết: "Việc thực hiện các hoạt động vùng xám thường có sự phối hợp của nhiều chủ thể phi quân sự, các đơn vị khác nhau. Kết hợp các nhân tố này nghĩa là các hoạt động vùng xám được chỉ huy ở cấp độ chiến lược chứ không phải được thực hiện bởi những “tay mơ”. Đặc trưng của hoạt động vùng xám thường không sử dụng các công cụ quân sự mà sử dụng các phương tiện phi quân sự khác nhau, nhằm tránh những sự va chạm hoặc leo thang về mặt quân sự, giữ tình hình ở mức độ “nóng” dưới ngưỡng chiến tranh".

Đối thoại Biển lần thứ 11 gồm 4 phiên với các chủ đề: Hoạt động phức hợp từ lý thuyết tới thực tiễn; các khía cạnh phi quân sự của hoạt động phức hợp; công nghệ cao - Yếu tố kích hoạt chính của các hoạt động phức hợp; các khuyến nghị chính sách và pháp lý nhằm quản lý hoạt động phức hợp.

Hơn 150 đại biểu tham dự Đối thoại Biển lần thứ 11 tại Hải Phòng

Trong 4 phiên thảo luận của Đối thoại, các chuyên gia đã làm rõ khái niệm "hoạt động vùng xám", đề xuất các ý kiến nhằm quản lý tốt hơn các hoạt động phức hợp và ứng phó hiệu quả đối với các hoạt động vùng xám.
Theo các diễn giả, sự phát triển của công nghệ khiến các thách thức mang tính phức hợp và vùng xám trở nên rõ nét hơn. Bên cạnh đó, các "hoạt động vùng xám" không chỉ diễn ra trên thực địa mà còn diễn ra trên nhiều “mặt trận” khác như kinh tế (ví dụ các lệnh trừng phạt, cấm vận, kiểm soát xuất nhập khẩu…) hay thông tin - tuyên truyền (như hoạt động cố ý tuyên truyền các thông tin sai lệch). Các chuyên gia nhận định hiện nay các "hoạt động vùng xám," phức hợp đặt ra những thách thức pháp lý, tác động tới trật tự quốc tế hiện hành.

Đề đốc Debesh Lahiri, Giám đốc điều hành Tổ chức Hàng hải quốc gia Ấn Độ phân tích tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương dẫn chứng: "Ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Biển Đông, rõ ràng chúng ta thấy có nhiều nguy cơ của các hoạt động vùng xám, hoạt động hỗn hợp. Các vụ việc đâm va ở trên biển đã diễn ra hay các vấn đề không tuân thủ theo nguyên tắc xem xét thỏa đáng trong công ước UNCLOS của Liên Hợp Quốc… Nó không đơn thuần là những nguy cơ hỗn hợp đơn lẻ mà thực tế đã có những dấu hiệu của chiến tranh hỗn hợp. Tôi cho rằng, tình trạng sẽ nghiêm trọng nếu không có các biện pháp kịp thời từ các bên".

Trong các phiên thảo luận, các diễn giả cũng đưa ra những sáng kiến, đề xuất cho các quốc gia trong và ngoài khu vực nhằm quản lý tốt hơn các hoạt động phức hợp và ứng phó hiệu quả đối với các hoạt động vùng xám, trong đó nhấn mạnh sự phối hợp, hợp tác giữa các nước. Theo các diễn giả, các nước cần tăng cường phối hợp hành động giữa các cơ quan chức năng liên quan; nâng cao năng lực nhận biết các thách thức vùng xám, phân biệt các hoạt động phức hợp có mục tiêu hợp pháp và các hoạt động vùng xám với mục tiêu và dụng ý không hợp pháp. Bên cạnh đó, các quốc gia và tổ chức quốc tế cũng cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động phức hợp. Hợp tác quốc tế được coi là một trong những “chìa khóa” để các nước điều phối, phối hợp hành động, qua đó quản lý các hoạt động phức hợp hiệu quả hơn.

Thanh Nga/VOV

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy