Những lý tưởng của tất cả các tôn giáo trên thế giới đều hướng đến cái thiện. Giáo lý của các tôn giáo đều khuyên con người sống thiện với đồng loại và với cả thiên nhiên. Tuy nhiên, không phải lúc nào và ở nơi nào những điều đó cũng được thực hiện tốt. Nhiều thế lực đã lợi dụng tôn giáo và chính sách tự do tôn giáo để kích động gây rối và chống đối. Những âm mưu và hành động đó cần được loại trừ để bảo đảm an ninh trật tự xã hội và một đời sống tôn giáo, tín ngưỡng lành mạnh bình thường.
1. Lịch sử dân tộc ghi nhận đồng bào theo nhiều tôn giáo khác nhau đã đồng hành trong cuộc đấu tranh chung của cả dân tộc để giành lại độc lập và xây dựng đất nước, mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam và các chính sách, pháp luật của Nhà nước đều thể hiện rõ sự nhất quán trong nhận thức, hoạch định và thực hiện các chủ trương, chính sách đối với tôn giáo, coi việc giải quyết vấn đề tôn giáo là vấn đề lâu dài và luôn bảo đảm thực sự tự do tôn giáo, tín ngưỡng với bộ phận quần chúng có nhu cầu này.
Việt Nam là quốc gia có nhiều tín ngưỡng, tôn giáo cùng tồn tại. Dù đức tin, sự thờ phụng của đồng bào theo các tôn giáo khác nhau nhưng họ cùng có điểm tương đồng ở tinh thần dân tộc và truyền thống văn hóa lâu đời. Yếu tố dân tộc đã “định vị” ở mỗi con người trước khi người ta theo một tôn giáo nào đó - dù là Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo và các tôn giáo được hình thành trong nước như đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo… Với mỗi người Việt Nam, không phân biệt tôn giáo tín ngưỡng, khi Tổ quốc lâm nguy, tinh thần dân tộc quật cường lại được thổi bùng lên mạnh mẽ.
Trong cuộc cách mạng giành và giữ vững độc lập dân tộc, vấn đề tôn giáo đã được đặt trong vấn đề quốc gia - dân tộc. Đảng và Chính phủ luôn chủ trương đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo để kháng chiến - kiến quốc. Cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng đồng thời giành tự do cho nhân dân có đông đảo đồng bào theo các tôn giáo tham gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đất nước có độc lập thì tôn giáo mới tự do”. Đồng bào các tôn giáo đã “đồng hành cùng dân tộc”, tăng thêm sức mạnh cho khối đại đoàn kết toàn dân. Cuộc đấu tranh chung cũng gắn kết đồng bào các tôn giáo với cả dân tộc. Ngày 3-9-1945, khi chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ “nước Việt Nam mới”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị: “Thực dân phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: "Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết” . Quyền tự do tín ngưỡng của công dân Việt Nam cũng đã sớm được ghi trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, năm 1946 (Điều 10). Trong sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh, tại những văn bản có tính pháp lý cao nhất, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đều được khẳng định trang trọng. Gần đây trong văn bản pháp lý cao nhất - Hiến pháp (sửa đổi) năm 2013 lại nhấn mạnh: “Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (gồm 9 chương, 68 điều) thay cho Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo đã có từ năm 2004, đưa ra những quy định cụ thể trong những lĩnh vực của vấn đề tôn giáo ở Việt Nam.
Khi giải quyết các vấn đề tôn giáo, Đảng và Nhà nước Việt Nam coi trọng việc thể chế hóa trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, phù hợp với các Công ước và luật pháp quốc tế, phù hợp với thực tiễn của tôn giáo cũng như tôn trọng quan hệ của các tổ chức tôn giáo trong nước với các tổ chức tôn giáo thế giới. Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là: Tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân thực hiện quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng; coi trọng chính sách đoàn kết và hòa hợp giữa các tôn giáo, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Thế nhưng hiện nay, các thế lực phản động đang lợi dụng vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
2. Theo thống kê, hiện nay cả nước có 12 tôn giáo với 37 tổ chức tôn giáo hợp pháp, được nhà nước thừa nhận, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, với hơn 100.000 chức sắc và nhà tu hành, gần 26.000 cơ sở thờ tự và trên 30 triệu tín đồ. Các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng sự nhìn nhận phiến diện rằng “có sự đối lập giữa thế giới quan tôn giáo và thế giới quan cách mạng”, gieo rắc tâm lý bất mãn, từ đó cố tình tạo ra khoảng cách, cố tình tạo ra sự đối kháng giữa tôn giáo với đời sống hiện thực để kích động đồng bào theo tôn giáo phản đối chính quyền.
Thậm chí còn xuất hiện một số tổ chức được gọi là “tôn giáo”, có “tôn chỉ, mục đích” hoạt động đi ngược lại đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các cơ quan chức năng đã thống kê được, từ năm 1980 đến nay có khoảng 80 tà đạo xuất hiện dưới lớp áo “tôn giáo mới” với nhiều biến tướng: điển hình như đạo “Hà Mòn”, đạo “Tâm linh Hồ Chí Minh”, “đạo Long hoa Di lặc”, “Hội thánh đức chúa trời mẹ”, v.v. Những thứ gọi là “tôn giáo” đó là một mớ hỗn tạp, hình thành trên cơ sở “tiếp thu” giáo lý của nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, lắp ghép lộn xộn và thoát ly ảnh hưởng của tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống. Nhiều “tôn giáo” được tổ chức ra nhằm lôi kéo, tập hợp một bộ phận quần chúng nhẹ dạ cả tin để gây rối trật tự, an ninh xã hội như: Tà đạo “Vàng Chứ”, “Hội thánh đức chúa trời mẹ”... Nguy hiểm hơn, chúng còn lôi kéo, lập ra một số loại hình tôn giáo riêng cho người dân tộc thiểu số như: “Tin lành Đề ga” ở Tây Nguyên, Phật giáo “riêng của người Khơme”,… nhằm “tôn giáo hóa” vùng dân tộc thiểu số, tập hợp lực lượng, khống chế quần chúng, kích động biểu tình, phá rối an ninh, gây mất ổn định chính trị - xã hội, hình thành lực lượng đối trọng với chính quyền và cao hơn là gây mâu thuẫn, xung đột dân tộc, tôn giáo, gây bạo loạn tại các địa bàn chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, tiến tới phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kêu gào lật đổ chính quyền.
Các “chiêu thức” lợi dụng vấn đề tôn giáo tín ngưỡng để chống phá thường được sử dụng là tập hợp, liên kết lực lượng nhân việc xảy ra những vấn đề xã hội bức xúc như tranh chấp đất đai, sự cố môi trường, tình hình không ổn định ở Biển Đông, khuyết điểm của một số cán bộ v.v… để hô hào kích động đồng bào tôn giáo “phản đối”. Trong những cuộc “phản đối” đó sẽ sử dụng những phần tử quá khích gây ra các vụ lộn xộn, chống người thi hành công vụ, phá hoại tài sản, thậm chí gây bạo loạn tại địa phương. Khi các lực lượng chức năng trấn áp để lập lại trật tự, an toàn thì vấn đề lập tức được “bẻ lái” thành: Chính quyền dùng vũ lực đàn áp công giáo, gây hận thù (!), kêu gọi sự “ủng hộ” từ bên ngoài và đòi thay đổi chế độ. Lấy danh nghĩa tôn giáo, các thành phần đầu sỏ thành lập các tổ chức chính trị đối lập, âm mưu đối trọng với Đảng Cộng sản Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tách tôn giáo ra khỏi sự quản lý của Nhà nước, quốc tế hóa vấn đề tôn giáo để dễ bề can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
3. Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới đất nước, những thành tựu là cơ bản, song khó tránh khỏi những hạn chế, khiếm khuyết trong quản lý, điều hành xã hội, nhất là ở cơ sở. Đây là “khoảnh đất trống” mà các thế lực thù địch lợi dụng tổ chức lực lượng gây rối, chống phá, kích động quần chúng, dẫn đến chia rẽ, đồng thời tập hợp lực lượng thành những nhóm, những tổ chức chống đối, kích động những hoạt động theo phản xạ tự nhiên của quần chúng, chống lại chính sách tôn giáo của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, nhiệm vụ được đặt ra với cả hệ thống chính trị cùng với từng cá nhân là phải nhận rõ âm mưu và kiên quyết đấu tranh làm thất bại các âm mưu này. Bên cạnh đó, cần tăng cường và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, khắc phục tình trạng yếu kém, buông lỏng quản lý ở một số địa phương nhất là tuyến cơ sở xã, phường, đồng thời thực hiện tốt chính sách đoàn kết giữa đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo, giữa đồng bào theo các tôn giáo khác nhau trong khối đại đoàn kết dân tộc. Mỗi địa phương cần tập trung thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối an ninh trật tự, lợi dụng chống phá Nhà nước. Qua đó, phát huy các nguồn lực tín ngưỡng, tôn giáo, tạo sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp xây dựng và phát triển, bảo vệ đất nước.
Thiên Phương
Điện tử