Lao động làm việc bán thời gian, tham gia BHXH thế nào?

Bà Nguyễn Liên Hương (Hà Nội) làm việc theo hợp đồng dài hạn, nhưng chỉ làm 4 tiếng/ngày từ thứ 2 đến thứ 7. Mức lương tương ứng 1/2 mức lương tối thiểu cho công việc toàn thời gian là 1.900.000 đồng/tháng. Vậy bà phải tham gia BHXH như thế nào? Mức đóng bao nhiêu?

Người lao động làm việc không trọn thời gian được hưởng lương, các quyền và nghĩa vụ như người lao động làm việc trọn thời gian

Căn cứ Điều 2 Luật BHXH, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là người làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa đơn vị với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; người làm việc HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng (thực hiện từ ngày 1/1/2018).

Căn cứ Khoản 3, Điều 34 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định người lao động làm việc không trọn thời gian được hưởng lương, các quyền và nghĩa vụ như người lao động làm việc trọn thời gian, quyền bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Cũng theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, người lao động không làm việc hoặc không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Đối chiếu với các quy định trên, trường hợp của bà ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, làm việc đầy đủ ngày công trong tháng thì doanh nghiệp phải đăng ký tham gia BHXH bắt buộc với mức lương làm căn cứ đóng BHXH theo mức lương ghi trong hợp đồng.

Trường hợp làm việc không trọn thời gian, doanh nghiệp thực hiện tính tổng số giờ làm việc để tính ra mức lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN là trái với quy định của pháp luật.

Mức lương thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương được thực hiện theo Khoản 1, Điều 5 Nghị định 157/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 quy định về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm:

- Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất;

- Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định tại Khoản 2, Điều 5 Nghị định 157/2018/NĐ-CP.

Theo Chinhphu.vn

Trương Dũng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy