Các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... nếu không tạo mã QR địa điểm, dán mã QR, có thể bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng với cá nhân vi phạm, với tổ chức thì mức phạt gấp đôi.
Theo Văn bản số 2665/STTTT-CNTT của Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở dịch vụ... bắt buộc phải thực hiện tạo mã QR địa điểm tại địa chỉ https://qr.tokhaiyte.vn và kiểm soát người vào đơn vị bằng việc quét mã QR.
Còn với người dân, bắt buộc phải thực hiện việc quét mã QR khi vào các địa điểm công cộng, cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở dịch vụ... Trường hợp công dân không có điện thoại thông minh thì sử dụng Căn cước công dân hoặc Thẻ bảo hiểm y tế có mã QR để quét mã.
Việc triển khai nền tảng khai báo y tế điện tử, quản lý thông tin người ra vào bằng mã QR là những biện pháp nhằm ứng dụng công nghệ trong trạng thái bình thường mới. Khi có ca F0, các trường hợp liên quan sẽ được khoanh vùng chính xác, truy vết nhanh chóng, từ đó kịp thời ngăn chặn sự lây lan.
Trong những ngày qua, Sở TTTT đã phối hợp với lực lượng chức năng các quận, huyện thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện tạo và quét mã QR tại nhiều địa bàn trên thành phố. Kết quả kiểm tra cho thấy còn một số ít cơ sở kinh doanh chưa thực hiện nghiêm việc quét mã QR của người đến. Các cơ sở này đã bị nhắc nhở hoặc xử phạt theo quy định.
Vậy nếu các cá nhân hay cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở dịch vụ… không tạo mã QR địa điểm bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo Luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc không thực hiện việc tạo mã QR địa điểm, dán mã QR thì có thể bị xử phạt theo quy định tại khoản 2, điều 14, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế về hành vi "Không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, trừ các trường hợp quy định tại các điều 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 và 13 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP". Theo đó, mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm, còn đối với tổ chức thì mức phạt gấp đôi cá nhân.
Đối với hành vi của các cá nhân không tiến hành khai báo y tế, quét mã QR theo yêu cầu thì có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại khoản 3, Điều 7, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế về hành vi "che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng của bản thân hoặc của người khác mắc dịch bệnh Covid-19; Cố ý làm lây lan tác nhân gây dịch bệnh Covid-19", với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Trong trường hợp làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác, có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, với mức hình phạt có thể lên tới 10 năm tù, tùy hậu quả xảy ra.
Cách tạo mã QR cá nhân như thế nào?
Bạn tải app "Blue zone", "NCOVI" hay PC-Covid khai báo thông tin cá nhân theo yêu cầu của app. Sau khi khai báo xong, app sẽ cho bạn 1 QR code. Mỗi sáng hàng ngày bạn vào app khai báo tình hình sức khỏe, khi đi đến các địa điểm giao dịch trong ngày (địa điểm mua sắm, địa điểm giao dịch ngân hàng, công sở…) mở ứng dụng lên, nhấp vào "kiểm tra mã QR" và đưa màn hình camera quét lên QR code dán ở những địa điểm này là được.
Cách tạo mã QR địa điểm thế nào?
Thứ nhất, chủ địa điểm đăng ký để sử dụng được tính năng quét mã QR và quản lý được thông tin người ra vào.
Truy cập trang web https://qr.tokhaiyte.vn/ . Chọn mục "Đăng ký địa điểm" và nhập đầy đủ thông tin về địa điểm cần đăng ký:
- Tên địa điểm. Ví dụ: Quán phở ABC, Công ty CDS, Phòng khám đa khoa, Xe khách tuyến HN - HP 30A-043.23,..
- Thông tin về địa điểm: Tỉnh, Quận/Huyện, Xã
- Họ và tên người đăng ký. Ví dụ: Nguyễn Văn A
- Số điện thoại di động của người đăng ký, Ví dụ: 0912345678.
Sau khi đã điền đủ thông tin, chọn "Tiếp tục bước 2"
Điền mã OTP (là mã gồm 6 chữ số sẽ được gửi đến số điện thoại của người đăng ký) và chọn "Tiếp tục bước 3".
Chọn (1) "Tải xuống Mã QR của Địa điểm" để lưu hình ảnh mã QR về máy tính và in để dán ở lối ra vào, sau đó chọn (2) "Quản lý địa điểm" để chuyển sang bước 2.
Thứ hai, chủ địa điểm yêu cầu khách ra vào xuất trình mã QR của mình để quét, ghi nhận lượt vào ra.
Người kiểm soát địa điểm mở ứng dụng Bluezone, PC-Covid, Ncovi và chọn tính năng Kiểm tra mã QR
Chọn địa điểm kiểm soát (là nơi mà người kiểm soát đang đứng để tiến hành quét mã QR người ra vào)
Sau khi chọn địa điểm, người kiểm soát quét mã QR của người ra vào (có thể quét trực tiếp mã trên điện thoại, mã QR được in ra giấy, hoặc mã QR của thẻ Bảo hiểm y tế). Sau khi quét thành công, màn hình sẽ hiện ra thông tin của người ra vào (tên viết tắt) và tình trạng khai báo y tế.
Thứ ba, in mã QR được cung cấp, dán ở lối ra vào để khách sử dụng điện thoại thông minh quét mã khi đi qua.
PV