kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Doanh nghiệp phải áp dụng hóa đơn điện tử khi nào?

Doanh nghiệp phải áp dụng hóa đơn điện tử khi nào?

Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA), thời hiệu áp dụng hóa đơn điện tử đang là vấn đề doanh nghiệp quan tâm do Nghị định hướng dẫn và Luật sửa đổi chưa đồng nhất.

Người dân hỏi về thủ tục nộp thuế hóa đơn điện tử. Ảnh minh họa:  Cục Thuế Hà Nội. Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN.

Cụ thể, theo Nghị định 119 của Chính phủ, đến ngày 1/11/2020, các doanh nghiệp phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Quản lý thuế sửa đổi (có hiệu lực từ 1/7/2020), điều khoản về hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử được áp dụng từ ngày 1/7/2022. 

Vì vậy một số doanh nghiệp đang có ý chờ đợi đến 1/7/2022 mới áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT). Nghị định (NĐ) 119 có hiệu lực từ 1/11/2018, nhưng chưa thể thực hiện được do chưa có Thông tư (TT) hướng dẫn. Sau khi lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã chính thức ban hành TT 68 hướng dẫn chi tiết Nghị định119.  “Đây là vấn đề mới, phức tạp, liên quan đến cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của cơ quan thuế, cũng như của các doanh nghiệp nên khi lấy ý kiến cũng có nhiều phản hồi khác nhau”, bà Cúc nói.

Theo VTCA, trong quá trình soạn thảo, ban soạn thảo cũng đã tiếp thu nhiều ý kiến để phù hợp với  NĐ 119 cũng như điều kiện cụ thể của doanh nghiệp. Do đó, việc ban hành TT có chậm hơn so với các thông tư khác. Tuy nhiên, hiện TT cũng đã được ban hành chứ không phải chờ đến các văn bản hướng dẫn về HĐĐT, chứng từ điện tử của Luật Quản lý thuế sửa đổi. Cụ thể: TT 68/2019/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành có hiệu lực từ 14/11 năm nay hướng dẫn chi tiết Nghị định 119/2018/NĐ-CP với nhiều điểm mới người nộp thuế cần biết để triển khai thực hiện. Điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp không phải chờ đợi, nghe ngóng xem khi nào có thể áp dụng HĐĐT.

Bà Nguyễn Thị Cúc chia sẻ thêm: Khi lập HĐĐT thường xảy ra trường hợp  ngày lập hóa đơn khác với ngày người bán ký số, ký điện tử. Vì vậy, tại hội thảo lấy lý kiến do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vừa qua, không chỉ có doanh nghiệp mà cả các đơn vị cung cấp dịch vụ về HĐĐT cũng vướng mắc về vấn đề này. Theo hướng dẫn của TT 68,  thời điểm lập HĐĐT được xác định theo thời điểm người bán ký, ký  điện tử. Như vậy, vướng mắc về thời gian xuất HĐĐT đã được xử lý.

Tiếp đó, trong nội dung trên HĐĐT có các ký tự về số, đối với các hóa đơn của doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài lập; ví dụ như các dấu chấm, dấu phẩy… tại TT 68 đã hướng dẫn rất cụ thể, đó là mã ký hiệu ngoại tệ thì phải theo chuẩn mực quốc tế. 

Trong nội dung HĐĐT, đó là xác định đối tượng áp dụng HĐĐT thông thường và đối tượng áp dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế. TT 68 cũng hướng dẫn rất cụ thể trường hợp có rủi ro về thuế sẽ bắt buộc phải áp dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế. Mặt khác, TT cũng hướng dẫn như thế nào là rủi ro về thuế: Đó là doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu dưới 15 tỷ đồng, không chứng minh được quyền sở hữu tài sản hợp pháp (nhà máy, kho hàng, hầm mỏ…); doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khai thác tài nguyên; có giao dịch qua ngân hàng có những hành vi đáng ngờ (có dấu hiệu rửa tiền); bỏ địa chỉ kinh doanh… Đây là những tiêu chí rất cụ thể để xác định doanh nghiệp nào thuộc đối tượng rủi ro cao về thuế, từ đó cơ quan thuế thông báo cho doanh nghiệp sẽ phải sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế ngay từ đầu. Quy định này rất cụ thể, rõ ràng để các doanh nghiệp thực hiện, tránh những vướng mắc sau này.Một nội dung khác trong TT đã giúp tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, đó là trong trường hợp HĐĐT có sai sót như về địa chỉ, mặt hàng… nhưng không sai mã số thuế thì người bán trao đổi với người mua để sửa đổi nội dung ghi trên hóa đơn, đồng thời thông báo cho cơ quan thuế trên hệ thống, không phải lập lại hóa đơn điều chỉnh như quy định trước đây. Trường hợp ghi sai cả mã số thuế, thuế suất thì hai bên cùng trao đổi và thông báo với cơ quan thuế để hủy hóa đơn, lập lại hóa đơn mới… 

“Việc xử lý hóa đơn có sai sót đối với HĐĐT được hướng dẫn cụ thể hơn trước đây rất nhiều, điều này vừa cải cách giảm thiểu thủ tục hành chính, nhưng cũng đảm bảo được tính chính xác của hóa đơn”, lãnh đạo VTCA nói.

Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, ông Hoàng Văn Thuấn – Tổng Giám đốc EFY Việt Nam chia sẻ: Việc sử dụng HĐĐT khi bán hàng hóa dịch vụ giúp doanh nghiệp giảm thời gian và chi phí; đồng thời giúp công tác quản lý thuế của cơ quan thuế được tốt hơn. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng HĐĐT, doanh nghiệp cũng cần phải lưu ý một số vấn đề như: khi bán hàng hóa, người bán xuất HĐĐT cho khách hàng phải lập đầy đủ danh mục hàng hóa bán ra đảm bảo nguyên tắc thông tin chứa trong HĐĐT có thể truy cập, sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết theo quy định tại TT số 68 của Bộ Tài chính; người bán hàng không được lập HĐĐT không có danh mục hàng hóa mà lại kèm theo bảng kê hàng hóa bản giấy cho khách hàng.

"Thời điểm chuyển giao giữa các quy định mới và cũ, doanh nghiệp cần lựa chọn nhà cung cấp HĐĐT uy tín, nghiệp vụ phần mềm được nâng cấp chính xác, bộ phận tư vấn hỗ trợ chuyên nghiệp để kế toán doanh nghiệp tránh được những sai sót không đáng có", lãnh đạo EFY Việt Nam nói.

Theo baotintuc

Duy Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy