Vì một số lý do khác nhau mà nhờ người khác đứng tên Sổ đỏ hoặc đứng tên khi nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho mà không có ủy quyền. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết hết những rủi ro khi nhờ người khác đứng tên Sổ đỏ.
Trên đây là ý kiến của bạn Phùng Đức Tiến, địa chỉ tại quận Lê Chân, TP Hải Phòng cho biết về việc, do điều kiện khách quan, khi giao dịch mua bán căn nhà tại TP Hải Phòng anh Tiến có nhờ người bạn đứng tên sổ đỏ giúp. Tuy nhiên, liệu có những vướng mắc hay rủi ro khi gặp phải trong thực tế mà người nhờ giúp có thể phải đối diện hay không? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Lê Xuân Thảo, đoàn luật sư TP Hà Nội để có góc nhìn, phân tích, giải đáp.
Theo luật sư Lê Xuân Thảo, có trường hợp nhờ người khác đứng tên sổ đỏ dẫn đến mất trắng tài sản, có trường hợp lấy lại được đất nhưng tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức. Bởi, tại khoản 16, Điều 3 Luật đất đai 2013: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (thường được gọi là sổ đỏ) là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất. Như vậy, việc một người đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là căn cứ xác định người đó là chủ sở hữu đối với đất.
Cũng theo quy định tại Luật Đất đai 2013, người đứng tên trên sổ đỏ được hưởng các quyền lợi sau:
Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất.
Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp.
Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp.
Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình.
Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.
Được chuyển đổi, mua bán, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất…
Như vậy, trường hợp nhờ người khác đứng tên trên sổ tức là đang trao toàn quyền đối với bất động sản cho người đứng tên hộ, theo quy định của pháp luật hiện hành, nhờ người khác đứng tên trên sổ đỏ là hành vi trái pháp luật. Về mặt pháp lý, người được nhờ đứng tên trên Giấy chứng nhận được Nhà nước thừa nhận quyền sử dụng/sở hữu đối với nhà, đất, trong khi thực tế họ không phải là chủ sở hữu thực sự của nhà đất.
Do đó, dưới góc độ pháp lý, theo ý kiến của luật sư Lê Xuân Thảo, thì chủ sở hữu thực sự của căn nhà sẽ gặp một số rủi ro, bởi khi nhờ người khác đứng tên trên Giấy chứng nhận thì dữ liệu địa chính thể hiện người được nhờ đứng tên là người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất. Theo đó, sẽ có nhiều rủi ro pháp lý như sau: Nhờ người khác nhận chuyển nhượng mà không có ủy quyền, nhất là nhờ đứng tên khi sang tên thì rủi ro lớn nhất là người được nhờ nếu có ý định chiếm đoạt sẽ không chịu sang tên lại, trả lại tài sản, phủ nhận giao dịch nhờ đứng tên thì sẽ xảy ra tranh chấp; Khi Nhà nước thu hồi nếu đủ điều kiện được bồi thường thì người được nhờ đứng tên trên Giấy chứng nhận là người được bồi thường (được ghi tên trong quyết định bồi thường); Người được nhờ đứng tên có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất nếu đủ điều kiện; Người đứng tên trên Giấy chứng nhận chết thì nhà đất khi đó sẽ là di sản thừa kế. Nếu người thừa kế không thừa nhận hoặc không biết nguồn gốc nhà đất là do được “nhờ” đứng tên thì khi đó dễ xảy ra tranh chấp và điều đáng lo ngại nhất là việc người được nhờ đứng tên nếu có nghĩa vụ tài sản với người thứ ba mà quyền sử dụng đất, nhà ở bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ thì quyền, lợi ích của người nhờ đứng tên sẽ không được đảm bảo, thậm chí bị "mất trắng" nếu không có chứng cứ để chứng minh.
Do đó, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định pháp luật, trước khi nhờ người khác đứng tên sổ đỏ thì người chủ sở hữu thực sự cần tiến hành thỏa thuận với người được nhờ đứng tên hộ về việc chuyển quyền sử dụng đất (sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) từ người đó sang bạn. Nếu người đó đồng ý, hai bên có thể chuyển quyền sử dụng đất thông qua hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng tặng cho có công chứng, chứng thực và thực hiện sang tên tại Phòng tài nguyên môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất. Trong trường hợp không thể thỏa thuận với người đó để chuyển quyền sử dụng đất, bạn có thể khởi kiện lên tòa án để được giải quyết. Trong trường hợp này, chủ sở hữu cần chứng minh đầy đủ những văn bản, giấy tờ hợp pháp về thỏa thuận nhờ người đứng tên sổ đỏ và phải có người làm chứng. Nếu hai bên không có thỏa thuận bằng văn bản thì phải có các chứng cứ khác để chứng minh.
“Tòa sẽ căn cứ vào kết quả xác minh nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất, hiện trạng sử dụng đất, chứng cứ, tài liệu các bên đưa ra để quyết định ai là chủ nhân thực sự của bất động sản. Tuy nhiên, để bảo đảm những quyền lợi được pháp luật bảo hộ, tốt nhất không nên nhờ người khác đứng tên sổ đỏ.” – luật sư Lê Xuân Thảo cho biết thêm./.
ĐCS