Xây dựng thói quen tham gia giao thông an toàn cho trẻ em

Hình thành cho trẻ thói quen tham gia giao thông có văn hóa là yếu tố quan trọng xây dựng một xã hội giao thông văn minh, an toàn, lành mạnh.

“Văn hóa giao thông” với những hành vi căn bản như: chấp hành đèn tín hiệu giao thông; đi đúng phần đường, làn đường; quan sát khi chuyển hướng; nhường đường; đội mũ bảo hiểm… thì không có sự giáo dục nào với trẻ hiệu quả hơn bằng những hành vi đúng đắn của người lớn. Tiếc rằng hiện nay có những bậc phụ huynh thường xuyên lặp đi lặp lại các lỗi cơ bản khi tham gia giao thông trước mặt trẻ.

Hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn trên mô hình cho học sinh Trường THCS Văn Xá, xã Văn Xá (Kim Bảng).

Muốn trẻ đợi đèn xanh mới sang đường nhưng bố mẹ lại băng qua khi đang đèn đỏ. Hay khi đèn vàng vừa bật lên, thay vì kiên nhẫn đợi thêm vài giây nhiều phụ huynh đã chọn cách nhấn ga cho xe chạy nhanh hơn để kịp sang bên kia đường trước khi đèn chuyển sang màu đỏ. Thậm chí, trong lúc bực dọc vì va quệt xe, người lớn “quên” mất con trẻ đang ngồi trên xe đã dùng những lời nói thiếu văn hóa để “ăn thua” với “đối phương”; hoặc vừa điều khiển xe vừa nghe điện thoại, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng… 

Thực tế, đã không ít lần người đi đường thót tim khi bắt gặp hình ảnh những ông bố bà mẹ một tay lái xe, một tay ôm con nhỏ điều khiển xe trên đường; nhiều bà mẹ còn vô tư cho trẻ đứng nghịch trên xe khi xe đang chạy tốc độ cao… Trong khi đó, trẻ em lại thiếu kỹ năng tham gia giao thông an toàn, thiếu kỹ năng xử lý tình huống, nguy cơ tai nạn giao thông có thể xảy ra bất kỳ khi nào.

 Điểm K, khoản 3, Điều 6 Nghị định 100 của Chính phủ quy định, trẻ em từ 6 tuổi phải đội mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông. Thế nhưng rất ít phụ huynh thực hiện điều này. Có bậc phụ huynh vô tư chở 3, 4 trẻ trên xe nhưng không hề đội MBH cho cả người điều khiển và người ngồi sau. Hoặc dạy trẻ phải đội MBH khi đi xe máy nhưng người chở chúng lại không đội mũ. Tình trạng này diễn ra ở hầu hết trên các tuyến đường, nhất là trước cổng trường học. 

Dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở nhưng vẫn có không ít phụ huynh đậu xe dưới lòng đường chờ con tan trường, không đội MBH cho trẻ, chở nhiều trẻ cùng lúc, cho trẻ ngồi trên xe gắn máy với tư thế không an toàn. Đây không chỉ là sự vô tâm, thiếu trách nhiệm, thậm chí có thể nói là sự vô cảm của người lớn trước hiểm nguy TNGT đang rình rập, đe dọa tính mạng với chính mình cũng như với thế hệ tương lai của gia đình, đất nước. Do đó, không ít những đứa trẻ vô tội đã trở thành nạn nhân của những vụ TNGT bởi sự vô tâm, chủ quan của người lớn.

Em Nguyễn Văn Quân, học sinh lớp 12, Trường THPT A Phủ Lý cho biết: Em cũng không ít lần thấy người lớn đi sai luật, không đội MBH, vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông. Cũng chính vì vậy mà nhiều bạn học sinh cho rằng việc đi hàng ba, hàng bốn dưới lòng đường, không MBH… là bình thường.

Qua tìm hiểu việc bảo đảm ATGT trẻ em, học sinh khi tham gia giao thông ở một số trường tiểu học cho thấy bên cạnh một số phụ huynh, học sinh chấp hành nghiêm quy định pháp luật khi tham gia giao thông thì vẫn còn phần nhiều phụ huynh xem nhẹ vấn đề này (không đội MBH cho trẻ, đậu, đỗ xe lấn chiếm lòng đường…). Mặc dù, suốt thời gian qua đã có nhiều biện pháp, chương trình phối hợp giữa ngành giáo dục với ngành công an được triển khai nhằm giảm tải áp lực giao thông, lập lại trật tự tại khu vực trường học. 

Theo đó, vào đầu mỗi năm học, nhà trường đều phối hợp tổ chức buổi tuyên truyền pháp luật về ATGT cho học sinh; trao đổi, nhắc nhở phụ huynh học sinh đậu xe, đón con đúng nơi quy định, song việc này vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Đây là điều dễ hiểu, bởi lẽ, chúng ta chỉ mới dừng ở việc nhắc nhở chứ chưa có biện pháp quyết liệt, cứng rắn hơn. 

Theo ông Bùi Đức Tĩnh, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh: Việc bảo đảm ATGT trên địa bàn tỉnh nói chung, giảm số vụ TNGT liên quan đến trẻ em nói riêng là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi các cấp, ngành phải tiếp tục vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Để làm được việc này, các cấp, ngành, nhất là ngành giáo dục và cộng đồng xã hội cần chú trọng nâng cao hơn nữa việc giáo dục kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, chú trọng đổi mới phương thức giáo dục, tuyên truyền phù hợp với từng lứa tuổi. 

Ngành chức năng, đoàn thể, nhà trường cần tuyên truyền để các em thấy rõ những tình huống dẫn tới TNGT, nguy cơ, hiểm họa của TNGT đối với sức khỏe, tính mạng, qua đó giúp các em hiểu và tuân thủ tốt hơn quy định pháp luật về TTATGT. Cũng có thể tổ chức một số hoạt động tuyên truyền do các em làm chủ như thành lập nhóm tuyên truyền, câu lạc bộ tuyên truyền trong chi đội, chi đoàn, cụm dân cư để cung cấp những kiến thức thiết thực về ATGT. Thường xuyên tổ chức hình thức thi tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ, thi thực hành kỹ năng tham gia giao thông để giúp trẻ có thói quen tốt, tuân thủ pháp luật về ATGT ở mọi lúc, mọi nơi.

Và một thông điệp hết sức quan trọng, có yếu tố quyết định đến ý thức, thói quen của trẻ là người lớn phải luôn làm gương cho trẻ trong việc nâng cao ý thức tự giác chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật.

Lê Mai

Lê Mai

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy