Nâng cao ý thức phòng chống cháy, nổ khi trời nắng nóng

Khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, nhiệt độ miền Bắc và Hà Nam luôn duy trì ở mức cao, có ngày tới trên 40 độ C, làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố cháy, nổ.

Để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đồng thời phối hợp với các cấp, ngành tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) chủ động PCCC, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

Nâng cao ý thức phòng chống cháy nổ trong thời tiết nắng nóng
Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh kiểm tra thiết bị PCCC tại chợ Phủ, thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 2.469 cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC (trong đó có 1.280 cơ sở có nguy cơ cháy nổ); 6/8 khu công nghiệp, 13 cụm công nghiệp, đã đi vào hoạt động; trên 2 nghìn cơ sở SXKD nhỏ lẻ, nhà ở kết hợp SXKD, chủ yếu ở các lĩnh vực dệt, may mặc, gia công đồ gỗ, gia công sản phẩm nhựa, chợ, trung tâm thương mại tập trung ở thành phố Phủ Lý, trung tâm các huyện, thị xã, thị trấn, thị tứ, nơi đông dân cư. 

Thực tế trên cho thấy, nguy cơ cháy, nổ trên địa bàn tỉnh luôn tiềm ẩn, trong khi điều kiện hạ tầng phục vụ công tác PCCC gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, các ao lấy nước ở nông thôn ngày càng ít. Mô hình nhà ống cũng trở nên phổ biến do quỹ đất ngày càng hạn hẹp. Nhiều khu dân cư người dân tự dựng thêm các cột bê tông, khung kim loại để bảo vệ công trình giao thông... khi xảy ra cháy, nổ sẽ rất khó khăn cho việc cứu chữa. Tại phần lớn cột điện ở các tuyến phố, khu dân cư vẫn còn nhiều đường dây khác kéo chung với dây điện, tạo thành búi lớn, trong trường hợp có sự cố điện xảy ra dễ tạo thành đám cháy lớn và dễ cháy lan vào nhà dân, khu vực xung quanh. Cùng với đó, đời sống của nhân dân được cải thiện, việc sử dụng năng lượng điện, khí đốt ngày càng nhiều, làm tăng nguy cơ cháy nổ. Trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật về PCCC của một bộ phận người dân còn hạn chế.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, mùa hè năm nay cả nước nói chung, Hà Nam nói riêng sẽ còn đón nhiều đợt nắng nóng kéo dài. Nắng nóng trên diện rộng ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt, SXKD của người dân, đồng thời khiến nguy cơ cháy, nổ tăng cao. Chỉ cần một nguồn nhiệt nhỏ như tàn thuốc, tàn hương hay tia lửa điện cũng có thể tạo thành đám cháy lớn. Đặc biệt, vào thời điểm nắng nóng từ cuối tháng 5 trở lại đây, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, liên tục xảy ra các sự cố liên quan đến điện. Rất may nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và PCCC tại chỗ nên chưa phát sinh cháy lớn, các vụ việc được xử lý ngay tại chỗ, không gây ra hậu quả nghiêm trọng. 

Phân tích về nguy cơ cháy, nổ cao trong mùa nắng nóng, Trung tá Phạm Văn Chính, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an tỉnh cho biết: Nắng nóng kéo dài, thời tiết oi bức, nhiệt độ môi trường ở mức cao, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện của người dân để làm mát, làm lạnh, phục vụ sinh hoạt, SXKD tăng đột biến, trong khi chất lượng dây dẫn điện không bảo đảm, thiết bị điện thường hoạt động quá công suất, dễ gây quá tải lưới điện, chập cháy thiết bị. Chính vì vậy, các cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình tránh sử dụng đồng thời nhiều thiết bị tiêu thụ điện trong giờ cao điểm. Không sử dụng cùng một lúc nhiều thiết bị tiêu thụ điện trên cùng một ổ cắm. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, dây điện, đường điện, tủ điện (nhất là cơ sở SXKD), nếu kiểm tra phát hiện vấn đề hỏng, chập điện cần phải thay thế kịp thời. Việc thay thế phải tiến hành thường xuyên hoặc định kỳ, đặc biệt là sau một thời gian không sử dụng. 

Để chủ động phòng ngừa cháy, nổ trong đợt nắng nóng, những ngày qua, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH đã phối hợp với công an các huyện, thành phố, thị xã, đơn vị nghiệp vụ tổ chức kiểm tra an toàn PCCC và diễn tập phương án chữa cháy ở những cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy nổ cao, như: cửa hàng xăng dầu, chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, cơ sở SXKD dệt may, kho chứa lớn, quán karaoke, nhà liền kề, nơi tổ chức lễ hội tập trung đông người… Tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC &CNCH cho 2.437 đội viên tại 85 cơ sở. Phối hợp với UBND các cấp, ban quản lý các chợ, khu công nghiệp tổ chức ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC với 45 cơ sở. Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH cũng đã tổ chức kiểm tra việc chấp hành quy định PCCC đối với 558 lượt cơ sở; hướng dẫn khắc phục 1.140 tồn tại, thiếu sót, bảo đảm an toàn PCCC. Qua đó, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 37 trường hợp với số tiền 295 triệu đồng. Trong đó, hầu hết các hành vi vi phạm đều do người đứng đầu cơ sở không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác PCCC theo quy định của pháp luật; nhiều cơ sở thuộc diện bắt buộc tham gia bảo hiểm cháy nổ nhưng chưa tham gia; trang bị phương tiện PCCC không đầy đủ, để hàng hóa, đồ dùng che chắn lối thoát nạn, thoát hiểm… Cùng với công tác kiểm tra, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH còn tham mưu với Giám đốc Công an tỉnh phê duyệt 36 phương án chữa cháy và CNCH; hằng tuần hướng dẫn các đơn vị cơ sở tổ chức lực lượng thường trực, chuẩn bị sẵn sàng phương án huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy, CNCH, nhằm kịp thời tham gia chữa cháy có hiệu quả khi xảy ra tình huống. Nhờ các giải pháp tích cực, trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ cháy (giảm 4 vụ so với cùng kỳ năm 2019).

Để chủ động phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH duy trì trực sẵn sàng chiến đấu 24/24h. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện xử lý tình huống cháy, nổ xảy ra ngay từ giai đoạn ban đầu, không để cháy lan, cháy lớn. Đồng thời, tham mưu với lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về phòng chống cháy, nổ cho người dân, doanh nghiệp theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ); khuyến cáo các gia đình không nên sử dụng nhiều thiết bị điện trong cùng một thời điểm, không dùng nhiều dụng cụ tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn, không dùng dây dẫn có tiết diện nhỏ cho các thiết bị điện có công suất lớn; không bố trí hàng hóa, vật liệu dễ cháy, nổ gần khu vực bếp đun; hàng hóa, vật dụng sinh hoạt phải sắp xếp gọn gàng, không cản trở lối thoát nạn khi xảy ra cháy; mỗi hộ kinh doanh, buôn bán tại nhà chỉ nên để số lượng hàng hóa đủ bán trong ngày, không bố trí kho chứa hàng hóa trong nhà ở.

Đối với các chợ, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, cơ sở SXKD cần chủ động trang bị đầy đủ phương tiện PCCC, tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở nhân viên, khách hàng chấp hành nghiêm quy định về an toàn PCCC. Tiếp tục củng cố lực lượng PCCC tại chỗ, thường xuyên kiểm tra an toàn PCCC đối với hệ thống điện, dụng cụ, phương tiện chữa cháy; bảo đảm đường, lối thoát hiểm để thoát ra khu vực an toàn khi có sự cố cháy, nổ. Tiếp tục đề xuất thành lập hai đội chữa cháy và chức năng cứu hộ ở địa bàn trung tâm huyện Bình Lục, Lý Nhân nhằm ứng cứu kịp thời khi có sự cố cháy, nổ.

Lê Mai

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy