Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của quần chúng nhân dân trong thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ)”, thời gian qua, mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp trong tỉnh thường xuyên phối hợp với các đoàn thể, lực lượng công an đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân tham gia giữ gìn, bảo đảm an ninh trật tự (ANTT); tích cực triển khai xây dựng những mô hình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội (TNXH), góp phần vào công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, TNXH ngay tại địa bàn cơ sở.

Xã Ngọc Lũ (Bình Lục) nhiều năm qua được coi là địa bàn phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma túy. Theo thống kê của Công an xã Ngọc Lũ, năm 2022, trên địa bàn có 27 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, 12 người sử dụng trái phép chất ma túy. Nguồn cung cấp ma túy chủ yếu là do một số đối tượng người địa phương móc nối với các đối tượng ở địa bàn giáp ranh mua về bán cho những đối tượng nghiện hoặc bán cho đối tượng ở địa phương khác. Loại ma túy xuất hiện trên địa bàn chủ yếu là heroin, ma túy đá, ma túy dạng kẹo, ke, thuốc lắc… Năm 2022, lực lượng Công an xã Ngọc Lũ đã phối hợp với các phòng, đội nghiệp vụ của Công an tỉnh, Công an huyện điều tra, khám phá 9 vụ, bắt 12 đối tượng liên quan đến tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy.

Từ thực tế trên, để giải quyết tận gốc tội phạm và tệ nạn ma túy, từ năm 2018, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ xã Ngọc Lũ phối hợp với Công an xã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai xây dựng mô hình “Dòng họ không có tội phạm, tệ nạn ma túy”; năm 2022 triển khai mô hình điểm “Ba không với ma túy” (không sử dụng trái phép chất ma túy; không chứa chấp, bao che cho các hoạt động phạm tội và tệ nạn ma túy; không tham gia mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy). Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức ký cam kết tới 68 dòng họ và 100% hộ dân trên địa bàn, MTTQ xã Ngọc Lũ và các đoàn thể thường xuyên phối hợp với lực lượng Công an xã kiểm tra, nhắc nhở từng hộ dân về tăng cường công tác quản lý, giáo dục con em tránh xa tệ nạn ma túy. Với những đối tượng nghiện ma túy, MTTQ xã giao chỉ tiêu cụ thể cho các đơn vị thành viên nhận, giáo dục, giúp đỡ để các đối tượng tránh xa ma túy.

Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở
Đại diện MTTQ và các tổ chức đoàn thể và lực lượng Công an xã Ngọc Lũ (Bình Lục) ký cam kết thực hiện mô hình 3 không với ma túy.

Ông Phạm Bá Chiến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Ngọc Lũ cho biết: Sau khi triển khai xây dựng các mô hình, với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của MTTQ và các tổ chức thành viên, tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn đã được kiềm chế, không phát sinh người nghiện mới. Công tác đấu tranh, triệt xóa các tụ điểm, điểm phức tạp về ma túy cũng được triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, củng cố niềm tin và giúp nhân dân yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Cũng như xã Ngọc Lũ, thời gian gần đây trên địa bàn xã Công Lý (Lý Nhân) cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về ANTT, trong đó nổi nên là tình hình tội phạm hoạt động theo kiểu “tín dụng đen”. Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ xã Công Lý phối hợp với Công an xã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai xây dựng mô hình “Xã không có hoạt động tín dụng đen”.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Công Lý cho biết: Tội phạm hoạt động theo kiểu “tín dụng đen” đang len lỏi ở nhiều vùng quê, trong đó có xã Công Lý, dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định về ANTT. Phát huy hiệu quả từ các mô hình “Camera an ninh”, “Xứ, họ đạo bình yên”, MTTQ xã Công Lý tiếp tục triển khai mô hình “Xã không có hoạt động tín dụng đen” nhằm giúp người dân nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này.

Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở
Đại diện MTTQ, các tổ chức đoàn thể và lực lượng Công an xã Công Lý (Lý Nhân) ký cam kết thực hiện mô hình “Xã không có hoạt động tín dụng đen”. Ảnh: Quang Huy

Thực hiện chương trình phối hợp số 09 giữa Bộ Công an và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới, những năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Nam và Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch liên tịch thực hiện chương trình. Để thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và Công an tỉnh đã tổ chức tập huấn cho 754 cán bộ làm công tác mặt trận về kỹ năng nâng cao nghiệp vụ công tác phòng, chống tội phạm, TNXH. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo MTTQ các cấp triển khai có hiệu quả nội dung bảo đảm ANTT gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh”; chú trọng xây dựng những mô hình điểm, phát huy tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, phát huy vai trò của ban công tác mặt trận khu dân cư, cá nhân tiêu biểu, người có uy tín. Cùng với đó, phối hợp làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở; phát huy dân chủ, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Kết quả, từ năm 2020 đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã xây dựng được 518 tổ an ninh tự quản, 687 tổ hòa giải, 102 tổ tự quản về trật tự an toàn giao thông với gần 20 nghìn thành viên tham gia. Từ việc thành lập, duy trì hoạt động các mô hình, MTTQ và tổ chức thành viên đã cung cấp cho lực lượng chức năng 1.630 nguồn tin có giá trị, góp phần đấu tranh, triệt xóa 217 vụ phạm pháp hình sự và TNXH; quản lý, giáo dục, giúp đỡ 187 đối tượng lầm lỗi tại cộng đồng; bắt 86 đối tượng truy nã. Đồng thời, tổ chức hòa giải thành 1.216/2.018 vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; phối hợp thực hiện 912 cuộc giám sát chuyên đề, phát hiện, kiến nghị chính quyền xử lý trên 100 vụ việc theo thẩm quyền.

MTTQ các cấp trong tỉnh còn tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua việc thành lập hòm thư tại các xã, phường, thị trấn. Cùng với đó, tiếp nhận 187 đơn khiếu nại, tố cáo của công dân, chuyển 102 đơn đến ngành chức năng xem xét, giải quyết. Đặc biệt, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, thời gian qua, MTTQ và các tổ chức thành viên đã tiến hành thành lập 2.018 tổ chuyển đổi số cộng đồng, với trên 12 nghìn thành viên tham gia; phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn các đoàn thể thành lập hàng trăm tổ hỗ trợ cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử và kích hoạt tài khoản định danh điện tử ở cơ sở. Đến nay, tỉnh Hà Nam đứng thứ nhất toàn quốc về thực hiện cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp và đứng thứ hai toàn quốc về kích hoạt tài khoản định danh điện tử.

Một trong những hoạt động nổi bật của MTTQ  các cấp được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao là phối hợp tổ chức diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”. Theo đó, MTTQ các cấp trong tỉnh đã phối hợp tổ chức 506 diễn đàn, thu hút trên 12 nghìn lượt người tham gia. Thông qua điễn đàn đã giúp lực lượng công an phát huy kết quả tích cực, khắc phục những khuyết điểm, tồn tại để hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm ANTT tại cơ sở. Kết quả, đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 673/686 khu dân cư, 104/109 xã, phường, thị trấn, 285/292 cơ quan, 313/323 doanh nghiệp, 63/65 cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT”.

Từ những kết quả trên cho thấy, chương trình phối hợp giữa lực lượng công an với MTTQ các cấp đã và đang góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm, TNXH, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, xây dựng văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ vững ổn định ngay từ cơ sở, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Trần Ích

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy