Thời gian qua, hoạt động xét xử các vụ án hành chính của tòa án nhân dân (TAND) hai cấp trong tỉnh đã, đang thực hiện khá tốt, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng hoạt động hành chính của chính quyền địa phương, bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án hành chính vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc cần được kịp thời khắc phục, tháo gỡ.
Kể từ khi Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015 (có hiệu lực ngày 1/7/2016) có một số quy định mới, khắc phục những hạn chế trong giải quyết, xét xử án hành chính, từ đó bảo đảm trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết, từng bước nâng cao chất lượng xét xử án hành chính. Cụ thể, tại Điều 31, Điều 32, Luật TTHC quy định thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính của TAND cấp huyện và TAND cấp tỉnh có sự thay đổi. Theo đó, những khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, chủ tịch UBND cấp huyện do TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm (trước đây nội dung này do TAND cấp huyện giải quyết). Quy định này khắc phục được tình trạng nể nang của TAND cấp huyện trong việc phải tiến hành xét xử đối với những vụ án bên kiện là cơ quan hoặc người đứng đầu cơ quan hành pháp ở địa phương.
Bên cạnh đó, Khoản 3, Điều 69 Luật TTHC còn quy định trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của luật này. Đây là quy định hoàn toàn mới nhằm khắc phục những bất cập trong xét xử án hành chính. Vì trên thực tế, hầu hết người bị kiện là người đứng đầu trong cơ quan hành chính nhà nước thường ủy quyền cho cán bộ, công chức cấp dưới như thanh tra, văn phòng… Những người được ủy quyền này lại không có thẩm quyền xem xét, giải quyết những việc liên quan đến các quyết định hành chính bị kiện, khiến việc tổ chức đối thoại giữa các đương sự, việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ, tranh luận tại phiên tòa không hiệu quả, không bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Thi hành Luật mới, nếu chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh không tham gia phiên tòa chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình và cấp phó không được ủy quyền lại cho người khác. Song, người bị kiện (ủy quyền cho cấp phó) lại vắng mặt trong quá trình giải quyết sẽ không tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện quyền khiếu kiện, không bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước tòa án.
Năm 2023, TAND hai cấp trong tỉnh tiếp nhận 66 đơn khởi kiện vụ án hành chính; đã xem xét thụ lý, giải quyết 24/28 vụ án, các đơn còn lại không đủ điều kiện thụ lý là 38 đơn. Trong đó, TAND tỉnh giải quyết, xét xử 22/25 vụ (kết quả: bác yêu cầu khởi kiện 13 vụ, đình chỉ 08 vụ, chấp nhận 1 phần yêu cầu khởi kiện 01 vụ); TAND cấp huyện giải quyết, xét xử 02/3 vụ (kết quả: bác yêu cầu khởi kiện 01 vụ, chấp nhận 1 phần yêu cầu khởi kiện 01 vụ). Qua số liệu thực tế cho thấy, số lượng án hành chính vẫn có chiều hướng gia tăng. Phần lớn các khiếu kiện hành chính chủ yếu tập trung ở các địa bàn như: thành phố Phủ Lý, huyện Lý Nhân, huyện Kim Bảng… là những địa phương đang trong quá trình triển khai các công trình dự án trọng điểm; trong đó có nhiều vụ việc hết sức phức tạp, số lượng người tham gia khiếu kiện đông, gây khó khăn không chỉ cho các cơ quan tiến hành tố tụng và các cấp chính quyền địa phương.
Quá trình giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, TAND hai cấp trong tỉnh nhận diện, xác định rõ một số khó khăn, vướng mắc, đó là: Nhiều vụ án người bị kiện chưa chấp hành tốt các quy định của Luật TTHC dẫn đến kéo dài quá trình giải quyết án, như: không cung cấp các tài liệu chứng cứ đúng thời hạn (theo quy định của Luật TTHC, thời hạn cung cấp văn bản là 10 ngày); chưa thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ của người tham gia tố tụng như không tham gia phiên họp, đối thoại vì lý do công việc nên không thể tham gia tố tụng được, dẫn đến có vụ án người dân bất bình, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng giải quyết, xét xử, cũng như sự tôn nghiêm của phiên tòa. Quá trình giải quyết vụ án, toà án phát hiện một số quyết định hành chính của cơ quan hành chính có sai phạm và đã kịp thời trao đổi. Bởi, theo quy định tại Khoản 4, Điều 57, Luật TTHC, người bị kiện có quyền sửa đổi hoặc huỷ bỏ quyết định hành chính bị kiện nhưng cơ quan ban hành không chủ động sửa đổi hoặc hủy bỏ mà đề nghị toà án căn cứ theo quy định của pháp luật để giải quyết dẫn đến vụ án bị kéo dài, gây khó khăn cho công tác giải quyết của toà án, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng trong giải quyết án hành chính.
Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, TAND tỉnh đề ra một số giải pháp, đó là: Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, sai phạm trong lĩnh vực hành chính của cơ quan hành chính nhà nước; thực hiện đúng quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thu hồi đất, bảo đảm tính công khai dân chủ và quyền lợi của người dân nhằm hạn chế việc khiếu kiện, khiếu nại của nhân dân. Khi có khiếu nại của công dân thì cần quan tâm xem xét, giải quyết kịp thời, đúng trình tự thủ tục, đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân. Bên cạnh đó, người bị kiện phải tham gia đầy đủ các phiên họp đối thoại, phiên tòa; chủ động cung cấp tài liệu, chứng cứ đúng thời hạn quy định của Luật TTHC, bảo đảm việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, kịp thời. Nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân, đặc biệt là các quy định của pháp luật liên quan đến đất đai, chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng tái định cư để người dân hiểu rõ và tạo sự đồng thuận chung trong xã hội.
Nâng cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị đồng thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn định kỳ về chuyên môn nghiệp vụ nhất là trong giải quyết án hành chính cho đội ngũ thẩm phán, hội thẩm, thẩm tra viên, thư ký tòa án. Phối hợp tốt với TAND cấp cao tại Hà Nội trong việc giải quyết các đơn khiếu nại đối với thông báo trả lại đơn khởi kiện vụ án hành chính không có căn cứ pháp luật. Kiên trì tổ chức hòa giải, đối thoại thành, từ đó giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử, hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Trần Ích