Từ khi Luật Tố tụng hành chính (TTHC) chính thức có hiệu lực thi hành (tháng 7/2016), cùng với mở rộng thẩm quyền thì việc giải quyết các vụ án hành chính của ngành tòa án cũng đặt ra yêu cầu đòi hỏi cao hơn.
Theo số liệu thống kê từ năm 2017 đến nay, TAND hai cấp trong tỉnh đã giải quyết, xét xử sơ thẩm 26/58 vụ, phúc thẩm 4 vụ án hành chính, chủ yếu liên quan đến quyết định thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án phát triển kinh tế- xã hội.
Nguyên nhân dẫn đến án hành chính gia tăng là do thời gian gần đây các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh triển khai thu hồi đất xây dựng khu tái định cư, phục vụ một số dự án trọng điểm về phát triển kinh tế- xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người dân, dẫn đến số lượng đơn thư khiếu kiện phát sinh nhiều.
Cùng với đó, theo quy định Luật TTHC, thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính của TAND tỉnh, huyện có sự thay đổi. Cụ thể, những khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, chủ tịch UBND cấp huyện do TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm (trước đây do TAND cấp huyện giải quyết).
Quy định mới này khắc phục tình trạng nể nang của TAND cấp huyện trong giải quyết, xét xử những vụ án mà bên bị kiện là cơ quan, người đứng đầu cơ quan hành pháp ở địa phương.
Một phiên xét xử vụ án hành chính của Tòa án Nhân dân tỉnh.
Từ tính chất giải quyết vụ án hành chính cho thấy, quan hệ hành chính là quan hệ giữa một bên là chủ thể đại diện cơ quan quản lý nhà nước, một bên là công dân bị điều chỉnh bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính. Do đó, khi tham gia giải quyết án hành chính để công dân tin tưởng vào sự công tâm của ngành tòa án, đòi hỏi công chức tòa án phải thực sự "gần dân, hiểu dân, giúp dân" (điều này thể hiện trong phiên họp tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại của tòa án).
Để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi đó, TAND tỉnh thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhất là kỹ năng giải quyết án hành chính cho thẩm phán, thư ký. Bên cạnh đó, bản thân mỗi thẩm phán cũng cần chủ động nghiên cứu, nắm rõ những văn bản pháp luật liên quan đến từng lĩnh vực khiếu kiện để vận dụng có hiệu quả vào quá trình giải quyết, xét xử.
Ngoài bảo đảm nguyên tắc độc lập trong xét xử, thẩm phán còn phải chủ động phối hợp với các tòa chuyên trách, sở, ban, ngành đẩy nhanh tiến độ giải quyết án. Mở phiên đối thoại để người khởi kiện và người bị kiện gặp gỡ trao đổi đi đến thống nhất phương án giải quyết vụ án một cách tối ưu nhất, trong đó cần đặc biệt đề cao việc tự thoả thuận giữa các bên.
Thẩm phán được phân công giải quyết án cần tập trung nghiên cứu kỹ nội dung vụ án, nguyên nhân phát sinh tranh chấp, tâm tư, nguyện vọng của các bên, định hướng các vấn đề cần hòa giải… trước khi xét xử cũng như trong suốt quá trình xét xử và được thể hiện bằng quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự tại phiên tòa. Trong trường hợp nếu xét thấy quyền lợi của người dân đã được bảo đảm thì tích cực vận động, tuyên truyền pháp luật để người dân tự nguyện rút đơn, hạn chế khiếu kiện, khiếu nại đông người, vượt cấp.
Với những giải pháp thiết thực trên, đến nay về cơ bản các vụ án hành chính TAND hai cấp của tỉnh thụ lý, giải quyết đều được nâng lên về số lượng và chất lượng, bảo đảm đúng quy định của pháp luật cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Từ việc kiên trì tổ chức đối thoại, nhiều vụ án hành chính phức tạp được hòa giải thành công. Cơ quan hành chính chủ động khắc phục những sai sót, người khiếu kiện tự nguyện rút đơn, toà án đình chỉ giải quyết vụ án, góp phần quan trọng bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Để nâng cao hiệu quả xử lý, giải quyết vụ án hành chính, thời gian tới, TAND tỉnh tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, thẩm phán; bám sát cơ sở xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ giúp việc giải quyết, xét xử vụ án hành chính khách quan, đúng quy định; phối hợp tổ chức có hiệu quả hoạt động đối thoại trong giải quyết án hành chính, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, tự thỏa thuận, định đoạt của đương sự, tạo đồng thuận trong dư luận xã hội về bản án, quyết định của tòa án.
Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với viện kiểm sát nhân dân hai cấp, các ngành chức năng giải quyết nhanh chóng, kịp thời vụ án hành chính, không để tồn đọng, kéo dài.
Cùng với sự nỗ lực của ngành tòa án, chính quyền địa phương khi trực tiếp giải quyết các khiếu kiện của công dân cần nghiên cứu kỹ trình tự, thủ tục, đặc biệt là thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện, khiếu nại theo quy định của Luật TTHC. Bên cạnh đó, quá trình thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, các cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền cần thực hiện đúng quy định của pháp luật, công khai minh bạch về trình tự, thủ tục thu hồi đất, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, hạn chế khiếu nại, tố cáo vượt cấp.
Lê Mai
Lê Mai