Sáng 18/11, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh phối hợp với Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Tòa án Nhân dân Tối cao) tổ chức Hội thảo “Một số khó khăn, vướng mắc về xác định thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự theo Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS). Tham dự hội nghị có đại điện một số Vụ trực thuộc TAND Tối cao, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, TAND 2 cấp trên địa bàn tỉnh
Báo cáo đề dẫn hội thảo nêu rõ: Điều 34, BLTTDS 2015 quy định: “Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết”.
Thực tiễn những năm qua trong quá trình triển khai thực hiện, TAND 2 cấp tỉnh Hà Nam đã nhận, xem xét đơn khởi kiện và thụ lý nhiều vụ án tranh chấp về đất đai liên quan đến yêu cầu của đương sự hoặc Tòa án thấy cần thiết hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.
Tuy nhiên, quá trình hoạt động thụ lý, giải quyết xét xử các vụ án đã phát sinh những vướng mắc về xác định thẩm quyền giải quyết theo Điều 34 BLTTDS 2015, thậm chí một số vụ án TAND 2 cấp tỉnh Hà Nam xét xử xong bị Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp kháng nghị, có vụ án bị hủy, cải sửa theo trình tự phúc thẩm, Giám đốc thẩm.
Tại hội thảo các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ: Quyết định cá biệt là gì? thế nào là Quyết định cá biệt trái pháp luật? thẩm quyền thụ lý, giải quyết xét xử vụ án dân sự (các tranh chấp đất đai) theo quy định tại Điều 34 BLTTDS 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Tham luận của các đại biểu tại hội nghị nêu bật về một số khó khăn, vướng mắc, những bất cập trong việc giải quyết vụ án dân sự theo Điều 34 BLTTDS 2015 hiện nay, như: Thực trạng vướng mắc, bất cập khi áp dụng Điều 34 của BLTTDS 2015 về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp lần đầu, đăng ký biến động trong việc giải quyết các vụ án dân sự; trường hợp phải hủy quyết định cá biệt mới có thể giải quyết vụ án dân sự; Văn phòng đăng ký đất đai phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo bản án, quyết định Tòa án có hiệu lực pháp luật…. Đồng thời đề xuất các ý kiến, kiến nghị vừa mang tính khoa học, vừa mang tính thực tiễn gửi đến TAND Tối cao để có hướng dẫn cụ thể, bao quát nhằm thống nhất cách giải quyết vụ án dân sự theo Điều 34 BLTTDS 2015, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án, đảm bảo các quy định của pháp luật gắn liền với thực tiễn đời sống.
Tại hội nghị, đại diện các Vụ trực thuộc TAND Tối cao đã giải thích, làm rõ thêm một số văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Điều 34, BLTTDS 2015 quy định. Cùng với đó, tiếp thu toàn bộ ý kiến, kiến nghị của đại biểu để tập hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết./.
Trần Ích