Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở được xem như “cánh tay nối dài” của lực lượng công an nhân dân, có vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, giữ vững ổn định ANTT ngay từ địa bàn cơ sở. Tuy nhiên, hiện nay các quy định của pháp luật về hoạt động phối hợp giữa công an xã chính quy với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở vẫn còn nhiều điểm chồng chéo, chưa phù hợp và thiếu đồng bộ.
Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở bao gồm công an xã bán chuyên trách, lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 2.071 người thuộc các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Bao gồm: 522 đồng chí công an xã bán chuyên trách, 177 đồng chí bảo vệ dân phố, 1.372 đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Với tổ chức, lực lượng, biên chế như vậy, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đã cơ bản thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Trên thực tế, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là lực lượng có vị trí, chức năng quan trọng, là lực lượng nòng cốt trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, hạt nhân trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT, an toàn xã hội tại cơ sở, thường xuyên tiếp xúc gần gũi với người dân, có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân.
Theo thống kê của ngành chức năng, trong 5 năm (2016-2021), lực lượng này đã thường xuyên, kịp thời có mặt tại địa bàn cơ sở để nắm tình hình, phát hiện hàng trăm vụ việc liên quan đến ANTT, tham gia hòa giải 625 vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, không để phức tạp kéo dài, tạo thành điểm nóng về ANTT; thu thập, cung cấp hơn 2.500 nguồn tin có giá trị; phối hợp với lực lượng công an cơ sở thực hiện điều tra, khám phá, xử lý hơn 1.000 vụ việc liên quan đến ANTT; phát hiện, tham gia bắt giữ 167 đối tượng phạm tội quả tang; hỗ trợ đắc lực cho lực lượng công an chính quy trong công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội; phòng cháy chữa cháy; bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tổ chức quản lý, giáo dục, giúp đỡ và vận động quần chúng tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng…
Mặc dù có vai trò, vị trí quan trọng như vậy nhưng hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhất định.
Sau khi triển khai lực lượng công an chính quy về xã, việc bố trí lực lượng công an xã bán chuyên trách theo quy định ở một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn, do số lượng cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo quy định có giới hạn nhất định.
Mặt khác, việc phát huy vai trò của các lực lượng, tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ ANTT ở một số địa phương còn hình thức, hiệu quả chưa cao, chưa phát huy được tối đa ý thức trách nhiệm và năng lực của các tầng lớp nhân dân.
Cấp ủy, chính quyền cấp xã một số địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức tới công tác chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn, tổ chức hoạt động, chế độ, chính sách đối với lực lượng này, do đó chưa thu hút được những người trẻ, có năng lực tham gia công tác… và quan trọng nhất, việc thiếu một cơ sở pháp lý đủ mạnh, thống nhất, với những văn bản pháp luật liên quan đến ANTT ở cơ sở để quần chúng tham gia vào hoạt động này chưa được đầy đủ.
Từ thực tế trên đây, Chính phủ đã giao cho Bộ Công an chủ trì tham mưu phối hợp xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở để trình Quốc hội xem xét, ban hành. Đây là dự án luật có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng, củng cố các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT, phục vụ hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm ở cơ sở.
Cụ thể, luật sẽ thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng này gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý bình đẳng về địa vị pháp lý và xác định cụ thể vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quan hệ công tác, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng này với tính chất là lực lượng quần chúng tự nguyện, tự quản ở địa bàn cơ sở.
Việc ban hành luật tạo cơ sở pháp lý để quy định cụ thể về hoạt động của lực lượng công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ được tiếp tục tham gia bảo vệ ANTT ở địa bàn cơ sở. Cùng với đó, sắp xếp, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở theo hướng thống nhất, kiện toàn, tinh gọn đầu mối, góp phần quan trọng nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ANTT tại địa bàn cơ sở. Đồng thời, việc ban hành luật cũng góp phần xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực pháp lý cao quy định về bố trí lực lượng, hoạt động, nhiệm vụ của các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Có thể thấy, việc Chính phủ giao cho Bộ Công an chủ trì phối hợp tham mưu xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở để trình Quốc hội xem xét, ban hành là chủ trương, giải pháp quan trọng và hết sức cần thiết, phù hợp với thực tiễn khách quan của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội bền vững, giữ gìn cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
Nguyễn Khánh