Nhằm huy động sự tham gia, vào cuộc của quần chúng nhân dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội (TNXH) và các hành vi vi phạm khác, thời gian qua, lực lượng Công an từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai xây dựng và nhân rộng mô hình tự quản về an ninh trật tự (ANTT). Các mô hình đã và đang góp phần quan trọng bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.
Được thành lập từ năm 2012, mô hình “Dòng họ Nguyễn Hữu tự quản về ANTT” ở thôn Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa (Kim Bảng) hiện đang được duy trì và phát huy hiệu quả. Với 268 hộ, trên 1 nghìn nhân khẩu. Những năm qua, dòng họ Nguyễn Hữu ở thôn Lạc Nhuế luôn phát huy và xây dựng được nhiều phong trào thi đua trong lao động, sản xuất, nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho toàn dòng họ; đồng thời chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy ước, hương ước của địa phương. Đặc biệt, các thành viên trong dòng họ Nguyễn Hữu luôn nâng cao ý thức cảnh giác, phòng, chống tội phạm và TNXH, động viên con cháu tích cực học tập, sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Như Phong, quyền Trưởng dòng họ Nguyễn Hữu, thôn Lạc Nhuế cho biết: Trước đây, trên địa bàn xã xuất hiện một số TNXH, không ít thanh, thiếu niên tụ tập ăn chơi, lười lao động…, vì vậy sau khi có chủ trương của cấp ủy, chính quyền địa phương về xây dựng “Dòng họ tự quản về ANTT”, tôi đã chủ động họp bàn với các cụ cao niên, uy tín trong dòng họ và đại diện các hộ gia đình để đồng tâm nhất trí xây dựng mô hình. Suốt hơn 10 năm qua, các gia đình trong dòng họ đã phối hợp với lực lượng công an tuyên truyền, vận động các thành viên chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động bà con tích cực tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm. Đặc biệt, công tác cảm hóa người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư, giáo dục thanh, thiếu niên hư hỏng được dòng họ chú trọng. Nhờ thế mà nhiều con em trong dòng họ đã nhận rõ đúng, sai, chăm lo học tập tốt, thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng; nhiều vụ tranh chấp đất đai, khiếu kiện cũng được giải quyết ngay từ cơ sở. Ý thức chấp hành pháp luật của các thành viên trong dòng họ ngày càng được nâng lên. Nhiều năm liên tục dòng họ không có người vi phạm pháp luật, mắc các TNXH. Với thành tích đó, nhiều năm liền, dòng họ Nguyễn Hữu được lựa chọn báo cáo điển hình về xây dựng mô hình “Dòng họ tự quản về ANTT” và được các cấp biểu dương, khen thưởng.
Cũng như dòng họ Nguyễn Hữu, năm 2018, dòng họ Trần Văn, xã Ngọc Lũ (Bình Lục) triển khai xây dựng mô hình “Dòng họ không có tội phạm và tệ nạn ma túy”. Để mô hình đi vào hoạt động hiệu quả, thiết thực, hội đồng gia tộc dòng họ đã vận động các thành viên tự giác chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không tham gia mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy; tích cực phối hợp với chính quyền xã và cơ quan công an phát hiện, tố giác những trường hợp mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy. Hằng năm, vào dịp lễ, Tết, Thanh minh hoặc ngày giỗ cụ tổ dòng họ, con cháu trong dòng họ ở khắp mọi miền đều về họp đông đủ. Bên cạnh việc ôn lại truyền thống dòng họ, hội đồng gia tộc còn chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục các thành viên trong dòng họ về Luật Phòng chống ma túy; đề nghị ông bà, bố mẹ quản lý, giáo dục các thành viên trong các gia đình không mắc vào tệ nạn ma túy.
Với sự quyết tâm của những người đứng đầu dòng họ và sự đồng thuận của các thành viên trong họ, từ chỗ có 3 người mắc phải tệ nạn ma túy, đến nay dòng họ Trần Văn đã không có trường hợp nào mắc tệ nạn, vi phạm pháp luật về ma túy. Ông Trần Anh Ty, Trưởng Ban khánh thiết dòng họ Trần Văn cho biết: Để mô hình này đi vào thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực thì vai trò của mỗi thành viên trong dòng tộc có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bản thân ông bà, bố mẹ phải thực sự là tấm gương mẫu mực, thường xuyên khuyên bảo các thành viên trong gia đình tránh xa TNXH, trong đó có tệ nạn ma túy. Mặt khác, tích cực tham gia tố giác tội phạm, không tiếp tay, che giấu, dung túng với loại tội phạm này, góp phần cùng các dòng họ xây dựng địa bàn sạch về ma túy, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh đang xây dựng và duy trì có hiệu quả 12 mô hình tự quản về ANTT tại cơ sở. Trong đó, mô hình “Dòng họ tự quản về ANTT” được triển khai tại 28 xã, phường, thị trấn với 876 dòng họ tham gia; mô hình “Dòng họ không có tội phạm và tệ nạn ma túy” triển khai tại 16 xã, phường, thị trấn với 64 dòng họ tham gia… Các mô hình được triển khai thực hiện khá hiệu quả gắn với các tiêu chí cụ thể như: Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt quy định của địa phương và nội quy, quy ước của dòng họ; tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, không để người thân trong gia đình, dòng họ vi phạm pháp luật, mắc TNXH. Giai đoạn 2017-2022, các dòng họ đã phối hợp, tuyên truyền, vận động giải quyết dứt điểm 268 vụ việc phức tạp liên quan đến khiếu kiện. Đồng thời cung cấp cho lực lượng công an hàng trăm nguồn tin có giá trị, giúp cơ quan công an điều tra, khám phá làm rõ 114 vụ phạm pháp hình sự, bắt 182 vụ mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, 86 vụ đánh bạc; vận động, giao nộp 216 vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ các loại; giáo dục, giúp đỡ 84 người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, qua đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Có thể nói, hiệu quả hoạt động của các mô hình tự quản về ANTT ở cơ sở đã và đang tạo động lực thúc đẩy phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Qua đó, tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư; thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài và thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi địa phương.
Trần Ích