Thực hiện các chương trình giáo dục ở Trường THCS Trung Lương

Chuyên đề 05:58 27/04/2023 Thanh Hà
Thực hiện yêu cầu đổi mới giáo dục, những năm học qua, Trường THCS Trung Lương (Bình Lục) đã chủ động đổi mới việc dạy và học đối với các môn học và tổ chức các hoạt động giáo dục đáp ứng cả Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2006 và Chương trình GDPT 2018.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Căn cứ theo khung kế hoạch giáo dục hằng năm được nhà trường xây dựng và ban hành, các tổ chuyên môn và giáo viên theo nhóm môn đã tổ chức xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình của từng môn học, hoạt động giáo dục bảo đảm thời lượng quy định trong chương trình và bố trí dạy học trong mỗi học kì một cách hợp lý, khoa học. Đối với các môn học, hoạt động giáo dục bố trí thời gian dạy học linh hoạt phù hợp với điều kiện giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường; sắp xếp thời khóa biểu phù hợp cho cả năm học hoặc ít nhất cho từng học kì.

Với yêu cầu đổi mới của giáo dục, nhất là ở Chương trình GDPT 2018, đội ngũ của nhà trường đã tự thích ứng nhanh để phát triển về cả năng lực cũng như tư duy dạy học; tăng cường sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học. Đồng hành với đội ngũ, nhà trường duy trì và thực hiện tốt việc tổ chức các hội thảo, tọa đàm trao đổi về tổ chức thực hiện chương trình; đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình dạy học và điều chỉnh kịp thời kế hoạch dạy học phù hợp với thực tế, chủ động ứng phó với các tình huống dịch bệnh và các tình huống bất thường khác.

Đối với việc thực hiện các chương trình môn học, hiện nay, các lớp thuộc khối 6, khối 7 học theo Chương trình GDPT 2018. Được biết, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã chỉ đạo các giáo viên, tổ, nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục và nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện chương trình thông qua phân công chuyên môn, phân công nhiệm vụ và lịch công tác hằng tuần, hằng tháng và huy động tối đa cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động dạy học, hoạt động giáo dục. Trong đó, đặc biệt khuyến khích giáo viên chủ động khai thác nguồn học liệu, thí nghiệm ảo trên các trang mạng chính thống để phục vụ cho công tác soạn giảng, cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục. Do đó, việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 trong nhà trường đã được thực hiện đồng bộ ở tất cả các bộ môn, các nội dung giáo dục theo đúng quy định.

Là một giáo viên dạy môn Ngữ văn dày dặn kinh nghiệm, bên cạnh việc được tham gia một số lớp tập huấn về Chương trình GDPT 2018, cô giáo Đỗ Thị Tuyến còn dành khá nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu những điểm mới, sự thay đổi của chương trình môn học để chủ động về phương pháp giảng dạy của bản thân. Cô giáo Đỗ Thị Tuyến chia sẻ: Trong giai đoạn giáo dục cơ bản, nội dung cốt lõi của môn Ngữ văn là sự tổng hòa giữa các mạch kiến thức, kỹ năng cơ bản, thiết yếu về tiếng Việt và văn học với sự phù hợp các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực học sinh mỗi cấp học. Theo yêu cầu đổi mới môn học Ngữ văn, giáo viên bắt buộc phải có sự thích ứng nhanh với việc tự đổi mới. Trên nền chương trình, giáo viên vẫn là người cung cấp kiến thức nhưng đồng thời còn phải tổ chức tốt được các hoạt động giáo dục khác nhằm thu hút học sinh tham gia có chủ đích vào việc học, hạn chế sự áp đặt trong dạy và học.

Giáo viên Trường THCS Trung Lương luôn chủ động, tích cực tự học, tự nghiên cứu để thực hiện tốt các mục tiêu đổi mới giáo dục. Ảnh: Hà Trần

Đối với các lớp thực hiện Chương trình GDPT 2006, các nội dung dạy học và xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường vẫn được thực hiện theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh và có sự tăng cường bổ trợ các nội dung theo Chương trình GDPT 2018 để chuẩn bị cho học sinh lớp 9 học lên lớp 10 theo Chương trình GDPT 2018… Trên thực tế, việc dạy học theo chương trình giáo dục nào cũng luôn được nhà trường và đội ngũ giáo viên xác định coi đổi mới phương pháp dạy học là cốt lõi cho nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Việc đổi mới vì thế đã được giáo viên tiến hành thường xuyên, các giờ dạy học ít số giờ bị gò bó khô cứng bởi các câu hỏi kiểm tra bài cũ, thay vào đó là hoạt động khởi động sôi nổi, cuốn hút học sinh; hoạt động hình thành kiến thức được trao quyền làm chủ cho học sinh; hoạt động luyện tập, vận dụng được thực hiện linh hoạt, giúp giờ học bớt căng thẳng, nặng nề. Đồng thời, tăng cường khuyến khích học sinh tự học, tự nghiên cứu để tiếp nhận và vận dụng kiến thức; dành nhiều thời gian trên lớp để tổ chức cho học sinh báo cáo, thuyết trình, thảo luận, luyện tập, thực hành, bảo vệ kết quả tự học của mình. Các kế hoạch dạy học các bài học của giáo viên luôn bảo đảm các yêu cầu về phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học, thiết bị dạy học và học liệu, phương án kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học; thực hiện tốt tiến trình dạy học theo hướng mỗi bài học được xây dựng thành các hoạt động học với mục tiêu, nội dung, cách thức thực hiện và sản phẩm cụ thể để giao cho học sinh thực hiện.

Ngoài việc tổ chức đổi mới dạy học theo các chương trình GDPT, nhà trường cũng chú trọng đổi mới đồng thời các hoạt động giáo dục quan trọng như: giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; công tác giáo dục kỹ năng sống, xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; công tác tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông; công tác xã hội trong trường học; phát triển công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, sử dụng di sản trong dạy học một số môn học, hoạt động giáo dục… Điều đó góp phần không nhỏ vào việc giáo dục, bồi dưỡng học sinh phát triển toàn diện.

Kết quả thực hiện việc đánh giá học sinh hằng năm của nhà trường đã thể hiện rõ tính hiệu quả, chất lượng trong thực hiện đổi mới giáo dục trong nhà trường. Đánh giá xếp loại học lực, hạnh kiểm đối với học sinh lớp 8 và lớp 9 theo Chương trình GDPT 2006 đã có trên 66,3% học sinh đạt học lực khá, giỏi, trên 32% học sinh xếp loại học lực trung bình; có 100% học sinh đạt hạnh kiểm khá, tốt. Với học sinh khối 6, khối 7 theo Chương trình GDPT 2018 đã có gần 50% đạt kết quả học tập loại khá, tốt, trên 48% đạt các yêu cầu học tập; 100% học sinh xếp loại rèn luyện khá- tốt. Những kết quả này tạo đà để nhà trường tiếp tục phát triển mạng lưới và giữ vững quy mô trường, lớp; duy trì sĩ số trong cả năm học. Đồng thời, xây dựng trường chuẩn quốc gia, đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu đổi mới giáo dục.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yết kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni

Chính trị  |  18:24 23/11/2024

Chiều 23/11, tại Hoàng cung Campuchia ở Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã yết kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni.

Cần cơ chế huy động tối đa nguồn vốn hiệu quả để phát triển đất nước

Người đại biểu nhân dân  |  14:54 23/11/2024

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay là đất nước vẫn còn thiếu vốn cho phát triển. Vì vậy, cần có một cơ chế chính sách hợp lý để huy động tối đa nguồn vốn từ nhiều nguồn lực khác nhau để thúc đẩy phát triển đất nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ khai trương đường bay Hà Nội – Kuala Lumpur

Chính trị  |  12:33 23/11/2024

Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, sáng 23/11, ngay sau khi thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự khai trương đường bay mới kết nối Hà Nội và Kuala Lumpur của Vietjet nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, văn hóa và du lịch giữa Việt Nam – Malaysia, cũng như toàn Đông Nam Á.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC