Theo đó, việc thực hiện chuyển đổi số của huyện bảo đảm hoạt động phù hợp, được vận hành an toàn, dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, góp phần giải quyết hiệu quả phát triển và quản lý kinh tế - xã hội. UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) chuyển đổi số huyện nhằm thống nhất công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong triển khai chuyển đổi số; ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai công tác chuyển đổi số, như: Kế hoạch Cải cách hành chính năm 2022; Kế hoạch số 166/KH-UBND Phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng huyện Bình Lục năm 2022; Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, xác thực và định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 huyện Bình Lục; Kế hoạch 120/KH-UBND ngày 07/10/2020 về việc chuyển đổi số huyện Bình Lục đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; chỉ đạo thành lập tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn tại 17/17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện…
Bên cạnh đó, để nâng cao nhận thức về công tác chuyển đổi số cho thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND các xã, thị trấn, hằng năm huyện đã tổ chức các hội nghị chuyên đề công tác chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính, xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”. Cơ quan thường trực BCĐ thường xuyên kiểm tra, đánh giá, tổng hợp, hàng tháng thông báo kết quả của các cơ quan đơn vị, trên hệ thống quản lý văn bản và trên nhóm zalo. Công tác thông tin tuyên truyền về chuyển đổi số trên địa bàn huyện cũng được tăng cường thông qua việc xây dựng các chuyên mục về cải cách hành chính, chính quyền số, chuyển đổi số…, đẩy mạnh sử dụng các nền tảng xã hội nhóm zalo của các tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn, trong các cơ quan, đơn vị huyện để tuyên truyền.
Chỉ tính riêng trong năm 2022, việc thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn huyện đã đạt nhiều kết quả khả quan. Trong đó, đã sử dụng hiệu quả Hệ thống phần mềm Quản lý văn bản điều hành trong các cơ quan hành chính nhà nước từ huyện đến xã, tạo thành hệ thống liên thông trong việc gửi, nhận và xử lý văn bản điện tử trên địa bàn huyện; 100% công chức, viên chức sử dụng hòm thư điện tử công vụ của tỉnh để gửi nhận văn bản và trao đổi công việc. Trong năm, toàn huyện đã tiếp nhận 65.467 văn bản đến, ký số 4.523 văn bản, chuyển xử lý trên phần mềm đến các cơ quan, các xã, thị trấn; tỉ lệ sử dụng văn bản điện tử của UBND huyện đạt 99%, của UBND cấp xã đạt 90,06%. UBND huyện còn chỉ đạo tiến hành rà soát các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện và cấp xã; đề nghị tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đủ điều kiện lên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2022. Qua đó, đã giúp cải thiện đáng kể việc giải quyết các thủ tục hành chính. Trong số 327 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện và cấp xã đã có tới 312 dịch vụ công mức độ 3, 4. Số hồ sơ được tiếp nhận của các cơ quan thuộc UBND huyện và UBND các xã, thị trấn lên tới trên 18.500 hồ sơ, trong đó, tỉ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt gần 60%, tỉ lệ hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn đạt trên 99,7%.
Theo đánh giá của BCĐ chuyển đổi số huyện, đến nay, hạ tầng số trên địa bàn đã cơ bản đáp ứng tốt các yêu cầu thực hiện chuyển đổi số với 100% cán bộ, công chức thuộc UBND huyện và trên 90% công chức cấp xã được trang bị máy vi tính; toàn huyện có 451 máy vi tính các loại được kết nối Internet bằng đường truyền ADSL tốc độ cao, tạo điều kiện cho các máy trạm truy cập nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm. Các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tích cực khai thác, sử dụng các nền tảng số, như: Cổng dịch vụ Công quốc gia; Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh; Sàn thương mại điện tử Voso.vn; Sàn thương mại điện tử Postmart.vn; Thanh toán điện tử.
Đặc biệt, với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm trong các hoạt động chuyển đổi số, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông hướng dẫn, định hướng đưa hoạt động của người dân lên môi trường số bằng các nền tảng số, nhất là ứng dụng phục vụ liên lạc zalo. Hiện nay, 100% tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn xây dựng nhóm zalo, 100% các cơ quan, ban ngành của huyện, xã xây dựng nhóm zalo để điều hành và triển khai công việc; ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử… Đồng thời, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sử dụng thêm phương thức kinh doanh, bán hàng trên sàn thương mại điện tử nhằm quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm của địa phương; cung cấp danh sách các hộ sản xuất nông nghiệp để hỗ trợ, hướng dẫn đưa sản phẩm lên giao dịch trên các sàn thương mại điện tử; chỉ đạo đưa các sản phẩm nông nghiệp đặc sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Việc thực hiện chuyển đổi số của huyện được gắn với tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thông tin; bố trí cán bộ trực tiếp phụ trách an toàn thông tin; triển khai các giải pháp bảo đảm chống virus, mã độc hại cho máy tính; triển khai các giải pháp lưu nhật ký đối với các hệ thống thông tin quan trọng. Xây dựng các phương án, kế hoạch dự phòng, sao lưu dữ liệu, bảo đảm hoạt động liên tục của các hệ thống thông tin; sẵn sàng khôi phục hoạt động của hệ thống sau khi gặp sự cố mất an toàn thông tin mạng.
Trong thời gian tới, huyện Bình Lục tiếp tục tập trung tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho các đối tượng; tổ chức các lớp đào tạo cho lãnh đạo và cán bộ quản trị mạng của các cơ quan, đơn vị về chuyển đổi số và bảo đảm an toàn thông tin; tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ năng số cho cán bộ, công chức của các cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở lấy người dân làm trung tâm của hoạt động chuyển đổi số, huyện chủ trương ưu tiên đưa hoạt động của người dân lên môi trường số bằng các nền tảng số; tiếp tục xây dựng và phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu trọng điểm phục vụ cho các mục đích tra cứu, tìm kiếm và khai thác thông tin của người sử dụng trên môi trường mạng; nâng cấp một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được trang bị để đáp ứng nhu cầu công tác hiện nay. Đồng thời, quan tâm đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển kinh tế số, phát triển các ứng dụng, dịch vụ, như: ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ các cơ quan nhà nước; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp; cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; bảo đảm cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên mức độ 4.
Chiều 23/11, tại Hoàng cung Campuchia ở Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã yết kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay là đất nước vẫn còn thiếu vốn cho phát triển. Vì vậy, cần có một cơ chế chính sách hợp lý để huy động tối đa nguồn vốn từ nhiều nguồn lực khác nhau để thúc đẩy phát triển đất nước.
Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, sáng 23/11, ngay sau khi thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự khai trương đường bay mới kết nối Hà Nội và Kuala Lumpur của Vietjet nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, văn hóa và du lịch giữa Việt Nam – Malaysia, cũng như toàn Đông Nam Á.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.