Bài học về chăn nuôi lợn tự phát
Chỉ tay về phía chuồng trại chăn nuôi, ông Trần Khắc Hanh, ở thôn Hàn, xã Hưng Công (Bình Lục) xót xa nói: Các chú xem, đầu tư 200-300 triệu đồng nuôi được vài lứa lợn, giờ chuồng trại bỏ không, lại gánh một "cục nợ" lớn.
Ông Hanh cho biết: Đầu năm 2015, giá lợn hơi lên cao 50 - 55 nghìn đồng/kg, khi đó nhà nhà nuôi lợn, người người nuôi lợn. Thấy vậy, gia đình tôi cũng vay vốn hàng trăm triệu đồng mở rộng chuồng trại chăn nuôi với hy vọng sớm thoát khỏi cảnh khó khăn. Thời gian đầu gia đình tôi nuôi hơn 130 con lợn thịt/lứa, được 2-3 lứa, giá lợn hơi tụt giảm thảm hại, xuống còn 17 nghìn đồng/kg, cộng với liên tiếp xảy ra dịch bệnh, thế là phải đóng cửa chuồng trại, vốn liếng tích góp bao năm ra đi hết, còn "gánh" thêm khoản nợ ngân hàng gần 170 triệu đồng.
Cũng giống gia đình ông Hanh, các ông Trần Khắc Ân, Trần Khắc Dương, cùng ở thôn Hàn cũng rơi vào cảnh nợ nần khi vay vốn đầu tư nuôi lợn. Ông Trần Khắc Ân nợ ngân hàng gần 300 triệu đồng, ông Trần Khắc Dương nợ ngân hàng hơn 200 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Duy, Chủ tịch UBND xã Hưng Công cho biết: Đỉnh điểm cả xã có hàng trăm hộ nuôi lợn, trong đó có những hộ nuôi tới 400 - 500 con/lứa. Khi giá lợn hơi xuống thấp, cộng với dịch tả lợn châu Phi bùng phát, phần lớn các hộ dân trong xã phải bỏ trống chuồng trại. Khổ nhất là những hộ mới đầu tư nuôi được vài lứa, lời lãi chưa thấy đâu, khi dịch bệnh xảy ra vốn liếng tích góp bao năm đã mất hết, lại cộng thêm khoản nợ ngân hàng. Nhiều hộ mấy năm qua gặp rất nhiều khó khăn khi trả nợ tín dụng ngân hàng, trong khi nhiều người tuổi lại cao, cuộc sống chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp.
Vào năm 2015 - 2016, chăn nuôi lợn ở Bình Lục phát triển nhanh chóng, với hàng trăm hộ gia đình chăn nuôi quy mô lớn theo hướng trang trại. Thời kỳ cao điểm, tổng đàn lợn ở Bình Lục có tới 249.000 con, trong đó tổng đàn lợn xuất chuồng năm 2015 ước được hơn 443.000 con với tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng hơn 49.802 tấn. Chăn nuôi ở Bình Lục vào thời gian đó chiếm gần 60% giá trị sản xuất nông nghiệp trong toàn huyện, trong đó giá trị nuôi lợn chiếm hơn 80% tổng giá trị chăn nuôi (tương đương 1.600 - 1.700 tỷ đồng/năm). Nuôi lợn ở Bình Lục tập trung chủ yếu ở các xã: Ngọc Lũ, An Ninh, An Nội, Vũ Bản, Đồng Du, Bồ Đề, Hưng Công. Chính sự phát triển chăn nuôi ồ ạt ở Bình Lục đã gây ra nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Đặc biệt, khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, hàng trăm hộ dân trong huyện chăn nuôi lợn với quy mô lớn đã gặp rất nhiều khó khăn, phải bỏ trống chuồng.
Theo các hộ dân chăn nuôi ở Bình Lục cho biết: Phát triển chăn nuôi ồ ạt, trước hết là do bà con đã có tập quán, thói quen phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm trong khu dân cư từ nhiều năm qua. Hơn nữa, khi thực hiện mô hình liên kết hỗ trợ bà con nông dân nuôi lợn, trong đó ngân hàng cho vay vốn, doanh nghiệp cung ứng thức ăn chăn nuôi tới tận hộ gia đình thì tổng đàn lợn ở Bình Lục đã phát triển nhanh chóng và nhiều hộ nông dân đã thu lãi hàng tỷ đồng từ chăn nuôi/năm. Từ hiệu quả đó, nhiều hộ chưa có kinh nghiệm trong chăn nuôi cũng mạnh dạn vay vốn ngân hàng, kết hợp với nguồn vốn của gia đình, xây dựng chuồng trại, chăn nuôi với quy mô lớn. Khi đàn lợn phát triển nhiều, giá lợn hơi xuống thấp, dịch tả lợn châu Phi bùng phát, nhiều hộ dân đã thua lỗ hàng trăm triệu đồng, thậm chí có những hộ mất cả tỷ đồng từ chăn nuôi lợn.
Theo các chuyên gia trong ngành chăn nuôi phân tích, khi các hộ dân đầu tư trang trại chăn nuôi với quy mô lớn, song kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh chưa có; phát triển chăn nuôi trong khu dân cư dẫn tới dịch bệnh bùng phát không giữ được đàn. Hơn nữa, khi phát triển chăn nuôi với quy mô lớn, chuồng trại nằm xen kẽ trong khu dân cư sẽ gây ô nhiễm môi trường sống cho các hộ dân trong vùng và tạo điều kiện cho dịch bệnh dễ dàng lây lan trên diện rộng.
Khó khăn trong việc trả nợ vốn vay ngân hàng
Tại xã Bồ Đề (Bình Lục), thời gian cao điểm có hơn 400 hộ gia đình nuôi lợn với tổng đàn duy trì hơn 30 nghìn con. Khi giá lợn hơi xuống thấp, có khoảng 170 hộ bỏ trống chuồng trại. Qua đợt dịch tả lợn châu Phi, hiện nay chỉ còn vài chục hộ nuôi lợn. Trong số hơn 400 hộ nuôi lợn ở Bồ Đề, có hơn 70% số hộ vay vốn tín dụng, hộ vay nhiều từ 2-3 tỷ đồng, hộ ít 200 - 300 triệu đồng. Hiện nay nhiều hộ gia đình ở Bồ Đề gặp rất nhiều khó khăn khi trả nợ vốn tín dụng.
Ông Trương Công Miên, Chủ tịch UBND xã Bồ Đề cho biết: Khi giá lợn lên cao, thu được ít lời, nhiều hộ trong xã tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi. Khi giá lợn xuống thấp, dịch bệnh bùng phát, hộ thua lỗ ít cũng vài trăm triệu đồng, hộ nhiều thua lỗ cả tỷ đồng. Hàng chục hộ trong xã chỉ vì nuôi lợn đã phải chuyển nghề, đi làm xa, hằng tháng gửi tiền về trả lãi ngân hàng, còn phần gốc khó có khả năng trả nợ.
Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam, dư nợ cho vay ngành chăn nuôi lợn đến thời điểm này đạt hơn 2.288 tỷ đồng. Trong đó, cho vay chăn nuôi là 1.812 tỷ đồng, cho vay sản xuất thức ăn chăn nuôi là 476 tỷ đồng, cho vay sản xuất thuốc thú y là 0,6 tỷ đồng. Tổng số nợ được hỗ trợ (lũy kế từ ngày 20/3/2019 đến nay) cho khách hàng có dư nợ bị thiệt hại là hơn 1.298 tỷ đồng (cho vay mới hơn 1.135 tỷ đồng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ 163 tỷ đồng, miễn giảm lãi vay khoảng 10 tỷ đồng). Trong số cho vay chăn nuôi lợn và cơ cấu lại thời gian trả nợ cho các hộ chăn nuôi, so với các huyện, thị xã, thành phố thì dư nợ cho vay chăn nuôi lợn ở Bình Lục chiếm phần lớn.
Được biết, thời gian qua, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc tháo gỡ khó khăn về vốn cho các hộ chăn nuôi ở Bình Lục, trong đó, tập trung xác định từng khoản nợ của các hộ, cơ cấu lại thời gian trả nợ, từng bước điều chỉnh giảm lãi suất cho phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay nhiều hộ chăn nuôi đã đi làm xa, làm công nhân, lao động tự do tháng nào may mắn thì duy trì trả được lãi, còn gốc thì vẫn nợ ngân hàng. Việc tích góp để có vài trăm triệu đồng, hoặc cả tỷ đồng để trả nợ là rất lâu dài. Nếu như ngân hàng không tiếp tục có biện pháp cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi suất thì nguy cơ sẽ có nhiều hộ "vỡ nợ" vì chăn nuôi.
Hướng phát triển chăn nuôi bền vững
Dự báo thời gian tới, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn còn diễn biến rất phức tạp, nguy cơ bùng phát rất cao. Giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y sẽ tiếp tục tăng; thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi không ổn định. Do vậy, để thực hiện tốt việc phát triển chăn nuôi, Huyện ủy, UBND huyện Bình Lục đã xác định cần phải phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô lớn theo hướng trang trại tập trung, bền vững. Nhiều hộ chăn nuôi ở Bình Lục đã được chính quyền cho thuê đất với diện tích rộng để xây dựng trang trại với quy mô lớn, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như mô hình trang trại nuôi bò thịt của gia đình anh Lại Văn Soàn ở xã Đồn Xá.
Thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bò thịt tập trung, trang trại nuôi bò thịt của gia đình anh Lại Văn Soàn có quy mô 2ha, bao gồm đất thuê lâu dài chuyên nuôi bò thịt và bò giống đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Soàn áp dụng phương pháp sử dụng bã bia và mùn cưa làm đệm lót sinh học để chăn nuôi bò 3B. Đến thời điểm này, trang trại của anh đã có gần 500 con bò thịt được nuôi gối sóng, theo quy trình khép kín, bò giống được mua về ở riêng một khu, sau đó được tiêm phòng đầy đủ, khỏe mạnh, có xác nhận của cơ quan thú y, mới đưa vào nuôi vỗ béo. Bò thịt khi xuất chuồng, con to trọng lượng lên tới cả tấn, con nhỏ cũng 700 -800 kg. Trung bình mỗi năm trang trại của anh xuất bán hàng nghìn con bò thịt, thu lời 2-3 tỷ đồng.
Anh Soàn chia sẻ: Trong chăn nuôi, muốn giảm chi phí đầu vào, nâng cao lợi nhuận thì đòi hỏi người chăn nuôi phải biết tính toán pha chế, chủ động được nguồn thức ăn và thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, xử lý chất thải cho đàn vật nuôi. Tại trang trại của tôi, phần lớn nguồn giống bò thịt đều được mua từ các vùng lân cận, sau đó được phòng trừ dịch bệnh rồi mới xuất bán con giống ra thị trường, hoặc để nuôi vỗ béo. Đối với nguồn thức ăn chăn nuôi bò, tôi thuê hàng chục ha đất ở tỉnh Thanh Hóa để tự trồng cỏ, mua thêm lương thực sau đó về pha chế sẽ giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi. Nuôi bò thịt theo hình thức “gối sóng’’, đem lại thu nhập thường xuyên cho trang trại và giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Cũng chăn nuôi tập trung, song mô hình nuôi lợn thịt của anh Phạm Bá Quỳnh ở xã Ngọc Lũ nổi tiếng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian cao điểm trang trại của anh nuôi hơn 1.000 đầu lợn. Trước đây gia đình anh Quỳnh cũng nuôi lợn với quy mô nhỏ vài chục con/lứa, sau đó tích lũy kinh nghiệm, vốn và từng bước mở rộng trang trại chăn nuôi. Đặc biệt, từ khi tỉnh thực hiện mô hình liên kết 4 nhà trong việc hỗ trợ bà con phát triển chăn nuôi, anh thường xuyên vay vốn ngân hàng và nhờ ngân hàng bảo lãnh để đầu tư mở rộng chuồng trại, mua thức ăn chăn nuôi. Từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, bằng kinh nghiệm thực tế anh vẫn duy trì được trang trại, mua lợn thịt ở các tỉnh về vỗ béo, cung ứng ra thị trường. Nhờ phát triển chăn nuôi, có những năm trang trại của anh Quỳnh đem lại thu nhập vài tỷ đồng và giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại chỗ.
Trên đây chỉ là hai trong nhiều mô hình chăn nuôi bò, nuôi lợn, gia cầm tập trung ở Bình Lục đem lại hiệu quả kinh tế cao. Để khuyến khích ngành chăn nuôi phát triển, trong nhiều năm qua, huyện Bình Lục đã quy hoạch ruộng đất cho nhân dân nhận thầu xây dựng trang trại chăn nuôi. Nhiều mô hình chăn nuôi ở Bình Lục có quy mô lớn đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình nuôi bò thịt, bò sinh sản ở các xã: La Sơn, Vũ Bản, Đồn Xá, An Đổ với quy mô 150 - 500 con/lứa; 3 mô hình nuôi gà thịt với quy mô 10 vạn con tại các xã: Đồng Du, Tiêu Động, An Ninh; mô hình nuôi gà đa sinh kế tại xã Đồn Xá với quy mô 1,6 vạn con; mô hình nuôi cá theo công nghệ sông trong ao, tôm càng xanh ở xã Tiêu Động… tiếp tục duy trì đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo báo cáo của UBND huyện Bình Lục, hiện tổng đàn lợn của địa phương ước đạt 133.500 con, giảm 115.000 con so với thời gian cao điểm năm 2015; đàn bò hơn 6.065 con, tăng 3,4% so với cùng kỳ; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước 9 tháng năm 2022 được 24.729 tấn, đạt 65,3% kế hoạch. Huyện Bình Lục cũng thực hiện Đề án “Phát triển đàn lợn nái áp dụng thụ tinh nhân tạo phục vụ nhiệm vụ tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh năm 2022’’.
Để phát triển chăn nuôi bền vững, Huyện ủy, UBND huyện đã khuyến khích các hộ dân phát triển chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi bò thịt, nuôi trồng thủy sản với quy mô lớn. Huyện chỉ đạo các phòng, ban và các xã, thị trấn vào cuộc hỗ trợ bà con nông dân xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi lợn, gia súc, gia cầm. Đối với người chăn nuôi, các ngành tuyên truyền cho bà con chủ động thực hiện các biện pháp khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu dễ tìm, giá thành thấp, như: bột cá, ngũ cốc, đậu tương, cám gạo... để thay thế một phần cho thức ăn công nghiệp. Các hộ đẩy mạnh thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường cung ứng các sản phẩm từ chăn nuôi trong và ngoài tỉnh để chủ động điều chỉnh số lượng đàn vật nuôi, bảo đảm chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, huyện Bình Lục còn chỉ đạo các phòng, ban chức năng hướng dẫn các hộ thực hiện mô hình liên kết nuôi lợn, nuôi gia cầm, nuôi bò thịt. Trong đó, ngân hàng cho vay vốn; doanh nghiệp cung ứng thức ăn chăn nuôi tới tận hộ gia đình; chính quyền hỗ trợ, tạo điều kiện cho bà con về cơ chế, chính sách, mặt bằng… xây dựng trang trại chăn nuôi tập trung.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển chăn nuôi ở Bình Lục cũng gặp khó khăn về việc xử lý ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi. Nhiều hộ đã áp dụng phương pháp xây dựng hầm biogas, song lượng chất thải quá tải vẫn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Do vậy, Bình Lục rất cần có sự hỗ trợ của các ngành trong việc định hướng, hỗ trợ bà con phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường.
Chiều 23/11, tại Hoàng cung Campuchia ở Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã yết kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay là đất nước vẫn còn thiếu vốn cho phát triển. Vì vậy, cần có một cơ chế chính sách hợp lý để huy động tối đa nguồn vốn từ nhiều nguồn lực khác nhau để thúc đẩy phát triển đất nước.
Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, sáng 23/11, ngay sau khi thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự khai trương đường bay mới kết nối Hà Nội và Kuala Lumpur của Vietjet nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, văn hóa và du lịch giữa Việt Nam – Malaysia, cũng như toàn Đông Nam Á.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.