Số lao động tham gia hoạt động kinh tế trên địa bàn tỉnh tăng hằng năm. Nếu năm 2020, số lao động này là 456.900 người, đến năm 2022, con số này tăng thêm gần 25.000 người. Tuy nhiên, 80% nguồn lao động sống ở khu vực nông thôn. Thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát, sự chuyển dịch lao động diễn ra, nhưng ở Hà Nam, tỷ lệ không quá lớn như các địa phương khác.
Theo đánh giá của ngành lao động – thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH), tỷ lệ lao động có việc làm ở Hà Nam cao so với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Đa phần là lao động có trình độ đào tạo nghề. Số lao động chưa qua đào tạo chỉ chiếm trên 15%. Vì doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu tuyển dụng lao động phổ thông, không cần tay nghề nên người lao động Hà Nam có cơ hội tìm việc dễ dàng.
Cũng giống như các địa phương khác, lao động khu vực phi chính thức ở Hà Nam trong 6 tháng đầu năm giảm, còn hơn 60%. Dù vậy, công tác giải quyết việc làm cho đối tượng lao động khu vực này vẫn chưa bền vững khi khá nhiều công việc chưa mang tính lâu dài với năng suất cao và mức thu nhập còn thấp. Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, chất lượng việc làm thấp, việc làm không bền vững và dễ bị tổn thương vẫn là nhóm lao động phi chính thức, chiếm khoảng gần 50% tổng việc làm. Đây là những lao động không có giao kết hợp đồng, không được tiếp cận tới các chính sách an sinh xã hội. Họ luôn có nguy cơ đối mặt với những rủi ro, không ổn định về thu nhập. Thu nhập trong lĩnh vực này thường thấp hơn so với mức trung bình, dao động từ 4,3 – 6,5 triệu đồng/người/tháng. Họ cũng không được hưởng lợi ích của hệ thống an sinh xã hội như hưu trí, thất nghiệp, an toàn lao động. Việc làm bấp bênh dẫn đến thu nhập thấp và không ổn định, ảnh hưởng tới khả năng tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động, nhất là đối với lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Khi không có bảo hiểm thì người lao động không được bảo vệ về thu nhập, đặc biệt là khi không còn khả năng lao động. Đó chính là hệ lụy lớn nhất, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người lao động và gia đình họ. Bên cạnh đó, việc làm bấp bênh cũng đồng nghĩa với việc người lao động dễ gặp rủi ro trong cuộc sống, bị “nghèo hóa”, làm gia tăng các chi phí của hệ thống an sinh xã hội.
Xác định phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch là mục tiêu quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nhiều năm qua, Hà Nam không ngừng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, xây dựng và đưa vào hoạt động 7/8 khu công nghiệp. Các cấp ủy, chính quyền của Hà Nam triển khai nhiều giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc; đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề… Theo ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, thị trường lao động Hà Nam dù không có nhiều xáo trộn, nhưng những nghịch lý tồn tại của thị trường lao động như cung không đáp ứng cầu, trong khi nguồn lao động vẫn còn; số người tìm được việc làm mới hằng năm cao, từ 17.000 đến 23.000 người/năm nhưng việc làm không ổn định, số lao động làm việc trong lĩnh vực phi chính thức giảm chậm… Bài toán lao động – việc làm đối với tỉnh trong giai đoạn tới sẽ đặt ra nhiều vấn đề nếu tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức không giảm sâu.
Năm 2020, lần đầu tiên một số địa phương trong tỉnh đã tổ chức hội nghị giới thiệu việc làm cho quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương vào ngày xuất ngũ. Tại đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tổ chức mời các doanh nghiệp trên địa bàn đến trực tiếp giới thiệu việc làm, định hướng và tư vấn cho quân nhân xuất ngũ. Một số cơ chế, chính sách ưu tiên được các doanh nghiệp thực hiện với đối tượng này nhằm hấp dẫn người lao động tiếp cận việc làm ở khu vực lao động chính thức. Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm cho biết: Bằng cách này, chúng tôi mong muốn thúc đẩy các hoạt động kết nối cung – cầu, tạo việc làm bền vững cho người lao động. Đồng thời, qua các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, hướng nghiệp, người lao động được nâng cao nhận thức về tính chất việc làm, thu nhập và cuộc sống để có quyết định đúng đắn.
Chia sẻ ở góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Đăng Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Lục cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ tài chính, giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ bớt đi những khó khăn, gánh nặng trong sản xuất kinh doanh, hướng đầu tư, chăm lo đến đời sống của người lao động, thực hiện nghiêm những quy định của pháp luật về chính sách bảo hiểm đối với người lao động. Các địa phương, cơ sở sản xuất kinh doanh cũng cần được khuyến khích, chuyển đổi hình thức hoạt động, tham gia vào các hoạt động kinh tế chính thức. BHXH cần có những cách tiếp cận đối tượng lao động phi chính thức bằng các sản phẩm, chế độ phù hợp, hấp dẫn hơn. Với Bình Lục, các cơ chế, chính sách trong phát triển nguồn nhân lực được triển khai thiết thực, bảo đảm người lao động ly nông mà không ly hương, làm việc ngay tại địa phương với các điều kiện như trong khu vực lao động chính thức. Quyền lợi và vị thế của người lao động được bảo đảm ở các khía cạnh đào tạo nghề, tiếp cận khoa học kỹ thuật và BHXH.
Ngành LĐ-TB&XH tăng cường đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tư vấn, giới thiệu việc làm thông qua các sàn giao dịch việc làm. Trung tâm Dịch vụ việc làm cần làm tốt hơn vai trò kết nối cung cầu, tạo điều kiện để người lao động tiếp cận việc làm trong khu vực chính thức dễ dàng và thuận lợi hơn. Các sàn giao dịch trở thành nơi để người lao động nâng cao nhận thức về việc làm, vị trí của bản thân và các vấn đề an sinh bền vững cho cuộc sống; giúp họ có lựa chọn việc làm đúng với khả năng, trình độ.
Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm doanh nghiệp thành lập mới, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao, dao động từ 10.000-15.000 người. Như năm 2022, số lao động các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp cần tuyển dụng lên tới gần 3 vạn người. Trong khi, báo cáo khảo sát tình hình lao động cho thấy, nguồn tại địa phương đã cạn, nhiều doanh nghiệp cần tuyển dụng hàng nghìn công nhân gặp khó khăn. Thế nhưng trên thực tế, đối tượng lao động doanh nghiệp cần tuyển là lao động phổ thông, giới hạn về độ tuổi từ 18 đến 35 là chính, hầu hết có nhu cầu tuyển nữ.
Như vậy, nguồn lao động ngoài yêu cầu này sẽ đi đâu, làm gì? Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm cho biết: Người lao động vẫn có thể vào làm việc ở các doanh nghiệp với tính chất lao động thời vụ, không ký giao kết hợp đồng lao động. Họ có thể kiếm việc làm tự do bên ngoài theo sở thích, mong muốn cá nhân, chấp nhận mức thu nhập thỏa thuận.
Trải qua hai năm đối mặt với dịch bệnh Covid-19, nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước được ban hành nhằm hỗ trợ người dân, người lao động gặp khó khăn vì dịch bệnh, trong đó có đối tượng lao động tự do. Song, khi triển khai Nghị quyết 68 và Nghị quyết 42 của Chính phủ về hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động gặp khó do đại dịch Covid-19, các địa phương gặp khó khăn trong việc chi trả cho đối tượng lao động tự do vì nhiều lý do, trong đó có việc xác định ngành nghề.
Theo thống kê toàn tỉnh chỉ có 2.174 lao động tự do được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68 với số tiền trên 3 tỷ đồng. Trong khi đó, số lao động chính thức được nhận hỗ trợ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ các chính sách an sinh khác gấp nhiều lần con số này. So sánh với các đối tượng khác, việc tiếp cận các chính sách an sinh xã hội của lao động lĩnh vực phi chính thức thực sự khó khăn.
Làm nghề tự do nhiều năm nay, anh Nguyễn Ngọc Lâm, sinh năm 1988, thôn Văn Phú, thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục chẳng may bị tai nạn lao động tháng 6 năm 2022, phải nhập viện điều trị. Lâm không tham gia BHXH, không mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), vì thế toàn bộ chi phí khám, điều trị tại bệnh viện phải trả 100%, tốn kém gần chục triệu đồng. Anh Lâm nói: “Chúng tôi làm việc bên ngoài lương phụ thuộc vào mức độ hoàn thành công việc và nhiều yếu tố khác. Vì thế, có tháng lương cao, có tháng lương thấp. Tiền lương chỉ đủ lo cho gia đình, vợ con, nếu bỏ một khoản mua BHXH tự nguyện hay BHYT, nguồn thu giảm đi, như thế đời sống khó khăn hơn!”. Cũng giống anh Lâm, anh Vũ Nguyên Soái, thôn Đại Phú, Xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng là lao động tự do, bị tai nạn xe máy dẫn đến gãy xương đùi, đứt dây chằng cánh tay. Anh Soái phải nằm viện hơn 6 tháng điều trị, chi phí mất gần 200 triệu đồng mà vẫn không thể hồi phục hoàn toàn. Anh phải đối diện với nguy cơ tàn tật. Anh Soái chia sẻ: “Tôi làm tự do, nếu không bị tai nạn thì kinh tế cũng không đến nỗi. Khi sự cố xảy ra, tôi chẳng biết xoay xở thế nào, bán hết mọi thứ trong nhà để chi trả thuốc men, viện phí, điều trị”.
Nội dung: Chu Uyên
Ảnh: Chu Uyên
Thiết kế: Quốc Khánh
Ngày 21/11, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Công văn số 4711/TTKQH-TT gửi các cơ quan thông tấn, báo, đài về việc công bố các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn các nghị quyết.
Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia.
Với quan điểm: Lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tại Hà Nam, chiều 21/11, Ban Quản lý các khu công nghiêp (KCN) tỉnh tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Ông Lưu Trần Sơn, Trưởng Ban Quản lý các KCN của tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Công ty Điện lực Hà Nam, các nhà đầu tư hạ tầng, đơn vị cung cấp dịch vụ tại các KCN và gần 40 doanh nghiệp đến từ Đài Loan.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.