Dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, khoa cử đã góp phần thể hiện chính sách tuyển chọn và sử dụng nhân tài. Tính từ đời vua Lý Nhân Tông, khoa thi đầu tiên được tổ chức vào năm Ất Mão (1075) đến khoa thi cuối cùng vào năm Kỷ Mùi (1919) là 844 năm, riêng thi Hội, thi Đình, Nhà nước phong kiến đã mở được 185 khoa thi, lấy đỗ 2.898 vị Đại khoa, tức các nhà khoa bảng. Thực ra nghĩa đầy đủ khái niệm khoa bảng còn phải kể đến các sĩ tử đỗ trúng cách các kỳ thi Hương. Tựu trung lại, các nhà khoa bảng chia hai cấp từ thấp đến cao là: Hương cống (thời Nguyễn đổi gọi là cử nhân) đỗ ở các kỳ thi Hương (khu vực) hay còn gọi là đỗ Trung khoa; Tiến sĩ (thời Nguyễn lấy thêm Phó bảng) đỗ ở các kỳ thi Hội, thi Đình, tức là Đại khoa (toàn quốc).
Khoa cử Nho học và các nhà khoa bảng Hà Nam có đóng góp xứng đáng cho lịch sử, văn hóa dân tộc. Song việc nghiên cứu mới đạt được những kết quả bước đầu. Đây là vấn đề lớn, phức tạp do hạn chế, khó khăn của nguồn tư liệu, nên chúng tôi mới chỉ dừng lại ở bình diện khái quát, nhất là cố gắng bổ sung những nguồn tư liệu còn ít được quan tâm một cách đầy đủ, đúng mức.
Các nhà nghiên cứu trước đây đã khai thác nguồn tư liệu Hán - Nôm, như các sách Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục (khuyết danh, biên soạn năm 1799), Quốc triều khoa bảng lục của Cao Xuân Dục, biên soạn giữa thế kỷ XX, các cuốn Đăng khoa lục địa phương (tỉnh huyện)... để tập hợp, giới thiệu các nhà khoa bảng Việt Nam dưới chế độ phong kiến, trong đó có nhà khoa bảng người Hà Nam, song mới tập trung vào các vị Đại khoa.
Cuốn "Các nhà khoa bảng Việt Nam" (1075 - 1919)(1) giới thiệu 48 nhà khoa bảng Hà Nam cùng với các nhà khoa bảng cả nước là công trình đầu tiên về các nhà khoa bảng. Cuốn "Trạng nguyên", Tiến sĩ, Hương cống Việt Nam tiến thêm một bước trong việc nghiên cứu, như tên sách đã thể hiện.
Kể từ khi tỉnh Hà Nam được tái lập, công tác nghiên cứu lịch sử, văn hóa Hà Nam được đẩy mạnh. Riêng về các nhà khoa bảng được giới thiệu tóm lược trong một số cuốn sách như Nhân vật lịch sử, văn hóa Hà Nam, Địa chí Hà Nam(2) như là một trong những nội dung của sách. Đáng chú ý là có các cuốn sách tập trung vào một nhà khoa bảng hay thơ văn của các vị Nho sĩ(3). Tuy nhiên, nhìn tổng thể bức tranh khoa bảng Hà Nam chưa toàn diện, việc nghiên cứu còn thiếu tính hệ thống.
Theo chúng tôi, nghiên cứu về khoa bảng Hà Nam trong thời phong kiến ngoài việc triệt để khai thác, xử lý khoa học nguồn tư liệu thư tịch cũ, còn phải hết sức chú ý đến tư liệu văn bia, thần phả, gia phả. Một mặt, tăng cường khâu xử lý, đính chính, xác minh những sai sót hay chưa chính xác của nguồn tư liệu cũ; mặt khác mạnh dạn bổ sung những nhà khoa bảng, nhất là Hương cống, cử nhân không có trong các cuốn sách đã xuất bản, từ những tư liệu phát hiện mới.
Hiện nay, qua các nguồn tư liệu, chúng ta được biết vị Tế tửu đầu tiên của Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long (Hà Nội) thời Hậu Lê là Dương Bang Bản, quê thôn Chảy (Liêm Thuận, Thanh Liêm) vì có công lớn nên được ban quốc tính đổi cả họ tên thành Lê Tung. Năm 33 tuổi, ông đỗ Hoàng giáp (Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân) vào khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484) dưới triều vua Lê Thánh Tông. |
Phác họa toàn cảnh về các nhà khoa bảng Hà Nam thời phong kiến
Khoa bảng, như ở trên đã nói đến, hiểu theo nghĩa đầy đủ bao gồm cả ngạch văn khoa và võ khoa, ở hai cấp đỗ Trung khoa (thi Hương) và đỗ Đại khoa (thi Hội, thi Đình).
Theo nghiên cứu, thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi về ngạch văn khoa đã có 94 người Hà Nam đỗ Đại khoa (con số được công bố trước đó là 55 người hoặc 53 người). Chia theo thời kỳ lịch sử: Thời Lý 6 người, thời Trần 13 người, thời Hậu Lê 41 người, thời Mạc 7 người, thời Nguyễn 17 người, chưa rõ vào thời nào 10 người. Chia theo địa phương, huyện Bình Lục có số người đỗ đạt nhiều nhất (31 người), tiếp đến là Duy Tiên (22 người), thành phố Phủ Lý (16 người). Người đỗ đạt sớm nhất là hai anh em Đinh Độ, Đinh Thọ đỗ khoa Minh Kinh năm Ất Mão (1075) - khoa thi đầu tiên, đời vua Lý Nhân Tông; được thờ làm Thành hoàng ở đình thôn Phương Lâm (Đồng Hóa, Kim Bảng). Người đỗ cuối cùng là Bùi Kỷ, quê xã Châu Cầu (nay là phường Minh Khai, thành phố Phủ Lý) đỗ Phó bảng khoa thi năm Canh Tuất (1919) đời vua Duy Tân. Về dòng họ, gia đình, làng xã liên quan đến Đại khoa thì ở Hà Nam tộc họ có người đỗ đạt đứng đầu là họ Nguyễn (18 người), Trần (14 người), Bùi (11 người) rồi đến các họ Vũ, Phạm, Đào, Dương, Đinh, Chu, Hoàng, Lê, Trương, Đàm,... Dòng họ nổi tiếng nối tiếp thế hệ đỗ Đại khoa là họ Bùi ở Châu Cầu, họ Nguyễn ở Vị Hạ (Trung Lương, Bình Lục)...
Nghiên cứu về Hương cống, cử nhân văn khoa là công việc phức tạp vì số lượng lớn, việc ghi chép trong lịch sử không thường xuyên. Vì vậy, bước đầu chúng tôi mới sưu tầm được tư liệu về 52 cử nhân thời Nguyễn quê quán ở 6 huyện, thành phố trong tỉnh.
Võ khoa còn ít được nghiên cứu. Nếu như khoa thi Đại khoa ngạch văn khoa được tổ chức từ rất sớm (1075) thì võ khoa mãi tới năm 1724 mới có khoa thi đầu tiên. Võ khoa cũng chia ra thi Hương gọi là "Sở cử" và thi Hội gọi là đỗ "Sở cử" gọi là Tạo toát, đỗ "Bác cử" gọi là Tạo sĩ (tương đương Hương cống, Cử nhân, Tiến sỹ bên văn khoa). Đến nay, chúng tôi mới sưu tầm được họ tên một số vị người Hà Nam đỗ Tạo sĩ, Tạo toát. Tạo sĩ có Phạm Công Giáp quê làng Thượng, Lăng Điền, đỗ năm 1773; Nguyễn Danh Chiêm, quê Phú Hoa, Tiên Phong, đỗ năm 1776; Trần Ngọc Cấp, Phù Tải (An Đổ, Bình Lục) đỗ năm 1724 (khoa thi đầu tiên). Tạo toát có Đinh Đình Kính (lãnh binh Hà Nam) và Nguyễn Văn Thúy, quê Cổ Liêu, đỗ năm 1878.
Nhiều khoa thi, như vào các năm 1075, 1429, 1453, 1469, 1505, 1512, 1529, 1577, 1736, 1769, 1862, Hà Nam có hai người đỗ Đại khoa. Đặc biệt, kỳ thi Đình năm 1511, đời vua Lê Tương Dực có 3 vị đỗ Tiến sĩ là Tạ Đình Huy (Yên Nam, Duy Tiên), Nguyễn Mạo (Kim Bình, Kim Bảng), Trần Bích Hoành (Yên Bắc, Duy Tiên).
Trong lịch sử khoa cử thời phong kiến, trong số 94 vị đỗ Đại khoa người Hà Nam, nổi bật về thứ hạng đỗ đạt có Nguyễn Quốc Hiệu, Nguyễn Khuyến và các nhà khoa bảng đạt danh hiệu Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp).
Nguyễn Quốc Hiệu (1696 - ?), quê thôn Phú Thứ, xã Tiên Hiệp, huyện Duy Tiên (nay là TP. Phủ Lý). Năm 41 tuổi, ông đỗ Thám hoa kỳ thi Đình, năm Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Hựu 2 (1736) đời vua Lê Ý Tông. Trước đó, sau khi đỗ Hương cống ở kỳ thi Hương, trường Sơn Nam, ông được chọn vào học ở Quốc Tử Giám làm Giám sinh. Trong kỳ thi Đình trên, đáng chú ý trong bậc Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ không lấy đầy đủ Tam khôi, chỉ lấy Trịnh Tuệ - Trạng nguyên và Nguyễn Quốc Hiệu - Thám hoa, khuyết Bảng nhãn. Ông được bổ nhậm giữ chức Thị hình Hiến sát sứ trấn Sơn Tây, Hàn lâm thị tước Đông các hiệu thư, tước Ôn Thụ Hầu. Khi mất, ông được truy tặng Đặc tiến kim tử vinh lộc Đại phu, Ngự sử đài kiêm Đô ngự sử, tước Thị phái hầu, hiệu Trúc Hiên Tiên sinh.
Nguyễn Khuyến (1835 - 1909) quê thôn Vị Hạ, xã Trung Lương, Bình Lục. Ông được vinh danh là Tam nguyên Yên Đổ. Sở dĩ có điều đó là vì Nguyễn Khuyến trước đã đỗ đầu kỳ thi Hương, gọi là Giải nguyên hay Hương nguyên, lại đỗ đầu kỳ thi Hội, gọi là Hội nguyên, thi Đình gọi là Đình nguyên vào khoa thi năm Tân Mùi, niên hiệu Tự Đức 24 (1871); thôn Vị Hạ thời ấy là xã Vị Hạ thuộc tổng Yên Đổ nên mới tôn danh trên. Ông là môt trong những Tam nguyên không nhiều trong lịch sử khoa cử Nho học Việt Nam, là người duy nhất ở Hà Nam đạt danh hiệu đó. Thân thế, sự nghiệp, đặc biệt là thơ văn của ông đã được nghiên cứu nhiều; nhà thơ Xuân Diệu ca ngợi và xác quyết: Nguyễn Khuyến là nhà thơ của làng - cảnh Việt Nam.
Đạt danh hiệu Hoàng giáp, tức bậc thứ hai, gọi là Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân Hà Nam có 7 vị: Bùi Viết Lương, quê thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân) đỗ năm 1466; Đoàn Đỗ Minh Thái, quê thôn Đống Cầu (Liêm Túc, Thanh Liêm) đỗ năm 1471; Trần Thế Vinh, quê xã Bồ Đề (Bình Lục) đỗ năm 1475; Lê Tung, quê thôn Chảy (Liêm Thuận, Thanh Liêm) đỗ năm 1484; Trần Thì Vũ, quê thôn Phú Thứ (Tiên Hiệp, Duy Tiên) đỗ năm 1505; Trần Tông Lỗ, quê xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng) đỗ năm 1505; Bạch Đông Ôn, người phường Quang Trung (thành phố Phủ Lý) đỗ năm 1835.
Đóng góp của các nhà khoa bảng Hà Nam trong khoa cử, đào tạo nhân tài thời phong kiến
Thi Hội, thi Đình là cấp cao nhất của nền khoa cử Nho học thời phong kiến. Thi Hội nhằm lấy đỗ Tiến sĩ. Thi Đình để phân thứ bậc cao thấp của các Tiến sĩ. Việc tuyển chọn hết sức nghiêm ngặt. Người được chọn chấm thi phải là người thực sự có tài, có đức. Một số nhà khoa bảng người Hà Nam đã được triều đình tín nhiệm bổ nhậm chức quan chấm thi. Đầu tiên là Trần Thuấn Du, quê xã Đọi Sơn (Duy Tiên) được giao chấm các quyển thi hai khoa thi Đình vào năm 1442 đời vua Lê Thái Tông và khoa thi vào năm 1448 đời vua Lê Nhân Tông.
Lê Tung, quê thôn Chảy (Liêm Thuận, Thanh Liêm) làm quan Độc quyển, chấm thi khoa thi năm 1516, đời vua Lê Tương Dực.
Đặc biệt, Trương Công Giai, quê xã Thanh Tâm (Thanh Liêm) được cử giữ chức Tri cống cử, tức làm Phó chủ khảo 4 kỳ thi Hội liên tiếp vào các năm 1718, 1721, 1724, 1727 đời vua Lê Dụ Tông.
Trong lịch sử nền giáo dục và khoa cử Nho học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long (Hà Nội) suốt trong triều đại Lý - Trần - Hậu Lê - đầu triều Mạc và Văn Miếu - Quốc Tử Giám Huế (thành phố Huế) triều Nguyễn đã giữ vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu. Thiết chế ghép này mang hai chức năng ở tầm quốc gia: Đền thờ các bậc Tiên thánh, Tiên sư của đạo Nho, nhưng nổi bật là ở vai trò trường quốc học đào tạo nhân tài cho đất nước. Quốc Tử Giám có thể coi là trường đại học đầu tiên của Việt Nam.
Người phụ trách Quốc Tử Giám, đồng thời kiêm chủ tế ở Văn Miếu được triều đình chọn lọc rất kỹ, phải là các vị danh nho, đại thần, tài cao, đức trọng, giỏi về thi thư Nho học và quản lý, thực hành công việc giảng dạy, học tập. Chức vụ cao nhất quản lý toàn diện Văn Miếu - Quốc Tử Giám thời Hậu Lê và Nguyễn là "Tế tửu", cấp phó là chức Tư nghiệp giúp việc Tế tửu cùng các chức quan phụ khác. Chức Tế tửu (có thể coi như chức hiệu trưởng trường đại học ngày nay) được triều đình hậu đãi, về phẩm trật ngang với chức Đông các Đại học sĩ, Thông chính sứ, Tham chính. Chế độ được ban thưởng "Tòng Tứ phẩm" lương 44 quan tiền một năm, ruộng do vua cấp 15 mẫu và ruộng tế 10 mẫu.
Hà Nam có 5 vị Tế tửu Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tất nhiên khi được bổ giữ chức vụ quan trọng này các vị đã đỗ đại khoa.
Hiện nay, qua các nguồn tư liệu, chúng ta được biết vị Tế tửu đầu tiên của Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long (Hà Nội) thời Hậu Lê là Dương Bang Bản, quê thôn Chảy (Liêm Thuận, Thanh Liêm) vì có công lớn nên được ban quốc tính đổi cả họ tên thành Lê Tung. Năm 33 tuổi, ông đỗ Hoàng giáp (Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân) vào khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484) dưới triều vua Lê Thánh Tông.
Các Tế tửu tiếp theo là Nguyễn Mạo quê xã Kim Bình (Kim Bảng) đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Mùi, niên hiệu Hồng Thuận 3 (1511) đời vua Lê Tương Dực. Trương Công Giai quê xã Thanh Tâm (Thanh Liêm) đỗ Tiến sĩ khi mới 21 tuổi, khoa thi năm Ất Sửu, niên hiệu Chính Hòa 6 (1685) đời vua Lê Hy Tông. Vị Tế tửu cuối cùng người Hà Nam của Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long (Hà Nội) là Nguyễn Kỳ, người thôn An Lão (An Lão, Bình Lục). Ông mồ côi cha từ nhỏ, nhà rất nghèo, nhưng ông vẫn học giỏi, năm 31 tuổi đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng 9 (1748) dưới triều vua Lê Hiển Tông.
Giữ chức Tế tửu Văn Miếu - Quốc Tử Giám Huế thời Nguyễn, Hà Nam chỉ có một người duy nhất. Đó là Vũ Văn Lý, quê thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân).
Ông đỗ Đệ Tam giáp Tiến sĩ khoa Tân Sửu, niên hiệu Thiệu Trị 1 (1841) khi ông 33 tuổi. Vũ Văn Lý là thầy dạy của Nguyễn Khuyến và Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi (Ý Yên, Nam Định).
Rất nhiều vấn đề về các nhà khoa bảng Hà Nam nói riêng và giáo dục, khoa cử Hà Nam thời phong kiến nói chung cần được tiếp tục nghiên cứu rộng hơn, sâu hơn.
Tam Mai
Chú thích:
(1) Ngô Đức Thọ (chủ biên) - Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075 - 1919), Nxb Văn học, H.N, 1993.
(2) Địa chí Hà Nam, Nxb Khoa học xã hội, H.N, 2005
(3) Thơ Văn Nguyễn Khuyến, Nxb Văn học, H.N, 1971; Hội Khoa học Lịch Sử Việt Nam - Bùi Văn Dị, nhà thơ yêu nước thế kỷ XX, H.N, 1995; Hồ Đức Thọ - Đương Văn Vượng - Thi tuyển Danh sĩ Hà Nam, Sở VHTT Hà Nam, 1999,...
Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox), trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
Những năm gần đây, sản xuất trên đồng ruộng của xã Đồn Xá (Bình Lục) đã có thay đổi đáng kể. Các vùng sản xuất theo hướng tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa được hình thành. Cây lúa từ vai trò bảo đảm lương thực tại chỗ đã chuyển sang đóng góp vào thu nhập cho người dân. Có được kết quả đó Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Đồn Xá đã đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.
Những năm qua, Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam đã đẩy mạnh thực hiện giáo dục, tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) trong nhà trường. Qua đó, đã từng bước nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên (HSSV) về tác hại của thuốc lá, hạn chế tình trạng học viên hút thuốc trong trường học, xây dựng trường học không khói thuốc.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.