Vì sao nhiều khách hàng chưa tiếp cận nguồn vốn cho vay tiêu dùng?

Tài chính - Ngân hàng 05:38 04/08/2022 Trần Hữu
Thực hiện Nghị quyết 128/NQ - CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid - 19”, các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh đã chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch trực thuộc tập trung giải ngân vốn cho khách hàng vay tiêu dùng nhằm tăng trưởng nguồn vốn và kích thích sản xuất trong nước phát triển. Tuy nhiên, trước những khó khăn về kinh tế, nhiều khách hàng ít quan tâm đến việc vay vốn ngân hàng để tiêu dùng?

Nhóm đối tượng mà các NHTM hướng tới cho vay tiêu dùng đó là cán bộ công chức, viên chức, giáo viên, người hưởng lương hưu và công nhân lao động có thu nhập ổn định trong các doanh nghiệp. Nhiều ngân hàng đã mở rộng cho vay tiêu dùng lên tới 200 – 300 triệu đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư cho khách hàng vay sửa chữa nhà cửa, mua xe, mua sắm thiết bị trong gia đình. Tuy nhiên, trong gần 7 tháng đầu năm 2022, trước những khó khăn về kinh tế khách hàng ít quan tâm đến việc vay vốn ngân hàng để tiêu dùng. 

Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Agribank Hà Nam.

Chị Trần Thị Hòa, Tổ 1, Phường Minh Khai (TP Phủ Lý) chia sẻ: Đầu năm 2022, vợ chồng tôi dự tính vay vốn ngân hàng khoảng 300 triệu đồng để sửa lại nhà ở. Tuy nhiên, tính đi, tính lại không dám vay nữa, bởi thu nhập hằng tháng còn thấp, trong khi đó giá cả hàng hóa thiết yếu tăng cao, các khoản chi tiêu hằng ngày tốn kém. Chị Hòa nhẩm tính: Tổng cộng hai vợ chồng chị thu nhập một tháng được 14 triệu đồng, chi phí sinh hoạt cho 4 người trong gia đình (cháu lớn chuẩn bị vào đại học) tiết kiệm cũng phải mất 10 – 12 triệu đồng/tháng. Nếu vay 300 triệu đồng, một tháng phải trả lãi suất ngân hàng khoảng 2,4 triệu đồng thì sẽ không có tiền trả gốc. Qua nghiên cứu các gói vay tiêu dùng của các NHTM, gia đình không dám làm hợp đồng. Hy vọng trong thời gian tới, giá cả hàng hóa bình ổn, Nhà nước tăng lương cho cán bộ, công nhân, viên chức, tôi sẽ vay vốn ngân hàng để tiêu dùng. 

Cũng như chị Hòa, rất nhiều người có thu nhập thấp muốn vay vốn ngân hàng để đầu tư cải thiện cuộc sống, song chỉ số giá tiêu dùng tăng cao nên chưa tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Nhiều ngân hàng đã thực hiện chính sách tín dụng, cho vay bằng hình thức chỉ giữ tài sản bảo đảm, không phải làm thủ tục thế chấp, hoặc cho vay tín chấp có xác nhận của cơ quan, song nhiều cán bộ, công nhân, viên chức không dám vay vốn do thu nhập còn thấp. 

Ông Hoàng Xuân Hội, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Hà Nam cho biết: Thời gian qua, ngân hàng mở rộng cho vay tiêu dùng, trong đó khách hàng vay dưới 100 triệu đồng ngân hàng không cần làm thủ tục thế chấp tài sản. Đối tượng khách hàng mà ngân hàng hướng tới là cán bộ công chức, viên chức, giáo viên, công nhân làm việc trong các khu công nghiệp có thu nhập ổn định. Khách hàng có thể sử dụng gói vay này để sửa chữa nhà ở, mua xe và đầu tư cải thiện cuộc sống. Quan điểm chỉ đạo của Chi nhánh Agribank Hà Nam, đầu tư giải ngân vốn cho vay tiêu dùng không khống chế tăng trưởng, song phải bảo đảm cho vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch Covid – 19, giá cả các loại hàng hóa tăng cao, chi phí thường xuyên cho gia đình tốn kém, nên nhiều khách hàng đã nghiên cứu các gói vay tiêu dùng, song chưa quyết định làm hợp đồng vay vốn.

Theo các chuyên gia kinh tế, khi các NHTM đẩy mạnh cho vay tiêu dùng sẽ kích cầu sản xuất và là động lực quan trọng kích thích tăng trưởng kinh tế hiện nay. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid – 19 cơ bản được kiểm soát, sản xuất trong nước bắt đầu phục hồi thì việc giải ngân vốn cho vay tiêu dùng không chỉ giúp các ngân hàng tăng trưởng tín dụng mà còn kích thích sản xuất phục hồi. Hơn nữa, việc mở rộng tín dụng cho vay tiêu dùng sẽ hạn chế và đẩy lùi được tín dụng đen. Tuy nhiên, nhiều người dân có nhu cầu vay vốn phục vụ cho tiêu dùng hiện nay vẫn gặp rào cản do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc làm bấp bênh, thu nhập không ổn định, mức thu nhập còn thấp, dẫn tới chưa tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Để giải ngân vốn cho người dân vay tiêu dùng, cần có chính sách giảm lãi suất và kéo dài thời gian thanh khoản hợp đồng trong bối cảnh kinh tế và mức thu nhập của người dân còn khó khăn. Có như vậy, cho vay tiêu dùng mới thực sự là động lực quan trọng kích thích tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống của người dân. 

TIN MỚI CẬP NHẬT

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến, chủ trương các nội dung kinh tế - xã hội theo thẩm quyền

Xây dựng Đảng - Chính quyền  |  17:30 22/11/2024

Chiều 22/11, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy tiếp tục nội dung chương trình làm việc cho ý kiến, cho chủ trương các nội dung kinh tế - xã hội theo thẩm quyền. Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

Chính trị  |  14:03 22/11/2024

Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến các nội dung theo thẩm quyền

Xây dựng Đảng - Chính quyền  |  12:20 22/11/2024

Sáng 22/11, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy tổ chức hội nghị cho ý kiến các nội dung trình Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 (Kỳ họp thứ 21), HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 và các nội dung khác theo thẩm quyền. Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC