Người dân xã Xuân Khê ai cũng biết chợ cầu may một năm chỉ họp một phiên duy nhất vào sáng mùng 2 Tết, nhưng hỏi chợ có tự bao giờ đến các cụ cao niên trong làng cũng lắc đầu trả lời "không biết". Bà Trần Thị Mơ, 65 tuổi, xóm 2B, xã Xuân Khê bộc bạch: Tôi sinh ra, chợ đã có rồi. Năm nào cũng vậy, sáng mùng 2 Tết, sau khi cùng con cháu làm xong mâm cơm cúng tổ tiên tôi mới đi chợ. Chợ họp từ sớm, đông vui lắm. Đến chợ, năm nào tôi cũng mua muối, có năm mua thêm bức tranh về treo Tết. Mua hàng xong tôi vào chùa Vĩnh Khánh lễ phật cầu sức khỏe, bình an cho cả gia đình. Thật khó lý giải nhưng mỗi lần đi chợ cầu may về, tôi luôn cảm thấy yên tâm và tin tưởng sự may mắn, thuận lợi sẽ đến với gia đình mình trong năm mới.
Ngay từ thuở nhỏ bà Trương Thị Hải, 67 tuổi, xóm 7, Xuân Khê đã quen với cảnh họp chợ cầu may đông vui, tấp nập, nhộn nhịp ngày đầu xuân mới. "Nhà tôi ở gần khu vực họp chợ, vì vậy, ngày mùng 2 Tết tôi thường mang muối ra chợ bán. Ngày trước, khi chưa có túi nilông và các loại bao giấy nhỏ như hiện nay, muối được gói trong lá dong, lá chuối, buộc bằng sợi rơm vàng. Bán muối ở chợ cầu may không cần cân, chỉ cần chiếc thìa nhỏ để xúc. Người đi chợ mua muối đông lắm, họ mua để lấy may. Đàn bà, tôi xúc 9 thìa nhỏ, đàn ông thì 7 thìa (quan niệm của người Việt ta đàn bà 9 vía, đàn ông 7 vía). Bán lấy may mình cứ xúc thìa đầy, người mua cũng vui, mình bán cũng vui, người mua lấy may, mình bán cũng để lấy may". Bà Hải chia sẻ.
Không nổi tiếng và được nhiều người biết đến như chợ Viềng (Vụ Bản, Nam Định), nhưng với người dân Xuân Khê mỗi khi Tết đến Xuân về mọi người lại náo nức rủ nhau đi chợ cầu may để cầu những điều tốt đẹp nhất cho gia đình trong năm mới. Nói là đi chợ nhưng mục đích chính là để cầu may, vì vậy người đi chợ rất hoà nhã, thân thiện, cởi mở hỏi chào; việc bán - mua diễn ra vui vẻ, thoải mái. Theo thông lệ, chợ cầu may họp từ 4, 5 giờ sáng, kết thúc vào khoảng 4, 5 giờ chiều. Không chỉ người dân xã Xuân Khê đi chợ cầu may mà còn thu hút đông đảo người dân các xã quanh vùng tới tham dự. Hàng bán tại chợ rất đa dạng: đồ dùng vật dụng hằng ngày, đồ chơi cho trẻ, các sản vật, nhu yếu phẩm do người dân trong vùng sản xuất ra... Đặc biệt, mặt hàng không thể thiếu, được mua nhiều nhất đó là muối. Từ xưa các cụ ta có quan niệm, muối mặn có thể xua đuổi tà ma và điều không may, đem lại sự thuận lợi, bình yên cho gia đình. Muối có mầu trắng biểu trưng cho sự tinh khiết; vị mặn, đậm đà biểu trưng cho sự yêu thương, gắn bó bền chặt giữa người với người trong từng gia đình nói riêng, trong cộng đồng làng xóm nói chung. Ngoài ra, muối còn là thứ gia vị quan trọng không thể thiếu trong bữa cơm hằng ngày của người dân Việt ...
Trao đổi với chúng tôi về ý nghĩa của phiên chợ cầu may, đồng chí Ngô Văn Lâm, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Khê khẳng định: Chợ cầu may là nét sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp được người dân địa phương bảo tồn, gìn giữ hàng trăm năm qua. Theo các cụ kể lại, chợ cầu may trước kia có tên là chợ Chùa, vì chợ họp ngay trước cửa chùa Vĩnh Khánh của xã. Một năm, chợ họp một phiên duy nhất vào ngày mùng 2 Tết. Bởi mục đích chính của việc đi chợ là để cầu may nên ngày nay mọi người gọi luôn là chợ cầu may. Ngày trước, chợ chủ yếu bán muối. Giờ chợ bán đầy đủ các mặt hàng như: đồ cúng lễ, hoa quả, thực phẩm và đa dạng các mặt hàng tiêu dùng khác... Chợ cầu may họp ngay bên quốc lộ 38B, kéo dài khoảng 3km, vì vậy, để bảo đảm giao thông thông thoáng, từ trước Tết Nguyên đán, xã đã xây dựng kế hoạch, phân công, giao nhiệm vụ cho lực lượng công an, đội thanh niên tình nguyện thực hiện phân luồng giao thông, bảo đảm an toàn cho người đi chợ trong dịp Tết.
Bao năm qua, người dân xã Xuân Khê đã quen với việc đi chợ cầu may vào sáng ngày mùng 2 Tết Nguyên đán. Nét văn hóa tâm linh đặc sắc này luôn được người dân nơi đây trân trọng duy trì, gìn giữ với niềm tin tưởng: Đi chợ cầu may, may mắn, thuận lợi sẽ đến với mọi người trong năm mới.
P. Hiền
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg ngày 22/11/2024 về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023 - 2025.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) và Phiên họp lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP), chiều 22/11, tại thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Manet.
Chiều 22/11, tại sân bóng đá cỏ nhân tạo phường Lam Hạ (thành phố Phủ Lý), Đoàn Khối các cơ quan tỉnh tổ chức trao giải Giải Bóng đá Đoàn Khối các cơ quan tỉnh lần thứ XIII và hưởng ứng Chương trình "Những bước chân nhân ái vì cộng đồng" năm 2024. Dự trao giải có các đồng chí: Trần Nguyễn Hiền Anh, TUV, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Chánh văn phòng Tỉnh ủy; Đặng Anh Tuấn, TUV, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.