CHƯƠNG V: BÌNH LỤC TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG ĐẾ QUỐC MỸ XÂM LƯỢC
I. KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CHIẾN TRANH XÂY DỰNG CHẾ ĐỘ MỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ CỦNG CỐ QUỐC PHÒNG BẢO VỆ MIỀN BẮC CHI VIỆN SỨC NGƯỜI SỨC CỦA CHO MIỀN NAM
1. Khắc phục hậu quả chiến tranh xây dựng chế độ mới
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu, ngày 20-7-1954 thực dân Pháp buộc phải ký kết Hiệp định Giơnevơ (Thụy Sĩ) về đình chỉ chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương, công nhận độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.
Hiệp định là vậy nhưng đế quốc Mỹ đã chủ trương can thiệp vào miền Nam, Việt Nam, trắng trợn xóa bỏ hiệp định Giơnevơ. Cuối năm 1955 Mỹ đã hất cẳng Pháp ở miền Nam, gạt bỏ bọn cầm đầu ngụy quyền do Pháp đào tạo, thẳng tay khi đưa Ngô Đình Diệm lên nắm chính quyền, dựng nên bộ máy chính quyền thân Mỹ, từ chối hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam - Bắc. Mỹ đã dùng nhiều thủ đoạn kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự hòng biến miền Nam, Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông Nam Á.
Được sự hậu thuẫn, hà hơi tiếp sức của Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm ra sức đàn áp phong trào cách mạng miền Nam và tiến hành nhiều thủ đoạn chống phá nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Chúng tung nhiều gián điệp, biệt kích móc nối với những phần tử phản động, những phần tử đội lốt tôn giáo như: Khuê, Hóa, Minh ra sức lôi kéo, cưỡng ép người dân theo đạo thiên chúa di cư vào Nam với luận điệu vô cùng thâm độc như: “Chúa đã vào Nam”, “Đức Mẹ đã vào Nam”, chúng tung tin vu cáo cộng sản “ Phá đạo”. Đe dọa, cưỡng bức nếu không đi thì rút phép thông công, khi chết phải sa vào hoả ngục, rồi Mỹ sẽ ném bom nguyên tử xuống miền Bắc…
Trước tình hình ấy Đảng, chính quyền, các đoàn thể cách mạng và lực lượng quân sự huyện đã phải ra sức tuyên truyền phản bác những luận điệu thâm độc của địch, vận động hàng trăm gia đình ở lại quê hương, xây dựng cuộc sống mới. Cũng trong thời gian này lực lượng quân sự huyện đã tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, tháo gỡ bom mìn, bảo đảm cuộc sống an toàn cho nhân dân, tiến hành một số nhiệm vụ cần thiết cho việc xây dựng chế độ xã hội mới.
- Tháng 2 năm 1955 đầu năm 1956 trên địa bàn Hà Nam trong đó có Bình Lục được tiến hành cải cách ruộng đất, đấu tranh xóa bỏ giai cấp địa chủ và tầng lớp bóc lột, đưa ruộng đất về cho dân cày, tạo không khí cách mạng trong quần chúng nhân dân, giai cấp địa chủ đã bị đánh đổ, tịch thu hàng trăm mẫu ruộng, hàng trăm trâu bò, hàng ngàn nông cụ sản xuất và nhiều tài sản khác của địa chủ bị tịch thu chia cho dân nghèo. Thành công là vậy nhưng trong quá trình thực hiện đã phạm phải những sai lầm như quy sai thành phần, thậm chí quy sai, bắt nhầm một số đồng chí là cán bộ đảng viên trung kiên, cán bộ Đảng viên hoạt động bí mật, gây nên hậu quả xấu. Vì thế tiếp ngay sau đó đảng đã tiến hành công khai sửa sai nhằm sớm ổn định tình hình, tập trung phát triển kinh tế nâng cao đời sống nhân dân.
Trong thời gian này Huyện đã tập trung chỉ đạo cuộc vận động nhân dân hình thành tổ đổi công trong sản xuất, tiến lên thành lập Hợp tác xã nông nghiệp vào năm 1959. Đến tháng 11-1960, đã có 80% số hộ nông dân tự nguyện đóng góp ruộng đất, trâu bò, nông cụ sản xuất vào Hợp tác xã nông nghiệp, bước vào thời kỳ làm ăn tập thể các Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, Hợp tác xã mua bán, Hợp tác xã Tín dụng, Cửa hàng mậu dịch Quốc Doanh cũng được hình thành trong thời kỳ này.
Trong quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh, cải tạo xã hội chủ nghĩa (XHCN) xây dựng chế độ mới, các lực lượng phản động vẫn tìm mọi cách chống phá cách mạng. Chúng lợi dụng sai lầm trong cải cách ruộng đất, thổi phồng nói xấu chế độ, xúi giục người dân không vào Hợp tác xã, xuyên tạc con đường làm ăn tập thể để chống phá cách mạng.
Ở Miền Nam chính quyền Ngô Đình Diệm được sự hà hơi, tiếp sức của Mỹ đã tăng cường đàn áp phong trào cách mạng, tuyên truyền chủ trương chống cộng từ chối hiệp thương tổng tuyển cử, hô hào lấp sông Bến Hải “ Bắc Tiến”. Trước thực tế ấy Trung ương Đảng và Bác Hồ đã chỉ rõ khả năng thống nhất đất nước bằng con đường hòa bình không còn nữa, cách mạng bước sang một giai đoạn mới.
2. Củng cố quốc phòng, bảo vệ Miền Bắc, chi viện cho Miền Nam đánh giặc
Tháng 3-1957, Hội nghị Trung ương lần thứ 12 xác định phải xây dựng quân đội tiến lên chính quy hiện đại. Tháng 8-1958 Trung ương Đảng triệu tập hội nghị bàn về xây dựng lực lượng dự bị toàn miền Bắc. Tháng 11-1958 Ban Bí thư ra Chỉ thị 119 về công tác quân sự, tăng cường tiềm lực quốc phòng từ Trung ương đến cơ sở. Thực hiện “quân sự hóa” toàn dân “vũ trang quần chúng” khắc phục tư tưởng hòa bình chủ nghĩa.
Cuối năm 1958 huyện đã có hàng ngàn dân quân tự vệ. Ở những nơi trọng yếu xây dựng những trung đội, tiểu đội mạnh, có trang bị vũ khí đầy đủ và huấn luyện cơ bản, khi có tình huống cần thiết sẵn sàng sử lý giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
- Năm 1959 toàn huyện có 2.085 dân quân 1, 4.245 dân quân 2.
- Tháng 10-1959 ở miền Nam, Ngô Đình Diệm khủng bố kéo lê máy chém đi khắp nơi truy lùng cộng sản với chủ trương “giết nhầm hơn bỏ sót”. Cách mạng miền Nam gặp nhiều khó khăn. Lúc này Trung ương đảng đã chỉ đạo cách mạng miền Nam vượt qua những khó khăn và tăng cường xây dựng lực lượng quân sự bảo vệ miền Bắc, sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, huyện đã tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, vạch trần những luận điệu phản cách mạng của địch như: Quân Ngô Đình Diệm đã đánh ra Nghệ An, Thanh Hóa, quân đội vương quốc Lào đã áp sát biên giới Việt Nam…
Công tác đăng ký khám sức khỏe, nhập ngũ được quan tâm chỉ đạo nên hầu hết các xã đều đạt tỉ lệ 95 đến 98% thanh niên trong độ tuổi đăng ký, nhiều xã vượt chỉ tiêu, nhiều thanh niên tuổi 17 cũng hăng hái làm đơn tình nguyện được đi bộ đội.
II. TÍCH CỰC CHUẨN BỊ CHO CHIẾN ĐẤU CHỐNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI CỦA ĐẾ QUỐC MỸ
Tháng 9-1960 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã họp và chỉ rõ: Đối với miền Bắc phải đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và làm nhiệm vụ hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho miền Nam chiến đấu chống Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.
Huyện đã tập trung chỉ đạo tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngành kinh tế, cải tiến quản lý Hợp tác xã nông nghiệp, cải tiến kỹ thuật với tinh thần “hợp tác là nhà, xã viên là chủ” nhằm tạo ra một năng suất cao trong lao động sản xuất. Nhiều công trình thủy lợi phục vụ sản xuất được triển khai mạnh mẽ. Kết hợp chặt chẽ giữa tưới tiêu với giao thông vận tải, đường bộ, đường sông, giảm nhẹ sức lao động trong sản xuất của người dân. Kết hợp kinh tế với quốc phòng sẵn sàng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Tháng 12-1960 Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, Việt Nam được thành lập, đảm nhiệm sứ mệnh trực tiếp tổ chức chỉ đạo cuộc đấu tranh trên địa bàn miền Nam. Đó là một thuận lợi lớn của cách mạng miền Nam, song lúc này đế quốc Mỹ lại tiếp tục tăng cường trang bị vũ khí và hệ thống cố vấn đến cấp đại đội, tấn công quyết liệt vào lực lượng cách mạng ở miền Nam. Chúng đẩy mạnh các hoạt động gián điệp, biệt kích chống phá miền Bắc. Thực tế ấy đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải hết sức cảnh giác chống lại sự phá hoại của địch và và tăng cường xây dựng tiềm lực kinh tế, tiềm lực quốc phòng. Huyện đã tập trung xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trong tình hình mới, xác định lực lượng dân quân là nòng cốt trong phát triển kinh tế và sẵn sàng chiến đấu. Hàng năm lực lượng dân quân đã bổ sung mới trên dưới 200 người đạt tổng số từ 2 đến 3% dân số. Đặc biệt chú trọng công tác huấn luyện, thành lập các cụm chiến đấu liên hoàn và tập luyện theo phương án chiến đấu bảo vệ thôn xóm, bảo vệ khu vực, diễn tập đánh địch đổ bộ đường không và chiến đấu chống biệt kích. Sẵn sàng nhận nhiệm vụ tăng cường cho bộ đội thường trực.
Năm 1962 tỉnh đội huy động Tiểu đoàn dự nhiệm của Bình Lục gần 500 quân, có 300 người thuộc Binh chủng Bộ binh, 200 người thuộc binh chủng kỹ thuật, với tinh thần “có lệnh là đi có địch là đánh”.
Ngày 17-4-1964 Hoa Kỳ thông qua danh sách những mục tiêu cần đánh phá ở miền Bắc. Chúng tập kết máy bay chiến đấu, máy bay ném bom đến các sân bay ở miền Nam, các sân bay khu vực lân cận và hạm đội ở biển Đông.
Tháng 6-1964 Bộ chính trị Trung ương Đảng nhận định “khả năng địch liều lĩnh ném bom bắn phá miền Bắc để uy hiếp tinh thần nhân dân ta, đỡ đòn cho chúng ở miền Nam và Lào đang trở thành hiện thực”. Bộ Chính trị Chỉ thị “ Tăng cường sẵn sàng chiến đấu, phá tan âm mưu khiêu khích đánh phá miền Bắc của không quân địch, kiên quyết tiêu diệt địch nếu chúng xâm phạm miền Bắc”.
Đúng như nhận định của Trung ương sau khi dựng lên màn kịch sự kiện Vịnh Bắc Bộ ngày 5-8-1964 Tổng thống Mỹ Giôn Sơn đã ra lệnh cho 64 máy bay từ các tàu sân bay và căn cứ Mỹ ở miền Nam lao vào đánh phá miền Bắc. Trong trận thử lửa này quân và dân ta đã bắn rơi 8 máy bay Mỹ, bắt sống một tên giặc lái. Thắng lợi đầy chứng tỏ quân và dân ta chủ động chuyển mọi hoạt động từ thời bình sang thời chiến và chuẩn bị mọi điều kiện chiến đấu chống địch đánh phá là một quyết định đúng đắn.
III. TAY CÀY, TAY SÚNG GÓP PHẦN ĐÁNH THẮNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI CỦA ĐẾ QUỐC MỸ, DỐC SỨC CHI VIỆN SỨC NGƯỜI, SỨC CỦA CHO CHIẾN TRƯỜNG GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT TỔ QUỐC
Ngày 7-2 -1965 Tổng thống Mỹ đã công khai phát động chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và Hải quân, đồng thời ồ ạt đưa quân Mỹ và miền Nam hòng bóp nghẹt phong trào giải phóng miền Nam của nhân dân ta.
Vào thời điểm này thực hiện nghị định của Chính phủ tháng 3-1965 hai tỉnh Hà Nam và Nam Định hợp nhất thành tỉnh Nam Hà và từ đây dưới sự chỉ đạo của tỉnh ủy Nam Hà, huyện Bình Lục tiếp tục khẩn trương củng cố lực lượng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của địch.
Ngày 24-4-1965 Huyện ủy Bình Lục đã có nghị quyết, xác định rõ nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ miền Bắc và chi viện cho miền Nam với khẩu hiệu: “Tay cày, tay súng, thanh niên ba sẵn sàng, phụ nữ ba đảm đang, thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người tất cả vì miền Nam ruột thịt”.
Ngày 25- 5-1965, 5 máy bay Mỹ đánh phá cầu Đoan Vỹ và đoạn đường số 1 thuộc Thanh Khê, Thanh Liêm mở đầu chiến tranh phá hoại vào tỉnh Hà Nam.
10 giờ10 ngày 26-5-1965 hai máy bay F4H của Mỹ lao vào đánh phá cầu sắt huyện Bình Lục, làm tắc nghẽn giao thông đường quốc lộ 21. Trước tình hình đó từ ngày 18 đến ngày 22-8-1965 Huyện Ủy tổ chức hội nghị mở rộng ra nghị quyết về việc đẩy mạnh công tác giao thông vận tải. Đào thêm nhiều hầm hố tránh bom đạn của địch, nhất là những khu dân cư gần những vị trí trọng yếu như: ga Cầu Họ, ga Bình Lục, cầu Họ, cầu Sắt, cầu Ghéo cũng như dọc đường quốc lộ 21 và các trục đường chính của huyện. Chỉ đạo di chuyển các kho tàng, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, trụ sở, các cơ quan vào những khu vực an toàn. Các trường học lớp học ở các thôn xã đắp ụ đất xung quanh lớp học, học sinh đi học đội mũ rơm phòng tránh mảnh bom, mảnh đạn.
Tăng cường xây dựng củng cố lực lượng quốc, phòng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đặt ra cấp thiết. Đầu năm 1965 toàn huyện có 1.868 thanh niên dân quân bổ sung vào bộ đội thường trực, 5.000 thanh niên đăng ký tình nguyện xung phong ra mặt trận đánh Mỹ. 100% các thôn, đội sản xuất đều có Tổ dân quân tự vệ, lực lượng này tăng từ 6,8% dân số năm 1964 lên 11,7% năm 1965. Trong lực lượng dân quân đã tuyển chọn biên chế 73 tổ trực chiến thường xuyên với quân số 357 người và 342 khẩu súng, bán thường xuyên 91 tổ với 327 người và 326 khẩu súng.
Đầu tháng 5-1965 Huyện đã chỉ đạo mỗi xã có một đến hai Tổ dân quân trực chiến săn máy bay địch. Đến cuối năm 1965 toàn Huyện đã xây dựng 62 Đại đội sẵn sàng cơ động, lực lượng này được tỉnh đội và huyện đội huấn luyện kỹ chiến thuật tác chiến và sử dụng vũ khí kỹ thuật.
Tháng 12-1965 Đại đội cơ động của huyện, các phân đội công binh, trinh sát, các phân đội phòng không sử dụng súng 12 ly 7, 14 ly 5. Các tổ cứu thương, cứu hỏa, cứu sập hầm được thành lập và đi vào hoạt động. Huyện đã xây dựng 6 trận địa phòng không để bảo vệ nhà ga, các cầu, cống lớn đầy đủ lực lượng vũ khí sẵn sàng chiến đấu.
Sáng ngày 18-8-1966 hai tốp máy bay Mỹ bất ngờ lao đến bắn nhiều loạt rốc két xuống khu vực nhà ở, đường bộ, đường sắt, khu ga Cầu Họ, làm cầu đường bộ bị sập, cầu đường sắt bị gãy, hàng chục nhà khu ga bị tàn phá, làm chết 1 người, bị thương 2 người. Ngày 5- 9 từ 7h10 đến 16h25 nhiều phi đội máy bay giặc Mỹ liên tiếp đánh 6 trận vào cầu Sắt, cầu Họ, ga Bình Lục, làm hỏng hai đầu tàu, kho lương thực cầu Sắt bị đánh sập và nhiều nhà dân bị tàn phá. Các đơn vị phòng không, các đội săn máy bay bắn trả quyết liệt. Khi máy máy bay định ngừng bắn phá, lực lượng dân quân đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để khắc phục hậu quả, nối lại huyết mạch giao thông. Ngày 29-9-1966 máy bay Mỹ tiến đánh hai trận vào khu vực chùa ông Cân ở xã La Sơn làm chết 1 nhà sư, 2 người bị thương, chùa bị hư hỏng nặng Chỉ trong hai tháng 8 và 9 năm 1966 đã có 26 lần tốp máy bay Mỹ đánh phá 11 trận vào sáu địa điểm cầu, cống, công trình thủy lợi, kho tàng thuộc địa bàn Bình Lục.
Sang năm 1967 cường độ đánh phá của địch ác liệt hơn, quy mô rộng hơn, số trận oanh tạc nhiều hơn, chỉ tính 8 tháng đầu năm số trận oanh tạc đã bằng cả năm 1966. Năm 1967 Mỹ đánh phá vào các khu dân cư Văn Phú, Mỹ Thọ, Mai Động, Trung Lương, nhà trẻ mẫu giáo xã Mỹ Thọ. Đặc biệt các ngày 2 và 3 tháng 7 năm 1967 máy bay Mỹ liên tiếp đánh phá 21 điểm, thả 314 quả bom các loại, làm chết 3 người, bị thương 13 người, phá hỏng 9 toa xe và đầu máy xe lửa, ba cầu và 250m đường sắt, đường bộ, trong đó cầu sắt bị hư hỏng nặng, 78 gian Nhà bị sập.
Trong thời gian này huyện đã tập trung chỉ đạo sơ tán người dân ở những vùng trọng yếu, di chuyển kho tàng vào vùng an toàn. Tăng cường lực lượng quân sự. Huyện đã thành lập Đại đội pháo cao sạ 37ly2 và trung đội 14ly 5, 12ly 7 thường trực chiến đấu. Lực lượng dân quân tự vệ tích cực tham gia p;hục vụ và xây dựng trận địa tên lửa, trận địa pháo cùng các đơn vị bộ đội sẵn sàng chiến đấu đánh địch ở các vị trí như: Ngô Khê, An Lão, An Mỹ, An Đổ, Bối Cầu, Trung Lương…
Chiều ngày 27- 5-1967 một tốp máy bay A4 lao vào đánh phá các khu vực cầu Sắt, cầu Họ, đường máng Bùi. Lực lượng thường trực chiến đấu của huyện, lực lượng dân quân trực chiến các xã đã bắn trả quyết liệt.
Ngay đêm đó tỉnh đội đã thông báo trận địa các chiến sĩ xã An Nội, Trung Lương, An Ninh, Bối Cầu đã bắn cháy một máy bay phản lực Mỹ vào lúc 15 giờ. Tin chiến thắng đã làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong huyện tăng thêm niềm tin tưởng của lực lượng dân quân tự vệ trong chiến đấu.
Ngày 1-11-1968 do thắng lợi to lớn của quân và dân ta ở hai miền Nam - Bắc, Tổng thống Mỹ Giôn Sơn phải tuyên bố chấm dứt hoàn toàn việc ném bom, bắn phá và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, chấp nhận đàm phán tại Pari để giải quyết vấn đề hòa bình ở Việt Nam.
Giữa lúc quân và dân hai miền Nam - Bắc đang giành được những thắng lợi to lớn trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao thì một tin đau đớn đã đến với Đảng bộ, quân và dân Bình Lục: Chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc qua đời vào ngày 2-9-1969. Đây là một tổn thất lớn lao nỗi đau thương vô hạn với toàn Đảng, toàn dân tộc. Ngày 6-9-1969 ở tất cả các địa phương đều tổ chức lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh theo nghi lễ trang trọng nhất.
Ngày 15-10-1969 huyện ủy ra nghị quyết tiến hành đợt sinh hoạt chính trị “học tập và làm theo Di chúc của Chủ Tịch Hồ Chí Minh”. Biến đau thương thành hành động cách mạng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục là hậu phương vững chắc, chi viện sức người, sức của cho miền Nam đấu tranh giải phóng thống nhất Tổ quốc.
Trước sức mạnh to lớn của quân và dân hai miền Nam- Bắc ngày 27-01-1973 đế quốc Mỹ buộc phải ký hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ngày 29-3-1973 Mỹ cuốn cờ rút tên lính cuối cùng khỏi miền Nam, Việt Nam.
Cách mạng chuyển sang một giai đoạn mới, thừa thắng quân ta ở miền Nam đẩy mạnh chiến đấu, tập trung mũi nhọn vào Ngụy quân, Ngụy quyền đánh đổ từng bộ phận, tiến tới đánh đổ toàn phần. Lúc này nhân dân miền Bắc nói chung cũng như nhân dân Bình Lục tiếp tục đẩy mạnh sản xuất chi viện lương thực, thực phẩm, tăng cường lực lượng bổ sung cho chiến trường giải phóng Miền Nam thống nhất Tổ quốc. Từ năm 1973 đến đầu năm 1975 Bình Lục đã tuyển 3.000 thanh niên lên đường vào Nam chiến đấu, chi viện gần 2 vạn tấn lương thực, thực phẩm cho chiến trường.
Đầu năm 1975 sau chiến thắng Phước Long, Trung ương và Bộ Tổng Tham mưu quyết định mở chiến dịch Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng đã giành được thắng lợi lớn, tiếp đó các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ được giải phóng. Thừa thắng Bộ chính trị, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh tấn công vào trung tâm đầu não của chính quyền Sài Gòn.
11h30 ngày 30-4-1975 với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử quân ta tiến đánh phủ Tổng thống Ngụy - Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Miền Nam hoàn toàn giải phóng kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của nhân dân ta.
Trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp và Mỹ, Bình Lục đã có 14.299 chiến sĩ lên đường ra trận, hàng vạn dân công hỏa tuyến và thanh niên xung phong ra tiền tuyến phục vụ chiến đấu. Trong số những người con yêu quý ấy có 3.322 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập - tự do của Tổ quốc và 2.800 thương binh, bệnh binh và nhiều người bị nhiễm chất độc Dioxin. Trong kháng chiến chống Pháp có 7 xã được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kì chống Pháp là: xã Đồng Du, xã Tràng An, xã Vũ Bản, xã Hưng Công, xã Bình Nghĩa, xã Bồ Đề, xã An Lão. Xã Trung Lương vinh dự được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kì chống Mỹ. Đảng bộ, quân và dân huyện Bình Lục vinh dự được Nhà nước được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kì chống Pháp.
Trong tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, thông qua nhiều dự án luật và nghị quyết quan trọng, đồng thời tiến hành công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.
Thủ tướng sẽ quyết định phương án thu hồi hoặc dùng ngân sách nhà nước mua cổ vật, bảo vật quốc gia về Việt Nam, theo Luật Di sản văn hóa sửa đổi.
Theo cảnh báo của hãng tin Bloomberg, châu Âu đang đứng trước nguy cơ tái diễn một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng khi lượng dự trữ khí đốt cạn kiệt nhanh chóng, trong khi các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Gazprombank đe dọa cắt đứt những tuyến cung cấp khí đốt cuối cùng từ Nga.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.