Địa chí huyện Bình Lục: Phần thứ hai – Lịch sử chống ngoại xâm

Địa chí 17:02 13/05/2022 Địa chí Huyện Bình Lục
CHƯƠNG I: BÌNH LỤC TỪ THỜi TIỀN SỬ ĐẾN THẾ KỶ XIX

I. BÌNH LỤC TỪ THỜI TIỀN SỬ ĐẾN THẾ KỶ X

1. Dấu tích con người và khu vực hành chính của cư dân Bình Lục thời kỳ văn hóa Đông Sơn.

Huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam thuộc châu thổ sông Hồng,đồng bằng Bắc Bộ. Căn cứ vào những vật khảo cổ tìm thấy ở các di chỉ  hang Chuông, hang Gióng lở trên địa bàn tỉnh Hà Nam như: Cuốc đá sa thạch, công cụ chặt thô hình mai rùa, bàn nghiền và những dấu vết của bếp lửa với những công cụ đồ dùng có vết đen do lửa cháy tạo thành cùng với những xương động vật xung quanh khu bếp[1].

Những dấu vết các vật tìm thấy là cơ sở khoa học để các nhà khảo cổ học nhận định, đánh giá và xếp chúng thuộc nền văn hóa Bắc Sơn ở vào hậu kỳ thời đồ đá mới. Từ đó mà đi đến nhận định cách ngày nay khoảng trên dưới 5.000 năm người nguyên thủy đã xuất hiện trên đất Hà Nam.

Trong thời kỳ tiếp theo, cư dân thuộc văn hóa Bắc Sơn trong các di chỉ phát hiện ở Hà Nam mang yếu tố bản địa cùng các cư dân thuộc văn hóa Bắc Sơn ở các vùng khác đã có những bước phát triển mới, họ tiến hành chế tác đồ gốm. 

Sự xuất hiện đồ gốm được các nhà khoa học coi là các mốc để phân biệt thời đại đá cũ với thời đại đá mới và chính sự phát triển ấy đã cải thiện được cuộc sống của cư dân Bắc Sơn nhất là trong việc chế biến và bảo quản thức ăn hàng ngày, phản ánh sự phát triển tiến bộ của cư dân thời bấy giờ.

Cùng với thời gian cư dân Bắc Sơn đã từng bước phát triển và tiến dần từ những hang động, rừng núi hoang vu rậm rạp, theo những sông suối xuống vùng đồng bằng lập nên những khu dân cư nhỏ bé ở những vùng đất cao gần sông suối, sống bằng nghề chài lưới và trồng trọt, hình thành nên nền văn minh lúa nước[2] đồng thời đã có những bước phát triển mới trong chế tạo công cụ lao động cũng như những sản phẩm phục vụ cho cuộc sống, đó là những sản phẩm bằng đồng thay vì bằng đá. Các nhà khoa học gọi thời kỳ này là thời đại đồ đồng mà đặc trưng là nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ, tương ứng với thời đại Hùng Vương của quốc gia Văn Lang - Âu Lạc vào khoảng thế kỷ V trước công nguyên.

Ngày ấy, vùng đất Hà Nam ngày nay trong đó có Bình Lục thuộc bộ Giao Chỉ là một trong 15 bộ của nước Văn Lang, một dạng nhà nước sơ khai của triều đại các vua Hùng nhưng trình độ phát triển đã có những bước tiến mới, một trong những dấu ấn đặc biệt đặc trưng của thời đại Hùng Vương là những sản phẩm bằng đồng mà đặc trưng nổi trội nhất  là trống đồng. Các nhà khoa học gọi thời kỳ này này là thời kỳ đồ đồng với nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ. Cùng với đồ đồng còn có các di vật khác cũng rất đặc trưng ở thời đại Hùng Vương là mộ cổ, mộ thuyền mà trong đó người ta tìm thấy nhiều đồ dùng bằng đồng trong các quan tài làm từ thân cây gỗ xẻ đôi theo chiều dọc và khoét sâu lòng máng cả tấm thiên, tấm địa, được chôn ở vùng đất trũng ven các sông suối và là đặc trưng địa - văn hóa của các mộ thuyền trước và sau công nguyên thuộc văn hóa Đông Sơn[3] có nghĩa là là thuộc thời đại Hùng Vương.

Từ những cơ sở khoa học của ngành khảo cổ học nêu trên, chúng ta có thể hiểu đất Bình Lục thời kỳ Hùng Vương đó là một vùng đất phát triển. Các cư dân Bình Lục đã có những tiến bộ mới trong lao động sản xuất trong sinh hoạt cộng đồng gắn liền với thời đại đồ đồng, với nền văn hóa Đông Sơn và nền văn minh lúa nước, cách ngày nay khoảng 2.500 năm .

Thực tế trên địa bàn tỉnh Hà Nam nói chung, các nhà khảo cổ học qua các lần thám sát cũng như qua lao động sản xuất của người dân bản địa đã phát hiện nhiều trống đồng, thạp đồng, dùi đồng, giáo đồng và những dụng cụ sản xuất nông nghiệp như “nhíp gặt lúa” cũng đã được tìm thấy ở Hà Nam[4].

Bình Lục là huyện có số lượng trống đồng, thạp đồng được phát hiện đứng hàng thứ hai trong tỉnh.

Cụ thể toàn tỉnh có 18 trống đồng thì Bình Lục có 7 chiếc chiếm tỉ lệ 1/3 trong đó xã Ngọc Lũ ba chiếc, An Tập xã An Mỹ, Vũ Bị xã Vũ Bản, xã An Lão, xã An Nội mỗi nơi một chiếc.

Thạp đồng toàn tỉnh phát hiện 9 chiếc trong đó huyện Bình Lục có hai chiếc phát hiện tại xã Trịnh Xá[5].

Đặc biệt hệ thống trống đồng được phát hiện ở Hà Nam  đều thuộc loại H1 theo phân loại của Hêgơ một học giả người Áo trong đó trống đồng Ngọc Lũ huyện Bình Lục được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá là chiếc trống đồng có kích thước lớn nhất với đường kính mặt trống 79cm, cao 63cm, có niên đại cổ nhất và là chiếc trống đồng có hoa văn, hình ảnh đẹp nhất, phản ánh phong phú cuộc sống sinh hoạt của cư dân thời bấy giờ giờ và đạt đến trình độ luyện kim chế tác tinh sảo. Trống đồng Ngọc Lũ 1, hiện đang được lưu trữ theo chế độ bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Năm 1995 Chủ tịch nước Lê Đức Anh nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Liên Hiệp Quốc đã tặng một phiên bản trống đồng Ngọc Lũ I cho Liên Hiệp Quốc đó là niềm tự hào của nhân dân Bình Lục và của nhân dân Việt Nam.

Cùng với những di vật bằng đồng thì Hà Nam nói chung và Bình Lục nói riêng cũng là là nơi phát hiện nhiều mộ cổ, mộ thuyền một trong những đặc trưng của nền nền văn hóa Đông Sơn thời đại Hùng Vương. Việc phát hiện mộ cổ, mộ thuyền cho thấy trước đây cư dân Hà Nam cũng như cư dân Bình Lục đã phải đấu tranh gian khổ quyết liệt với những khắc nghiệt của thiên nhiên, đặc biệt là mưa, bão, lụt lội. Tính đến đầu thế kỷ 21, Việt Nam đã phát hiện khoảng 20 di tích mộ quan tài hình thuyền được xác định thuộc văn hóa Đông Sơn, trong đó ở Hà Nam đã phát hiện tại Mộc Bắc, Đọi Sơn, Yên Bắc, huyện Duy Tiên; Ba Sao huyện Kim Bảng; Châu Sơn thành phố Phủ Lý[6] cũng như các mộ cổ ở xã Tiêu Động và các xã dọc đường 64 huyện Bình Lục[7]. Với những di vật bằng đồng mà nổi trội là trống đồng và mộ cổ, mộ thuyền được phát hiện trên địa bàn tỉnh Hà Nam cũng như trên đất Bình Lục, là những căn cứ cho phép chúng ta hiểu được xưa kia  những cư dân Hà Nam, cư dân Bình Lục sống ở thời đại Hùng Vương đã trải qua một quá trình chinh phục, thích ứng và từng bước làm chủ vùng đất trũng với nhiều khó khăn thử thách.

Các cư dân Hà Nam và Bình Lục   ngày ấy họ  đã cùng với những cư dân Việt cổ khác trên khắp cả nước góp phần xây dựng nên một nền văn minh bản địa đầu tiên của dân tộc, đó là nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc hay còn gọi là nền văn minh sông Hồng với đặc trưng là nền văn hóa Đông Sơn và nền văn minh lúa nước, cách ngày nay khoảng 2500 năm.

Trống đồng Ngọc Lũ trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hà Nam.

2. Cư dân Bình Lục với các cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước Văn Lang thời đại  Hùng Vương

Văn Lang là nhà nước sơ khai thời đại Hùng Vương. Người đứng đầu nhà nước Văn Lang là vua Hùng, được kế tục theo chế độ cha truyền con nối và đóng đô ở Phong Châu (Việt Trì, Phú Thọ).Thiết chế có tướng văn và tướng võ.Tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng, con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương, các quan nhỏ gọi là Bồ Chính.

Theo sử cũ, nước Văn Lang ngày ấy được chia thành 15 bộ, 1: Văn Lang (Bạch Hạc, Phú Thọ); 2: Chu Diên (Sơn Tây); 3: Phúc Lộc (Sơn Tây); 4: Tân Hưng (Hưng Hóa, Tuyên Quang); 5: Vũ Định (Thái Nguyên, Cao Bằng); 6: Vũ Ninh (Bắc Ninh); 7: Lục Hải (Lạng Sơn); 8: Ninh Hải (Quảng Ninh);  9: Dương Tuyến (Hải Dương); 10: Giao Chỉ (Hà nội, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình); 11: Cửu Chân (Thanh Hóa); 12: Hoan Châu (Nghệ An); 13: Cửu Đức (Hà Tĩnh); 14: Việt Thường (Quảng Bình, Quảng Trị); 15: Bình Văn (chưa rõ vùng đất nào?...[8]. Đứng đầu mỗi bộ Lạc là Lạc tướng và cũng theo chế độ cha truyền con nối. Dưới bộ là các công xã nông thôn (ngày ấy gọi là kẻ, chạ, chiềng). Người đứng đầu công xã là Bồ chính. Mỗi công xã có một ngôi nhà chung để làm nơi hội họp và sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng. Chính điều đó đã góp phần quan trọng vào việc cố kết lòng người, xây dựng được ý thức cộng đồng, đoàn kết đấu tranh chống lại những khắc nghiệt của thiên nhiên và đấu tranh giữ gìn bản làng, đất nước[9].

Triều đại Hùng Vương trải qua 18 đời vua, với những công lao to lớn trong quá trình dựng nước,cố kết cộng đồng người Việt, làm cho nước Văn Lang phát triển về nhiều mặt trong sản xuất và sinh hoạt của người dân. Điều đó được thể hiện rõ nét ở hình ảnh được khắc trên bề mặt trống đồng Ngọc Lũ I như: hình chim Lạc, hình lông công, mặt trời, cảnh giã gạo, cảnh múa hát, cảnh bơi thuyền, vui hội mùa, hình ảnh các con vật... được miêu tả rất sinh động, phản ánh tình hình xã hội cũng như đời sống vật chất tinh thần của cư dân thời bấy giờ đã có những bước tiến bộ và cuộc sống của người dân khá thanh bình yên ổn.

Tuy vậy trải qua 18 đời vua, triều đại Hùng Vương cũng đã gặp phải những biến cố của đất nước đó là các thế lực ngoại bang như giặc Ân, giặc Chiêm Thành, giặc Thục ở những thời điểm khác nhau đã vô cớ mang quân xâm chiếm Văn Lang. Vì thế vua Hùng đã phải huy động hết tài năng trí tuệ của lạc hầu, lạc tướng và quân sĩ cùng cư dân cả nước đứng lên chống  chọi với kẻ thù xâm lược. Trong các cuộc chiến đấu ấy người dân Văn Lang nói chung cũng như cư dân Bình Lục luôn có tinh thần yêu nước, tích cực tham gia các cuộc đấu tranh bảo vệ giang sơn, bờ cõi và triều đại Hùng Vương. Điều đó được thể hiện rõ nhất ở những thần tích, thần sắc, truyền thuyết hiện còn đang lưu giữ trong sách vở lịch sử, truyền tụng trong dân gian cũng như những hiện vật ở các đình đền trên địa bàn huyện Bình Lục.

Theo Thần tích, Thần sắc Hà Nam, do nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản năm 2004, thì trên địa bàn huyện Bình Lục có nhiều nơi thờ những nhân vật lịch sử có công dẹp giặc Ân, giặc Chiêm Thành, giặc Thục thời đại các vua Hùng, trong đó có những nhân vật bản địa, có những nhân vật từ nơi khác về đồn trú ở Bình Lục, để đánh giặc và cả những nhân vật ở nơi khác nhưng có công lao trong việc đánh giặc, giữ nước ở thời Hùng Vương mà nhân dân ngưỡng mộ biết ơn nên lập đình đền thờ phụng.

Câu chuyện truyền thuyết về Thánh Gióng đánh giặc Ân thì người Việt Nam ta ai cũng biết. Ngài có sức khỏe phi thường, cưỡi ngựa sắt, cầm gươm xông ra trận tiền giết giặc. Ngài tiến đến đâu giặt thua đến đó gươm bị gãy, ngài nhổ các cụm tre mà đánh giặc. Ngài chém được tướng giặc là Thạch Linh thần tướng. Ngài đi đến đâu cũng có sự giúp sức của người dân bản địa. Lúc bấy giờ có ba anh em là Hoằng Công, Uy Công và Đô Công, quê ở Phong Châu rất tài giỏi được vua phong cho Hoằng Công là  Hoằng nghị Đại phu; Uy Công được phong là Lôi đình Đại tướng; Đô Công được phong là Đô thiên tướng lại. Thời ấy, đất Bình Lục có họ Ngô và họ Hoàng làm loạn, vua sai ba ngài xuất quân tiêu trừ. Khi các ngài về tới thôn An Thái, xã Cổ Thọ, Mỹ Thọ nay là thôn An Thái xã An Mỹ thì dừng lại lập đồn dinh để dẹp loạn. Hai họ Ngô, Hoàng bị chém tại trận tiền. Yên bình vua mở tiệc thưởng công tại kinh thành. Ba ngài bái mệnh, xin hồi cư rồi về thôn An Thái nơi lập dinh đồn ngày trước, sinh sống và chăm lo việc giúp dân. Các ngài còn dâng biểu xin nhà vua miễn tô dịch, thuế khóa cho dân bản địa.

Năm năm sau, có giặc Ân nước Tàu đem năm mươi vạn binh sang xâm chiếm Văn Lang vua sai ba ngài mang 10 vạn quân ra ra chống, khi Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng), tiến đánh giặc Ân đến Vũ Ninh thì gặp ba anh em Hoàng Công, Uy Công, Đô Công cùng hợp sức đánh giặc Ân tan tác, giữ được đất đai bờ cõi Văn Lang. Sau thắng lợi vua ban thưởng cho ba ngài và truyền cho thôn An Thái đến kinh kỳ rước thần hiệu của ba ngài về lập đình đền phụng sự, xuân thu hàng năm cử quan tướng về tế lễ[10].  

 Dưới thời vua Hùng nước Văn Lang có chung biên giới phía Nam với vùng đất của người Ma Na. Nhiều lần Ma Na cho quân sang quấy rối với ý đồ chiếm lĩnh đất đai vùng biên giới và xâm chiếm Văn Lang. Vì thế vua Hùng đã luôn phải đề cao cảnh giác mỗi khi giặc  xâm phạm lãnh thổ quốc gia. Trong các cuộc chiến ấy, cư dân Bình Lục bao giờ cũng có những đóng góp tích cực với tinh thần ý chí quyết tâm bảo vệ bờ cõi Văn Lang và triều đại vua Hùng.

Tại thôn Đôn Thư xã Đồn Xá và thôn An Lão xã An Lão nhân dân thờ Thiên Cương, Thượng đẳng phúc thần, linh thông phù vận Đại vương, người quê xã Đồn Xá có công dẹp giặc Ma Na ở Hoan Châu, (Nghệ An). Thôn Thứ nhất, xã An Lão thờ hai vị thần là Thông Sảng tôn thần và Quý Minh tôn thần, thôn An Đổ, xã An Đổ thờ Đông Hải Đại Vương là những nhân vật có công dẹp giặc Ma Na ở thời Hùng Vương[11].

Tiếp đến nhà nước Văn Lang của các vua Hùng còn bị nhà Thục nhiều lần mang quân xâm chiếm. Nhà Thục này không phải là nhà Thục ở vùng Tứ Xuyên (Trung Quốc) mà là một bộ tộc đã sống ở vùng Bắc bộ từ lâu, xen kẽ với người Lạc Việt và người Thái có tên là Tây Âu (Âu Việt) sống ở vùng rừng núi trung du phía Bắc nước Văn Lang mà trung tâm là Cao Bằng có tên nước là Nam Cương. Thủ lĩnh của người Tây Âu nước Thục Nam Cương là Thục Phán[12].

Do việc cầu hôn với Mỵ Nương con gái vua Hùng không thành nên nhà Thục nhiều lần mang quân sang xâm chiếm Văn Lang, Vua Hùng có tướng sĩ giỏi, người dân đồng lòng hợp sức, nên các cuộc tấn công của nhà Thục nhiều lần thất trận phải chạy về nước. Trong các chiến công ấy, cư dân Bình Lục đã có những đóng góp tích cực. Theo thần tích, thần sắc Hà Nam thì trên địa bàn Bình Lục có rất nhiều nơi lập đình, đền thờ những nhân vật có công cùng nhân dân cả nước chống lại giặc Thục, bảo vệ nhà nước Văn Lang và triều đại Hùng Vương.

Tại thôn Hưng Công, thôn Nhân Trai xã Hưng Công, Bình Lục dân làng thờ hai vị Đông Bảng tôn thần và Minh Thượng chân tự tế tôn thần, là hai nhân vật vào thời Hùng Vương đã chiêu mộ được hơn 100 người ở làng Hưng Công tuân lệnh vua tiến về Sóc Sơn đánh đuổi giặc Thục. Hai ông khấn trời phù giúp và tiến đánh khiến cho giặc Thục tan rã thua trận chạy về nước. 

Tại thôn Cổ Viễn xã Hưng Công dân làng thờ Hoàng Liệt tối linh đại vương, tên húy là Nguyễn Hoằng. Một lần hộ giá nhà vua đi chu du thiên hạ, đến Cổ Viễn, thấy phong cảnh hữu tình vua truyền cho lập hành cung. Khi vua trở về kinh, tướng quân ở lại lấy nhân nghĩa cố kết lòng dân, lấy hòa mục gây dựng phong tục, khiến cho đời sống dân thôn được hưng thịnh. Khi quân Thục tiến đánh nước ta, hai ông đã mộ được 657 người trong đó có 28 người làng Cổ Viễn, tiến quân vào Ái Châu giao chiến với giặc Thục, chém được 6 tướng, quân Thục thất trận chạy về nước. Đất nước trở lại bình yên, vua phong cho ngài là Hùng lược cao huân hoằng tướng quân Đại vương, tại thôn Tiêu Xá, Tiêu Động thờ ba vị Câu Mang (húy là Mang Công), Phổ Hộ và Cảm Ứng, tại thôn Đồng Du, xã Đồng Du, thờ Quý Minh Đại vương Thượng đẳng phúc thần, tại thôn Cương nay là thôn Ngô Khê xã Bình Nghĩa thờ Linh Thảo Đại vương, [13] tại thôn Phú Đa, xã Bối Cầu thờ Quý Minh Đại vương, Thượng đẳng phúc thần... đều là những nhân vật có công lao trong các cuộc chống giặc Thục bảo vệ bờ cõi Văn Lang và triều đại các vua Hùng.

Thông qua những nhân vật và sự kiện được ghi trong thần tích, thần sắc, chúng ta có thể để hiểu được người dân Bình Lục ngay từ những ngày đầu dựng nước Văn Lang đã luôn luôn có quan điểm tư tưởng tôn thờ những người có công với dân với nước. Thể hiện tinh thần ý chí kiên quyết chống lại mọi kẻ thù xâm lược bảo vệ quê hương đất nước, giữ yên bờ cõi quốc gia. Điều đó còn thể hiện người dân Bình Lục luôn  hành động có đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn thờ đạo hiếu giữ truyền thống biết ơn những người có công với dân với nước và tỏ rõ thái độ không đội trời chung với mọi kẻ thù xâm lược.

3. Cư dân Bình Lục với các cuộc khởi nghĩa chống ách thống trị phương Bắc trước thế kỷ X

Năm 257 trước Công nguyên, nước Văn Lang của vua Hùng rơi vào tay nhà Thục [14]. Thục Phán lên ngôi xưng là An Dương Vương sát nhập nước Văn Lang, Lạc Việt vào nước Nam Cương Âu Lạc đặt quốc hiệu là Âu Lạc đóng đô ở Phong Châu, Bạch Hạc, Phú Thọ. Danh xưng Âu Lạc phản ánh sự hợp nhất của hai thành phần Tây Âu và Lạc Việt[15].

Đến năm 179 trước Công Nguyên nhà Triệu (Triệu Đà) tấn công xâm chiếm Âu Lạc và kết cục là Thục Phán do mất cảnh giác mà cuộc hôn nhân Mị Châu - Trọng Thủy, gắn với chuyện nỏ thần bị đánh tráo, dẫn đến quân ta thất trận để Âu Lạc rơi vào tay nhà Triệu. Kể từ đó, nước Âu Lạc rơi vào vòng đô hộ của các thế lực phong kiến phương Bắc hơn 1000 năm, bắt đầu từ nhà Triệu đến Tây Hán, Đông Hán, Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương, Tùy, Đường, Nam Hán, tức là từ năm 179 trước công nguyên đến năm 938 khi Ngô Quyền với chiến thắng Bạch Đằng vang dội, đã tiêu diệt quân Nam Hán, chấm dứt hơn 1000 năm Bắc thuộc của các thế lực phong kiến phương Bắc trên đất nước ta. Các triều đại phương Bắc đã dùng mọi thủ đoạn nham hiểm nhằm thôn tính, đồng hóa nhân dân ta. Trước hết chúng tổ chức bộ máy cai trị, trên cơ sở điều chỉnh lại quận, huyện, tăng cường nhiều quan lại người phương Bắc, nắm giữ những vị trí quan trọng ở các quận huyện, từng bước mở rộng xuống đến hương xã.

Chúng tăng cường bóc lột tàn bạo, lập đồn điền cướp bóc ruộng đất, biến dân ta thành kẻ làm thuê, làm mướn, đánh đập khổ cực và phải chịu các loại tô thuế, lao dịch cống nạp tài nguyên thiên nhiên, của ngon vật lạ, thậm chí phải cống nạp cả những người tài giỏi trong các lĩnh vực, có trình độ tay nghề cao.

Chúng thực hiện chính sách đồng hóa và đàn áp dã man các cuộc đấu tranh của nhân dân, hòng biến đất nước ta thành quận huyện của nhà nước đô hộ.

Trước tình hình thực tế ấy, nhân dân ta với tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường bất khuất, quyết không cam chịu cảnh nô lệ. Nhiều cuộc khởi nghĩa đã tập hợp lực lượng nổi lên chống lại các vương triều phương Bắc, quyết đấu tranh giành quyền độc lập tự chủ. Trong các cuộc khởi nghĩa ấy, với nhiều cách khác nhau, người dân Bình Lục luôn luôn hưởng ứng mạnh mẽ và có những đóng góp tích cực.

a. Bình Lục với cuộc khởi nghĩa hai Bà Trưng

Sự tồn tại của nhà Triệu từ 179 trước Công nguyên, trải qua 5 đời vua và bị nhà Tây Hán tấn công tiêu diệt vào năm 111 trước Công nguyên, nhà Hán đổi Âu Lạc thành Giao Chỉ Bộ. Nước Âu Lạc được chia ra thành 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và nhập vào 6 quận của nhà Hán. Giao Chỉ bộ có 9 quận như sau: 

- Giao Chỉ (Bắc Bộ)

- Cửu Chân (Thanh Hóa)

- Nhật Nam (Nghệ Tĩnh trở vào)

- Nam Hải (Quảng Đông)

- Uất Lâm (Quảng Tây)

- Thượng Ngô (Quảng Tây)

- Hợp Phố (Quảng Đông)

- Châu Nhai (Đảo Hải Nam)

- Đàm Nhĩ (Đảo Hải Nam) [16]

Vào thời Hán vùng đất Bình Lục thuộc huyện Chu Diên là một trong 12 huyện của quận Giao Chỉ[17].

Đứng đầu Bộ Giao Chỉ là thứ sử, đứng đầu quận là thái thú,  bên cạnh thái thú có viên đô úy phụ trách quân sự và họ đều là người Hán (Trung Quốc). Đứng đầu huyện là huyện lệnh và nhân sự huyện lệnh là các lạc tướng người bản địa.

Nhà Tây Hán tồn tại từ năm 111 trước Công nguyên đến năm 25 sau Công nguyên thì nhà Đông Hán hay còn gọi là Hậu Hán ở Trung Quốc thay thế nhà Tây Hán đô hộ nước ta.

Vào năm 34 sau Công nguyên, vua Hán Quang Vũ cử Tô Định làm thái thú quận Giao Chỉ. Tô Định là tên thái thú tàn ác, tham lam, bóc lột tàn bạo bị nhân dân oán ghét và căm phẫn. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Tô Định còn giết chết chồng của Trưng Trắc là Thi Sách, một Lạc tướng của huyện Chu Diên. Những điều đó làm cho mối thù nhà Hán ngày càng thêm sâu sắc và cuộc khởi nghĩa của hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị chống lại nhà Hán diễn ra vô cùng ác liệt.

Theo sách Hậu Hán Thư và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng nổ ra vào mùa xuân tháng 2 năm Canh Tý, niên hiệu Kiến Vũ thứ 16, tức là vào tháng 3 năm 40 sau Công nguyên. Chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị là con lạc tướng huyện Mê Linh, thuộc dòng dõi “họ Hùng”. Theo sử sách nhà Hán, Trưng Trắc là người rất hùng dũng, can đảm và dũng lược, lại được sự giúp đỡ và ủng hộ rất mạnh mẽ từ người mẹ là bà Man Thiện (tức Trần Thị Đoan) cùng với sự ủng hộ to lớn của hàng ngũ quý tộc lạc hầu, lạc tướng và nhân dân các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố cùng nhân dân cả nước nhất tề nổi dậy. Sử sách chép Trưng Trắc, Trưng Nhị hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và 65 thành trì ở Lĩnh ngoại đều hưởng ứng.

Khi Hai Bà chỉ huy nghĩa quân ồ ạt tiến về bao vây quận trị Giao Chỉ thì Tô Định hoảng hốt bỏ chạy về nước, chính quyền đô hộ bị lật đổ, nền độc lập tự chủ của đất nước được khôi phục sau hơn 150 năm bị nô lệ (111 TCN-40-SCN)

Đất nước thái bình, Hai Bà xưng vương (Trưng Nữ Vương) chọn Mê Linh làm kinh đô. Phong chức tước, ban thưởng cho những người có công, xóa thuế 2 năm cho các các quận Giao Chỉ, Cửu Chân nhằm động viên quân sĩ và nhân dân cả nước.

Trong thắng lợi to lớn ấy, người dân Hà Nam nói chung và nhân dân Bình Lục đã hưởng ứng hết sức tích cực “từ miền núi rừng các huyện Kim Bảng, Thanh Liêm đến vùng đồng bằng Duy Tiên, Lý Nhân, Bình Lục đâu đâu cũng dấy lên phong trào hưởng ứng và tham gia khởi nghĩa do Hai Bà Trưng khởi xướng[18].

Như nữ tướng Nguyệt Nga ở huyện Duy Tiên, Cao Thị Liên ở huyện Thanh Liêm, Lê Thị Trân ở huyện Lý Nhân...

Tại Bình Lục, ngày ấy cũng có Hồng Vân công chúa, Quạt Ngà Cửa Ngòi công chúa ở thôn Sanh, xã Ngô Khê nay thuộc xã Bình Nghĩa. Hai vị mang mối thù sâu nặng bởi giặc Tô Định giết cha. Hay tin hai bà Trưng khởi nghĩa, các vị đã chiêu mộ quân sĩ, tập hợp lực lượng kéo về Hát Môn theo Hai Bà Trưng đánh giặc. Thắng trận, hai bà trở về thôn Sanh, khi mất được vua sắc phong cho lập đền thờ và truyền cho dân làng thôn Sanh phụng sự. Cũng tại thôn Sanh, dân làng còn thờ ngài Học Công vốn là bạn thân thiết của thân phụ Hồng Vân và Quạt Ngà, cũng vì uất ức Tô Định giết bạn mình nên đã chiêu mộ tới 6.000 người, hợp sức cùng Hai Bà Trưng tiến công vào dinh luỹ của Tô Định góp phần buộc quân Hán phải tháo chạy về nước. Bà Trưng lên ngôi vua, phong cho ông là Đại nguyên soái nhưng ông không dám nhận. Sau ngày ông mất, người dân thôn Sanh lập đền thờ phụng để ghi nhớ công lao của ông[19].

Tại thôn Tái Kênh, xã Đinh Xá có bà Quỳnh Trân, rất  xinh đẹp, Thái Thú Tô Định mang sính lễ đến xin về làm vợ, bà không bằng lòng. Tô Định đã ra tay giết cả thân phụ, thân mẫu. Căm thù uất hận đến cực độ, nghe tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa, Quỳnh Trân liền chiêu mộ binh sĩ, kéo quân về Hát Môn theo bành voi xung trận lấy được 65 thành. Thắng giặc bà được Trưng Vương phong là Quỳnh Chân công chúa, cấp cho thực ấp ở Bình Lục và sau khi mất, dân làng Tái Kênh lập đền thờ phụng[20].

Tại thôn Nhân Dực, xã Đồn Xá, có di tích thờ Nguyễn Cự - Thừa thiên Đại tướng quân. Trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Ngài đã mộ 50 người kéo về Hát Môn yết kiến xin theo đánh giặc. Thắng trận, ngài được Hai Bà Trưng phong là Thừa thiên Đại vương. Nay còn sinh từ ở thôn Nhân Dực, xã Đồn Xá, Bình Lục, từ khi ông mất nhân dân quanh năm thờ phụng[21]

Có thể nói thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống nhà Hán đã mang lại hòa bình tự chủ cho nhân dân. Song đất nước thanh bình không được bao lâu thì mùa hạ năm 42 sau Công nguyên, nhà Hán lại cử Mã Viện, mang 20 vạn quân người Hoa Nam cùng 2.000 thuyền bè tiến công xâm lược nước ta[22].

Dưới sự chỉ huy của Hai Bà Trưng, quân ta đã chủ động tiến công địch tại vùng Lãng Bạc, nhưng do thế giặc mạnh, phải lui binh về Mê Linh, rồi về Cẩm Khê (chân núi Ba Vì). Mã Viện tiến đánh Cẩm Khê, quân của hai bà chống trả quyết liệt. Hai Bà chạy tới Hát Giang (Sông Đáy) thì gieo mình tự vẫn vào ngày 6-2 năm Quý Mão (43).

Cướp được nước ta, nhà Hán ra sức đàn áp, cướp bóc, đẩy dân ta vào cảnh khốn cùng. Chế độ Lạc tướng thế tập bị bãi bỏ.

Cuộc khởi nghĩa chống quân Mã Viện, tuy bị thất bại nhưng có ý nghĩa to lớn, mở đường cho công cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta về sau này. Kiên quyết chống lại mọi kẻ thù xâm lược của phong kiến phương Bắc.

 Nhân dân cả nước cho đến ngày nay vẫn luôn biết ơn công lao to lớn của Hai Bà Trưng cũng như những nghĩa quân trong hai lần khởi nghĩa do Hai Bà lãnh đạo. Trên phạm vi cả nước nhiều nơi đã lập đình đền thờ phụng.

Đất Bình Lục, tuy không phải là trung tâm của cuộc khởi nghĩa, nhưng vẫn có những đoàn quân hợp sức với Hai Bà đánh giặc đó là niềm tự hào của nhân dân quê hương.

b. Bình Lục với cuộc khởi nghĩa của Lý Bí và Triệu Quang Phục

Năm 502, nhà Tề lật đổ nhà Lương lên ngôi, tiếp tục đô hộ nước ta. Dưới sự thống trị của Vũ lâm hầu Tiêu Tư, một thứ sử triều Lương có tiếng tàn bạo. Tình hình Giao Châu[23] có nhiều biến động mâu thuẫn giữa những hào trưởng và nhân dân Việt với chính quyền đô hộ ngày càng gay gắt đó là nguyên nhân dẫn đến cuộc khởi nghĩa Lý Bí năm 541.

 Lý Bí (còn gọi là Lý Bôn) người huyện Thái Bình[24] xuất thân từ một gia đình hào trưởng địa phương, đã từng làm một chức quan nhỏ nhưng căm ghét chế độ tàn bạo của chính quyền đô hộ, nên đã sớm từ quan. Khi về quê, ông bí mật tập hợp lực lượng, rèn luyện binh sĩ và đến cuối năm 541, Lý Bí phát động cuộc khởi nghĩa chống lại ách thống trị của nhà Lương ( do Trần Bá Tiên làm Tư mã sang xâm lược nước ta).

Cuộc khởi nghĩa của Lý Bí đã tập hợp được nhiều tướng lĩnh, hào trưởng có tài năng như Tinh Thiều, võ tướng Phạm Tu, Lý Phục Man và tù trưởng Triệu Túc cùng con trai là Triệu Quang Phục cũng như đông đảo nhân dân lao động cực khổ ở khắp các quận huyện trong nước, trong đó có nhân dân Hà Nam nói chung và nhân dân Bình Lục. Tiêu biểu là tướng Đinh Lôi, ông người thôn Nguyễn Trung, châu Lỵ Nhân (nay là xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm), cha ông là Đinh Phượng quê Thanh Hóa nhưng nghèo khổ, nên ra vùng Hà Nam sinh sống. Truyền thuyết kể rằng, khi Đinh Lôi sinh ra, “mặt đen như sắt, tiếng khóc như sấm” vì thế cha mẹ đặt tên con là Đinh Lôi. Khi 15 tuổi, ông mồ côi cả cha lẫn mẹ, căm thù quân Lương tàn bạo, ông đã quyết chí lập binh đánh giặc cứu dân. Ông tập hợp được khoảng vài nghìn  trai tráng quanh vùng, ngày đêm luyện tập chờ thời cơ thì vùng lên đánh giặc giữ nước.

Đội quân của ông được nhân dân quanh vùng ủng hộ, cung cấp lương thảo, khí giới, nên quân sĩ của ông ngày càng hùng mạnh.

Được tin Lý Bí dựng cờ khởi nghĩa ở huyện Thái Bình, ông kéo quân tham gia và được Lý Bí cử làm tướng, quân của ông hợp sức với quân Phạm Tu, một tướng tài giỏi của cuộc khởi nghĩa, đánh giặc Lương, lập nhiều chiến công.

Sau 3 tháng nổi dậy, quân nhà Lương liên tiếp thua trận ở các địa phương đất Giao Châu. Lý Bí chiếm giữ thành Thăng Long khiến cho Thứ sử Tiêu Tư phải sai người mang của cải đút lót, rồi tháo chạy về Việt Châu[25]. Lý Bí đặt bộ chỉ huy ở thành Luy Lâu (Long Biên), bố trí lực lượng phòng bị nhằm chống sự phản công của nhà Lương. Lý Bí còn đưa anh trai là Lý Thiên Bảo giữ miền Tân Xương,  (Vĩnh Phúc ngày nay), Lý Phục Man làm Uy viễn tướng quân, giữ miền Nhật Nam. Đinh Lôi xin về nhà bái yết tổ tiên, rồi lên đường đi trấn giữ vùng Đông Bắc [26].

Vào đầu năm 543, nhà Lương lại sai Thứ sử Giao Châu là Tôn Quýnh, thứ sử Tân Châu là Lư Tử Hùng kéo sang xâm lược nước ta. Để giành thế chủ động, Lý Bí tổ chức một trận tiến công lớn tại bán đảo Hợp Phố (nay thuộc đất Quảng Đông, Trung Quốc), bất ngờ, quân địch trở tay không kịp, quân ta giành  thắng lợi lớn. Tháng 5- 543, Định Lôi cùng Phạm Tu đánh dẹp giặc Lâm Ấp (Chăm Pa, Chiêm Thành), giữ yên biên cương phía Nam. Trong các trận chiến này, tướng Đinh Lôi lập nhiều công trạng, được phong là là Linh thần đại vương, cho thực ấp ở thôn Nguyễn Trung xã Cát Đàm, Cát Lại, nay là xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục.

Nghĩa quân toàn thắng, vào tháng 2 năm 544, Lý Bí tự xưng là Nam Việt Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân. Phong cho Triệu Túc là Thái phó, Tinh Thiều là tướng văn, Phạm Tu là tướng võ, phong cho Lý Phục Man làm tướng trấn ải Đỗ Động giang, Đường Lâm (từ Thanh Oai đến Ba Vì) và Lý Bí định đô ở miền cửa sông Tô Lịch. Điện Vạn Thọ được dựng để văn võ bá quan triều hội. Sử sách gọi thời này là nhà Tiền Lý [27].

Mùa hè năm 545, nhà Lương lại sai Dương Phiêu thứ sử Giao Châu và Trần Bá Tiên, Tư Mã đem quân sang xâm lược nước ta. Lý Nam Đế liền đem 3 vạn quân ra trấn giữ Chu Diên (đất Hà Nam ngày ấy thuộc huyện Chu Diên). Từ đây diễn ra các trận chiến ác liệt, Đinh Lôi là một trong những tướng chỉ huy trận chiến này. Thắng trận, Đinh Lôi về thôn Đuồn, xã Đồn Xá và ở lại đây dạy dân nghề nông và lập sinh từ. Trong vùng có đến 52 nơi thờ cúng ngài. Ngày ấy, ở huyện Bình Lục còn có Dương Đức Công và Hồng Hán Công được Lý Bí trọng dụng và phong Dương Đức làm Thái Bảo đốc lĩnh Long chu thủy đạo, phong cho Hồng Hán làm Thái phó tướng quân, kiêm Tham tán mưu sự. Hai ông chọn ngày tiến đánh Bá Quang (lúc đó là Thái thú nước ta). Hai ngài phi ngựa tiến thẳng đến đồn giặc, chém chết hơn 300 thủ cấp. Quân Lương tan tác, góp phần làm nên chiến thắng to lớn của cuộc khởi nghĩa Lý Bí, lập nên nước Vạn Xuân độc lập. Hai anh em Dương Đức và Hồng Hán được thờ tại đình thôn Nhân Trai, xã Hưng Công, huyện Bình Lục [28].

Sau khi Lý Nam đế mắc trọng bệnh, mất tại động Khuất Lão (nay thuộc Phú Thọ), năm 548 giao lại binh guyền cho Triệu Quang Phục, tiếp tục cuộc chiến đấu cho đến thắng lợi hoàn toàn. Triệu Quang Phục lên ngôi, đóng đô tại Long Biên xưng là Triệu Việt Vương. 

Trong cuộc khởi nghĩa Lý Bí, nhân dân Bình Lục đã có những đóng góp tích cực, đồng lòng hợp sức với tướng quân Lý Bí và Triệu Quang Phục làm  nên thắng lợi to lớn của cuộc khởi nghĩa. Hai Tướng Dương Đức và Hồng Hán 

đồn trú ở Hưng công, thì nhiều người dân trong vùng này theo các ông đi đánh giặc là điều rất đáng tin cậy.

c. Bình Lục với các cuộc khởi nghĩa của Khúc Thừa Dụ, Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền trong xác lập và bảo vệ độc lập tự chủ, chấm dứt sự đô hộ của phong kiến phương Bắc trên đất nước ta

- Khởi nghĩa của Khúc Thừa Dụ

Nhân lúc chính quyền nhà Đường ở Trung Quốc sắp bị sụp đổ (905), Khúc Thừa Dụ người ở Hồng Châu, Bình Giang, Hải Dương đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy đánh bại Tiết độ sứ nhà Đường là Độc Cô Tổn giành lấy chính quyền, nhà Đường buộc phải công nhận và gia phong cho Khúc Thừa Dụ làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, cai quản chính quyền đất nước ta thời đó. Như vậy nước ta lúc này đã trở thành một nước tự chủ, mọi quyền hành thuộc về chính quyền của Khúc Thừa Dụ 905[29].

Năm 907, Khúc Thừa Dụ mất, con trai là Khúc Hạo lên kế vị và nối tiếp tinh thần ý chí tự chủ của cha, đã có nhiều cải cách về hành chính, kinh tế, bãi bỏ mô hình tổ chức hành chính thời Đường, định lại các khu vực hành chính. Khúc Hạo chia đất nước thành 5 cấp hành chính (lộ, phủ, châu, giáp, xã). Thực hiện cải cách kinh tế, định lại điền tô thuế khoá theo hướng tích cực, xóa bỏ những hình thức bóc lột nặng nề của nhà Đường, thể hiện rõ nét quyền tự chủ của dân tộc.

Năm 930, viện cớ họ Khúc không chịu thuần phục Nam Hán, Lưu Nham

còn có tên là (Lưu Cung) ở Quảng Châu (Trung Quốc), tự xưng là hoàng đế Nam Hán, đã cho quân sang xâm lược nước ta. Bị bất ngờ, Khúc Thừa Mỹ không chống cự được và bị bắt mang về Trung Quốc. Tuy vậy nhưng nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của các hào trưởng liên tiếp nổi dậy chống lại quân Nam Hán, làm cho chúng không thể thực hiện được quyền đô hộ của mình 

- Khởi nghĩa của Dương Đình Nghệ

Năm 931, Dương Đình Nghệ quê ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa là tướng của họ Khúc, được hào kiệt các địa phương như Ngô Quyền, Đinh Công Trứ... cùng nhân dân ủng hộ đã vượt núi rừng cho quân tiến ra bao vây thành Đại La. dinh lũy của chính quyền Nam Hán, tướng giặc là Trình Bảo bị giết tại trận. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, quyền độc lập tự chủ của đất nước tiếp tục được giữ vững, Dương Đình 

Nghệ tự xưng là Tiết Độ Sứ đứng đầu Trung ương cai quản đất nước.

Năm 937, Kiều Công Tiễn vốn là nha tướng của Dương Đình Nghệ đã giết Dương Đình Nghệ cướp lấy chính quyền, Nhân dân vô cùng oán ghét vì thế một số tướng lĩnh của họ Dương trong đó có Ngô Quyền đã quyết định phải tiêu diệt Kiều Công Tiễn kẻ phản nghịch.

Ngô Quyền quê ở Đường Lâm (Phúc Thọ - Hà Nội) là tướng của họ Dương và là con rể của Dương Đình Nghệ nên lại càng căm ghét Kiều Công Tiễn, ông tập hợp tướng sĩ tiến ra Giao Châu trị tội Kiều Công Tiễn. Họ Kiều đã cầu viện quân Nam Hán nhưng khi giặc Nam Hán chưa kịp sang thì Ngô Quyền đã giết Kiều Công Tiễn, trừ mối hiểm họa của đất nước. Không còn nội ứng nên khi quân Nam Hán tiến vào sông Bạch Đằng thì Ngô Quyền cùng tướng sĩ đã chủ động đóng cọc gỗ đầu vót nhọn có bịt sắt và khi nước thủy triều xuống, Ngô Quyền cho đóng cọc xuống lòng sông, khi nước thủy triều lên quân Nam Hán tiến vào Ngô Quyền cho quân ra nhử kéo địch vào sâu trận địa. Khi thủy triều rút Ngô Quyền cho quân ồ ạt tấn công buộc quân giặc phải tháo chạy, các thuyền chiến của giặc đâm va vào cọc mà vỡ, quân giặc chết đuối chết vì đạn, tan rã trong đó có con trai vua Nam Hán là Hoàng Thao tử trận.

Chiến thắng Bạch Đằng lừng lẫy đã phá tan kế hoạch xâm lược nước ta của quân Nam Hán, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự chủ lâu dài cho dân tộc Việt Nam. Ngô Quyền xưng vương và bãi bỏ chức Tiết độ sứ, đóng đô tại Cổ Loa vẫn giữ quốc hiệu là Đại Cồ Việt, chấm dứt hơn 1000 năm đô hộ của phong kiến phương Bắc.

Nhà sử học Ngô Thời Sĩ (thế kỷ XVIII) đánh giá thắng lợi trên sông Bạch Đằng là cơ sở sau này cho việc phục lại quốc thống. Những chiến công các đời Đinh, Lê, Lý, Trần vẫn còn nhờ vào uy danh lẫm liệt để lại ấy trên Bạch Đằng, là vũ công cao cả vang dội đến nghìn thu há phải chỉ lừng lẫy ở một thời bấy giờ. 

Trong chiến công to lớn ấy, người Bình Lục rất đáng tự hào khi có Phạm Đức Dũng ở thôn Đạo Truyền, xã Đồn Xá (899-986) là người có công trong kháng chiến chống quân Nam Hán ở sông Bạch Đằng. Theo sử sách năm Mậu Tuất (938) ông vâng  mệnh Ngô Quyền đem quân đến sông Bạch Đằng chặt gỗ đóng xuống lòng sông đợi quân của Hoằng Thao vào, chờ khi thủy triều rút. Phạm Đức Dũng chỉ huy ở bờ bên trái. Lý Xuân chỉ huy ở bờ bên phải nhất tề bắn tên vào quân Nam Hán như mưa. Quân giặc vướng cọc tiến, lui chẳng được và có quá nửa số quân của Hoàng Thao bị diệt. Thắng trận, Ngô Quyền phong Phạm Đức Dũng làm Tả vệ Đại tướng quân. Năm 944, ông Phạm Đức Dũng về quê sửa nhà cũ làm gia từ, để 5 mẫu ruộng làm hương hỏa. Năm 986, ông mất các con cháu ông và người trong trang (thôn) mai táng ông ở cồn Cây Khế, người dân Đạo Truyền tôn ông là Thành hoàng làng[30].

Có thể nói suốt chiều dài lịch sử từ khi các vua Hùng dựng nước đến khởi nghĩa Ngô Quyền chấm dứt hơn nghìn năm đô hộ của bọn phong kiến phương Bắc, người dân Bình Lục luôn thể hiện khát khao độc lập, tự chủ của dân tộc, không chịu khuất phục trước mọi kẻ thù xâm lược. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyền trong tác phẩm “ Dấu tích xa xưa một vùng sông Châu, núi Quế” có đoạn viết cảnh vật cuộc sống nay so với xưa đã đổi thay trời vực… nhưng cùng với sự đổi thay theo hướng đi lên thì chiến tranh tàn phá, khí hậu khắc nghiệt những hoạt động vô thức đã hủy hoại mất đi biết bao giá trị văn hóa, vật chất và tinh thần trên mảnh đất này (Bình Lục) có thể là không kém phần nhiều tầng, nhiều vẻ. Chứng tích nay dù chỉ còn lại muôn một cũng hé cho ta thấy không một thời đại nào, không một biến cố lịch sử to lớn nào của dân tộc không lưu dấu trên mảnh đất này[31].

d. Bình Lục với cuộc dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh và khởi nghĩa chống Tống, bình Chiêm của thập đạo tướng quân Lê Hoàn

- Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân

Sau chiến thắng Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng vương chấm dứt hơn nghìn năm đô hộ phong kiến phương Bắc nhưng ngôi Vương của Ngô Quyền quá ngắn chỉ kéo dài được hơn 6 năm (939- 944) thì Ngô Quyền mất, thọ 47 tuổi[32].

Lúc ấy, con của Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn còn quá nhỏ nên Dương Tam Kha là em vợ của Ngô Quyền đã cướp ngôi và tự xưng là Bình Vương. Tuy nhiên đến năm 950 thì Ngô Xương Văn và Ngô Xương Ngập lấy lại được ngôi từ Dương Tam Kha, nhưng nể tình cậu cháu nên chỉ giáng xuống làm Chương Dương Công và và cấp đất ở Chương Dương cho làm thực ấp.

Tình hình đất nước sau khi Dương Tam Kha  soán quyền đã có những bất bình trong các tầng lớp hào trưởng và nhân dân. Nhiều hào trưởng đã tự đứng lên cát cứ một phương mà sử sách gọi là Thập nhị sứ quân hay còn gọi là “Loạn 12 sứ quân” mỗi người hùng cứ một phương, gây ra ra loạn lạc kéo dài hơn 20 năm với cảnh nồi da nấu thịt nhất là khi Ngô Xương Văn chết vào năm 965 thì tình hình đất nước càng trở nên rối ren hơn.

Tại thời điểm ấy, Đinh Bộ Lĩnh người Động Hoa Lư, châu Đại Hoàng là con Đinh Công Trứ, một nha tướng của Dương Đình Nghệ, giữ chức thứ sử Châu Hoan. Ông rất thông minh, có tài thao lược và lập căn cứ quân sự ở Hoa Lư và được các tướng lĩnh như Lê Hoàn, Nguyễn Bặc, Phạm Cự Lượng, Đinh Điền mà nhân dân đồng tình ủng hộ theo về rất đông. Ông đã cùng con là Đinh Liễn sang phối hợp với Trần Lãm (Trần Minh Công) đang cát cứ một vùng ở Bố Hải khẩu (thành phố Thái Bình). Khi Trần Minh công qua đời, Đinh Bộ Lĩnh đem quân về Hoa Lư tiếp tục chiêu mộ quân sĩ, bổ sung lực lượng hùng hậu. Sau đó Đinh Bộ Lĩnh đã thuyết phục được Ngô Xương Xí là con Ngô Xương Ngập đang hùng cứ một phương đó là Bình Kiều thuộc Hợp Lý, Triệu Sơn, Thanh Hóa và phá được Đỗ Động của Nguyễn Cảnh Thạc lúc ấy trấn giữ Bảo Đà, Thanh Oai, Quốc Oai, (Hà Nội). Từ đó Đinh Bộ Lĩnh mạnh lên đánh đâu được đấy, chỉ trong vòng một năm, bình định được các sứ quân mà lập nên nghiệp đế[33].

Năm Mậu Thìn (968), Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, đóng đô ở Hoa Lư và đặt tên nước là Đại Cồ Việt,  xây cung điện, định phẩm hàm cho quan văn, quan võ, phong cho Nguyễn Bặc là Định Quốc công, phong Lê Hoàn là Thập đạo Tướng quân, tổng chỉ huy quân đội, phong cho con trai Đinh Liễn là Nam Việt Vương.

Tham gia sự nghiệp dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh có rất nhiều người của các các tỉnh hạ lưu Sông Hồng, trong đó có nhân dân vùng đất Hà Nam mà sử sách và thần tích, thần sắc còn ghi lại như Trương Cát, Bảo Hương, quê ở An Cừ (xã Liêm Thuận huyện Thanh Liêm). Đặc biệt, ngày ấy ở Bình Lục có hai tướng của Đinh Bộ Lĩnh là Phạm Hán, Phạm Phổ quê ở Mai Động, xã Trung Lương, huyện Bình Lục. Hai ông là những tướng cầm quân tài giỏi theo Đinh Bộ Lĩnh, khi mới 24 tuổi Phạm Hán, Phạm Phổ đã đánh 20 trận với đạo quân của Phòng Át, Ngô Nam ở Đằng Châu, (Hưng Yên) và đầm Dạ Trạch giành được thắng lợi. Phạm Hán được Đinh Bộ Lĩnh phong là tham mưu. Phạm Phổ được phong là Đại tướng và giao thêm cho hai ông 1.000 quân sĩ để tiếp tục cùng Đinh Bộ Lĩnh bình đạo các sứ quân.

Thắng trận, vua Đinh phong cho Phạm Hán là An Định Công Đức và phong cho Phạm Phổ là Thống lĩnh. Đất nước thanh bình hai ông xin vua về quê khai phá đất hoang, giúp dân cày ruộng, mở trường dạy học, được vua phong cho thực ấp và miễn lao dịch thuế khóa cho dân làng. Khi hai ông mất, vua phong là Phúc Thần và chuẩn cho dân làng lập đình đền thờ phụng[34]. Tại thôn Thanh Khê, xã Đồn Xá, huyện Bình Lục ngày ấy có hai anh em tên là Nguyễn Tĩnh và Nguyễn Ninh. Khi 15 tuổi thì cha mẹ qua đời. Thiên hạ lại đang loạn lạc, đạo tặc nổi lên ở khắp nơi, thấy vậy hai ngài liền chiêu mộ binh sĩ lập danh trại ở Thanh Khê. Đinh Bộ Lĩnh được tiếng liền sai tướng Nguyễn Bặc vời về hợp tác dẹp loạn 12 sứ quân. Đinh Bộ Lĩnh phong cho Tĩnh Công làm Thống đốc chế, Ninh Công làm Đô sát sứ. Hai ngài mang quân tiến đánh Ngô Nhật Khánh, Kiều Công Hãn, Ngô Xương Xí là những tướng đang trấn giữ những vùng đất khác nhau và hai ngài đã giành được thắng lợi góp phần tích cực vào việc dẹp yên 12 sứ quân. Khi lên ngôi hoàng đế, Đinh Tiên Hoàng phong cho cho Đinh Công là Thái Bảo Trấn Quốc công, phong cho Ninh Công làm Tư thiên Thái giám. Dân làng Thanh Khê lập đình, đền thờ phụng[35].

Cũng trong thời Đinh Bộ Lĩnh, tại thôn Hương Đô, xã An Lão huyện Bình Lục còn có có Chu Đang (Chu Đương) cũng tập hợp lực lượng theo Đinh Bộ Lĩnh đi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh tướng thấy Chu Đang văn võ song toàn liền phong cho làm Tham tán chỉ huy sứ. Chu Đang lập đồn ở làng và chiêu mộ được 3 vạn quân sĩ. Ngài chia binh lính thành bộ, ngũ trang bị và chỉnh đốn vũ khí, chuẩn bị lương thảo rồi kéo quân về Hoa Lư theo Đinh Bộ Lĩnh đi dẹp loạn và lập được nhiều chiến công, được Đinh Bộ Lĩnh phong là Đang Chu Đại vương. Khi ông mất, vua Đinh đã chuẩn cho thôn Hương Đô lập miếu ở nơi lập đồn dinh ngày trước để thờ phụng[36].

Mười hai sứ quân gồm:

1. Kiều Công Hãn xưng là Kiều Tam Chế, chiếm giữ Phong Châu, Phú Thọ ngày nay.

2. Nguyễn Khoan - xưnglà Nguyễn Thái Bình giữ vùng Tam Đái, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.

3. Ngô Nhật Khánh - xưng  là Nguyễn Lãm Công, giữ Cam Lâm, Bà Vì, Hà Tây

( nay là Hà Nội).

4. Đỗ Cảnh Thạc xưng là Đỗ Cảnh Công, giữ bảo Đà, thành Quèn, Thanh Oai, Quốc Oai,

Hà Tây (nay là Hà Nội).

5. Ngô Xương Xí, giữ Bình Kiều xã Hợp Lý, Hợp Tiến huyện Triệu Sơn, Thanh  Hóa.

6. Lý Khuê, xưng Lý Lãng Công, giữ Siêu Loại, Thuận Thành,Bắc Ninh.

7. Nguyễn Thủ Tiệp, xưng Nguyễn Lệnh Công, giữ Tiên Du, huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh.

8. Lã Đường, xưng là Lã Tá Công, giữ Tế Giang, huyện Mỹ Văn, Hưng Yên.

9. Nguyễn Siêu, xưng Nguyễn Hữu Công, giữ phủ Liệt, nay là Thanh Trì, Hà Nội.

10. Kiều Thuận, xưng Kiều Lệnh Công, giữ Hồi Hồ, Cẩm Khê, Phúc Thọ ( Vĩnh Phúc).

11. Phạm Bạch Hồ, xưng Phạm Phòng Át, giữ Đằng Châu, Hưng Yên

12. Trần Lãm, xưng Trần Minh Công, giữ Bố Hải Khẩu, Thành phố Thái Bình ngày nay.

- Lê Hoàn phá Tống bình Chiêm

Năm Kỷ Dậu 979, Đinh Tiên Hoàng và con trai là Đinh Liễn bị tên Đỗ Thích giết chết [37]. Đinh Toàn lúc ấy mới 6 tuổi còn quá nhỏ nên triều đình nhà Đinh lâm vào tình trạng khủng hoảng, các thế lực bên ngoài lợi dụng lúc đất nước rối ren đã mưu đồ xâm lược nước ta. Ở phía Nam, quân Chiêm Thành được sự giúp sức của Ngô Nhật Khánh một tướng lĩnh của 12 sứ quân bỏ trốn vào Nam giúp vua Chiêm đem hơn nghìn chiến thuyền tiến vào Hoa Lư. Phía Bắc quân Tống vào năm 980 đã nhân cơ hội ấy cũng huy động lực lượng kéo quân xâm lược nước ta. Viên tể tướng kiêm mưu sĩ là Lư Đa Tốn còn đưa ra chiến lược “Tật lôi bất cập yểm nhi” (sét đánh nhanh không kịp bịt tai) nhằm đánh úp nước Đại Cồ Việt[38].

Trước tình hình ấy quân sĩ nhà Đinh cùng Thái Hậu Dương Vân Nga đã một lòng ủng hộ thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi vua vì con Đinh Tiên Hoàng là Đinh Toàn còn quá nhỏ mà đất nước lại đang đứng trước họa xâm lăng. Đây là một cuộc chuyển giao vương quyền từ nhà Đinh sang nhà Lê trong điều kiện rất đặc biệt.

Lễ đăng quang của Lê Hoàn (941-1005) diễn ra vào tháng 7 năm 980 để nhanh chóng chuẩn bị cho cuộc chống Tống xâm lược. Lê Hoàn làm vua niên  hiệu là Thiên Phúc, sau khi mất có miếu hiệu là Lê Đại Hành và vẫn giữ quốc hiệu là Đại Cồ Việt, Lê Hoàn người đã từng có thời kỳ sống ở Ái Châu (Thanh Hóa), khi ở độ tuổi trưởng thành ông lại trở về Thanh Liêm (nay thuộc tỉnh Hà Nam) tập hợp nhiều trai tráng trong vùng như Kim Bảng, Bình Lục, Phủ Lý để luyện tập, võ nghệ và thành lập nghĩa quân theo Đinh Bộ Lĩnh đi dẹp 12 sứ quân lập nhiều chiến công.

Sau khi lên ngôi, Lê Hoàn chỉ đạo quân sĩ và nhân dân đứng lên phá Tống, bình Chiêm và đã giành được thắng lợi.

Trong cuộc chống Tống, ở thôn Tập Mỹ, xã La Sơn, huyện Bình Lục có Chấn quốc Đại Vương húy là Lang Châu, ông đỗ khoa Hiếu Liêm, văn võ toàn tài. Làm quan đến chức phó chỉ huy sứ, có công cùng vua Lê Đại Hành đánh dẹp quân Tống xâm lược. Thắng lợi, ông được vua Lê Đại Hành phong Điện tiền Phó chỉ huy sứ. Khi ông mất được nhà vua cấp tiền bạc để xây dựng miếu thờ tại hành cung ở thôn Tập Mỹ, xã La Sơn [39]. Lê Hoàn là vị vua không những có công trong bảo vệ giang sơn, đất nước mà còn là hoàng đề hết sức quan tâm đến phát triển kinh tế, động viên nhân dân cày cấy để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Lê Hoàn phá Tống bình Chiêm, Lê Hoàn cày Tịch điền tại Đọi Sơn, Hà Nam. Sử sách gọi thời kỳ Lê Hoàn là Tiền Lê để phân biệt với Lê Lợi (Hậu Lê) sau này.

Có thể nói, thế kỷ thứ X, bắt đầu từ Khúc Thừa Dụ cho đến thời Lê Hoàn sự nghiệp độc lập, tự chủ quốc gia được hình thành và giữ vững. Nhân dân Hà Nam nói chung và nhân dân Bình Lục đã cống hiến nhiều sức lực và vật chất cho công cuộc dẹp yên nội loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước và đập tan mọi sự xâm lược của ngoại bang phương Bắc (triều Tống) và phương Nam (Chiêm Thành) đóng góp tích cực cho sự nghiệp củng cố và xây dựng quốc gia Đại Cồ Việt phát triển.

_____________________________

[1] Địa chí Hà Nam NXB Khoa học Xã hội H  2005, tr-217

[2] Địa chí Hà Nam NXB Khoa học Xã hội H  2005, tr-217

[3] Địa chí Hà Nam SĐD tr 220

[4] Mai Khánh Duy Tân, dìu đồng Hà Nam những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2001 NXB  Khoa học Xã hội - 2001, tr327-328  

[5] Ngọc Hoa - Phát hiện hai chiếc thạp đồng ở Bình Lục. Những phát hiện mới về khảo cố học năm 1999. NXB KHXH - H1010, tr 336-337

[6] Địa chí Hà Nam SĐD, tr220

[7] Nguyễn Văn Huyền: Dấu tích xa xưa một vùng sông Châu núi Quế. Văn nghệ số 34. Hội VHNT Hà Nam Ninh 1986, tr 40

[8] Quỳnh cư - Đỗ Đức Hùng: Các triều đại Việt Nam, NXB Thanh niên H2001 - tr 11, 12,13.

[9] Quỳnh cư - Đỗ Đức Hùng: Các triều đại Việt Nam, NXB Thanh niên H2001 - tr 11, 12,13.

[10] Thần tích, Thần sắc Hà Nam Nhà xuất bản Khoa học Xã hội 2014, tr 37-38;  

[11] Thần tích, Thần sắc Hà Nam Nhà xuất bản Khoa học Xã hội 2014, tr 37-38;  86,93,115,190

[12] Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qua các đời - NXB Hồng đức - 2018, tr 30

[13] Thần tích, Thần sắc Hà Nam, SĐD, tr 56,61,88,119,155

[14] Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng: Các triều đại Việt Nam - NXB Thanh niên năm 2001- tr 17 

[15] Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qua các đời  NXB Hồng Đức năm 2019, tr 30,31

[16] Quỳnh Cư - Đỗ Đức Hùng: Các triều đại Việt Nam - NXB Thanh niên - năm 2001, tr 27

[17] Địa chí Hà Nam, NXB Khoa học xã hội - H 2005,  tr 223

[18] Lịch sử Hà Nam Ninh - T1. tr 55-57

[19] Nay là di tích Đền Ông, Đền Bà, xã Bình Nghĩa, Bình Lục - Lịch sử Đảng bộ xã Bình Nghĩa, tr 5, Thần tích, Thần Sắc SĐD, tr 163

[20] Lịch sử Đảng bộ Đinh Xá, trang 11 - Thần tích, Thần sắc Hà Nam - SĐD - tr 132

[21] Lịch sử Đảng bộ xã Đồn Xá, tr 16. Thần tích,Thần sắc Hà Nam -  SĐD,  tr 22

[22] Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến thế kỳ X - NXB Giáo dục - H 1998, tr 65

[23] Năm 226, Nhà Ngô thay nhà Hán đô hộ nước ta và tách Hợp Phố Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam thành lập Giao Châu 

[24] Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qua các đời - NXB Hồng Đức năm 2018, tr 99

[25] Viện  sử học - Lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến thế kỷ X, tr 336

[26] Địa chí Hà Nam, NXB Khoa học xã hội . H  2005, tr 235

[27] Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ X, NXB Giáo dục 1998, tr 68

[28] Thần tích, Thần sắc Hà Nam - NXB Khoa học xã hội - H 2004, tr 62

[29] Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ X-NXB Giáo dục.H.1998, tr 71

[30] Nhân vật Lịch sử Văn hóa Hà Nam, Lịch sử xã Đồn Xá, tr 16-17 

[31] Nguyễn Văn Huyền: Dấu tích xa xưa một vùng sông Châu núi Quế, tạp chí văn nghệ số 34 Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam Ninh 1986, tr 40 - 41 

[32] Quỳnh Cư,  Đỗ Đức Hùng: Các triều đại Việt Nam - NXB thanh niên. H.2001, tr 68,69

[33] Quỳnh Cư,  Đỗ Đức Hùng: Các triều đại Việt Nam - NXB thanh niên. H.2001, tr 68,69

[34] Thần tích, Thần sắc: Hà Nam SĐD trang 79 Nguyễn Văn Huyền SĐD, tr 41

[35] Thần tích, Thần sắc: Hà Nam SĐD, tr 25. Nguyễn Văn Huyền SĐD, tr 41

[36] Thần tích, Thần sắc: Hà Nam SĐD, tr 82,83. Nguyễn Văn Huyền SĐD, tr 41

[37] Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qua các đời, NXB Hồng Đức - H2008, tr 137

[38] Đại Việt Sử Ký toàn thư tập I, in lần thứ 2, tr 160 -  Địa chí Hà Nam - SĐD, tr 254

[39] Thần tích, Thần sắc Hà Nam SĐD, tr 44-45

TIN MỚI CẬP NHẬT

Không khí lạnh mạnh đang tràn xuống miền Bắc

Môi trường - Đô Thị  |  06:42 25/11/2024

Từ chiều tối 25/11, không khí lạnh mạnh sẽ tràn đến miền Bắc, kéo nhiệt độ thấp nhất ở vùng núi tuần tới xuống dưới 10 độ, Hà Nội 14 độ C.

Đội tuyển Việt Nam tăng cường rèn đấu pháp tại Hàn Quốc

Thể thao  |  06:15 25/11/2024

Đội tuyển Việt Nam tập trung rèn đấu pháp trong khuôn khổ chuyến tập huấn Hàn Quốc để có sự chuẩn bị tốt nhất cho ASEAN Cup 2024.

Tích cực đưa lịch sử đảng bộ địa phương vào trường học

Giáo dục  |  05:28 25/11/2024

Thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; Chỉ thị số 19-CT/TU, ngày 06/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng, Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Liêm đã chỉ đạo biên soạn, xuất bản Bộ tài liệu tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng bộ huyện (giai đoạn 1930-2020) đưa vào giảng dạy trong các trường học và trung tâm chính trị trên địa bàn.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC