Đình Gừa thờ ba vị tướng thời vua Hùng và ông Trương Viết Nguyên, tướng thời nhà Đinh. Đây là những người có công đánh giặc, giữ nước, thống nhất giang sơn, giữ yên bờ cõi.
Theo ngọc phả đình Gừa, cùng với truyền thuyết truyền lại: Từ xa xưa, các tổ họ Nguyễn, họ Đắc ở phía Bắc về miền An Cư, An Cừ khai khẩn lập ấp. Công cuộc lập làng bước đầu tuy có thuận lợi, song qua nhiều năm mưa to, nước lớn làm đồng điền ngập úng, đời sống gặp nhiều khó khăn. Trong cảnh thiên tai, mất mùa triền miên, các vị tổ nhớ về quê cũ, nơi có đền thờ các tướng thời Hùng Vương, những người có tài trị thủy giúp dân. Các vị tổ đã bàn bạc, rồi cùng thống nhất xây dựng đền thờ các tướng thời Hùng Vương trên quê mới, cầu mong các thần phù hộ cho việc sản xuất, đồng thời giữ vẹn được sự thủy chung với bản quán, nguồn cội.
Về ông Trương Viết Nguyên, ông sinh ngày 5 tháng 5 năm Nhâm Tuất. Từ nhỏ có vóc dáng khôi ngô tuấn tú, càng lớn, ông càng khỏe mạnh, học hành rất giỏi, văn võ toàn tài. Hồi bấy giờ, loạn 12 sứ quân làm cho nhân dân lầm than, đói khổ... Đến tuổi trưởng thành ông Trương Viết Nguyên xin phép cha mẹ lên đường vào Hoa Lư giúp Đinh Bộ Lĩnh lo dẹp loạn. Sau nhiều năm xông pha trận mạc, ông Trương Viết Nguyên cùng các tướng và quân sĩ giành được nhiều thắng lợi. Các sứ quân dần được dẹp yên.
Khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế đã khao thưởng quân sĩ, phong chức tước cho những người có công. Riêng ông Trương Viết Nguyên xin vua cho trở về quê hương để phụng dưỡng cha mẹ già. Biết không giữ được Trương Viết Nguyên, vua ban cho ông 15 lạng vàng để về quê. Về đến quê mới hay cha mẹ đã “về già”, ông bèn lo xây đắp phần mộ, sửa sang nơi thờ cúng rồi cho mở tiệc khoản đãi, cảm tạ bà con. Ngày 15/3 năm Nhâm Tuất ông không bệnh mà mất. Nhân dân địa phương đã tổ chức mai táng, đồng thời lập đền thờ ông ngay trên khu đất gần nhà. Truyền thuyết truyền lại, mộ của ông ở ngay chính tẩm ngôi đình hiện nay.
Lễ hội vật cầu truyền thống đình Gừa (còn gọi là vồ cầu, cướp cầu) diễn ra vào ngày mùng 4 Tết Nguyên đán hằng năm là lễ hội hết sức độc đáo và đặc sắc của thôn Gừa Sông nói riêng, của tỉnh Hà Nam nói chung. Hội vật cầu được tổ chức long trọng để tưởng nhớ công lao to lớn với dân, với nước của ông Trương Viết Nguyên. Theo những tư liệu còn được lưu giữ trong đình, ngày mùng 4 Tết – ngày tổ chức lễ hội vật cầu cũng chính là ngày xưa kia ông Trương Viết Nguyên lên đường vào Hoa Lư giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân.
Chia sẻ về hội vật cầu của làng, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Gừa Sông cho biết: Giữ gìn lễ hội truyền thống độc đáo cha ông truyền lại, năm nào cũng vậy, vào ngày mùng 4 Tết Nguyên đán làng lại tưng bừng mở hội. Buổi sáng, các cụ trong đội tế của làng làm lễ tế tại đình. Sau lễ tế, dân làng vào lễ thánh và cùng thụ hưởng lộc thánh. Buổi chiều, sau khi ôn lại lịch sử của đình cùng thân thế, sự nghiệp và công đức to lớn của các vị thành hoàng làng, các cụ trong đội tế chọn hai cụ khỏe mạnh, minh mẫn, có uy tín với xóm làng và gia đình, con cháu hoà thuận, nền nếp, ngoan ngoãn... vào hậu cung rước quả cầu ra trước hiên đình (quả cầu được làm bằng gỗ, to như quả bưởi). Đông đảo trai tráng trong làng xếp hàng ngay ngắn dưới sân.
Đã thành thông lệ, sau hội vật cầu, làng tổ chức thi võ vật nên các cụ chọn một người tuổi trung niên, đạo đức tốt, nhanh nhẹn, có hiểu biết về luật đấu vật làm trọng tài. Khi cầu được rước ra tới hiên đình, hai cụ cao niên trịnh trọng trao cho trọng tài. Ông trọng tài kính cẩn nhận quả cầu, nâng cao trên hai tay rồi đọc to: “Quả cầu này là quả cầu làng ta/ Nhân đa vật thịnh/ Ngoài đồng tốt lúa/ Trong làng tốt cau/ Anh em ta đâu, ra cướp cầu, ới ơ...”. Dứt lời, ông trọng tài liền tung quả cầu xuống dưới sân. Trai tráng trong làng đổ xô về phía quả cầu vừa tranh cướp cầu, vừa chạy ba vòng quanh đình, ai cũng mong chạm được vào quả cầu để lấy may cho cả năm. Chạy đủ 3 vòng, mọi người đem quả cầu xuống giếng đình rửa sạch rồi thành kính trao lại cho các cụ cao niên đặt vào vị trí trang trọng trong đình. Tiếp đó, các đôi đô vật (đều là người trong làng) bắt đầu vào sới thi đấu (sới vật được làm ngay trong sân đình). Dù có người thắng, người thua, nhưng các đô vật chủ yếu là vật biểu diễn hầu thánh lấy may, đồng thời phục vụ khán giả trong và ngoài làng.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Gừa Sông Nguyễn Thị Thanh cho biết thêm: Theo các cụ truyền lại, tục cướp cầu là để tưởng nhớ lúc ông Trương Viết Nguyên khi còn nhỏ đã cùng trẻ trong làng lấy bưởi nướng cho mềm rồi tung lên, tranh vồ với nhau để luyện rèn sự nhanh nhẹn, khéo léo, khỏe mạnh... Ngoài ra, tục vồ cầu còn mang ý nghĩa cầu may, mong cho quê hương người đông của lắm, làng xóm bình yên, lúa khoai, hoa trái bốn mùa đều tốt tươi...
Tuy không trùng với ngày hội làng (hội làng được tổ chức trong khoảng mùng 6 đến mùng 8 Tết), nhưng hội vật cầu đình Gừa luôn thu hút được đông đảo người dân trong làng và quanh vùng tới xem. Ngoài vồ cầu, thi võ vật, thôn còn tổ chức giao lưu bóng đá, bóng chuyền hơi tại sân nhà văn hóa. Buổi tối thôn tổ chức giao lưu văn nghệ kết hợp tặng quà động viên tân binh trong làng lên đường nhập ngũ.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm Nhâm Dần 2022 làng Gừa Sông không tổ chức lễ hội vật cầu. Để bảo đảm an toàn công tác phòng chống dịch, ngày mùng 4 Tết chỉ có đội tế nam lên đình tế lễ. Không tổ chức đêm giao lưu văn nghệ, không tặng quà tập trung, nhưng thôn cử đại diện trực tiếp đến từng nhà trao quà, động viên tân binh lên đường nhập ngũ. Tiếp nối truyền thống cha anh, các tân binh đều hứa quyết tâm thực hiện tốt nghĩa vụ thiêng liêng “Bảo vệ Tổ quốc”.
Một mùa Xuân mới đã về, cũng như người dân cả nước, người làng Gừa Sông nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời mong muốn dịch bệnh Covid-19 sẽ được kiểm soát và đẩy lùi trong thời gian sớm nhất, để mùa Xuân năm sau, hội vật cầu sẽ được tổ chức. Dân trong làng và quanh vùng sẽ lại náo nức về đình Gừa lễ thánh, dự hội cầu may, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy nét độc đáo, đặc sắc của lễ hội quê hương.
Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh hiện có hơn 46.000 hội viên, sinh hoạt ở 166 tổ chức cơ sở hội, 721 chi hội. Ngoài ra, toàn tỉnh đã vận động được gần 30.000 cựu quân nhân tham gia sinh hoạt tại 731 câu lạc bộ, ban liên lạc ở các thôn, tổ dân phố. Đây là lực lượng đông đảo, có uy tín, tâm huyết, gương mẫu trong tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua; xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân.
Những đặc trưng công nghệ quân sự Việt Nam góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược được kế thừa từ hàng nghìn năm của dân tộc. Việt Nam có “mặt tiền” trông ra Biển Đông, là nơi dừng chân qua lại giữa hai đại dương lớn của thế giới là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vừa có điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu các nền văn minh trên thế giới, nhưng cũng là tâm điểm “nhòm ngó” của các thế lực bành trướng, xâm lược. Do trải qua nhiều thế kỷ chống kẻ thù xâm lược nên người Việt đã sớm biết chế tạo và sử dụng vũ khí để đánh giặc.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.