Đến thăm Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Văn Hởi vào một buổi sáng mùa đông giá lạnh, song chúng tôi thấy ấm lòng khi nghe ông bộc bạch về những đam mê với nghệ thuật truyền thống hát chèo và nỗi niềm đau đáu về việc giữ gìn, lan tỏa tình yêu âm nhạc dân tộc tới thế hệ trẻ.
Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Văn Hởi sinh năm 1946 tại thôn Phương Thượng, Xã Lê Hồ. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã được theo bà, theo mẹ đi nghe hát chèo sân đình, và tình yêu đó cứ ngấm dần trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với ông. Được sự truyền dạy tận tình của người cô là nghệ nhân Nguyễn Thị Đại, ông đã rèn luyện từ cách hát, cách lấy hơi, nhả chữ đến cách luyến láy sao cho vang, rền, nền, nảy đúng chuẩn hát chèo.
Năm 1962 - 1963, được giao phụ trách xây dựng đội chèo địa phương, ông đã tích cực dàn dựng và biểu diễn các vở chèo ngắn phục vụ công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp và cải tiến nông cụ, như: “Đường đi đôi ngả”, “Con trâu hai nhà”, “Gặp gỡ nàng Tiên”… Đặc biệt, vở chèo ngắn “Cô đội trưởng” do ông viết kịch bản và dàn dựng đã được trao giải Nhất tại Hội diễn các đội văn nghệ không chuyên tỉnh Hà Nam.
Năm 1964, hưởng ứng phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, ông Hởi đã cùng đội chèo thôn Phương Thượng dàn dựng một số vở chèo ngắn, như: “Đường về trận địa”, “Câu thơ thêu dở”… động viên, khích lệ tuổi trẻ lên đường đánh Mỹ và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện cho miền Nam ruột thịt. Năm 1965, tiết mục “Khẩu súng luyện quân” do ông dàn dựng đã đoạt giải Nhất tại Hội diễn Văn nghệ quần chúng tỉnh Nam Hà.
Năm 1966, trong bối cảnh toàn dân tộc đoàn kết kháng chiến chống Mỹ, ông nhập ngũ và trở thành hạt nhân chính trong phong trào văn nghệ của đơn vị. Chính sự tham gia tích cực và sáng tác những bài hát chèo động viên tinh thần chiến đấu đã giúp ông và các đồng đội vượt qua gian khổ, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Năm 1971, ông trở về quê hương, được giao nhiệm vụ cùng đội văn nghệ dàn dựng và biểu diễn các vở chèo cổ, như: Quan âm Thị Kính, Lưu Bình - Dương Lễ, Trương Viên, cô Son, Thái hậu Dương Vân Nga… phục vụ nhân dân địa phương, các xã lân cận và đơn vị bộ đội.
Từ đó đến nay, dù không được đào tạo qua bất kỳ trường lớp nào, song ông vẫn tự mày mò nghiên cứu sáng tác được những tác phẩm chèo, viết kịch bản và dàn dựng chương trình để đội chèo đi biểu diễn trong các hội diễn và giao lưu với các địa phương khác. Các tác phẩm do ông sáng tác đều phù hợp với chủ đề của các chương trình, như: Xây dựng nông thôn mới, mừng Đảng, mừng Xuân, ca ngợi Bác Hồ… Câu lạc bộ chèo Lê Hồ do ông góp công xây dựng và duy trì đã đạt được những thành tích đáng kể, điển hình là: Huy chương Bạc cho tác phẩm "Đất chuyển" tại Liên hoan hát chèo không chuyên toàn quốc năm 2021, giải Ba với một tác phẩm về đề tài nông nghiệp - nông thôn trong Hội thi Liên minh hợp tác xã cụm miền Bắc năm 2013, hai giải Bạc cho hai tác phẩm "Mùa lúa ơn Bác" và "Mừng Đảng quang vinh” tại Liên hoan các CLB dân ca và chèo tỉnh Hà Nam năm 2017...
Tính đến thời điểm này, Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Văn Hởi đã có gần 60 năm gắn bó với nghệ thuật chèo, nắm vững trên 100 làn điệu chèo cổ cùng đặc trưng của những vai diễn mẫu cổ. Đã có hơn 200 học trò được ông truyền dạy, nhiều em đã trở thành diễn viên chính của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. Con trai và con gái ông là Hoàng Minh Phúc, Hoàng Thị Uyên đều là những người yêu chèo và có năng khiếu với môn nghệ thuật dân gian. Từ lâu, họ đã trở thành những diễn viên chính không thể thiếu của CLB trong mỗi lần biểu diễn…
Với những cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, ông đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2019. Đó chính là nguồn động lực lớn, động viên ông ngày càng miệt mài, nỗ lực truyền dạy và gìn giữ nghệ thuật chèo. Bởi với ông, nghệ thuật truyền thống như một dòng chảy không bao giờ tắt và gieo niềm đam mê cho thế hệ trẻ chính là tiếp nối dòng chảy tuyệt vời đó cho mai sau.
Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh hiện có hơn 46.000 hội viên, sinh hoạt ở 166 tổ chức cơ sở hội, 721 chi hội. Ngoài ra, toàn tỉnh đã vận động được gần 30.000 cựu quân nhân tham gia sinh hoạt tại 731 câu lạc bộ, ban liên lạc ở các thôn, tổ dân phố. Đây là lực lượng đông đảo, có uy tín, tâm huyết, gương mẫu trong tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua; xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân.
Những đặc trưng công nghệ quân sự Việt Nam góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược được kế thừa từ hàng nghìn năm của dân tộc. Việt Nam có “mặt tiền” trông ra Biển Đông, là nơi dừng chân qua lại giữa hai đại dương lớn của thế giới là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vừa có điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu các nền văn minh trên thế giới, nhưng cũng là tâm điểm “nhòm ngó” của các thế lực bành trướng, xâm lược. Do trải qua nhiều thế kỷ chống kẻ thù xâm lược nên người Việt đã sớm biết chế tạo và sử dụng vũ khí để đánh giặc.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.