1. Quốc lộ 1, qua Phủ Lý như chiếc đòn gánh trên trục xuyên Việt Bắc - Nam, một đầu giáp Thủ đô Hà Nội, phía kia láng giềng với Ninh Bình.
Quốc lộ 21A, lên miền Tây Bắc, đưa ta gặp xứ Mường, Hòa Bình, còn hướng Nam xuôi Nam Định.
Trục lộ từ nút giao Liêm Tuyền qua các cầu Châu Giang (Công Lý), cầu Hưng Hà, cầu Thái Hà mở ngõ sang Hưng Yên, Thái Bình, thông thương cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và quốc lộ 5 Hải Phòng đi Quảng Ninh… Muốn sang đất nhãn lồng Hưng Yên còn có cầu Yên Lệnh.
Năm cửa ngõ, cửa nào cũng vượt giang hà, nhỏ qua Châu Giang, Đáy Giang, lớn vượt Hồng Hà… mới hay, vị thế Hà Nam với Thủ đô Hà Nội và đồng bằng sông Hồng mật thiết, nhộn nhịp thời đổi mới, hội nhập. Núi Đọi ai đắp mà cao Ngã ba sông Móng ai đào mà sâu Giẽ Guột ai bắc nên cầu Bến sông Thọ Cầu, ai chở đò ngang…
Cảnh thổ Hà Nam vào sách cổ, được các nhà phong thủy thời xưa và du khách thời nay mê đắm. Núi không cao, nhưng kỳ bí và huyền tích. Khảo sát núi Đọi, dựa trên nền tảng kỹ thuật đồ sắt, đồ đồng và đồ nan tre… trong các ngôi mộ cổ được phát hiện gần ruộng Tịch điền, cho biết Hà Nam đã có người Việt cổ sinh sống.
Núi sót, hình thành do các biến động tạo sơn. Cổ nhân nói “Núi Đọi ai đắp mà cao”, đắp đây là thành quả của người trấn Sơn Nam, từ thời Lý sơ, theo lệnh đức Vua Lý Nhân Tông giữ yên bờ cõi, dồn tài lực, tô điểm núi sông, xây chùa Long Đọi. Đó là công tu tạo của các vị thiền sư, của Hoàng đế Lê Thánh Tông, các đại khoa Nguyễn Bảo, Trình Thuấn Du, Lý Trần Thản, đến nhà thơ Nguyễn Khuyến… dâng câu đối, thơ từ, ca tụng cảnh quan, gửi tâm tình… Đỉnh cao trí tuệ là tấm bia Sùng Thiện Diên Linh (1121), nâng tầm văn hiến quốc gia Đại Việt.
Thành phố Phủ Lý trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, thương mại, dịch vụ, cửa ngõ Thủ đô hiện lên trong mơ ngã ba sông, nơi diễn ra 20 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhiều lần được đón Bác Hồ về thăm. Nếu trước năm 1997, thành phố chỉ có khoảng 4km2 đến nay tổng diện tích gần 90km2 gấp hơn 20 lần, chiếm gần 10% diện tích tự nhiên của tỉnh Hà Nam. Năm cầu vượt sông Đáy, sông Châu, tỏa ra các địa phương trong ngoài tỉnh. Trước thềm thế kỷ XXI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVIII, tính thu nhập bình quân đầu người 450 USD, là tầm nhìn, tầm mở, giai đoạn 2020 - 2025, phấn đấu 114,8 triệu VND, tính đô la Mỹ tăng gấp hơn 10 lần, hướng tới đô thị thông minh. Cánh đồng, bờ bãi ba ngả sông trở thành vành đai cung cấp thực phẩm, chăn nuôi, rau quả, hoa cảnh.
2. Khu Công nghiệp Đồng Văn, xưa là bạt ngàn đầm sen. Sen, trà ở đâu cũng chuộng, nhưng chỉ đến Đồng Văn, thưởng thức mới cảm được thêm cái linh vị của trà Việt, của tình người Hà Nam thiết tha câu hát mời trầu, mời nước…
Đất Duy Tiên, vua tiền Lê, vua Lý đã về khuyến nông, xây chùa, mở hội, dựng tháp báu. Thời Trần, sông Thiên Mạc diễn ra các trận đánh của quân dân Đại Việt, danh tướng Trần Bình Trọng hy sinh bất khuất (1258), ở bến Bồ Hòn (tên chữ là Vô Hoạn), nay là thôn Hoàn Dương, xã Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên, nơi có phủ mẫu Mộc Hoàn…Triều đình Lê - Trịnh đặt trị sở Tường Lân, trung tâm chính trị, văn hóa trấn Sơn Nam.
Duy Tân, sau gọi Duy Tiên, vốn nổi danh làng nghề, lễ hội. Thủ công tinh xảo từ thời tiền Lê (làm trống), thời thịnh Trần (lụa Nha Xá). Cây cổ bồ đề danh mộc, tuổi đã rợp bẩy thế kỷ. Nay, Đồng Văn là vùng công nghiệp trọng tâm của tỉnh cùng khu đô thị Hòa Mạc, thị xã Duy Tiên mới được thành lập, nao nức sức sống mới.
Theo sách “Sơn Nam phong thổ chí” của Hà Tông Quyền (1798 - 1839), quê làng Cát Động, nay thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, Hà Nội, ông nghè khai khoa triều Nguyễn, năm Nhâm Ngọ, Minh Mạng thứ 3 (1822), làm quan Hữu thị lang bộ Lễ.
Sự tích cầu Giẽ như sau: Cầu bắc qua sông, có bến đò Bái Lễ (nơi đặt nhang án chờ vua đi qua) thuộc xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Phú Xuyên có nghĩa là làm giàu bằng nghề sông nước. Từ năm Ất Dậu (1945), trước vẫn gọi là Ghẽ Guột. Trong mục “Dân gian thủ nghệ” (các nghề dân gian), đất đây tên chữ là Dĩ Duật (dĩ là cán, duật là bút), chỉ làng có nghề làm bút lông, mực đen ép thỏi (mực tàu), trong văn phòng tứ bảo (bút, mực, giấy, nghiên) cho các nho gia, sỹ tử. Bí quyết ở nguyên liệu chế mực. Chỉ dùng muội khói bếp (bồ hóng), keo da trâu, thảo dược, pha chế với băng phiến, mực có mùi thơm dễ chịu, có thể ăn được. Dĩ Duật dân gian gọi chại ra là Giẽ Guột, giữ bí mật nghề cổ và giải thích như tiếng Nôm, Giẽ Guột nghĩa là rõ ràng vậy.
Bảy năm sau ngày Hoàng đế Lê Hoàn về non Đọi Tịch điền (987), tháng Giêng năm Giáp Ngọ (994), triều đình Đại Cồ Việt cử quan Phí Sùng Đức sang nhà Tống bang giao, tặng thổ sản, có bút lông, mực thỏi viết chữ Nho, loại hàng sau nhiều người đã mang sang Bắc quốc bán được giá. Sùng Thiện (con Sùng Đức), có tài dùng cây trúc vàng và lông mèo làm bút (thứ đã được người cha mang đi bang giao), ông tụ dân, khai mở đất hai bên sông lập làng. Đến thời Lý Công Uẩn, nhà vua lệnh chỉ cho người về đây, cúng vào đình làng bức đại tự, tám chữ “Công nông đồng thiện, bút mực sinh hương”, có nghĩa là nghề thủ công, nghề cày cấy đều giỏi, việc chế bút, chế mực đều nổi tiếng thơm. Sau này có người họ Dương quê Lạt Sơn, Kim Bảng, lấy vợ làng Dĩ Duật lên Thủ đô mở cửa hiệu Tế Sinh ở 25 phố Hàng Đào, sản xuất bán thứ hàng này làm kế sinh nhai. Bút mực đâu nhiều người nhớ, nhưng nét rồng bay, phượng múa trong cảo thơm, kinh sách, sử thi, thơ phú, để ta mãi tự hào về đất Việt nghìn năm văn hiến.
Vượt sóng lũ sông Hồng, nhịp cầu Yên Lệnh, thay bến đò xưa cho non Đọi kết liền phố Hiến. Cổ lai, đò ngang thuộc đất Yên Lệnh, xã Chuyên Ngoại, tổng Chuyên Nghiệp. Nay, cầu vẫn tên vậy nhưng gối đầu đất Lảnh Trì, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên.
Tên gọi Yên Lệnh, theo sách của Tiến sỹ Hà Tông Quyền (đã dẫn), có tên nôm là bến đò Vối, tên chữ là Phác Độ (phác là vối, độ là bến). Nguyên nơi này có ông Lềnh, coi việc làng (còn ông Lý, người coi việc hàng xã), tên là An Cư Giang, tụ tập dân sở tại theo Khúc Thừa Dụ chống lại ách đô hộ nhà Đường, dựng nền tự chủ. Bến đò Vối sau gọi với tên người theo họ Khúc, là Yên Lệnh (ông Lềnh họ An).
Trạng nguyên thời Trần Đào Sư Tích (1330-1396), đợi đò Yên Lệnh về kinh đô, để lại bài thơ, tạm dịch:
Thong thả đàn trâu trở về làng Xóm trước cây cao nắng chói chang Đò Lệnh đồ rằng người ít khách Miếu vắng, chuông đưa chiếc lá vàng Một vùng buôn bán nên giàu có Đông, Đoài ai đến cũng hân hoan Có lành, có dữ âu trời định Hoàng hôn còn kịp chuyến đò sang...
Còn Lảnh Trì, từ sự tích thần nữ con thủy phủ thường tắm ở bến sông. Dân gian ngại vía, mới gọi là Lãnh Trì. Đền Lảnh Giang là chốn linh từ. Theo khảo cứu của nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 - 1784), cháu ngoại Tiến sỹ Trương Minh Lượng, quê phường Yên Nội, thị xã Duy Tiên, đây là cửa nước, nối sông Hồng vào sông Thiên Mạc, sông Châu, đường dời đô, nơi đặt trạm Tuần kiểm từ thời Lê - Trịnh, cư dân vùng châu Ái (Thanh Hóa) ra an cư lạc nghiệp. Ven đê hữu Hồng, những đầm sen, bãi dài san sát lò gạch. Trên thảm cỏ non, thong thả đàn bò, nguồn sữa thơm lành cung cấp cho các cháu mầm non quê nhà và ngành sữa Việt Nam.
3. Hà Nam - Ninh Bình, tay bắt mặt mừng ở cầu Gián Khuốt.
Theo địa lý học, tỉnh nào có chung dòng sông, thủy giới được chia từ giữa mặt nước vào đất liền. Đường hạ đạo từng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử, đón các đoàn tịch điền, thiên đô, nhà Tây Sơn giải phóng Thăng Long, các vua nhà Nguyễn kinh lý Bắc Hà. Nơi dừng chân của các văn nhân, tài nữ Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương. Sông Đáy theo thuyền về bến Gián Thấp thoáng buồm nâu sóng đá vôi... Sông Đáy - Nguyễn Thế Vinh Gián Khuốt là nơi cộng long của ba dòng, sông Đáy, sông Hoàng Long và sông Hưng Thí (Hòa Bình), tàu thuyền xuôi dòng ghé cố đô Hoa Lư, núi Non Nước ra biển, ngược về Phủ Lý, tới Hà Nội... Cách đó không xa, vào một đêm tháng 10 năm Tân Mão (1951), nhà văn Nam Cao, quê làng Đại Hoàng, hy sinh anh dũng, khi ông từ căn cứ khu Ba về quê Hà Nam vận động thuế nông nghiệp, mới 36 tuổi khi văn nghiệp đương xuân. Bến đò Gián Khuốt, tổng Trì Hối, phủ Trường Yên, đạo Thanh Bình, nay là Gián Khẩu. Thời Hậu Lê có người nghe theo giặc, sau hối cải, lấy công chuộc lỗi, sửa bến, mở chợ, xây miếu, giúp dân đôi bờ nên mới gọi là Trì Hối. Bên này sông là đất tổng Mai Cầu, huyện Thanh Liêm. Sự tích Mai Cầu kể, có người con gái đến tuổi cập kê, lập gia đình không muốn theo về quê chồng, xin ở lại quê mẹ, nơi có rừng mơ bên dòng Đáy Giang, nhà chồng phải chịu. Hoàng đế Lê Hoàn hay chuyện, mới đặt tên là Mai Cầu (cầu Mơ). Tên làng Đội Xuyên, tưởng nhớ đội quân Tây Sơn do tướng Đinh Huy Đạo chỉ huy, đóng quân cửa sông Gián mùa Xuân Kỷ Dậu (1789).
Đoan Vỹ (đoan là ngay thẳng, vỹ là to lớn), phong cho vị thần trấn ải vùng này. Dân Đoan Vỹ gốc ở làng Hải Nham, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, sang Hà Nam buôn bán, giữ tên cũ. Khi nhà cách mạng Trần Tử Bình về đây mới đổi tên, nay là xã Thanh Hải (Thanh Liêm). Dân các làng thờ Quý Minh đại vương và Thượng Quận phu nhân, người có công giữ gìn thuần phong mĩ tục cho đất đầu tỉnh. Sách của Hà Tông Quyền còn khảo sát đền Cổ Động, đền Khải Xã và chùa Trinh Sơn, công chúa nhà Trần tu đạo trên núi Bổ Đà đều do tướng Nguyễn Bằng Cử thời Hồ xây lên. Thư tịch cho biết, thiền sư Nguyễn Chí Thành, người làng Điềm Xá, nay xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, Quốc sư triều Lý. Khi ngài thỉnh kinh từ Tây Vực về đã dừng chân vùng núi Tây Đáy, chữa bệnh cho dân. Ngọc phả đền thánh tổ Minh Không, chép việc ngài hái thuốc, thăm bệnh để lại vệt dài vết chân từ cửa Thần Phù ra đến Phả Lại. Có 12 dấu dép đá, mỗi chỗ có bia ghi “Minh Không lý tích”, tức là vết dép Minh Không, mỗi phiến dài hai mét, rộng hàng mét.
Cổ Động có nghĩa cánh đồng, từng có một tòa thành, tương truyền do Trương Phụ, tướng nhà Minh (thế kỷ XV) đắp, cùng thời với thành Cổ Lộng ở Bình Cách, huyện Ý Yên. Thư tịch khảo sát về tòa thành này do Tam Đăng Học sỹ Phạm Văn Nghị (1805 - 1884), người xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, đỗ Hoàng giáp năm 1838, tri phủ Lý Nhân soạn, ông đã để lại một số bài thơ về đất Hà Nam.
Nói đến vùng Tây Đáy, cái nôi của ngành công nghiệp Hà Nam, mở tiền đồ cho nền công nghiệp, khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng miền. Đá thức dậy để ngành xây dựng đóng vai trò nghệ sỹ tạo hình cho tương lai. Với trữ lượng hàng tỷ mét khối đá vôi, tỷ lệ CaO (54%), MgO ổn định trong đá hạt hợp chuẩn dùng làm nguyên liệu xi măng, đá vôi Hà Nam thuộc loại tốt nhất, hơn cả đá Tràng Kênh (Hải Phòng), Bỉm Sơn (Thanh Hóa). Mỏ thuần, lộ thiên, dễ khai thác, thuận vận chuyển thủy bộ. Lại thêm nguồn đất cao lanh trữ lượng lớn phân bổ từ Khe Non, núi Bút, núi Chén (Thanh Liêm), đến Khả Phong (Kim Bảng). Riêng mỏ sét Khả Phong chất lượng đạt mức lý tưởng cho công nghiệp xi măng, trở thành trung tâm sản xuất vật liệu xây dựng tầm cỡ cả nước.
“Vôi chợ Kiện, củi chợ Lường”. Sản phẩm từ đá đã vào câu ca, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và đất nước, trên nhiều lĩnh vực: xây dựng, giao thông, thủy lợi, nông nghiệp, dân sinh, quốc phòng. Vôi Kiện Khê ngọt hóa những cánh đồng chiêm khê mùa úng. Nếu trước đây doanh nhân Chu Văn Luận quê ở làng Chuôm, xứ Đoài, thời làm ăn phát đạt ông có mười lò vôi, ba tàu sông, nhiều lò gạch ngói ở Sở Kiện, người làm kế toán cho ông, chính là Bạch Thái Bưởi, sau là ông vua của ngành đường thủy Việt Nam; thì nay riêng Kiện Khê đã có tới 70 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ phải vượt khó do đại dịch Covid-19. Mùa Xuân Nhâm Dần 2022, về sớm với xứ đạo Kiện Khê từ đêm Noel. Vẻ đẹp sơn thủy hữu tình, mái chùa trên núi, tháp chuông nhà thờ, cầu Kiện phấp phới cờ hoa trong gió xuân.
4. Quốc lộ 21, song hành với đường sắt, qua quê Tam Nguyên Yên Đổ, chỉ một thôi đường sang đất Nam Định. Mấy năm gần đây, tuyến Mỹ Lộc - Phủ Lý vận hành, lộ cũ bớt sự náo nhiệt, nhưng vẫn còn trong tâm tưởng bao kỷ niệm một thời.
Nơi cất giữ bảo vật quốc gia, biểu tượng nền văn minh sông Hồng, Trống đồng Ngọc Lũ. Nơi sông Châu, núi Quế vào thơ. Đất của nho gia, làng nghề thuốc nam giữ bí thuật chữa hiếm muộn. “Loảng xoảng trời chiều sắt thép xô nhau…/ Tiếng sóng đồng chiêm (xưa) gặm mòn đường tàu” ở ga Bình Lục, người ta mới sực tỉnh giấc mơ, ngõ trúc quanh co, lá thu xao xác mặt ao, mái cong cánh phượng hội làng. Bồ Xá (nhà cỏ), làm ăn khá giả có La Hào, nay La Sơn (vững như bàn thạch)… Chỗ dân làng đón Đô đốc Bảo giao thừa Kỷ Dậu (1789), nay cây sanh cổ thụ di sản quốc gia, năm nào làng Thượng Thọ, thôn Thọ Lương, ngày hạ nêu (mùng 7) cũng giữ lệ ăn Tết lại, như 230 xuân trước mừng đoàn quân Tây Sơn thắng trận trở về… Thế mạnh của Bình Lục phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Rượu Ô Mễ, chế từ gạo nếp đen, nay thất truyền. “Rượu Vọc cất từ nước buồn muôn thuở / Nhấp một lần trời đất ngả nghiêng say" (Trường ca đồng chiêm – Nguyễn Thế Vinh), rượu nổi tiếng từ thời Trần, được Nhà nước bảo hộ thương hiệu. Hằng ngày, lượng lớn hàng nông sản từ đất chiêm xưa cung cấp cho siêu thị Hà Nội, xuất khẩu sang Trung Quốc. Du khách đã tìm về thăm thắng cảnh núi Nguyệt Hằng, từ đường nhà thơ Nguyễn Khuyến, đình Triều Hội, khu lưu niệm Bác Hồ. Năm 2020, Bình Lục về đích nông thôn mới… Lên xứ Mường Hòa Bình và miền Tây Bắc Tổ quốc, qua dốc Ba Chồm, vượt đỉnh Bòng Bong, 6 cây số là tới thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy, tiếp giáp với huyện Kim Bảng.
Rừng núi Ba Sao ấp ủ trong mình bao ẩn tích. Đạo sĩ Hứa Tam Tinh (thế kỷ X) tu đạo, làm thuốc cứu dân, để lại tên đẹp Ba Sao. Còn Tam Chúc, có nghĩa là ba lậy (lạy trời, lạy đất, lạy thần), bản đồ huyện Kim Bảng thời Minh Mạng do Lương Nhật Thăng, người ở Quyển Sơn vẽ, làm thú vị du khách thăm khu sinh thái quốc gia. Hang Vua, nhắc chuyện Dương Thiệu Đăng, Dương Thiệu Huy, cùng Nữ tướng Lê Chân theo Hai Bà Trưng giành lại nước. Thầy Lê Quảng Văn tụ dân dựng xóm Thạch Tỉnh (giếng đá), về núi Long Đọi mở các làng Đọi, Lê Xá…
Huyện Lạc Thủy có thời kỳ thuộc đất Hà Nam. Cung đường kháng chiến, còn in dấu chân các nhà cách mạng, lập căn cứ bí mật xứ Mường Động (Lạc Thủy), trở về bám đất, bám dân trường kỳ chống Pháp, cũng là nơi đón những đoàn bộ đội, dân công chiến dịch Điện Biên, để nay đường qua thị trấn Ba Sao mang tên Điện Biên Phủ.
Cung đường núi, qua dốc Bòng Bong, cảnh đẹp Ba Hang, quân dân hai tỉnh Hà Nam, Hòa Bình bắt giặc lái Mỹ. Con đường công nghiệp hóa thời hội nhập, gỡ thế “bòng bong”, “ba chồm”, cho xuôi ngược bạn bầu, giờ ngọt na, thơm bưởi, rừng xanh voọc trắng tìm về, rau sắng dẫn lối vào Chùa Hương ngày hội, bừng muôn sắc hoa đào thắm tình người quê núi Hà Nam.
5. Nam Xang trước, Lý Nhân nay, “tứ cố đại hà” (bốn mặt nhìn ra sông lớn), tọa giữa Hồng Hà - Châu Giang. Nói đến Lý Nhân, là kể về miền cây quả ngọt vị phù sa, đất của lễ hội tâm linh, của học hành, của văn chương… Lý Nhân dẫn đầu tỉnh về làm đường giao thông, tích tụ ruộng màu, hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư tôn tạo các di tích trọng điểm, kết hợp lễ hội với du lịch, quảng bá nét đẹp địa văn hóa, khôi phục và phát triển các nguồn gen quý chuối ngự, quýt cơm, hồng không hạt, dâu tằm và cả con giống...
Cầu Không thì lắm vịt con Đại Hoàng chuối ngự ai buôn cũng lời... (Ca dao)
Mở mang dịch vụ, thương mại, làng nghề, quy hoạch các khu đô thị, công nghiệp… Đôi cầu hiện đại, sừng sững vượt sông Hồng sang các tỉnh bạn Hưng Yên, Thái Bình, ngày đêm xe cộ nườm nượp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng đồng bằng và một phần đất nước. Sản phẩm được giao thương tới muôn miền. Phẩm vật chuối ngự tiến vua, đặc sản bánh đa Chều, hương vị đặc trưng cá kho Nhân Hậu… vào thực đơn nhà hàng, khách sạn. Từ cuốn “đan thư” (sách đồng), Thủy Tiên công chúa, con nuôi Đức Thánh Trần, phu nhân danh tướng Phạm Ngũ Lão, đến tích “Người con gái Nam Xương”, nàng Mỵ Ê, áo gấm vua ban, Đào Nương, Khiết Nương, ái thiếp của Đông Hải Đại vương Đoàn Thượng, hai vị phi tần phủ chúa, Liễu Kiều công chúa, Trần Thị Ngọc Loan, nữ thiền sư đầu tiên của Phật giáo Việt Nam, danh nhân Yên Tử… Những áng thơ “Chiêu hồn nước” của nhà yêu nước Phạm Tất Đắc, thống thiết lòng người, tấm gương nhà văn liệt sỹ Nam Cao. Trước tác nhà văn để lại cho đời Con đường mang tên mái trường trẻ học Người dẫu khuất, danh tài không mất Một đời văn trường cửu với quê nhà… Văn trình Nam Cao - Nguyễn Thế Vinh Tiếng trống Bắc Lý vẫn vang vọng sự nghiệp trồng người. Mùa Xuân mới đang về trên muôn nẻo quê hương, đất nước. Với sức mạnh tuổi Hổ, thành lập tỉnh Hà Nam năm Canh Dần (1890), với sức thanh xuân, 25 năm tuổi trẻ (tái lập tỉnh), kế thừa những di sản vật chất, tinh thần của tiền nhân, vượt khó khăn đại dịch, phát huy nội lực, đón những luồng sinh khí mới, Hà Nam vươn mình cất cánh cùng những cánh én, mừng Đảng, mừng Xuân.../.
Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh hiện có hơn 46.000 hội viên, sinh hoạt ở 166 tổ chức cơ sở hội, 721 chi hội. Ngoài ra, toàn tỉnh đã vận động được gần 30.000 cựu quân nhân tham gia sinh hoạt tại 731 câu lạc bộ, ban liên lạc ở các thôn, tổ dân phố. Đây là lực lượng đông đảo, có uy tín, tâm huyết, gương mẫu trong tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua; xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân.
Những đặc trưng công nghệ quân sự Việt Nam góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược được kế thừa từ hàng nghìn năm của dân tộc. Việt Nam có “mặt tiền” trông ra Biển Đông, là nơi dừng chân qua lại giữa hai đại dương lớn của thế giới là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vừa có điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu các nền văn minh trên thế giới, nhưng cũng là tâm điểm “nhòm ngó” của các thế lực bành trướng, xâm lược. Do trải qua nhiều thế kỷ chống kẻ thù xâm lược nên người Việt đã sớm biết chế tạo và sử dụng vũ khí để đánh giặc.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.