Chợ họp tháng sáu phiên vào các ngày chẵn theo lịch trăng, gọi là phiên chính, ngoài ra còn họp các phiên xép. Phiên chính chợ đông ngàn ngạt, người từ Cầu Họ xuống, Chân Ninh, Ngô Xá sang, Đồng Quê, Chính Bản đổ về. Thời trước không phải làng nào cũng có chợ. Cho nên làng tôi có chợ coi như một tiêu chí của một vùng đất biết làm ăn, bởi như Cụ Lê Quý Đôn dạy: “Phi thương bất hoạt”. Người xưa cũng nói: “Nhất cận thị, nhị cận giang”. Nghĩa là gần chợ, gần sông thuận lợi cho việc đi lại, buôn bán. Còn như cứ ở đầu sông cuối bãi, ngõ cụt, ria làng thì thường gặp khó cho việc kiếm kế sinh nhai.
Làng có cô Tư Hồng nức tiếng làm ăn buôn bán giỏi. Cô sinh năm 1868, năm mất không rõ, là một doanh nhân nổi tiếng cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Cô Tư Hồng còn được gọi là “Me” Tư Hồng vì bà lấy chồng Tàu rồi chồng Tây. Khi bà 17 tuổi, cha bà ép gả con gái cho lý trưởng chỉ vì nợ nần ông Lý. Khi đó ông Lý đã vợ con đề huề. Phận làm lẽ tủi cực nhiều bề, Tư Hồng trốn ra Thành Nam (Thành phố Nam Định) làm thuê. Ít lâu sau cô lấy một người bán bún xáo trâu. Tiếc rằng, hai người không có con nên cuộc tình cũng tan rã chóng vánh. Trong một dịp như có sự sắp đặt của thượng đế, Tư Hồng gặp một Hoa kiều ở Hải Phòng đưa thuyền về Nam Định thu mua lúa. Tên vị khách Tàu này là Hồng. Mối tình sét đánh, vị khách phải lòng cô gái làng Vọc ngay từ cái nhìn sắc lẻm đầu tiên. Sau đó cặp trai tài gái sắc trốn ra Hải Phòng. Từ đây cô được gọi là thím Hồng.
Làm ăn phát đạt không lâu thì vợ chồng thím Hồng lại gặp phen sóng gió. Khoảng cuối năm 1890, ông Hồng thua lỗ nặng trong việc buôn bán gạo ở xứ người buộc phải trốn về nước. Vợ ông mở hiệu buôn bán tạp hóa nhỏ để sinh sống qua thời hoạn nạn. Rồi một ngã rẽ khác, Tư Hồng gặp một người bạn có chồng Tây là doanh nhân. Cô bạn ấy rủ rê Tư Hồng rời bỏ Hải Phòng lên chốn kinh kỳ Hà Nội. Nhân Quốc khánh Pháp năm 1892, trong một buổi dạ hội, viên quan tư Laglan, thiếu tá hậu cần, đã chạm ánh mắt hút hồn của thiếu nữ Hà Thành có tên Hồng. Chả bao lâu sau viên quan Tư kết hôn với Hồng. Thím Hồng từ đó có tên Tư Hồng.
Chuyện về cô Tư Hồng làng tôi cũng dài như con sông Châu. Sau này cô rất thành công trong kinh doanh, trở thành đại gia hàng đầu đất nước, theo ngôn ngữ bây giờ, nhưng cuộc đời bất hạnh, không có con cái. Năm nọ cô về cố hương làm nhà. Nhà thơ Nguyễn Khuyến – Tam Nguyên Yên Đổ được mời đến dự lễ mừng nhà mới. Cụ Tam đã làm đôi câu đối mừng: “Có tàn có tán có hương có án thờ vua, danh giá lẫy lừng băm sáu tỉnh/ Nào biển nào cờ nào sắc phong cho cụ, chị em hồ dễ mấy lăm người”. Có người dịch nôm, chủ nhà là loại gái giang hồ ở đẳng cấp cao. Nghe vậy Tư Hồng tái mặt mà đành cười trong khóe môi mím chặt.
Nhân nói tới chuyện nhà thơ Nguyễn Khuyến, xin kể đôi điều có liên quan đến tuổi thơ của chúng tôi. Nguyễn Khuyến sinh năm 1835, mất năm 1909. Ông là nhà thơ lớn với các tác phẩm chủ yếu: Quế Sơn thi tập, Yên Đổ thi tập, Bách Liêu thi văn tập, Cẩm Ngữ, cùng nhiều bài ca, hát ả đào, văn tế, câu đối truyền miệng. Năm 1884, khi được bổ giữ chức Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên (Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang) ông đã từ chối vì ngán cảnh làm bù nhìn cho thực dân, đế quốc, xin được về quê dạy học. Lúc còn thò lõ mũi, chưa biết mặt chữ, tôi đã thuộc lòng bài thơ “Hỏi thăm Quan tuần mất cướp” của Nguyễn Khuyến. Mấy câu thơ đầu như sau: “Tôi nghe kẻ cướp nó lèn ông/ Nó lại lôi ông đến giữa đồng/ Cướp của giết người quân tệ nhỉ/ Thân già da cóc có đau không?”. Nguyễn Khuyến gửi ông Tuần phủ Đích là bạn học. Ông Tuần người làng Thiên Khoán, huyện Bình Lục. Nếu đứng ở cánh đồng làng tôi nhìn sang Thiên Khoán thì thấy một vệt xanh mờ. Đó là những lũy tre xanh trải miên man nối làng Vọc, Văn Ấp, với Thiên Khoán, rồi chạm con đường 21 nối thị xã Phủ Lý với thành phố Dệt Nam Định. Ông Đích vốn có tính keo kiệt, bủn xỉn với bạn bè, do đó thường bị Nguyễn Khuyến giễu cợt đả kích. Sau này Tuần phủ Đích được bổ làm Ngự sử ở Kinh. Đến lúc hưu quan về quê, chỉ lo ki cóp làm giàu, rồi bị cướp trắng. Nhân cớ này Cụ Tam có thơ “hỏi thăm”. Cái câu “Nó lại lôi ông đến giữa đồng”, bọn mục đồng nghe các bậc cao niên kể lại, chính ở cái chỗ chúng tôi thường chăn trâu ấy. Địa điểm cụ thể là Nền Nhà Cương. Đó là một bãi tha ma rộng chừng ba sào. Cùng với Nền Nhà Cương còn có Mả Đậu, Lá Cờ, Cật Ngựa, Mả Cả, Chân Thành… Lai lịch của những tên gọi này thì đến nay vẫn còn nhiều giả thiết khác nhau. Nhưng chắc chắn có liên quan đến việc giao chiến, đến các trận đánh từ thời huyết chiến giữa các phe phái trên lưng ngựa. Nền Nhà Cương là bãi cỏ rộng nằm cách sân đình Cả quãng chừng 500 mét.
Đình Cả là ngôi đình lớn thờ Trần Thủ Độ (1194 – 1264). Đình được xây vào nửa cuối thế kỷ XIX, quy mô khá lớn, có đủ Đại đình, Hậu cung, Tiền tế, Tả vu, Hữu vu. Những ngày hội làng, lũ trẻ trâu sướng lắm. Chúng cứ lượn quanh xem các trò diễn xướng, chờ lúc vãn hội được chia phẩm oản. Tôi nghe lỏm câu này từ nhà Hán học khăn xếp áo the được đón từ Nam Định về bằng chiếc xe U-oát đít tròn. Ông Phó Chủ tịch huyện dặn: “Trưa nay cỗ nhé. Lòng lợn, được. Gà tre hấp, được. Thầy khó tính lắm. Chiếu trải không vuông không ngồi. Miếng thịt thái không vuông không ăn”. Nhà Hán học cứ lẩn mẩn xoa tay mãi vào từng chữ Nho trên cột Đồng trụ trước cổng, miệng lẩm nhẩm đọc. Rồi phán: “Đình Cả thiêng lắm. Thế đất này chọn nơi có hơi thở Cha truyền vào lòng đất Mẹ. Hồ bán nguyệt trước cửa đình như vầng trăng khuyết nói lên ước mong được mùa của dân làng”. Đình Cả đến năm 2012 thì được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Trần Thủ Độ sống vào thời cuối triều Lý đầu triều Trần, thấp thoáng sau cánh gà nhưng lại nhiều mưu lược trong các sự kiện lật đổ nhà Lý, lập nên nhà Trần, thu phục các thế lực người Man làm phản loạn và trong cuộc chiến kháng quân Nguyên lần thứ nhất. Vào năm 1209, khi trong nước có loạn Quách Bốc, Lý Cao Tông (1173 –1210) phải tháo chạy khỏi kinh sư, Lý Huệ Tông là Thái tử phải chạy đến nương nhờ Trần Lý. Họ Trần dẫn quân về triều dẹp loạn, rước vua về kinh sư, nhân đó mà khuynh loát triều đình. Trần Thủ Độ khi ấy làm Điện tiền chỉ huy sứ. Ông đã khôn khéo sắp xếp cho con người anh họ của mình lấy Lý Chiêu Hoàng. Sau này Nữ hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Thái Tông, tức Trần Cảnh, lập nên triều Trần. Vua Trần Thái Tông sau đó đã phong cho ân nhân của mình là Trần Thủ Độ làm Thái sư thống quốc hành quân chinh thảo sự. Theo Trần Trọng Kim trong cuốn Việt Nam sử lược (Trung bắc Tân văn xuất bản lần đầu năm 1920): “Trần Thủ Độ được xem là “gian ác” đối với nhà Lý, nhưng lại làm một đại công thần của nhà Trần. Một tay ông cáng đáng biết bao nhiêu trọng sự, giúp Thái Tông bình phục được giặc giã trong nước và chỉnh đốn lại mọi việc, là cho nước Nam ta bấy giờ được cường thịnh”. Trần Thủ Độ còn được người đời nhớ tới bởi câu nói nổi tiếng ông trả lời vua Thái Tông khi giặc Mông Cổ mạnh như thác cuốn tràn tới: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất thì xin Bệ hạ đừng lo”.
Cách Đình Cả một cánh đồng là Phủ Vũ thuộc thôn Vũ Bị. Phủ Vũ thờ Công chúa Thiềm Hoa-An Quốc. Nàng là con Vua Lý Công Uẩn và là vợ của Thái sư Đào Cam Mộc - người có công giúp Lý Công Uẩn dựng xây cơ nghiệp nhà Lý buổi ban đầu. Thiềm Hoa đã bỏ tiền riêng để mở mang ruộng đất, khuyên nhủ dân chúng tương thân, tương trợ cấy cày, vun đắp thuần phong mỹ tục. Bà xin vua dựng Bia thế nghiệp. Ngày nay, Phủ Vũ còn lưu giữ hai tấm đá cổ. Hai tấm đá quý được gọi là Thạch Kiệt, tạm gọi là mốc ruộng đất “Sắc cấp tứ” nhà vua cấp cho người có công. Thạch Kiệt được dựng vào năm Hồng Thuận thứ 5, (ngày 25-2, năm 1513), ghi chép hơn 140 mẫu ruộng ở các xứ trong vùng. Nơi xa nhất là đồng Ba, thuộc xã Đồn Xá, huyện Bình Lục ngày nay.
Mặc dù yên bề gia thất cùng quan Thái sư giỏi giang Đào Cam Mộc, nhưng Thiềm Hoa vẫn nung nấu chí lớn phục thù, bởi nhà Lý đã rơi vào tay nhà Trần do một tay sắp đặt của Trần Thủ Độ. Công chúa âm thầm nhen nhóm binh lực, nuôi rèn quân sĩ chờ cơ hội đến. Bà cho mở Hội vật ở sân Phủ Vũ hằng năm không ngoài ý đấy. Thế nhưng không có hậu thuẫn, chiến lược của một “nữ nhi thường tình” không qua mắt được triều đình nhà Trần lúc bấy giờ. Đích thân Trần Thủ Độ đã ra tay dập ngọn lửa báo thù. Thiềm Hoa bị trả thù tàn độc bằng cách cho voi xé xác. Bao thế kỷ trôi qua, nhưng bây giờ ai có dịp qua cánh đồng Vũ Bị còn thấy những cái tên ai oán, xót xa: đống Ông Voi, vườn Xé, Đống Miều (mộ bà an táng tại đây). Năm 1973, Trường cấp III B Bình Lục được xây dựng tại làng Vũ, ngay cạnh Phủ Vũ có bề dầy lịch sử hàng nghìn năm. Tuy nhiên, trong các học trò kia mấy ai là người hiểu thấu đáo ngọn nguồn lịch sử làng mình.
Tôi biết được những điều kỳ bí về Phủ Vũ một phần là qua những lời kể của mẹ tôi. Mẹ kể rằng, ông ngoại tôi là Cụ Nguyễn Văn Tựu (Tự Tựu) là người trụ trì Phủ Vũ trong khoảng 20 năm. Cụ là nhà Nho, uyên thâm Hán học. Cụ vừa trông nom việc thờ tự vừa mở lớp dạy học. Thời bấy giờ dạy học được coi là việc thiện, trò không phải trả công xá, tiền nong gì. Đến lúc thóc vào bồ, nhà nào quý thầy thì biếu cân gạo nếp, đấu lạc, hay buồng chuối ngự. Nhà giàu thì biếu vuông vải nhiễu hay tơ tằm. Ông ngoại mất lâu rồi tôi mới ra đời. Mẹ tôi kể, sinh thời ông dặn dò con cháu nhiều điều, nhưng mẹ nhớ nhất câu: “Hữu thức phi nan nan thức đáo/ Vô danh bất hoạn hoạn danh phù” (Muốn có tri thức không khó, khó nhất là hiểu cho đến nơi đến chốn. Không có danh không sợ, chỉ sợ nhất là cái danh hão, danh suông).
“Nhỏ” hơn đình Cả một chút là đình Đông Thành. Làng Đông Thành cách làng Vọc chỉ mấy lần trở vai đòn gánh. Nhà thầy Dư, giáo viên dạy vỡ lòng ở gần đó. Vợ thầy là bà Dư điên. Thường ngày bà hay đi chợ Vọc, diện áo trắng bốp, quần lụa đen, tay múa dẻo như phường chèo, miệng lẩm nhẩm: “Đi nhầm giang hồ lộ, người đi không thể về… Đi nhầm giang hồ lộ…”. Người lớn bảo bà đọc sách nhiều quá nên ngộ chữ. Thuở nhỏ ngày rằm, mồng một lũ trẻ lau nhau thường đi qua xóm Đầu Trại, qua cánh đồng, vào đình xem người lớn hương khói lễ lạt, thỉnh thoảng được các cụ cho nắm xôi, quả chuối. Đình Đông Thành thờ Thành hoàng làng là người “Đô dù đại vương”. Ông là người chuyên che lọng cho vua. Ghê chưa, chỉ là người che ô, lọng mà cũng được phong Thánh để dân làng thờ! Có lần tôi hỏi mẹ, mấy ông che lọng có gì đáng thờ? Bà đưa tay quệt quết trầu, nhìn vào cõi xa xăm: “Không phải thờ ông nào, ông mặt đỏ hay ông mặt trắng, mà là thờ người tài ba, nhân đức”.
Chuyện làng tôi tưởng như đã xa xưa lắm. Nhưng khuất sau cây đa, bến nước, sân đình là biết bao thế sự của hôm nay.
Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh hiện có hơn 46.000 hội viên, sinh hoạt ở 166 tổ chức cơ sở hội, 721 chi hội. Ngoài ra, toàn tỉnh đã vận động được gần 30.000 cựu quân nhân tham gia sinh hoạt tại 731 câu lạc bộ, ban liên lạc ở các thôn, tổ dân phố. Đây là lực lượng đông đảo, có uy tín, tâm huyết, gương mẫu trong tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua; xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân.
Những đặc trưng công nghệ quân sự Việt Nam góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược được kế thừa từ hàng nghìn năm của dân tộc. Việt Nam có “mặt tiền” trông ra Biển Đông, là nơi dừng chân qua lại giữa hai đại dương lớn của thế giới là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vừa có điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu các nền văn minh trên thế giới, nhưng cũng là tâm điểm “nhòm ngó” của các thế lực bành trướng, xâm lược. Do trải qua nhiều thế kỷ chống kẻ thù xâm lược nên người Việt đã sớm biết chế tạo và sử dụng vũ khí để đánh giặc.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.