Phủ Lý tăng cường quản lý cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố

Thương mại - Dịch vụ 06:01 07/11/2020 Nguyễn Oanh
Với ưu điểm: nhanh, tiện lợi, giá thành phải chăng, thức ăn đường phố đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân, nhất là tại các khu vực chợ, xung quanh các khu công nghiệp, cổng trường, cổng bệnh viện.

Để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP) cũng như bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường, thời gian qua, các cơ quan chức năng, UBND các xã, phường trên địa bàn thành phố Phủ Lý đã tăng cường công tác kiểm tra, kết hợp đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền đến các hộ kinh doanh về quy định của pháp luật đối với loại hình kinh doanh này. 

Phường Minh Khai, thành phố Phủ Lý hiện có trên 90 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống các loại, trong đó, có gần 30 cơ sở, cửa hàng kinh doanh thức ăn đường phố. Từ đầu năm 2020 đến nay, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP Phường Minh Khai đã tiến hành kiểm tra trên 50 lượt cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Qua công tác kiểm tra cho thấy, hầu hết các cơ sở chấp hành tương đối tốt các quy định của pháp luật về kinh doanh thức ăn đường phố.

Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở chưa trang bị tủ, kệ để bày bán thực phẩm chín; thức ăn không được che đậy kín nhằm ngăn ngừa bụi bẩn; người bán không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín… Tính riêng trong đợt kiểm tra ATTP dịp Tết Trung thu 2020, trong tổng số 15 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP Phường Minh Khai đã phát hiện 3 cơ sở vi phạm các điều kiện về vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ chứa đồ ăn. 

Hầu hết các điểm kinh doanh thức ăn đường phố đã trang bị đầy đủ giá, kệ, tủ kính bảo đảm điều kiện vệ sinh ATTP.

Trao đổi về vấn đề này, bà Phạm Thị Cài, Phó Chủ tịch UBND Phường Minh Khai cho biết: Xác định rõ nguy cơ cao mất ATTP của dịch vụ thức ăn đường phố, hằng năm, Phường Minh Khai đều xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ theo tháng, quý, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành ATTP trong các đợt trọng điểm là Tết Nguyên đán, Tết Trung thu và Tháng hành động vì ATTP. Trong quá trình kiểm tra, các thành viên của Ban chỉ đạo đều kết hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định mới của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, mối nguy hại của thực phẩm đường phố không bảo đảm vệ sinh đối với sức khỏe con người… Nội dung này cũng được phường phổ biến bằng hình thức treo băng rôn, khẩu hiệu và phát trên hệ thống đài truyền thanh của phường với số lượng 8-10 tin, bài mỗi tháng. Nhờ đó, trong 3 năm trở lại đây, trên địa bàn phường chưa xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm nào liên quan đến sử dụng thức ăn đường phố.

Tương tự, tại phường Trần Hưng Đạo loại hình kinh doanh thức ăn đường phố cũng có trên 20 cơ sở. Những năm gần đây, phường đã vào cuộc quyết liệt hơn trong việc kiểm tra, giám sát, vận động người dân chấp hành các quy định về bảo đảm ATTP trong kinh doanh cũng như tiêu dùng; kiên quyết trong xử lý các vi phạm về ATTP theo quy định của Nghị định 115/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP đối với các cửa hàng kinh doanh thức ăn đường phố; tuyệt đối không để các cơ sở không đủ điều kiện bảo đảm vệ sinh ATTP thực hiện kinh doanh… Kết quả, từ năm 2019 đến nay,  số cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố vi phạm các điều kiện về ATTP đã giảm rất nhiều so với trước. Tính riêng 10 tháng năm 2020, qua kiểm tra, không có trường hợp nào vi phạm. 

Dạo qua một số tuyến đường lớn trên địa bàn thành phố Phủ Lý dễ dàng nhận thấy, công tác bảo đảm vệ sinh ATTP đối với dịch vụ kinh doanh thức ăn đường phố đã có nhiều chuyển biến tích cực so với trước đây. Hiện nay, rất nhiều quán bán xôi, bánh mỳ, bánh rán, ngô, khoai nướng... đã sử dụng các loại lá cây trồng (lá chuối, lá dong, lá sen…) hay hộp giấy chuyên dùng để đóng thực phẩm và đồ ăn nóng thay vì dùng giấy báo cũ như trước. Trên các loại xe đẩy chứa thực phẩm đều được trang bị giá, kính bảo quản; người bán hàng đã thực hiện đeo găng tay khi chế biến đồ ăn…

Anh Nguyễn Văn Lâm, người bán đồ ăn vặt (xúc xích, bánh mỳ, xôi…) tại khu vực cổng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong cho hay: Thời gian qua, tôi đã được các cơ quan chức năng tuyên truyền về Luật ATTP, Nghị định 115 và các nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATTP, trong đó có những quy định cụ thể về kinh doanh thức ăn đường phố. Bây giờ tôi không dùng hộp xốp nữa mà sử dụng hộp giấy để gói đồ ăn nhằm bảo đảm sức khỏe cho khách hàng, nhất là khi hầu hết đối tượng sử dụng đồ ăn của tôi là trẻ nhỏ. 

Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Phủ Lý hiện có gần 1.500 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó có khoảng 200 cơ sở thức ăn đường phố. Thực hiện Nghị định 115, những năm qua, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP các xã, phường trên địa bàn thành phố Phủ Lý đã tăng cường công tác kiểm tra đối với các cơ sở chế biến, kinh doanh thức ăn đường phố theo phân cấp quản lý. Hằng năm, đội ngũ cán bộ y tế các xã, phường được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật xét nghiệm nhanh ATTP do ngành y tế tổ chức nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý ATTP trên địa bàn.

Báo cáo của Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP thành phố Phủ Lý cho thấy, tính từ đầu năm 2020 đến nay, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP các xã, phường trên địa bàn thành phố Phủ Lý đã tiến hành kiểm tra 619 lượt cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Qua kiểm tra, đã phát hiện 212 cơ sở chưa đạt đủ các điều kiện về ATTP (chiếm 34,2%). Trong đó, vi phạm phổ biến là: cơ sở chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh ATTP đối với trang thiết bị, dụng cụ chứa đựng thực phẩm; chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia bán hàng chưa có giấy khám sức khỏe, chưa có giấy xác nhận kiến thức ATTP… theo quy định. 

Trên thực tế, việc giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các trường hợp kinh doanh thức ăn đường phố còn gặp khá nhiều khó khăn do thiếu kinh phí; đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP còn thiếu cả về số lượng và năng lực chuyên môn. Bên cạnh đó, số cơ sở, cá nhân kinh doanh thức ăn đường phố thường xuyên thay đổi mặt hàng kinh doanh, không có địa điểm, thời gian cố định nên gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc theo dõi, quản lý. Thiết nghĩ, để hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố đi vào “khuôn khổ”, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng rất cần sự vào cuộc của chính người tiêu dùng trong việc nói “không” với thực phẩm không bảo đảm an toàn.

TIN MỚI CẬP NHẬT

WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ

Quốc tế  |  06:11 23/11/2024

Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox), trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.

Ghi nhận ở HTXDVNN Đồn Xá

Nông nghiệp  |  05:30 23/11/2024

Những năm gần đây, sản xuất trên đồng ruộng của xã Đồn Xá (Bình Lục) đã có thay đổi đáng kể. Các vùng sản xuất theo hướng tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa được hình thành. Cây lúa từ vai trò bảo đảm lương thực tại chỗ đã chuyển sang đóng góp vào thu nhập cho người dân. Có được kết quả đó Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Đồn Xá đã đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.

Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam xây dựng trường học không khói thuốc

Xã hội  |  05:28 23/11/2024

Những năm qua, Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam đã đẩy mạnh thực hiện giáo dục, tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) trong nhà trường. Qua đó, đã từng bước nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên (HSSV) về tác hại của thuốc lá, hạn chế tình trạng học viên hút thuốc trong trường học, xây dựng trường học không khói thuốc.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC