Phát huy tiềm năng du lịch cộng đồng ở Lý Nhân

Lấy nông dân làm trung tâm trong các hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ, sản phẩm du lịch, huyện Lý Nhân đã và đang tạo mở con đường phát triển du lịch cộng đồng nhiều hứa hẹn.

Đánh thức tiềm năng

Những ngày đầu Xuân Canh Tý, trong khi các di tích và danh lam thắng cảnh vắng khách thăm quan do dịch bệnh Covid – 19 bùng phát, tại Khu tưởng niệm nhà văn Nam Cao, khu nhà Bá Kiến ở xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân vẫn có nhiều người từ khắp mọi nơi đến thăm. 

Ông Nguyễn Trọng Long, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện nói: Khách du lịch đến đây thắp hương nhà văn, thăm ngôi nhà đã đi vào văn học Việt Nam, thăm không gian làng chứa đựng nhiều cảm xúc về thân phận con người trong quá khứ. Sau đó là thăm làng dệt truyền thống, mục sở thị nghề làm cá kho nức danh trong Nam ngoài Bắc, ngắm nhìn những vườn chuối ngự Đại Hoàng xanh mướt, ngon mắt kia.

Không gian nhà trưng bày Khu tưởng niệm nhà văn Nam Cao, xã Hòa Hậu (Lý Nhân).

Hóa ra truyền thông đã làm cho du khách biết đến vùng đất này suốt thời gian qua chăng? Ông Long cho rằng “Chuyện đó rất quan trọng, nhưng không tác động hoàn toàn đến quyết định của du khách. Thực tế, những người nông dân Hòa Hậu trong sự phát triển kinh tế - xã hội đã tự mình làm nổi bật mình, tự mình đưa những sản phẩm của gia đình, quê hương đến với du khách xa gần. Còn truyền thông lại tác động ở khía cạnh khác, có thể đã giúp nâng tầm những sản phẩm nông nghiệp mang tính chất dân dã, mùa vụ kia trở thành những món ăn đặc trưng, quen mà lạ, đơn giản mà hấp dẫn, mang giá trị văn hóa vùng tiêu biểu”. Người dân Hòa Hậu hơn 10 năm qua đã chú trọng đến đặc sản cá kho bán trong các dịp lễ, Tết. 

Hiện tại, cả xã có hàng trăm hộ làm nghề này, hộ nào làm nhiều mỗi năm cũng sản xuất vài nghìn nồi. Giá mỗi nồi cá kho dao động từ 700.000 đồng đến 1,5 triệu đồng. Cùng với cá kho, chuối ngự Đại Hoàng cũng được trồng với mục đích phục vụ du khách là chính. Tuy nhiên, sản phẩm này phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết nên đôi khi cung không đủ cầu, dẫn tới việc thương lái trà trộn chuối ngự các nơi khác dán mác Đại Hoàng tung ra thị trường. 

Ông Trần Xuân Thực, Chủ tịch Hiệp Hội cá kho Nhân Hậu nói: “Đây là hai sản phẩm đặc trưng của vùng đất này. Ban đầu người dân quê tôi chỉ duy trì với ý thức gìn giữ truyền thống, nhưng xã hội phát triển, giao lưu văn hóa vùng miền cộng với các hoạt động du lịch được mở rộng, nghề kho cá, trồng chuối ngự ở Đại Hoàng cũng được quan tâm hơn. Du khách mọi nơi về thăm nhà Bá Kiến, khu tưởng niệm nhà văn Nam Cao rồi đến xem chúng tôi kho cá, dệt vải… Tất cả không ngờ lại hấp dẫn họ đến vậy!”.

Rõ ràng, làng nghề truyền thống trong mục tiêu phát triển du lịch Hà Nam giờ mới bắt đầu được khai thác do chính người dân, cộng đồng dân cư. Đối với Lý Nhân, phát triển du lịch cộng đồng chưa được đánh giá cao trong mục tiêu phát triển du lịch vì vùng đất này có nhiều di tích nổi tiếng, là cơ sở để phát triển du lịch văn hóa tâm linh. Và thực tế, những làng nghề ở Lý Nhân như: Kho cá, dệt Đại Hoàng, trồng cây đặc sản, bánh đa nem làng Chều, rượu Hợp Lý… đã và đang trở thành điểm đến của du khách. 

Ông Nguyễn Trọng Long, Trưởng phòng Văn hóa  - Thông tin huyện Lý Nhân cho biết thêm: Lý Nhân thực sự có tiềm năng cho phát triển du lịch cộng đồng khi giao thông phát triển, công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong đời sống và sản xuất của nhân dân, việc kết nối du lịch giữa Lý Nhân và các điểm du lịch trong khu vực ngày càng thuận lợi, nhận thức của người dân về phát triển dịch vụ và các sản phẩm nông nghiệp đã chuyển biến theo nhu cầu xã hội nên sẽ là cơ hội tốt để du lịch cộng đồng phát triển.

Chú trọng nguồn nhân lực

Lý Nhân đã có những đề án phát triển du lịch cụ thể, được triển khai trong thời gian qua, bước đầu khơi dậy tiềm năng du lịch địa phương. Ông Trần Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nam chia sẻ: Hà Nam nói chung, Lý Nhân nói riêng cần quan tâm nhiều hơn đến phát triển du lịch cộng đồng. Vài năm qua, chúng ta đã bắt đầu có những chuyển dịch lớn trong ngành nghề nông thôn, người nông dân tham gia vào chuỗi các hoạt động dịch vụ ngày một sôi động hơn nên tạo khả năng nhất định cho phát triển du lịch. Nhưng để du lịch cộng đồng thực sự phát triển, thu hút người dân tham gia, các địa phương cần quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực. Bởi vì, người nông dân đóng vai trò rất lớn, rất quan trọng trong phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng. 

Ông Tiến cho rằng: “Ngành văn hóa đã mở những lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở, những cộng tác viên làm công tác văn hóa, hướng dẫn viên tại các điểm du lịch, di tích. Tuy nhiên, lực lượng làm du lịch cộng đồng rất đông, đa số là nông dân, người dân nông thôn, nếu họ không có kiến thức, có kỹ năng thì dẫu có tiềm năng phát triển cũng khó tạo được sự phát triển bền vững cho loại hình du lịch này”.

Ở nhiều địa phương phát triển du lịch cộng đồng, người dân bản địa có kỹ năng giao tiếp tốt, có mối quan hệ, liên kết chặt chẽ với các công ty lữ hành, có kiến thức ẩm thực, kinh doanh đa dạng, kỹ năng nói và hiểu biết văn hóa vùng miền sâu rộng… tạo sức hút cho du khách khi đến thăm. Để có những yếu tố này, con người phải học tập, rèn luyện, không ngừng nắm bắt thực tiễn. Ở Lý Nhân, nếu nhìn từ mô hình du lịch cộng đồng ở Hòa Hậu hiện nay sẽ thấy con đường đang đi rất đúng, nhưng còn thiếu sự liên kết, sự linh hoạt và mục tiêu bền vững nên vẫn “mạnh ai người nấy làm”. Các hội nghề nghiệp chưa phát huy hết vai trò của mình trong quản lý, xây dựng thương hiệu và liên kết thành viên, thống nhất tổ chức nên hoạt động rời rạc, không tạo được động lực thực sự.

Theo ông Nguyễn Trọng Long, khả năng phát triển du lịch cộng đồng ở Lý Nhân rất tốt, địa phương có một hệ thống di tích cổ, có giá trị văn hóa lịch sử lâu đời, gắn với tên tuổi của nhiều danh nhân lịch sử, có những làng nghề nổi tiếng và phát triển xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại, có nhiều đặc sản nông nghiệp đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Nếu các địa phương kết hợp các yếu tố cần và đủ để thực hiện mục tiêu chuyển dịch kinh tế, lao động nông thôn từ nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ và du lịch sẽ thành công.

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy