Tại công trình xây dựng kênh tiêu trên địa bàn thị trấn Tân Thanh (huyện Thanh Liêm) gần 30 kỹ sư, công nhân phơi mình dưới nắng nóng cả tháng nay, có ngày nhiệt độ lên tới hơn 40 độ C. Chị Lã Thị Thuận, hơn 40 tuổi đang làm việc tại đây cho biết, số công nhân lao động đang làm việc tại đây thuộc nhiều lứa tuổi đến từ nhiều địa phương, có cả Yên Bái, Lào Cai. Ai cũng chăm chỉ, làm công ăn lương. Công việc khá vất vả, chị là phụ nữ nhưng vẫn khuân đá kè bờ, xách vữa, đánh hồ…
Chị Thuận bảo: "Lúc nào cũng muốn uống nước. Uống bao nhiêu, ra mồ hôi bấy nhiêu. Mệt thì mệt thật, nhưng vì cuộc sống mọi người vẫn vui vẻ làm!".
Người chỉ huy công trình mặt cũng đen sạm vì nắng. Anh đi từ đầu kênh đến cuối kênh, sát sao công việc. Một công nhân tên Quý, người địa phương, mồ hôi đầm đìa, vừa đánh vữa, vừa trò chuyện: "Nhà em cũng cấy ruộng, nhưng thuê gặt hết nên vợ chồng đi làm công nhân để tăng thu nhập cho gia đình. Làm việc ngoài trời cả ngày, nhưng được cái là thoáng, lại không bị gò bó thời gian. Mấy hôm rồi nắng như đổ lửa, anh em phải tranh thủ làm từ sớm, lúc nắng lên thì nghỉ…".
Sau giãn cách xã hội, hàng vạn lao động tự do của Hà Nam tìm kiếm việc làm trở lại. Đó cũng là lúc thời tiết nắng nóng và năm nay ngay từ đầu mùa đã nắng nóng hơn mọi năm. Dù vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, công việc nào, người lao động vẫn cố gắng vượt lên khó khăn để làm việc, tăng thu nhập, giảm bớt những khó khăn của gia đình sau những tháng ngày chống dịch. Anh Chu Hồng Tới, thôn 1, xã Bối Cầu, huyện Bình Lục nói: "Trước đây còn tranh thủ làm ruộng, giờ thuê hết, hai vợ chồng tôi đi làm thuê kiếm tiền. Mấy tháng đầu năm đã chơi dài, bây giờ phải làm để bù lại, dù nắng đến mấy cũng cố thôi…".
Anh Tới làm thợ xây, những ngày trời nắng nóng phải tranh thủ làm sớm để tránh nắng. Nhiều người trong toán thợ của anh tuổi cao phải bố trí làm việc trong bóng mát, không cho làm ngoài trời. Cũng vài lần, mấy người say nắng, kiệt sức phải nghỉ việc cả tuần, ảnh hưởng tới tiến độ công trình và thu nhập của bản thân. Anh Tới chia sẻ: "Thợ chính của chúng tôi thấp nhất cũng 300.000 đồng/ngày. Nếu nghỉ cả tuần thì giảm thu nhập tiền triệu. Vì thế, mỗi người phải biết giữ sức và tìm cách làm hiệu quả trong thời tiết khắc nghiệt thế này".
Trong những ngày nắng nóng, cả khi người chủ ruộng không ra đồng gặt lúa như xưa, thợ gặt thuê vẫn mải miết làm việc trên những cánh đồng. Mỗi máy gặt cần 3 lao động làm việc từ 4h đến 10h hằng ngày. Chiều có thể nghỉ đến 16h, rồi gặt thông đêm đến 2h sáng hôm sau.
Anh Chu Văn Tuyển, thợ máy xã Bối Cầu nói: "Chúng tôi bỏ ra 600-700 triệu đồng đầu tư máy gặt, phải làm vài vụ mới hoàn vốn. Vì thế, mỗi vụ gặt phải tranh thủ mọi thời gian, công suất máy, dù thời tiết có nắng nóng cũng vẫn phải làm. Nếu nóng quá thì tranh thủ làm đêm". Công gặt máy mỗi sào 120 nghìn đồng, tính ra mỗi ngày trong điều kiện thời tiết nắng nóng anh cũng hoàn thành 10 mẫu ruộng. Nếu ở địa phương và vùng lân cận gặt xong sớm có khi anh Tuyển mang máy vào tận Nghệ An, Thanh Hóa gặt thuê.
Nắng chang chang suốt mùa hè, đi đến đâu cũng gặp những cảnh người lao động phải gồng mình làm việc dưới nắng. Dẫu "mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày", người ta vẫn phải làm, vẫn phải mưu sinh để lo toan cho cuộc sống. Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Hà Nam, từ đầu vụ nóng đến nay đã tiếp nhận vài ca say nắng, sốc nhiệt vào cấp cứu. Tất cả đều là lao động tự do, là nông dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Năm nay kinh tế gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, nhu cầu kiếm việc làm và tăng thu nhập của nhiều lao động càng ngày cao. Trong khi, thời tiết đang có những diễn biến phức tạp, nắng nóng khắc nghiệt kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, công việc của người lao động…
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, ngày 22/11, tại Kuala Lumpur, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Đảng Tổ chức thống nhất dân tộc Mã Lai (UMNO) Dato’ Seri Dr. Ahmad Zahid Hamidi và các lãnh đạo cấp cao trong Liên minh cầm quyền tại Malaysia.
Từ ngày 1- 31/10/2024, lực lượng chức năng đã triển khai Tháng cao điểm ra quân xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đối với học sinh trên địa bàn tỉnh. Với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) về TTATGT gắn với tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, sau một tháng thực hiện, tình hình chấp hành pháp luật giao thông trong học sinh đã có những chuyển biến tích cực.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.