Nắng nóng cao điểm liên tục đã ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, dẫn đến nhiều người phải nhập viện cấp cứu.
Theo bác sỹ Đinh Ngọc Tuấn, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Hà Nam, từ khi bắt đầu nắng nóng đến nay lượng bệnh nhân vào Khoa Cấp cứu tăng so với trước đó, số ca bị nặng cũng tăng, trong đó có những trường hợp khi đưa đến viện đã quá nặng, tiên lượng xấu. Các bệnh người dân bị nhiều vẫn là bệnh liên quan đến đường hô hấp và tim mạch, như đột quỵ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Đáng chú ý từ đầu mùa nắng đến nay khoa đã tiếp nhận điều trị cho 5 bệnh nhân bị sốc nhiệt (bệnh điển hình khi xuất hiện nắng nóng cao điểm). Trong 5 bệnh nhân này có 2 người bị bệnh mãn tính nhưng sống trong môi trường không thông thoáng, 3 người là thanh niên trẻ nhưng làm việc ngoài trời nắng nóng. Các bệnh nhân nhập viện đều trong tình trạng sốt trên 40 độ, rối loạn ý thức, huyết áp tụt, xét nghiệm có hiện tượng suy đa tạng, đặc biệt là chức năng thận. Tuy nhiên do được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời nên sau một thời gian điều trị các bệnh nhân đều hồi phục.
Theo bác sỹ Đinh Ngọc Tuấn khi bị sốc nhiệt nếu không cấp cứu kịp thời sẽ làm cho chức năng điều nhiệt ở não tổn thương nặng, gây suy đa tạng và tử vong.
Thời tiết nắng nóng, khuyến cáo của các bác sỹ là người dân không nên ra ngoài, làm việc dưới thời tiết nắng nóng trong thời gian lâu, đặc biệt là thời điểm nắng nóng gay gắt nhất trong ngày(12-15h). Khi bắt buộc phải đi ra ngoài, làm việc dưới trời nắng nóng phải đội mũ, nón, mặc quần áo che nắng thông thoáng để tránh ánh nắng tiếp xúc trực tiếp với da, thường xuyên vào bóng râm nghỉ và uống nhiều nước.
Bác sỹ Tuấn cũng khuyến cáo người dân khi nằm điều hòa không nên để nhiệt độ quá thấp, chênh lệch nhiều với nhiệt độ bên ngoài dễ bị đột quỵ khi ra vào vì thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Đ.H