Nhà báo cách mạng với những tác phẩm báo chí cách mạng

Chính trị 13:37 20/06/2020 Vũ Lân
Kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, nhớ về Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với những tác phẩm báo chí cách mạng bất hủ và lời căn dặn tâm huyết, những kinh nghiệm làm báo vô cùng quý báu của Người đối với các thế hệ làm báo cách mạng hôm nay và mãi mãi mai sau.

Đối với những nhà báo chuyên nghiệp có được những tác phẩm báo chí có giá trị lý luận-thực tiễn sâu sắc đã là quý báu lắm rồi, mà tác phẩm đó lại còn được Giải Báo chí quốc gia thì lại càng quý hơn. Ấy thế mà có người với cả trăm bút danh khác nhau, từng là chủ bút nhiều tờ báo, sáng lập ra cả một nền báo chí cách mạng, đã viết đến cả nghìn bài báo, trong đó có nhiều tác phẩm để đời... thế nhưng chưa bao giờ nhận mình là nhà báo. Bác chỉ nhận mình là người “có duyên nợ với báo chí”. Những tác phẩm chưa bao giờ được trao giải thưởng nhưng phần lớn lại là những sản phẩm mẫu mực về báo chí và sống mãi trong lòng nhân dân. Người muốn nói ở đây là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - Người thầy của báo chí và là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Đó là danh hiệu cao quý mà Tổ chức Khoa học-Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc vinh danh lãnh tụ kính yêu của chúng ta vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người (19/5/1990). 

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ báo chí trong và ngoài nước tại Thủ đô Hà Nội (5-1968). Ảnh tư liệu

Dưới góc độ cao quý nhất, vĩ đại nhất của nội hàm “nhà báo” thì Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh xứng đáng và làm nổi danh những tờ báo mà Người đã sáng lập hay cộng tác. Đối với Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân là bổn phận, trách nhiệm được giao phó, chính vì vậy, làm bất cứ nghề gì, kể cả làm báo, cũng chỉ nhằm mục đích phục vụ nhiệm vụ cách mạng và là công cụ hoạt động cách mạng . Vì vậy, nếu chúng ta có “phong” cho Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là “nhà báo” thì Người là nhà báo cách mạng và các bài báo của Người được sản sinh trong quá trình hoạt động cách mạng, góp phần tuyên truyền, cổ vũ, chỉ đạo phong trào cách mạng trong tất cả các thời kỳ cách mạng và cho các thế hệ cách mạng về sau.  

Bắt đầu bước vào giai đoạn hoạt động cách mạng, tìm đường cứu nước (1919 đến năm 1930 của thế kỷ XX), đồng thời cũng là xuất hiện những bài báo ký tên Nguyễn Ái Quốc trên một số tờ báo và diễn đàn quốc tế ở Pháp, Nga, Trung Quốc... Các bài báo trong giai đoạn này tập trung vào hai chủ đề là tố cáo và lên án chủ nghĩa thực dân Pháp. Các tác phẩm báo chí thuộc chủ đề thứ nhất chủ yếu đã được đăng tải trên các tờ báo “Le Paria”, “L’Humanité”, “La Vie Ouvriére”, tập san “Imprekor” và một số ấn phẩm khác trong khoảng thời gian Người hoạt động ở Pháp, Liên Xô, Trung Quốc. Cuốn sách nổi tiếng “Bản án chế độ thực dân Pháp” xuất bản lần đầu tiên tại Pa-ri năm 1925 là một trong những tác phẩm báo chí nổi bật, gây tiếng vang trong thời kỳ này. Tác phẩm “Đường Cách mệnh” - tập hợp những bài viết của Người cho các lớp học chính trị tại Quảng Châu, Trung Quốc, cuốn sách có ý nghĩa đặc biệt đối với lịch sử cách mạng Việt Nam, trong đó là những bài học đầu đời của những người cách mạng mà “đức là gốc” của những người cách mạng. Đây cũng là những bài học về cách mạng, về vai trò lãnh đạo của Đảng, về con đường giải phóng dân tộc, con đường xây dựng đất nước đi tới độc lập, tự do, phồn vinh, hạnh phúc. Với việc sáng lập tổ chức “Thanh niên cách mạng đồng chí Hội”, sau đó ra Báo “Thanh niên” ra số 1 vào ngày 21/6/1925 - Ngày Báo chí cách mạng của chúng ta ngày nay. 

Từ năm 1930 đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thời kỳ mở đầu bằng sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời; là thời kỳ hoạt động đầy gian nan và nguy hiểm của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc. Dấu ấn báo chí nổi bật nhất trong thời kỳ này của Người là việc thành lập Mặt trận Việt Minh và cho xuất bản tờ báo "Việt Nam độc lập" để phục vụ công tác Mặt trận. Đầu năm 1941, Nguyễn Ái Quốc bí mật về nước, phát triển cơ sở cách mạng ở Cao Bằng và triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào tháng 5-1941, hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, phát động phong trào cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi có thời cơ. Ngoài những bài thông tin, chính luận, Nguyễn Ái Quốc còn viết nhiều bài đăng trên báo "Việt Nam độc lập" nhằm động viên, cổ vũ các tầng lớp, lứa tuổi, toàn thể đồng bào đứng lên đoàn kết đấu tranh, cứu nước, cứu nhà. "Việt Nam độc lập" thổi kèn loa/ Kêu gọi nhân dân trẻ lẫn già/ Đoàn kết vững bền như khối sắt/ Để cùng nhau cứu nước Nam ta!”. Bài thơ này đặt dưới bức tranh cổ động cho Báo Việt Nam độc lập do Nguyễn Ái Quốc vẽ, in trên Báo Việt Nam độc lập số 103, ngày 21-8-1941. Giai đoạn sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công. Rất nhiều tác phẩm của báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký những bút danh khác nhau,   đa dạng, nhiều loại hình, thể loại khác nhau, vừa bám sát từng ngày, từng giờ thực tế sinh động, hào hùng của những thời khắc chính quyền cách mạng non trẻ ở thế “ngàn cân treo sợi tóc” và cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Hàng trăm bài báo của Người, đồng thời cũng là những sự chỉ đạo rất kịp thời, sâu sắc với chính quyền cách mạng các cấp còn non trẻ, cảnh báo nguy cơ của một đảng cách mạng sau khi giành chính quyền. Trên các báo “Sự thật”, “Cứu quốc”, “Vệ quốc quân”, “Tập san Sinh hoạt nội bộ” đăng những bài báo nóng hổi tính thời sự như: “Cách tổ chức các Ủy ban nhân dân”, “Chính phủ là công bộc của dân”,  “Thiếu óc tổ chức, một khuyết điểm lớn trong các Ủy ban nhân dân”, “Sao cho hợp lòng dân”, “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, “Người tuyên truyền và cách tuyên truyền”, “Giữ bí mật”, “Dân vận”, “Tự phê bình”, “Chống quan liêu, tham ô, lãng phí”, “Sửa đổi lối làm việc”, “Cần kiệm liêm chính”... Rất nhiều nội dung trong các bài báo còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc cho ngày hôm nay.

Từ sau hòa bình lập lại ở miền Bắc đến trước lúc đi xa, Chủ tịch  Hồ Chí Minh viết hàng trăm bài báo đăng trên các báo, tạp chí trong nước. Người dành sự quan tâm đặc biệt cho những vấn đề cấp thiết trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Chỉ riêng việc trồng cây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sáu bài báo đăng trên Báo Nhân Dân thể hiện sự quan tâm rất sớm, tầm nhìn xa trông rộng của Người trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chống thiên tai, bão lũ, hạn hán, chống biến đổi khí hậu.  Nhiều bài viết của Người đề cập những vấn đề rất cụ thể hoặc có tính thời vụ, thời sự như chống hạn, chống bão lụt, giữ đê điều, phòng chống bão lụt. Đó là những bài báo có ý nghĩa chỉ đạo đối với cơ sở, vừa động viên nhân dân trong việc giải quyết những yêu cầu cụ thể bức thiết, tổ chức thực hiện những nhiệm vụ cấp thiết trong sản xuất nông nghiệp, tổ chức đời sống xã hội và của người dân. Một lĩnh vực được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm là công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhân dân và giáo dục cán bộ, đảng viên. Một loạt bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập những vấn đề có tính nguyên tắc về Đảng, chính quyền nhân dân, về yêu cầu giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, biểu dương những tấm gương tốt, những biểu hiện tích cực, phê phán những sai lầm, khuyết điểm, những căn bệnh mà cán bộ ta hay mắc phải cũng như những thói quen xấu, lạc hậu của các cơ quan, tổ chức cũng như các cá nhân.  Tác phẩm “Đạo đức cách mạng” đăng trên Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) số 12 năm 1958 có vị trí đặc biệt. Đây là một bài viết có tính tổng kết lý luận, trình bày các khía cạnh nội dung, biểu hiện của vấn đề đạo đức cách mạng một cách có hệ thống. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đạo đức cách mạng là yêu cầu tất yếu của người cách mạng; không có đạo đức cách mạng, người cách mạng không thể hoàn thành được những nhiệm vụ nặng nề của một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ; đạo đức cách mạng “không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong điều kiện Đảng cầm quyền cũng là một vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. 

Chủ đề lớn thứ hai, đấu tranh chống Mỹ, cứu nước, được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện chủ yếu bằng thể loại tiểu phẩm. Các tiểu phẩm báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ này bám sát từng bước đi, từng thất bại của đế quốc Mỹ trên con đường tăm tối chống phá các lực lượng cách mạng dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Ngòi bút sắc sảo, cái nhìn tinh tường của Người luôn phát hiện được những sự kiện, hiện tượng thể hiện đúng bản chất, dã tâm của kẻ thù để ra đòn với tiếng cười châm biếm, tố cáo, vạch mặt chúng. Bắt đầu từ dịp sinh nhật 19/5/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị tài liệu “tuyệt mật” để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, cho các thế hệ sau và cho bạn bè quốc tế khỏi bị cảm thấy đột ngột. Nhân dịp 39 năm Ngày sinh nhật của Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết và cho đăng bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” trên Báo Nhân Dân ngày 3/2/1969. Trong bài báo, sau khi phê phán những biểu hiện, tác hại của chủ nghĩa cá nhân, Người căn dặn: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Phải đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt nhiệm vụ”. Nay đây, chúng ta đọc lại những dòng này cứ như Bác Hồ đang nói với chúng ta khi Đảng ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.   Trong Diễn văn tại Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Làm theo chỉ dẫn của Bác về "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân", chúng ta cần kiên quyết, kiên trì và tích cực làm trong sạch đội ngũ của Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, tình trạng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; tiếp tục đưa việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành sinh hoạt chính trị thường xuyên, trở thành một nhu cầu văn hóa trong Đảng, trong dân. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương; người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong Đảng và trong bộ máy chính quyền lại càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng, nhân dân noi theo, như lời Bác dạy: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". 

Kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, nhớ về Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với những tác phẩm báo chí cách mạng bất hủ và lời căn dặn tâm huyết, những kinh nghiệm làm báo vô cùng quý báu của Người đối với các thế hệ làm báo cách mạng hôm nay và mãi mãi mai sau.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Người có công được hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ để cải tạo, sửa chữa nhà ở, 60 triệu đồng/hộ nếu xây mới

Xã hội  |  20:14 22/11/2024

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg ngày 22/11/2024 về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023 - 2025.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Campuchia

Chính trị  |  20:01 22/11/2024

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) và Phiên họp lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP), chiều 22/11, tại thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Manet.

Đội liên quân Tỉnh ủy- Tỉnh đoàn giành Cúp Giải Bóng đá Đoàn Khối các cơ quan tỉnh lần thứ XIII

Trong tỉnh  |  19:47 22/11/2024

Chiều 22/11, tại sân bóng đá cỏ nhân tạo phường Lam Hạ (thành phố Phủ Lý), Đoàn Khối các cơ quan tỉnh tổ chức trao giải Giải Bóng đá Đoàn Khối các cơ quan tỉnh lần thứ XIII và hưởng ứng Chương trình "Những bước chân nhân ái vì cộng đồng" năm 2024. Dự trao giải có các đồng chí: Trần Nguyễn Hiền Anh, TUV, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Chánh văn phòng Tỉnh ủy; Đặng Anh Tuấn, TUV, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC