Quan điểm của Bác Hồ về coi trọng tinh thần thi đua, coi trọng việc phát hiện, giới thiệu, cổ vũ, nhân rộng những tấm gương người tốt, việc tốt từ thực tế đời sống luôn được thể hiện nhất quán, xuyên suốt trong nhiều bài viết, bài nói của Người.
Sinh thời, mặc dù gánh vác nhiều trọng trách trên cương vị Chủ tịch nước, nhưng bằng sự quan tâm cùng niềm tin tưởng, kỳ vọng đặc biệt đối với phong trào thi đua yêu nước và những mô hình, điển hình tiên tiến, những cách làm hay, kinh nghiệm quý trong thực tế đời sống nên Bác Hồ kính yêu luôn rất chú trọng đến việc phát hiện, biểu dương, động viên gương người tốt, việc tốt thông qua các tác phẩm báo chí cũng như các bài nói chuyện tại nhiều diễn đàn hội nghị, sự kiện.
Quan điểm của Bác Hồ về coi trọng tinh thần thi đua, coi trọng việc phát hiện, giới thiệu, cổ vũ, nhân rộng những tấm gương người tốt, việc tốt từ thực tế đời sống luôn được thể hiện nhất quán, xuyên suốt trong nhiều bài viết, bài nói của Người. Tháng 5/1948, trong “Lời kêu gọi thi đua yêu nước”, Bác viết: “Sĩ, nông, công, thương binh, gái trai già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc Thi đua yêu nước…”. Tiếp đó, ngày 11/6/1948 trong “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, Người viết: “Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi nơi và mọi tầng lớp nhân dân, và giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn…”.
Ngày 7/6/1968, khi làm việc với một số cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương (sau là Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) về xuất bản sách “Người tốt, việc tốt”, Bác chỉ rõ: “Những chiến công và thành tích nổi bật, vang dội thì ai cũng có thể thấy được. Còn những việc nhỏ, bình thường thôi, nhưng ích nước lợi dân thì hay bị xem thường...”. Và Bác nhấn mạnh công việc có khi rất nhỏ nhưng lại có tác dụng lớn, ích nước, lợi dân; công việc nhỏ nhưng lại có ý nghĩa, tầm quan trọng để tạo thành nhân cách có sức lan tỏa ảnh hưởng rộng lớn. Bác nói: “Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông. Biết bao giọt nước nhỏ hợp lại mới thành biển cả. Một pho tượng hay một lâu đài cũng phải có cái nền rất vững chắc mới đứng vững được. Nhưng người ta dễ nhìn thấy pho tượng và lâu đài mà không chú ý đến cái nền. Như thế là chỉ thấy cái ngọn mà quên mất cái gốc”.
Trong nhiều bài viết, bài nói, Bác Hồ đã từng đưa ra quan điểm: Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp. Và Bác khẳng định: “Người tốt, việc tốt nhiều lắm. Ở đâu cũng có. Ngành, giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có”. Chính vì thế, mặc dù rất bận rộn, nhưng Bác luôn dõi theo, luôn dành sự động viên, khuyến khích kịp thời đối với những việc làm tốt, những gương điển hình tập thể, cá nhân làm nhiều việc tốt. Hằng ngày, mỗi khi nghe đài, đọc báo nếu bắt gặp một bài viết nêu gương người tốt, việc tốt, Bác thường có cách đánh dấu riêng bằng nhiều loại mực, rồi yêu cầu xác minh, sau đó gửi Huy hiệu của Người khen thưởng, động viên, khích lệ rất kịp thời đối với những gương người tốt, việc tốt đó.
Theo thống kê và tài liệu lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, kể từ bài báo nêu gương người tốt, việc tốt đầu tiên được Bác đánh dấu, lưu giữ lại (Bài “Mẹ đăng” - Báo Phụ nữ Việt Nam, số ra ngày 16/2/1956) đến bài báo cuối cùng (Bài “Xông vào lửa cứu xe, cứu đạn”- Báo Quân đội nhân dân, số ra ngày 30/12/1968), đã có đến hơn 2 nghìn bài báo nêu gương người tốt, việc tốt được Bác Hồ cẩn thận, trân trọng sưu tầm, lưu giữ. Các bài viết phản ánh khá đa dạng, phong phú về đề tài, đề cập nét đẹp và những đóng góp ở nhiều khía cạnh cuộc sống, ở nhiều lứa tuổi, tầng lớp, ngành, giới khác nhau.
Điều này chứng tỏ Bác Hồ luôn thể hiện sự trân trọng, đánh giá cao đối với những đóng góp của mọi người dân, từ những việc làm tốt tưởng chừng rất nhỏ, rất bình dị. Đơn cử như trường hợp các cháu thiếu niên của Hợp tác xã Măng non Phú Mẫn, Hàm Sơn, Hà Bắc (tỉnh hợp nhất của tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh ngày nay) có sáng kiến tham gia chăm sóc đàn trâu bò, bảo đảm sức kéo của HTX nông nghiệp ở địa phương cũng được Bác chú ý lưu giữ. Từ một bản tin ngắn đăng trên Báo Hà Bắc, sau khi đọc xong Bác đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh Hà Bắc xác minh, sau đó, Người trực tiếp gửi thư khen ngợi, động viên các cháu. Đáng chú ý là Báo Hà Biên (Báo Hà Nam ngày nay) cũng đã có một bài viết nêu gương người tốt, việc tốt được Bác đánh dấu, lưu giữ. Đó là bài “Cụ Lương nuôi trâu gầy thành trâu béo” số ra ngày 15/9/1964.
Cũng theo tư liệu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, sau buổi làm việc ngày 7/6/1968 của Bác với Ban Tuyên huấn Trung ương, theo gợi ý của Bác trong năm 1968, những bài báo nêu gương người tốt, việc tốt do Bác sưu tầm, ghi bút tích bằng nhiều loại mực đó đã được Ban Tuyên huấn Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức tập hợp, xác minh thêm, sau đó biên tập và xuất bản thành sách để mọi người có thể nghiên cứu, liên hệ và vận dụng học tập làm theo. Con số gần 5 nghìn Huy hiệu mà Bác Hồ tặng thưởng cho những cá nhân có việc làm tốt đã được phản ánh, xác minh qua hơn 2 nghìn bài báo chính là cơ sở quan trọng để ghi danh, nêu gương trong các tập sách người tốt, việc tốt sau này.
Theo ý kiến chỉ đạo, gợi mở của Bác, các tập sách người tốt, việc tốt là ghi lại những việc tốt đã làm, từ đó phổ biến rộng rãi trong nhân dân, do vậy cần phải viết, biên tập sao cho ngắn gọn, giản dị, gần gũi, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ liên hệ, vận dụng làm theo. Thực hiện chỉ huấn của Người, ngay trong năm 1968 - 1969, hàng loạt tập sách người tốt, việc tốt của nhiều địa phương, đoàn thể, ngành, giới với nhiều tên gọi khác nhau khai thác tư liệu từ các bài báo nêu gương người tốt, việc tốt do Bác sưu tầm đã được ấn hành, ra mắt bạn đọc như: “Thế hệ anh hùng” (Nhà xuất bản Thanh niên), “Dũng cảm đảm đang” (Nhà xuất bản Phụ nữ), “Vì nước vì dân” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân), “Hậu phương thi đua với tiền phương” (Nhà xuất bản Phổ thông) và 15 tập “Việc nhỏ nghĩa lớn” (Nhà xuất bản Kim Đồng)…
Với Báo Hà Nam, việc tổ chức duy trì chuyên mục người tốt, việc tốt trên báo nhiều năm nay vẫn được thực hiện thường xuyên và trở thành một trong những chuyên mục thu hút sự quan tâm của độc giả, tạo được hiệu ứng tích cực trong việc góp phần thông tin, tuyên truyền, cổ vũ, động viên những mô hình, điển hình, nhân tố mới ở tất cả các lĩnh vực học tập, lao động, công tác và chiến đấu. Thiết thực hưởng ứng chủ trương lớn: Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, Báo Hà Nam đã duy trì chuyên mục “Tích cực làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và “Người tốt, việc tốt” (định kỳ vào thứ ba hằng tuần). Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, phóng viên, cộng tác viên tích cực hưởng ứng các cuộc thi viết về đề tài “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, qua đó nhận được hàng trăm bài viết của các cây bút chuyên nghiệp, không chuyên trong và ngoài tỉnh.
Đội ngũ cán bộ, phóng viên Báo Hà Nam cũng rất tích cực tham gia hưởng ứng cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về đề tài “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Qua 6 năm tham gia Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng- Búa liềm vàng, những bài viết về mô hình, điển hình, gương người tốt, việc tốt, gương đảng viên tiêu biểu… trong học tập, làm theo Bác cũng luôn được quan tâm thực hiện.
Cùng với đó, từ khi tái lập tỉnh năm 1997 đến nay, Báo Hà Nam cũng đã phối hợp với một số ban, ngành, đoàn thể xuất bản nhiều tập sách người tốt, việc tốt nhân các kỳ Đại hội thi đua yêu nước của tỉnh và nhân các sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước. Những việc làm thiết thực trên đây càng thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn của đội ngũ báo giới đối với Bác kính yêu, góp phần cổ vũ, động viên các phong trào thi đua yêu nước cũng như phát hiện, giới thiệu, nhân rộng những tấm gương người tốt, việc tốt, khơi dậy ý chí, khát vọng xây dựng quê hương Hà Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh, trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Đã 53 mùa Xuân Bác Hồ vĩnh biệt chúng ta nhưng thật tự hào là phong trào thi đua yêu nước, phong trào người tốt, việc tốt do Người khởi xướng, phát động và khuyến khích, động viên nhân rộng vẫn không ngừng được tiếp tục duy trì với nhiều hình thức ngày càng đa dạng, phong phú, tạo nên sức lan tỏa tích cực, động lực to lớn trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển đất nước.
Thế Vĩnh