Phần I: Địa lý (Chương XXX)

Địa chí Hà Nam 05:56 17/12/2019 Điện tử

Chương XXX

TRÒ CHƠI DÂN GIAN

Bất kỳ dân tộc nào cũng đều có các thú chơi dân gian. Người lớn có thú chơi của người lớn, trẻ con có thú chơi riêng của thế giới tuổi thơ. Người phong lưu tài tử có thú chơi đòi hỏi tốn nhiều tiền bạc, thời gian. Tầng lớp bình dân bên dưới cũng có những thú vui chơi của tầng lớp này. Họ chơi trong những dịp lễ hội của làng, trong những ngày Tết cổ truyền, trong tiết nông nhàn, trong mùa cấy gặt. Trò chơi dân gian của trẻ con, so với của người lớn, nhiều hơn về số lượng, mang nét hồn nhiên, mộc mạc hơn, do chúng quan sát được từ các hiện tượng xung quanh. Những nét văn hóa đặc trưng của từng vùng, từng khu vực đều được tái hiện một phần dưới hình thức các trò chơi.

Trò chơi là hình thái sinh hoạt ban đầu của trẻ, do tác động của ngoại cảnh mang lại dưới hình thức bắt chước hành động của người lớn, của các hiện tượng tự nhiên xung quanh mà hàng ngày chúng cảm nhận thấy. Khởi đầu của trò chơi là trò, tức là các hoạt động cá nhân diễn ra có ý thức, trước mắt người khác hay chỉ một mình. Sau đó trò được kết nối với chơi thành trò chơi mà theo định nghĩa trong Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, xuất bản năm 1988) thì trò chơi là những hoạt động bày ra để vui chơi, giải trí. Do vậy, trò chơi là hoạt động có sự tham gia của nhiều người, của số đông. Không có một trò chơi nào diễn ra với duy nhất chỉ một người chơi, mà tối thiểu phải từ hai người trở lên. Người tham gia càng đông, tính hấp dẫn của trò chơi càng tăng cao thêm.

Tuỳ theo tâm sinh lý của từng lứa tuổi mà có trò chơi khác nhau: Tuổi lớn hơn có trò chơi của tuổi lớn. Trẻ nhỏ hơn có trò chơi của trẻ nhỏ hơn. Trẻ con có thể chơi các trò chơi của người lớn, nhưng ngược lại, không ai ở tuổi ba mươi, bốn mươi lại đi nhảy cò, nhảy dây, chơi chuyền... bao giờ. Cho nên, hầu hết các trò chơi dân gian đều thuộc về trẻ con, và những trò chơi này cũng đều do chúng nghĩ ra. Ban đầu, trò chơi có thể ở dạng thô, nhưng qua thời gian, có sự gạn lọc, tham gia thêm bớt của nhiều người mà trò chơi hoàn thiện theo điều kiện văn hóa, phong tục, tập quán của từng vùng.

Điều dễ dàng nhận thấy nhất là những quốc gia, những miền, những nơi có nền kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn thì bao giờ cũng có nhiều trò chơi dân gian hơn, phát triển mạnh hơn. Đây cũng là cơ sở để khẳng định rằng, trò chơi xuất phát từ nông thôn trước khi thâm nhập vào các đô thị, thành phố nhưng cũng chỉ chọn lọc một số ít sao cho phù hợp với điều kiện phố phường chật hẹp, đông đúc người qua lại, bán buôn. Trẻ em thành thị không có đủ các điều kiện để bày ra nhiều trò chơi như trẻ em ở vùng nông thôn.

Ngược lại, ở nông thôn thì trẻ em tương đối có nhiều trò chơi phong phú. Mùa nào có trò chơi đó. Nơi nào cũng có thể diễn ra trò chơi: chơi trong sân nhà, ngoài vườn, ngoài bãi; chơi khi thả trâu ngoài đồng; chơi trong kì nghi hè. Buổi chiều, sau khi phụ giúp việc gia đình, đồng áng hoặc học hành, trẻ em lại tụ tập đâu đó ngoài ngõ để chơi. Những đêm trăng sáng chúng trốn ra gò cao, bãi trống để kéo co, trốn tìm...

Rồi cũng có trò chơi dành riêng cho con gái: nhảy lò cò, nhảy dây, múa... và trò chơi dành riêng cho con trai: đá bóng, đánh khăng, đánh bi... Các trò chơi trẻ con mang nét hồn nhiên của tuổi thơ, đa dạng, phong phú, nhiều vẻ, nhiều màu sắc khác nhau; ngược lại người lớn thường có ít trò chơi hơn, nhưng người lớn có nhiều trò chơi rất tao nhã, được nâng lên thành hội, mang đậm màu sắc dân gian và bản sắc văn hóa dân tộc.

Là vùng đất có nhiều lễ hội đình đám, mỗi hội lại có vài trò chơi riêng nên nhìn chung Hà Nam có khá nhiều số trò chơi truyền thống.

Với người lớn trò chơi đa phần mang tính chất lễ nghi tín ngưỡng, tính chất đua tài thi nghề và tính chất giải trí. Những trò chơi như trò vật cầu, đánh phết ở các làng dọc đôi bờ sông Châu, sông Đáy mà tiêu biểu như ở lễ hội Đình Đá thôn An Mông, hoặc các trò chọi gà, bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đập niêu, những trò thi bơi chải, đi cầu thùm, cầu khỉ... ở các hội làng của các huyện Kim Bảng, Duy Tiên, trò đấu vật Liễu Đôi hoặc những trò múa trống, múa hát Lải Lèn ở Nội Rối, (xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân), trò múa hát Dậm (vừa múa vừa hát dậm chân theo nhịp sênh phách như chèo thuyền) ở Quyển Sơn (xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng)... Đó là những trò chơi mang nặng tính chất tưởng niệm công trạng của các bậc tiền nhân, các vị anh hùng trong sự nghiệp mở đất và giữ nước của Hà Nam như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Triệu Quang Phục...

Những trò trình diễn bách nghệ như thi đánh cá ở hội đình An Dương (xã Mỹ Thọ, huyện Bình Lục); thi đuổii cuốc ở làng Và (quê hương của Nguyễn Khuyến), trò thi bơi thuyền thúng, bơi chải, đánh vật, chơi đu ở Bình Nghĩa (xã Tiêu Động, huyện Bình Lục) đều là những trò chơi có tính chất thi tài, khuyến khích nghề nghiệp sản xuất.

Các trò chơi có tính chất tưởng niệm, thi tài, đua nghề mỗi năm thường chỉ diễn ra vào các dịp hội lễ, “xuân thu nhị kỳ”. Các trò chơi giải trí, thường chỉ mở ra nhân các việc khao vọng, hiếu hỉ, giỗ chạp. Các trò chơi trẻ em lại diễn ra bất kỳ ngày nào, giờ nào nên các trò chơi của trẻ em chiếm một phần cực kỳ quan trọng trong khối lượng trò chơi ở Hà Nam.

Như trên đã trình bày, cũng giống như các địa phương khác của vùng đồng bằng Bắc Bộ, Hà Nam là quê hương của rất nhiều trò chơi dân gian truyền thống của người Việt. Đấy là những trò chơi đặc sắc đã có từ nhiều đời nay và hiện vẫn còn được lưu hành trong dân gian ở làng quê, hiện vẫn giữ một vai trò đáng kể trong hoạt động vui chơi giải trí của người dân nơi đây. Dưới đây là một vài trò chơi tiêu biểu của Hà Nam.

I. TRÒ CHƠI NGƯỜI LỚN

1.  Trò chơi vật cầu

Trò chơi dân gian vật cầu là trò chơi dân gian đặc sắc mang đậm tín ngưỡng văn hóa dân gian. Như đã trình bày, trò chơi dân gian này được tổ chức ở nơi diễn ra lễ hội làng tại Đình Đá thôn An Mông (xã Tiên Phong, huyện Duy Tiên). Lễ hội được tổ chức hằng năm vào ngày 27 tháng giêng âm lịch. Ngoài phần tế lễ ra, phần hội được tổ chức các trò chơi khác nhau như thi chọi gà, thi đấu vật, bịt mắt đập nồi... Nhưng đặc sắc nhất và được nhiều người tham gia hơn cả là trò chơi dân gian vật cầu.

Quả cầu có hình bầu dục, đường kính 15cm, được làm bằng gỗ nhẹ lại có từ lâu đời được dân làng coi là một bảo vật thiêng. Ngày thường quả cầu được phủ khăn hồng cất giữ tại chùa, đến ngày lễ hội làng mới làm lễ rước về đình để lễ Thánh rồi sau đó mới mang ra làm vật chủ của trò hội.

Theo tục lệ, người thủ lễ phải là một người cao tuổi đứng đầu một giáp không có “bụi” (nghĩa là gia đình không có tang trong năm, làm ăn thuận lợi, gia đình hạnh phúc, khỏe mạnh).

Người thủ lễ với trang phục màu hồng hai tay bưng mâm, trên mâm đặt qua cầu phủ khăn hồng, miệng khấn xin nữ thần ban phúc, lộc cho dân làng. Buổi khai lễ diễn ra khoảng hai phút với sự có mặt đông đủ của dân làng và những người tham gia vật cầu. Dứt lời khấn, người chủ lễ tung cầu lên cao cùng với tiếng reo hò của dân làng và hai đội bắt đầu vào cuộc chơi.

Sân chơi là khoảng đất rộng, không quy định kích cỡ, ở 2 phía đầu sân ở mỗi đội chơi được đào một lỗ đường kính khoảng 25cm, sâu chừng 40cm, bên cạnh lỗ cắm một cành tre tươi có một người coi lỗ gọi là thủ môn.

Người tham gia cuộc chơi là nam giới, được chia làm hai đội phân làm hai độ tuổi. Tuổi từ 50 trở lên gọi là vật cầu lão. Tuổi dưới 50 gọi là vật cầu giai. Trang phục của người chơi là quần áo sĩ tốt khác nhau để dễ phân biệt. Hai đội chơi thường là các giáp trong làng tranh tài thi đấu với nhau để phân chia thắng bại, giáp nào thắng thì được phúc lộc nhiều hơn trong năm.

Vật cầu là trò chơi mang ý nghĩa phồn thực:

Quả cầu có hình bầu dục, trơn và nhẵn biểu trưng vật mang tính dương, và là biểu vật thờ thần mặt trời. Lỗ cầu là biểu trưng vật mang tính âm và là biểu vật thờ mẫu. Trong quá trình trò chơi diễn ra, nếu quả cầu được cho vào lỗ nghĩa là thần mặt trời truyền năng lượng vào đất, âm dương hòa hợp. Cành tre xanh cắm bên cạnh lỗ cầu là mong cho mưa thuận gió hòa, cây trái sinh sôi, nẩy nở, mùa màng bội thu.

Vật cầu còn là trò chơi mang ý nghĩa thể thao.

Trò chơi vật cầu về cách thức tổ chức không cầu kỳ, luật chơi đơn giản. Nhưng cái chính ở đây là trò chơi được đan cài yếu tố tâm linh, mọi người tham gia chơi đều hướng tới sự ban phát của thánh mẫu mong được chạm vào quả cầu và đưa quả cầu vào lỗ. Trò chơi được tái hiện lại qua tính rèn luyện sức khỏe, tài khéo léo để nâng cao sức chiến đấu chống quân thù. Ở đấy, ý nghĩa thể thao là hệ quả của lớp văn hóa muộn.

Do hoàn cảnh chiến tranh cũng như nhận thức chưa thật đầy đủ về bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nên trò chơi vật cầu một thời gian dài bị lãng quên. Nhiều năm đổi mới gần đây, được sự quan tâm của Đảng, chính quyền từ Trung ương đến huyện, ngành Văn hóa Thông tin đã chỉ đạo hướng dẫn tổ chức các lễ hội, trong đó có trò chơi dân gian truyền thống vật cầu đã được khôi phục lại và bảo tồn nguyên giá trị.

2.   Trò chơi kéo co

Trò chơi kéo co ngày nay vẫn còn ở một số lễ hội các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Tây, Hải Phòng, Nam Định và Hà Nam... Theo Giáo sư Trần Quốc Vượng (Trong cuốn Theo dòng lịch sử. NXB. Văn hóa - Thông tin, H. 1996) thì trò chơi kéo co gắn liền với nghi lễ cầu mưa, thừng kéo là biểu hiện của loài rắn.

Ở các lễ hội làng, trò chơi kéo co thường được tổ chức vào ban ngày ở ngoài sân đất, bãi cát, bãi cỏ, sân đình với điều kiện thời tiết nắng ráo, đẹp đẽ, không có mưa. Đối tượng chơi là nam nữ thanh niên trong làng, trong vùng, số lượng người chơi không hạn chế, càng đông càng vui (khoảng 20, 21 người trở lên). Vào cuộc chơi, người cầm chịch chia số người chơi ra thành hai phe đều nhau về số lượng, độ tuổi và về sức khỏe.

Hai bên xếp thành hàng dọc, quay mặt vào nhau theo thứ tự, người khỏe nhất đứng đầu, rồi đến người khỏe thứ hai, thứ ba... Nếu kéo co không có dây, người đứng đầu hai tay nắm lấy tay nhau và đều co đối phương về phía mình. Những người đứng sau ôm ngang bụng nhau (người sau ôm lấy bụng người trước, người đứng thứ hai ôm lấy bụng người đứng đầu). Bên nào cũng gắng sức kéo người đứng đầu bên mình về phía mình. Nếu chơi kéo co bằng dây thừng hay dây chão thì cách bố trí đội hình cũng như trên, chỉ có khác là tất cả các thành viên của cuộc chơi thuộc hai bên đều nắm chắc và kéo bằng được khúc dây đó về bên mình.

Kết quả bên nào kéo được đối phương ngả về phía mình, vượt qua vạch cấm đánh dấu ở giữa hai bên thì bên đó sẽ giật giải, tức là bên đó thắng.

Trò kéo co ở hội làng xưa có thể là tổ chức kéo co giữa các giáp, các xóm của làng với nhau. Theo quan niệm của mọi người thì giáp nào, ngõ nào hoặc xóm nào thắng thì năm ấy làm ăn, mùa màng sẽ được an khang thịnh vượng.

Vật võ Liễu Đôi xã Liêm Túc (Thanh Liêm). Ảnh tư liệu

3.  Trò chơi đánh vật

Trò chơi đánh vật diễn ra vào ban ngày, trên bãi cát, bãi đất tơi xốp, trong những ngày đẹp trời, không có nắng. Đối tượng chơi là các chàng trai. Tuy nhiên, các em trai ở độ tuổi từ 8 - 9 đến 14 - 15 đã bắt đầu luyện tập làm quen với trò chơi này. Trẻ em ở một số làng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ từ 9-10 tuổi đã biết sử dụng các miếng đệm, gồng, mói... Số lượng chơi là hai người và những người cổ vũ (càng đông càng tốt).

Lối chơi: Người chơi vật phải biết dùng sức mạnh kết hợp với sự mưu trí, tinh khôn và biết sử dụng hợp lý miếng gồng. Người sử dụng miếng gồng vừa phải nhanh, vừa biết tập trung sức.

Thao tác: Lợi dụng sự sơ hở của đối phương, người sử dụng miếng này dùng tay phải của mình nắm chặt lấy tay phải đối phương, kéo mạnh về phía mình, đồng thời cúi mình xuống, ghé sát phần bụng ngực của đối phương vào lưng mình. Trong khi đó tay trái nhanh chóng nắm chặt cổ chân trụ của đối phương. Ngay một lúc dùng toàn bộ lực của lưng và hai tay quật ngã đối phương, (tay phải giật mạnh tay phải của đối phương, tay trái giật mạnh chân trụ đối phương, lưng hất mạnh toàn bộ trọng lượng cơ thể của đối phương).

Mói: Là miếng vật khá nguy hiểm. Người vật sử dụng miếng thao tác này như sau: Bằng miếng lừa khôn khéo, hai tay bắt lấy hai chân đối phương, rồi đột ngột cúi rạp mình xuống đồng thời kéo mạnh người đối phương về phía mình, rồi ghé sát đầu vào bụng dưới của đối phương, dùng sức mạnh toàn thân hất ngược đối phương về phía sau.

Đệm: Là miếng vật phổ biến, hầu như nó được kết hợp với hầu hết các miếng để hạ đối phương. Cách làm miếng vật này như sau: dùng chân phải hoặc chân trái (tùy người thuận chân nào) đệm vào chân trụ của đối phương, kết hợp với dùng tay và trọng lực cơ thể làm cho đối phương mất thăng bằng và ngã.

Như vậy, cách tính thắng thua: ai bị ngã, nằm ngửa mà đối phương đè lên, lưng chạm đất hoặc bị nhấc bổng lên khỏi mặt đất là thua.

Vật có nhiều miếng. Tùy điều kiện sức khỏe và trọng lượng cơ thể mà nên sử dụng miếng nào cho có hiệu quả.

Vật là môn chơi thể thao tốt nhưng cũng khá nguy hiểm, cần có sân bãi tốt để tránh xây sát. Cũng vì nó nguy hiểm nên tuyệt đối cấm những động tác mạnh vào chỗ hiểm.

Để gỡ thế thua, khi bị ngã ngửa rồi, phải cố gồng lên cho lưng không chạm đất, hoặc vặn mạn để cho toàn thân trong tư thế nằm sấp, rồi tìm cách quật lại đối phương.

Trò vật cổ truyền hầu như đã trở thành môn thể thao phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước, nhưng môn thể thao truyền thống này được phát huy một cách độc đáo ở vùng Liễu Đôi của Hà Nam.

“Ba Chạ trăm đô, An Cồ trăm tướng”. Ba Chạ chính là Liễu Đôi, đất có nhiều đô vật còn An Cồ thuộc xã Liêm Thuận (huyện Thanh Liêm) - nơi sinh ra nhiều danh tướng. Đấy là cái thế tạo nên vùng đất thượng võ nhiều thế kỷ qua.

Môn vật là một trong những sinh hoạt văn hoá không thể thiếu trong các dịp lễ hội, đặc biệt là các dịp hội xuân và mang yếu tố tâm linh trong đời sống cộng đồng của người dân Liễu Đôi. Ngày xuân, người dân Liễu Đôi tham gia hội vật với ý nghĩa “Vật lấy khước, bước lấy lễ” để xuất hành đầu năm và giữ lấy tục lệ tốt đẹp của tổ tiên. Có câu “Vật một keo thành, phúc lành niên vượng” tức là người vật được cuộc một keo, không phạm lỗi coi như đã được Thánh ban phúc, suốt năm bình an, làm ăn phát đạt. Tuy mang ít nhiều màu sắc “tôn giáo” nhưng hội vật võ đầu xuân ở Liễu Đôi được công chúng tham gia sôi nổi. Gái trai, già trẻ ai ai cũng muốn được vào sới vật, cổ vũ cho các đô vật trong không khí náo nức cờ dong trống mở.

Môn vật cổ truyền không chỉ dừng lại ở quan niệm trên mà còn là một môn đua “Trí dũng song toàn”, một trò chơi có bài bản, bất cứ đô vật nào cũng không thể xem thường.

Từ đời này qua đời khác, hết thế hệ này sang thế hệ khác đã kế thừa và đúc kết thành cẩm nang kinh nghiệm. Có hàng trăm câu ca dao, tục ngữ Liễu Đôi nói về môn vật, về đức độ của người dân vùng này: Đô tứ hải, ngãi tứ phương. Ngày xuân và đặc biệt là ngày Hội vật, người dân Liễu Đôi thường được đón tiếp bầu bạn khắp nơi và nhiều đô ở các vùng lân cận. Dù trong hoàn cảnh nào thì người vào sới vật cũng phải nhớ câu “Đất lề quê thói”, phải giữ đúng phép tắc, lễ nghĩa, tức là “Vật có đủ lễ chiềng tài hiền mới ra tứ tổng”. Khi vào cuộc, đô vật phải làm đúng nghi thức, lễ thành bốn lễ, lễ trình nghề. Có làm được thế thì mới xứng đáng là người tài trong thiên hạ.

Còn đi sâu vào “kỹ thuật” của môn vật, nhiều miếng võ đã được ca dao hoá:

Miếng lẳng thì thẳng lưng đồng

Lưng đồng không thẳng tốn công nhọc mình.

Có nghĩa là muốn quật ngã đối phương (lẳng) thì đô vật phải thẳng lưng để tăng thêm lực. Hoặc dùng mẹo “Trước hư trương, sau lấy đường đoạt túc” tức là khoa trương thanh thế để thu hút nhằm đánh lạc hướng rồi bắt nhanh lấy chân đối phương mà quật ngã.

Một khi biết mình yếu thế thì “Tài dụng miếng, miếng dụng cơ”  tương tự

như vậy là “Đương khi hùm cậy sức hùng. Dử mồi cho đến ngã đùng mới thôi”.

Từ xa xưa môn vật võ không những là sinh hoạt văn hoá cộng đồng đặc sắc mà còn được coi là sức mạnh để chống lại kẻ thù. Trong truyện dân gian Liễu Đôi các danh nhân, danh tướng hầu hết đều vừa mưu trí, dũng cảm vừa giỏi võ, có sức mạnh phi thường.

Môn vật cổ truyền Liễu Đôi ngày hội vật đầu xuân được tổ chức hàng năm cho thấy người dân nơi đây đã kế thừa truyền thống tốt đẹp của cha ông trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đây chính là trò vật võ mang bản sắc văn hoá dân tộc cần được giữ gìn và phát huy.

4.  Trò đua thuyền trong lễ hội Quyển Sơn

Hàng năm, từ ngày mồng 1 tháng giêng đến ngày mồng 10 tháng 2 âm lịch nhân dân thôn Quyển Sơn (xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng) lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao to lớn của danh tướng Lý Thường Kiệt.

Lễ hội ngoài phần tế lễ, rước xách còn có các trò chơi dân gian như kéo co, đấu vật, chọi gà, chơi cờ bỏi, nhưng nổi bật nhất để làm nên sắc thái riêng của lễ hội Quyển Sơn là múa hát Dậm và đua thuyền.

Quyển Sơn vui thú nhất đời

Dốc lòng trên dậm, dưới bơi ta về.

Đôi bên núi tựa sông kì

Ngược xuôi tiện nẻo, lắm nghề làm ăn.

Thời gian tổ chức đua thuyền diễn ra vào ngày mồng 6 tháng 2, cuộc đua chỉ dành cho nam giới. Số lượng thuyền đua tham gia tuỳ theo từng năm, thường có 3 thuyền dự thi. Ba đội đua với các màu sắc trang phục khác nhau. Chẳng hạn, đội thứ nhất đội khăn đỏ, mặc áo trắng, quần sẫm màu, thắt dây lưng đỏ. Đội thứ hai đội khăn màu đỏ, mặc áo xanh, quần sẫm màu, thắt dây lưng xanh. Đội thứ ba cũng đội khăn màu đỏ, mặc áo đỏ, quần sẫm màu, thắt dây lưng màu vàng. Thuyền đua được đóng bằng gỗ, dài khoảng 8m, đầu và thuyền được đóng vuông. Phía trên đầu thuyền có gắn đầu rồng bằng gỗ và cắm một lá cờ hội nhỏ. Đoạn đường đua dài gần 3km trên đoạn sông Đáy. Điểm xuất phát trên sông từ trước cửa đền Trúc, đua đến chân cầu Quế, rồi vòng trở lại. Mỗi thuyền đua gồm 18 người: 1 người lái thuyền, 16 tay chèo, 1 người gõ nhịp chỉ huy. Mỗi nhịp gõ mỗi câu hò là một nhịp chèo tạo nên sự thống nhất, nhịp nhàng và tinh thần tập thể rất cao. Khán giả đến xem và cổ vũ rất đông, tiếng reo hò cổ vũ vang dội cả một vùng quê sông nước. Kết thúc cuộc thi, đội thắng cuộc sẽ nhận được phần thưởng.

Liên quan đến tục đua thuyền còn có dân ca hát Dậm, với điệu múa chèo thuyền trên sân đình mềm mại giống như các động tác của người chèo thuyền trên sông. Rõ nét nhất là điệu múa vãn: quay người nhún nhảy, hai tay cong vắt lên rồi đặt xuống... thêm vào đó là lời hát vãn.

Đua thuyền trong lễ hội Quyển Sơn có hai phần gắn bó mật thiết với nhau mà trọng tâm là cuộc thi bơi chải trên đoạn sông Đáy trước cửa đền.

Lễ hội Quyển Sơn còn có một nét độc đáo nữa là: nếu đua thuyền trên sông Đáy chỉ do nam giới tiến hành thì múa hát chèo thuyền trên sân đền lại chỉ do nữ giới thực hiện

5.   Đi cầu thùm, cầu khỉ

Là trò chơi có tính đánh đố và vui nhộn. Cây cầu thùm hay cầu khỉ có độ dài từ 3 đến 4m tính từ con lăn ở bờ đến điểm nối với dây thừng từ độ vì kèo cắm giữa ao. Người thắng cuộc là người có thể đi trên cầu ra giật cờ và quay lại bờ ao mà không bị ngã xuống nước.

6.   Bắt vịt dưới nước

Trò chơi bắt vịt dưới nước thể hiện sự khéo léo cũng như khả năng bơi và lặn của thanh niên. Bắt những con vịt khỏe mạnh, vừa có thể bay trên mặt nước, vừa có thể lặn “mất tăm” - đây không phải là một việc dễ dàng. Những người tham gia trò chơi này đứng sẵn ở dưới ao, có một khoảng cách đối với các con vịt. Khi có hiệu lệnh, người cầm vịt thả vịt ra, mọi người cùng lao đến bắt vịt, ai bắt được vịt đầu tiên thì người đó thắng cuộc.

7.   Đi cà kheo đập niêu

Thực chất đây là trò “bịt mắt đập niêu” mà người Việt ở làng quê thường vẫn hay chơi. Cái khác hơn ở đây chỉ là chỗ: người đập niêu phải biết đi kheo thành thạo. Khi vào cuộc, người chơi được bịt mắt, đứng cách chỗ treo niêu khoảng 5m. Trên dây niêu, người ta treo các niêu đất đựng phần thưởng, nước hoặc tro, trấu. Người bịt mắt đập vỡ niêu nào thì nhận giải đó.

8.   Bịt mắt bắt dê

Người chơi bị “bịt mắt” và tự đoán vị trí cũng như hướng chạy của chú dê để bắt nó trong một vòng tròn đường kính khoảng 8-10m với nhiều hố và những ụ đất nhỏ. Những cú bắt hụt lại bị hụt chân, vấp đất ngã tạo nên sự ngộ nghĩnh và gây cười vui vẻ cho người xem. Luật chơi rất đơn giản, thường thường hai người cùng vào sân chơi một lần, khi có hiệu lệnh, dê được thả ra, lúc đó người chơi mới được vận động. Ai bắt được dê trước, người đó sẽ được giải. Sau đó, đôi khác lại tiếp tục vào chơi.

II.            TRÒ CHƠI TRẺ EM

1.                Rồng rắn

Rồng rắn là một trò chơi tập thể, đòi hỏi sự nhanh nhẹn, các động tác uốn lượn qua lại thật ăn khớp và nhịp nhàng, đặc biệt là người đứng đầu và đứng cuối cùng.

Tất cả những người chơi đều sắp thành hàng dọc dài, hai tay người đứng sau ôm eo ếch người đứng trước. Người còn lại đứng riêng ra và làm chủ nhà.

Khi rồng rắn bắt đầu di chuyển (hàng người chơi uốn éo như rắn bò) thì cả đám cũng bắt đầu hát:

Rồng rắn lên mây

Có cây lúc lắc

Có nhà hiển vinh

Thầy thuốc có nhà hay không?

Người giả làm thầy thuốc trả lời câu đầu tiên là: “thầy thuốc đi vắng” (hay đi đâu tùy ý). Rồng rắn tiếp tục di chuyển và tiếp tục hát câu trên cho đến khi nào thầy thuốc trả lời “có” thì sẽ có đoạn đối thoại như sau giữa hai người nói qua lại là người đóng giả thầy thuốc và người đứng đầu rồng rắn:

  - Rồng rắn đi đâu?

                     - Đi lấy thuốc

                     - Lấy thuốc cho ai?

Hỏi và đáp diễn ra dài ngắn tùy ý cho tới khi thầy thuốc nói:

                     - Cho xin cái đầu.

                     - Cùng xương cùng xẩu.

                     - Cho xin khúc giữa.

                     - Cùng máu cùng mê.

                     - Cho xin khúc đuôi

                     - Tha hồ thầy đuổi.

Tới đây thì người đóng giả làm thầy thuốc tìm mọi cách để bắt cho kỳ được người đứng sau cùng. Trong khi đó người đứng ở đầu cố gắng chặn thầy thuốc lại bằng cách giang hai tay ngăn cản không cho thầy thuốc bắt khúc đuôi của mình. Trong quá trình chạy trốn, nếu lỡ đứt khúc nào thì phải nhanh tay nối lại khúc đó để cuộc chơi tiếp tục, không bị gián đoạn. Còn khi nào thầy thuốc bắt được người đứng cuối thì người đó phải đến lượt mình ra giả làm thầy thuốc.

2.               Nhảy dây

Nhảy dây thường chỉ dành riêng cho con gái. Vật dụng để chơi là một đoạn dây chuối bện lại hay dây thừng. Trò chơi này có thể chơi dưới hình thức cá nhân hay tập thể.

Nếu chơi theo cá nhân, người chơi tự nắm hai đầu dây trong hai tay và quay dây vòng tròn theo chiều từ trên xuống dưới (đất), từ trước ra sau. Khi dây từ phía trên đầu chuẩn bị chạm đất, tức thì hai chân phải nhảy lên cho qua khỏi dây. Cứ như thế tiếp tục cho tới khi nào chân bị vướng vào dây thì nhường quyền nhảy tiếp cho người khác.

Chơi cá nhân cũng có thể nhảy một chân theo kiểu một chân co, một chân nhắc cò cò. Khi cảm thấy mỏi thì đổi chân, nhưng cũng trong tư thế nhắc cò cò.

Chơi tập thể thì chia nhóm và đoạn dây dài hơn. Hai người của nhóm bên kia cầm đầu dây và quay vòng từ trên xuống, từ trước ra sau. Mỗi lần dây sắp sửa chạm mặt đất là một người của nhóm nhảy qua dây, cứ như vậy liên tục cho tới giáp vòng và tiếp tục cho tới khi có một người trong nhóm bị vướng dây.

Cùng trong một nhóm có thể nhảy cùng chiều, tức mỗi người lần lượt nhảy qua dây. Nhưng cũng có thể nhảy theo kiểu xỏ kim, nghĩa là nhóm chia làm hai đứng đối diện với dây. Khi dây chuẩn bị chạm đất thì đồng thời cả hai người bên phải và bên trái dây cùng nhảy nghịch chiều liên tục cho tới người cuối cùng trong nhóm, rồi trở lại cho tới khi có một thành viên trong nhóm bị vướng dây. Hoặc nhảy cùng lúc hai người qua dây cùng chiều, và hai người nhảy qua dây nghịch chiều (nhảy cùng lúc 4 người). Đây là hình thức chơi đòi hỏi kỹ năng, phải thuần thục, nhuần nhuyễn và nhịp nhàng trong động tác nhảy đơn giản, mà cốt yếu là tránh được dây không bám vào người.

Các em gái trong nhà trường hay chơi trò này trong những giờ ra chơi. Nhiều giáo viên thể dục hay sinh hoạt cuối tuần cũng cho các em chơi trò này nhằm rèn luyện thể lực, kỹ năng.

3.                Chim bay, cò bay

Trò chim bay, cò bay thường hay được chơi trong các giờ sinh hoạt tập thể, nhằm rèn luyện cho các em có những phản xạ nhanh, chính xác.

Tất cả đều đứng thành vòng tròn. Người điều khiển (quản trò) đứng giữa. Khi quản trò hô lên tên những con vật có cánh kèm theo từ bay thì tất cả đều nhảy lên, đồng thời đưa hai tay lên cao. Nhưng khi hô tên các con vật không có cánh như: ngựa, dê, cá, rắn, mối, ễnh ương thì tất cả đều đứng nguyên tại chỗ. Ai lỡ đưa tay và nhảy lên sẽ bị phạt làm những động tác hay giả tiếng kêu của con vật đó.

4.                Chơi chuyền

Trò chơi này thường được các em tổ chức chơi ở hiên nhà, sân nhà hoặc ngoài gốc cây, rặng tre..., đồng thời trẻ có thể chơi trong lúc chăn trâu ở ngoài đồng, trong lúc nghỉ ra chơi giữa giờ ở lớp học, hoặc trong các buổi trưa hè... Đối tượng chơi thường là các em bé gái.

Đồ chơi gồm có một cỗ chuyền mười que dài khoảng 20 - 25cm, to bằng chiếc đũa, chặt từ tay tre bánh tẻ hoặc vót từ đoạn tre già và một quả chuyền. Quả chuyền là quả bưởi con (độ bằng quả chanh trung bình) hoặc quả găng, quả cà...

Khi chơi, các em ngồi bệt xuống đất, thường là chơi hai người. Sau khi tung cỗ chuyền để xem ai được chơi trước, cuộc chơi bắt đầu. Người chơi dải đều mười que chuyền lên chân trái, rồi tung quả chuyền lên, vừa tung vừa đón và tay phải vừa nhặt từng que chuyền cho đến hết, miệng đọc những câu hát đồng dao ứng với từng bàn chuyền. Có mười bàn chuyền, từ bàn một (Que mốt, que mai, que trai, que hến...) đến bàn mười (Chín lẻ một, một lên mười...). Chuyền đủ mười lần thì hết một hiệp chơi. Cuộc chơi chuyển sang người thứ hai.

Chơi chuyền đòi hỏi sự khéo léo, tinh mắt, nhanh tay, tuân thủ nghiêm ngặt luật chơi thì mới không phạm lỗi. Ai ít phạm lỗi hoặc không phạm lỗi thì được chơi liên tục, ai phạm lỗi thì phải dừng lại chuyển cho người kia chơi. Ai lên bàn mười và bàn chuyền trước, người đó sẽ thắng cuộc.

5.                Chơi đánh quay (có nơi gọi là chơi thò lò)

Trẻ em ở Hà Nam và ở khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ đều có chơi trò chơi này. Trò chơi thường diễn ra trên một bãi đất trống, người chơi là các em trai độ chín mười tuổi đến mười bốn, mười lăm tuổi.

Đồ chơi là một con quay làm bằng gỗ, hình cầu, có trục thẳng xuyên qua tâm dài khoảng 10-15cm. Con quay nhỏ hơn hoặc bằng nắm tay. Mỗi con quay lại có một sợi dây đay hoặc dây sợi quấn vào phía trục dưới.

Vào cuộc chơi, mỗi em quấn chặt sợi dây đay hay dây sợi vào con quay của mình, rồi tay phải (hay tay trái) vừa cầm đầu sợi dây, vừa cầm con quay, sau đó thả con quay ra, đồng thời giật mạnh sợi dây. Con quay quay tít. Trong những con quay cùng ném ra, con của ai quay tít hơn, lâu hơn thì người đó sẽ thắng.

Trò chơi này đòi hỏi kĩ thuật, sự khéo léo của người chơi trong việc quấn dây dài hoặc ngắn, chặt hoặc lỏng cùng với việc tung con quay sao cho con quay quay tít hơn và lâu hơn.

6.                Chơi đánh bi

Trò chơi đánh bi cũng là một trò chơi dành cho đối tượng chơi là các bé trai tuổi từ chín mười đến mười hai, mười ba tuổi, với số người chơi từ hai trở lên, càng đông người chơi càng vui.

Đồ chơi là những viên bi làm bằng đá xanh hoặc được nặn bằng đất sét phơi khô. Ngày nay các em thường chơi trò chơi đánh bi bằng những viên bi ve làm bằng thuỷ tinh.

Vào cuộc chơi, các em thường chơi ở một bãi đất phẳng hoặc trong sân nhà, hè nhà hoặc ven đường đi, mỗi em có một viên bi để chơi. Các em sẽ vẽ một đường kẻ ngang ngắn trên bãi đất để làm mốc đứng lần lượt bắn bi. Bi sẽ nhằm bắn vào lồ, rồi bắn vào bi của người khác bằng cách búng tay và đo bằng gang tay để tính điểm.

Trò chơi bi rất hấp dẫn người chơi và cũng rất khó chơi bởi những luật chơi của nó.

7.                Chơi đánh khăng

Trò chơi đánh khăng cũng thường diễn ra trên các bãi đất trống. Đồ chơi là một bộ quân khăng (mỗi người một bộ). Người chơi là các em nhỏ, thường là em trai từ chín đến mười bốn tuổi.

Bộ quân khăng bao gồm quân cái và quân con làm bằng một đoạn tre đặc, to khoảng ngón tay cái. Quân con thường ngắn khoảng 20 cm, quân cái dài khoảng 35 cm. Trên bãi chơi, một đầu bãi những trẻ tham gia sẽ khoét lồ đế đặt quân khăng, lồ là một hố con hình thuyền dài khoảng 20 cm, sâu 2 - 3cm, được giới hạn bằng một vòng tròn. Khi chơi, các em đặt quân con vào lồ, dùng quân cái gẩy hoặc cầm ngang quân con trên tay, lấy quân cái đánh mạnh để đối phương bắt lấy và sau đó ném trả lại vào lồ sao cho trúng vào quân cái đã được người chơi đặt ngang lồ. Trò chơi cứ diễn ra như thế cho đến khi một bên không ném trúng lồ hoặc không bắt được quân con, bên thua sẽ bị phạt, hình thức phạt thường là cõng bên được chạy vòng quanh bãi chơi...

Đây là một trò chơi đòi hỏi sức mạnh của đôi tay, mức tinh tường của đôi mắt, sự di chuyển khéo léo của người chơi... Vì vậy trò chơi này giúp cho trẻ phát huy cả về thể lực lẫn trí lực.

Thời kỳ cực thịnh của trò chơi dân gian chính là lúc nền kinh tế đất nước còn nghèo nàn, nông nghiệp lạc hậu, xã hội chưa phát triển. Bức tranh sinh hoạt ở nông thôn khi đó quanh năm suốt tháng là “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, đời sống luôn gắn bó với ruộng đồng. Mọi sự xê dịch, giao lưu chỉ giới hạn trong phạm vi làng xã, xa hơn chút là tổng, huyện. Hiếm khi người dân được đi xa bởi hệ thống giao thông cản trở, các phương tiện đi lại hiếm hoi. Cho nên, họ tự bày ra những cuộc vui chơi giải trí là điều không thể tránh khỏi. Trong những cuộc vui chơi này, có cuộc vui dành cho người lớn và có cuộc vui dành cho trẻ con. Họ đánh cờ, đá gà, đánh tam cúc... sau khi hoàn tất công việc đồng áng. Trẻ con thì thường xuyên hơn, bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu: chúng chơi khi chăn thả trâu bò ngoài gò ruộng, trong sân nhà mỗi đêm trăng sáng, vào giữa trưa ngoài đồng... bằng nhiều trò chơi phù hợp với không gian và thời gian khác nhau, tạo nên sự phong phú và đa dạng cho các trò chơi.

Qua thời gian, các trò chơi dân gian tuy không bị mất đi, nhưng ngày càng ít trẻ con chơi hơn, bởi nhiều lẽ, mà trước hết là do các phương tiện giải trí ngày nay hiện đại và hấp dẫn chúng nhiều hơn.

Một đặc điểm khác dễ nhận thấy là việc sử dụng các trò chơi đối với các em không diễn ra liên tục quanh năm, mà được phân bổ một cách rất thích hợp vào từng thời điểm khác nhau cho từng trò chơi khác nhau. Như mùa hè, các em hay chơi các trò chơi thả diều, đá dế. Buổi tối, những đêm trăng sáng hay chơi các trò trốn tìm, rồng rắn lên mây,... Nửa buổi sáng, xế chiều hay chơi trò nhảy dây, bắn bi, đánh khăng...

Tuy còn ít trò chơi được các em sử dụng để chơi một cách thường xuyên, song ở vùng nông thôn Hà Nam, trò chơi vẫn tồn tại để đáp ứng cho nhu cầu giải trí không thể thiếu đối với lứa tuổi thiếu niên, khi mà các phương tiện giải trí hiện đại khác chưa thâm nhập sâu vào những nơi này.

(Còn nữa)

TIN MỚI CẬP NHẬT

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn Malaysia, Chủ tịch Đảng UMNO

Kinh tế  |  05:38 23/11/2024

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, ngày 22/11, tại Kuala Lumpur, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Đảng Tổ chức thống nhất dân tộc Mã Lai (UMNO) Dato’ Seri Dr. Ahmad Zahid Hamidi và các lãnh đạo cấp cao trong Liên minh cầm quyền tại Malaysia.

Nỗ lực giảm thiểu vi phạm trật tự an toàn giao thông trong học sinh

Đời sống  |  05:29 23/11/2024

Từ ngày 1- 31/10/2024, lực lượng chức năng đã triển khai Tháng cao điểm ra quân xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đối với học sinh trên địa bàn tỉnh. Với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) về TTATGT gắn với tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, sau một tháng thực hiện, tình hình chấp hành pháp luật giao thông trong học sinh đã có những chuyển biến tích cực.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC