Chương XXII
KHÁI QUÁT VĂN HÓA HÀ NAM
Văn hóa Hà Nam nằm trong cơ cấu chung của văn hóa Việt Nam. Văn hóa là di tích đình, đền, chùa; văn hóa là văn học dân gian, là văn học viết, là giáo dục; rồi lễ hội, âm nhạc, báo chí, phát thanh truyền hình; rồi phong tục, lệ tục, tôn giáo tín ngưỡng, trò chơi, điêu khắc, ăn ở mặc... Văn hóa bao gồm tất cả, ở một phạm vi rất rộng. Ở mức hẹp hơn, ví như nhìn vào một vật “hữu thể” là cái đình làng chẳng hạn, có người đã nói rằng ngôi đình là nơi bao dung của hơn một chục nghề - văn hóa cổ truyền, ở những câu đối kia là nghề sơn, nghề mộc, nghề trồng cau (hoặc gỗ), nghề viết chữ, nghề học chữ, nghề khảm trai. Kiến trúc kia đó là nghề phong thủy, nghề chạm khắc, nghề nung gốm, gạch, ngói... Nội thất kia đó là nghề làm vải lụa, nghề làm trống, làm chiêng, làm hương nhang, nặn tượng... Hẹp hơn nữa, ví như nhìn vào một câu thành ngữ, một câu ca dao “vô thể”, người ta cũng thấy văn hóa - nét văn hóa rất Hà Nam:
- Sống nằm giường tre, chết nghe sóng vỗ.
- Đưa mẹ mới tối hôm qua,
Sáng nay chỉ thấy nước xa nước gần.
Rõ ràng là một vùng đất trung thổ Bắc bộ, ngập lụt, nước nhiều một cách đặc trưng. Như vậy, từ rộng đến hẹp, từ hữu thể đến vô thể, đều rất khó định nghĩa cho thật rành rọt về văn hóa. Tuy vậy, nếu nhìn kỹ người ta vẫn phát hiện ra được một số đặc điểm của văn hóa Hà Nam.
Thứ nhất, đó là một vùng văn hóa lâu đời, giàu truyền thống - như một số vùng đất cổ khác. Ở Hà Nam, vẫn còn lưu giữ những huyền tích từ thời Hùng Vương dựng nước: Tả Giám Đàn (Thành hoàng làng Đống Cầu, huyện Thanh Liêm), Trần Lao Láng (cũng là phúc thần ở Thanh Liêm) đều có công giúp Hùng Vương chống Thục; anh em Nguyễn Thiện, Nguyễn Vực (được thờ ở Trác Văn, huyện Duy Tiên) lại giúp Hùng Vương chống giặc Ân. Hà Nam tìm thấy trống đồng Ngọc Lũ. Đến đầu Công nguyên, Hà Nam có hàng chục nữ tướng, nam tướng giúp Hai Bà Trưng dẹp quân nhà Hán. Có thể kể tên rành mạch như: tướng Đặng Vạn Phúc ở huyện Lỵ Nhân, tướng Nguyễn Thị Quỳnh Chân ở huyện Bình Lục, tướng Cao Thị Liên ở huyện Thanh Liêm, tướng Trương Thị Cả cũng ở huyện Bình Lục... Rồi giúp Lý Bí có tướng Đinh Lôi (huyện Thanh Liêm), giúp Ngô Quyền có tướng Phạm Đức Dũng (huyện Bình Lục). Thế là, văn hóa Hà Nam từ huyền sử bước sang thực sử, từ thời Hùng Vương dựng nước đến thời Ngô kiến quốc, mở ra kỷ nguyên độc lập - tự chủ. Xem câu ca:
“Ngàn năm võ vật đua tài,
Vạn năm sông rộng núi dài tổ tiên”.
thì thấy hội vật ở Hà Nam đã có từ rất lâu đời. Đến khi võ vật Hà Nam được đem ra thi thố: “Vật đổ xứ Đông, vật lồng xứ Bắc, vật lắc xứ Thanh”; và một cách trừu tượng hơn: “Vật đá thành vôi, vật đồi thành nước”. Khó tìm thấy ở đâu một số lượng nhiều thành ngữ, tục ngữ, ca dao nói về võ vật như ở Hà Nam.
Sông Châu - núi Đọi thực là sơn thủy ngàn xưa. Thời Lê Hoàn, chân núi Đọi là nơi vị Hoàng đế này cày ruộng tịch điền, nêu gương sáng về sự chăm chỉ làm ăn, mở ra công cuộc khai khẩn “dĩ nông vi bản” và một nền chính trị thân dân cho các quân vương mãi về sau. Đến thời Lý Thái Tổ dời đô, thu dụng nghề trống Đọi Tam; Lý Thường Kiệt để dấu ấn sâu đậm vùng núi Trúc (huyện Kim Bảng); và lại Đọi Sơn, nơi sừng sững ngôi tháp và văn bia Sùng Thiện Diên Linh. Ngôi tháp tuy đã bị giặc Minh tàn phá, nhưng bài văn bia “thạch bản” thì vẫn còn đó - trở thành một trong những ngọn nguồn của văn học viết Hà Nam. Dễ thấy, văn hóa Phật giáo ở Hà Nam có từ rất sớm.
Đến thời Trần, Phật giáo đã lan từ phía Đông là núi Đọi đến phía Tây là vùng Quế Lâm (Kim Bảng). Chứng cứ là có đến mấy bài thơ viết về chùa Quế Lâm (Quế Lâm tự) của Trần Nhân Tông và của Trương Hán Siêu. Trải qua mấy cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông, Hà Nam trở thành căn cứ địa, dấu vết các hành cung, thực ấp của hoàng thất nhà Trần vẫn còn đó, dấu vết của kho binh lương lớn Trần Thương vẫn còn đó...
Thời Lê, từ đầu thế kỷ XV trở đi, văn hóa Hà Nam đã phát triển đến mức hoàn thiện. Hàng chục ngôi đình, đền, miếu mạo, chùa quán... còn lại ở hầu khắp các huyện và thị xã Phủ Lý gắn với thơ văn, câu đối, đại tự đề từ là bằng chứng về sự thịnh hành của cả Phật lẫn Nho giáo và Đạo giáo. Văn hóa của cả mấy tông phái lớn đó kết hợp với văn hóa, phong tục bản địa đã hòa nhập đến từng làng xóm, thôn xã. Đặc biệt, thời này Hà Nam, đã xuất hiện người đỗ đại khoa - Tiến sĩ (cả văn lẫn võ). Hà Nam có 56 vị Tiến sĩ đỗ đạt trong vòng 500 năm (đầu thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XX) thời quân chủ. Như thế bình quân cứ 9 năm Hà Nam có một Tiến sĩ. Một tỷ lệ được xem là không nhỏ. Nếu như “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, thì cũng có thể nói số người có học, có tài năng, đỗ đạt như vừa kể là “nguyên khí của Hà Nam”, một mảnh đất “địa linh nhân kiệt” có truyền thống văn hóa giáo dục. Trong 56 vị đại khoa đó lại xuất hiện những tên tuổi danh tiếng gắn liền với văn hóa dân tộc, như Dương Bang Bản chẳng hạn. Ông là người An Cừ (huyện Thanh Liêm), đỗ Tiến sĩ năm 1484; đến năm 1514 là người chắp bút bài Tổng luận “Không tiền khoáng hậu” cho bộ quốc sử Việt giám thông khảo - cũng là người dám đem văn bút sử luận mà khuyên răn lẽ hưng vong cho vị Hoàng đế đương triều. Chẳng những văn đã cực hay, sử bút cực sắc bén mà đảm khí cũng cực lớn.
Thời Nguyễn, Hà Nam có hơn nửa thế kỷ nằm trong địa vực Hà Nội kinh kỳ xưa. Tuy thời gian không nhiều, sức lan tỏa văn hóa thời ấy nói chung là khá chậm, nhưng cũng không thể nói Hà Nam không chịu ảnh hưởng gì của văn hóa Kẻ Chợ. Bên kia sông là Phố Hiến (Hưng Yên), lại nằm trong Kẻ Chợ, văn hóa Hà Nam thời ấy chắc chắn mang nhiều yếu tố thị dân hơn. Các làng nghề cổ truyền có cơ chấn hưng, các “nhà hát”, “làng hát” ả đào - nơi dung dưỡng nghệ nhân và những tâm hồn văn thi sĩ xuất hiện khá nhiều.
Khi thực dân Pháp sang, văn hóa sử Hà Nam có thêm những trang vàng gắn với những hào kiệt, nho sĩ, trí thức kháng Pháp như Đinh Công Tráng, Ngự Mai, Lê Văn Tốn, Đề Yêm... rồi văn học viết yêu nước, trào phúng của Phạm Tất Đắc, Kép Trà, Bùi Dị,...
Trải theo suốt chiều dài lịch sử, văn hóa Hà Nam là một vùng văn hóa cổ kính, có dấu tích của mấy nghìn năm trước và có những điểm son của hàng thiên niên kỷ sau, tạo nên những lớp trầm tích giàu có, đáng tự hào - đó là đặc điểm thứ nhất của văn hóa Hà Nam.
Thứ hai, văn hóa Hà Nam đa dạng phong phú. Nhìn vào nhiều làng xã, thị trấn Hà Nam người ta thấy bên cạnh ngôi đình còn có chùa (thờ Phật), đền (thờ Thánh), miếu hay Văn chỉ (thờ vọng tổ đạo Nho Khổng Tử) và một vài miếu nhỏ thờ linh vật, thờ dị nhân, cô hồn,... Đến khi Thiên chúa giáo vào, lại có thêm nhà thờ Công giáo và nhà thờ đạo Tin lành. Như vậy, văn hóa bản địa đa thần đã hỗn dung - lúc đầu là tam giáo và sau đó là ngũ giáo, khiến cho bộ mặt văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo Hà Nam rất đa vẻ. Có nơi cùng một làng, chỉ cách nhau cái bờ giậu, mà bên này nghi ngút khói hương bàn thờ tiên tổ, thì bên kia chỉ có vài ngọn nến thờ chúa Ki - tô. Bên này cưới xin, cất nóc, động thổ phải mượn thầy coi xét ngày, giờ rất kỹ mà bên kia thì không cần thiết... Xem ra mỗi bên đều có lý.
Tôn giáo, tín ngưỡng thường kéo theo nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc. Cùng với tháp tam quan, tháp chuông chùa cổ còn thấy thấp thoáng bóng tháp nhà thờ rải rác. Điều lạ là cùng là đình nhưng không một ngôi đình nào thật sự giống nhau. Chùa cũng thế; đền, miếu cũng vậy. Tất nhiên, mỗi loại có một số kiểu thức, mô hình chung, nhưng người thợ tài hoa Hà Nam đã gửi gắm vào đó vô vàn ý tưởng khác nhau, tạo thành vẻ sinh động, riêng biệt. Nhà thờ Công giáo Sở Kiện cũng khác xa nhà thờ Phát Diệm. Nhà thờ Phát Diệm có gì đó bản địa hóa, còn nhà thờ xứ Sở Kiện mang dáng vẻ thuần Tây phương hơn.
Dưới bóng những sân đình, cửa chùa, mái đền kia là những lễ hội. Hội và lễ, lễ và hội ở Hà Nam thực sôi động ở nhiều nơi. Lễ hội thờ Phật có hội chùa Đọi, hội chùa Hưng Long...; lễ hội thờ các nhân vật lịch sử có hội đình Thọ Chương, hội làng Gừa, hội đền Trần Thương, hội đền Trúc, hội đình Đinh, hội đình Đá, hội đền Ba Xã, hội đền Bà Vũ...; lễ hội thờ nhiên thần có hội đền Lảnh Giang, hội chùa Bà Đanh...; lại có hội hè, vui chơi với hội vật Liễu Đôi, hội thi thả diều, trò vật cầu, trò kéo co, lễ hội đua thuyền...
Văn học dân gian Hà Nam cũng khá dầy dặn với đầy đủ các thể loại như truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện tiếu lâm, truyện Trạng (ở Bình Lục có làng Mạnh Chư, truyền rằng đấy là quê của ông Trạng Lợn), ca dao, dân ca, phương ngôn tục ngữ, vè. Văn học dân gian gắn bó và là ánh phản của đời sống vùng đất Hà Nam. Lụt lội ư, có câu “Sống ngâm da, chết ngâm xương”; nghèo khó ư, có câu “Em ăn một hớp cháo hoa, Nước mắt chị chảy chan hòa năm canh”; tình tứ ư, có câu “Ra đường mắt mỏi trông anh, Nên chân em đá đổ thành nhà vua”; rắn rỏi, can đảm vượt giông gió lại có câu “Tay giữ con thơ, tay rờ buộc nóc”... Đó cũng là phản ánh về con người Hà Nam thông mẫn, cần cù, khẳng khái, khiêm tốn, nhân hậu mà hài hước.
Văn học dân gian Hà Nam cũng truyền ngôn lại khá đầy đủ phong cách ẩm thực nhiều kiểu của xứ sở này. Ẩm thực bao giờ cũng đi kèm với sản vật. Sản vật Hà Nam mang tính thuần nông, chủ yếu là lúa, khoai, ngô, đậu, cà, cá, mắm, tôm, cua, gà, lợn, tre pheo... thế thôi! Chẳng thế mà cụ Tam nguyên Yên Đổ làm bài thơ như một lời khuyên bảo Ngày xuân dạy các con rằng:
Các con nối chí cha nên biết,
Nghiên bút đừng quên lúa, đậu, cà.
ấy thế mà thức món Hà Nam cũng khá phong phú:
- Rượu Vân La, cà Trác Bút, bún Lộc Hà
- Cá chợ Sáo, gạo chờ Sàng, khoai lang Thọ Lão
- Cá Cống Tràng, chè rừng Lạng
- Tôm luộc làng Đông, gà đồng làng Sấu
- Lụa Nha Xá, cá Lảnh Giang
- Bún Tái Đầm, gà hầm Văn Phú, xôi củ làng Chanh
- Gỏi cua làng Sải, dưa cải làng Nghè...
Thức món còn gắn sự liên tưởng với con người, lấp lánh cái văn hóa ẩm thực xen phồn thực:
- Bánh đúc Đông Trụ, đậu phụ Cao Đà, đàn bà Xuân Khê
- Đậu Đầm, bún tái, gái Ngô Khê
- Thúng Quan Nha, cà Văn Phái, gái Lam Cầu, trầu Lệ Thủy
- Gái Trần Thương, tương Yên Trạch...
Nối nguồn, giao chảy với văn học dân gian, văn học viết Hà Nam cũng có độ dài phát triển cả một nghìn năm, song song với sự phát triển của văn học viết dân tộc và là vùng văn học không thể thiếu của lịch sử văn học dân tộc nói chung. Một thi bá tầm cỡ Nguyễn Khuyến, một nhà văn tầm cỡ Nam Cao là hai đại diện ở mức cổ điển của văn học viết Hà Nam, chung đúc tinh hoa văn học ở hai phương thức phản ánh là văn vần và văn xuôi.
Nói văn hóa Hà Nam đa dạng, phong phú - đúng rồi! Nhưng đó cũng là đặc điểm của văn hóa nhiều vùng miền khác. Vậy văn hóa Hà Nam có đặc sắc riêng gì?
Thứ ba, văn hóa Hà Nam có tính biểu tượng và tính điển hình. Một vùng đồng trắng, nước trong đồng thời cũng là một vùng làng cảnh tiêu biểu cho đồng bằng Bắc Bộ. Hà Nam nổi danh với ba bài thơ thu (Thu vịnh, Thu ẩm, Thu điếu) của Nguyễn Khuyến mà chắc không ở đâu có. Những câu như là:
Nước biếc trông như tầng khói phủ,
Song thưa để mặc bóng trăng vào.
(Thu vịnh)
hay:
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
(Thu điếu)
và:
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.
(Thu ẩm)
thì quả là những hình ảnh, khí vị mang tính biểu trưng cho cảnh vật, mây khói mùa thu ở một miền quê bằng lặng, trong trẻo, khiến cho một người như Xuân Diệu cũng phải bái phục mấy bài thơ ấy.
Một vùng non nước hữu tình, vẫn là biểu tượng sông Châu - núi Đọi. Sông Châu được các văn nhân Hà Nam chọn làm tiếng nói của mình, chắc hẳn phải mang nhiều ý nghĩa. Còn núi Đọi là kỳ đài của văn hóa, văn học Hà Nam, nơi lưu giữ những kỷ vật cao quý, sang trọng gắn với mấy thời vua chúa vàng son, thịnh trị.
Một vùng đất thượng võ gắn với văn hóa Liễu Đôi. Và không chỉ thượng võ, Liễu Đôi còn là cả một kho tàng lưu chứa nhiều giá trị văn hóa dân gian từ các truyện cổ đến phương ngữ, ca vè...
Có gì nữa? Hà Nam còn là nơi có hát Dậm (Quyển Sơn), nói như một nhà nghiên cứu có tên tuổi thì đó là “một thành tựu văn hóa vô thể độc sáng của Hà Nam”. Độc sáng, tức là điệu hát ấy riêng ở nơi này mới có.
Hà Nam là quê hương Trần Bình Trọng, tên tuổi từ lâu đã ngời sáng trong quốc sử với lời nói bất hủ: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Trần Bình Trọng là hình tượng anh hùng. Ông cũng đại diện cho ý chí bất khuất, khẳng khái của cả dân tộc.
Hà Nam là quê hương của Vũ Nương (Vũ Thị Thiết). Từ truyện tích lưu truyền dân gian, Vũ Nương được Nguyễn Dữ xây dựng thành hình tượng văn học ở Truyền kỳ mạn lục nửa đầu thế kỷ XVI. Đây là hình tượng điển hình về người phụ nữ chịu oan khuất, cũng là nhân vật điển hình đầu tiên của văn xuôi Việt Nam ở thể loại đoản thiên. Nguyễn Dữ với hình ảnh Vũ Nương cũng là một trong những tác giả mở lối cho khuynh hướng nhân đạo của văn học viết.
Hà Nam còn là quê hương của nhân vật Chí Phèo, một điển hình văn học của văn học hiện đại. Chí là hình ảnh tiêu biểu cho người nông dân bị bần cùng hóa đến mức lưu manh. Hình tượng Chí thật đáng thương, đáng ghét cũng là một tiếng nói cảnh tỉnh nạn cường hào, ác bá trong xã hội, có sức lay động rất lớn.
Mấy biểu tượng và điển hình như vừa liệt kê cũng đủ cho thấy sắc thái, cá tính vừa sâu đậm vừa nổi trội của văn hóa Hà Nam.
Văn hóa Hà Nam có lịch sử từ lâu đời, có thành quả đặc trưng, có diện mạo phong phú đa dạng. Người Hà Nam có thể vừa lòng và mãn nguyện với tài sản vật thể và phi vật thể đó của mình. Nhưng văn hóa không phải là một khái niệm tĩnh, mà luôn động. Bao giờ văn hóa cũng đi kèm với phát triển.
Cũng như văn hóa nhiều vùng miền, tỉnh thành khác, văn hóa Hà Nam hiện nay là vùng văn hóa luôn mở, năng động, có sức hội nhập và giao lưu. Sở Văn hóa Thông tin Hà Nam là cơ quan quản lý, tổ chức và điều hành các hoạt động văn hóa trong toàn tỉnh, là trung tâm phát huy, giữ gìn và nghiên cứu văn hóa. Nhưng nếu hiểu theo nghĩa rộng hơn, văn hóa vẫn có mặt ở mọi nơi, mọi ngành, mọi nghề và ở mọi người. Có văn hóa văn học, văn hóa giáo dục, văn hóa lễ hội, văn hóa phong tục,văn hóa tôn giáo, văn hóa con người, văn hóa chính trị, văn hóa ngoại giao, văn hóa quân sự, và cả văn hóa kinh tế, văn hóa du lịch nữa, và... Trong toàn cảnh đó, văn hóa sẽ là động lực, là sức mạnh của sự phát triển xã hội.
Hà Nam hiện đang thực hiện cuộc vận động xây dựng các làng văn hóa. Từ đây, sẽ thúc đẩy văn hóa làng nghề, nâng cao khả năng tiếp nhận và hội nhập cả trong và ngoài nước. Làng văn hóa còn là nơi bảo lưu giá trị cổ truyền và tích tụ các tri thức cho thê hệ tương lai, nơi tạo môi trường thuận lợi về vật chất và tinh thần cho mỗi con người, mỗi gia tộc.
Hà Nam cũng đang đầu tư vào các khu văn hóa - kinh tế và du lịch. Bên cạnh việc nâng cấp đường sá, sửa sang kè đập sông ngòi, xây sửa nhà nghỉ, khách sạn, rất cần một cái nhìn văn hóa đối với các di tích. Làm sao và làm thế nào để giữ được nguyên trạng và nguyên bản vốn cổ. Điều này lại đòi hỏi một sự nhận thức, trình độ hiểu biết và một cách ứng xử văn hóa phù hợp.
Với tất cả những gì mà văn hóa Hà Nam đã và đang còn, đang có; người Hà Nam và du khách đến Hà Nam tin tưởng, hy vọng được tận mắt chứng kiến một Hà Nam cổ kính, trang nhã mà hiện đại.
Trở lên là mấy nét khái quát về văn hóa Hà Nam - một vùng đất có nhiều đặc sắc mà chắc chắn mấy trang viết như vậy chưa thể nói hết được. Cũng ở một mức độ nhất định, hình hài cụ thể của văn hóa Hà Nam sẽ được hiện lên trong các phần tiếp sau đây.
(Còn nữa)
Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox), trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
Những năm gần đây, sản xuất trên đồng ruộng của xã Đồn Xá (Bình Lục) đã có thay đổi đáng kể. Các vùng sản xuất theo hướng tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa được hình thành. Cây lúa từ vai trò bảo đảm lương thực tại chỗ đã chuyển sang đóng góp vào thu nhập cho người dân. Có được kết quả đó Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Đồn Xá đã đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.
Những năm qua, Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam đã đẩy mạnh thực hiện giáo dục, tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) trong nhà trường. Qua đó, đã từng bước nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên (HSSV) về tác hại của thuốc lá, hạn chế tình trạng học viên hút thuốc trong trường học, xây dựng trường học không khói thuốc.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.