Chương VIII: DÂN CƯ
I. DÂN SỐ VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN DÂN SỐ Ở HÀ NAM
1. Lịch sử hình thành dân cư của tỉnh Hà Nam
Một vạn năm trước đây, Hà Nam đã có cư dân sinh sống trong các thung lũng đá vôi cacxtơ hai bên sườn dãy núi “99 ngọn”, kéo dài từ Ba Vì - Tản Viên xuống tới Ninh Bình - Thanh Hoá. Đó là chủ nhân nền văn hoá Tiền Đá Mới - Hoà Bình nổi danh thế giới. Việc phát hiện địa điểm khảo cổ học hang Chuông, hang Gióng Lở, bước đầu cho thấy: vào thời kỳ đồ đá mới, cách ngày nay trên dưới 5.000 năm, trên vùng đất Hà Nam đã có người nguyên thuỷ sinh sống.
Hang Gióng Lở nằm trên núi Chùa, thuộc địa bàn thôn Bồng Lạng, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm. Đây là hang đá vôi do hiện tượng cacxtơ tạo thành, cách mặt đất 70m và mặt hang quay về hướng tây. Trước hang là một khoảnh đất bằng phẳng rộng khoảng 100 mẫu, nay là cánh đồng trồng màu của nhân dân. Sát chân núi về phía tây có một con ngòi. Cửa hang còn một cây búng báng khá to. Theo các cụ già ở địa phương cho biết, trước đây ở sườn núi và quanh núi có nhiều loại cây búng báng, sau mới bị chặt phá đi.
Lòng hang rộng rãi, khô ráo, thích hợp cho việc cư trú, cuối hang có lối đi xuống một lạch nước mà ở đó còn lại khá nhiều vỏ ốc suối người xưa dùng làm thức ăn, cùng với bột cây búng báng. Đặc biệt trên khu đất trước cửa hang đã tìm thấy công cụ của người nguyên thuỷ. Đó là chiếc cuốc đá được chế tác ở trình độ khá cao từ sa thạch, toàn thân được mài, hình dáng cân đối, gồm lưỡi với rìa tác dụng cong và sắc, có đốc để buộc cán.
Hà Nam nằm trong vùng đồng chiêm trũng điển hình, là quê hương những người từ thời cổ đại Đông Sơn trước Công nguyên dăm ba thế kỷ đã từ miền cao đi xuống khai phá vùng đồng bằng lầy lội, rừng rậm hoang vu, sông ngòi chằng chịt để phát triển nền văn minh lúa nước - một vùng quan trọng của văn minh Đông Sơn, nền tảng của văn hoá Việt sau này.
Ở Hà Nam cho đến nay, nhiều mộ thuyền đã được khai quật hoặc phát hiện ở ven đê sông Đáy, sông Hồng, sông Châu thuộc các xã Châu Sơn (thị xã Phủ Lý), Thanh Sơn (huyện Kim Bảng), Mộc Bắc, Tiên Nội, Duy Minh, Châu Giang, Đọi Sơn (huyện Duy Tiên)... Sự phân bố của các ngôi mộ thuyền ven sông mà có nơi như các xã Yên Bắc, Mộc Bắc, Đọi Sơn thành khu mộ địa đã mách bảo cho chúng ta nơi cư trú ưa thích của người nguyên thuỷ vẫn là những khu đất cao; về những đợt di cư liên tiếp của những nhóm dân cư miền thượng du tiến về khai phá vùng đồng bằng vào thời đại hậu kỳ đồ đồng - sơ kỳ thời đại đồ sắt. Thuở ấy, trước Công nguyên, người Việt cổ (Lạc Việt, Âu Việt) đã biết chọn những doi đất cao ven sông làm nơi cư trú. Họ dùng thuyền làm phương tiện chủ yếu để đi lại, chuyên chở trên sông nước và đã biết làm ruộng hai mùa: chiêm mùa, dựa trên nền tảng kỹ thuật đồ sắt, đồ đồng và từ đó có các đồ gỗ, tre nan, chiếu cói và nhiều đồ gốm tinh mỹ.
Dân tộc Việt Nam cổ có nghề trồng lúa nước phát triển, gắn với sự chinh phục châu thổ sông Hồng bằng kỹ thuật luyện kim tinh xảo đã bước vào cuộc sống văn minh từ bốn nghìn năm về trước. Bên cạnh nghề trồng lúa nước, dân cư thời đại đồ đồng trên đất Hà Nam còn phát triển các nghề thủ công. Nghề chế tạo, luyện kim đồng thau đạt đến giai đoạn cực thịnh mà chứng tích là những chiếc trống đồng chế tác tinh xảo, hoa văn phong phú được phát hiện ở các huyện Duy Tiên, Bình Lục, Kim Bảng đều thuộc loại Hêgơ - hiện vật tiêu biểu của nền văn hoá Đông Sơn. Đặc biệt là chiếc trống đồng Ngọc Lũ, thuộc loại cổ nhất và đẹp nhất trong những chiếc trống đồng Đông Sơn phát hiện ở nước ta, chứng minh sự phát triển rực rỡ của nghề chế tác luyện kim đồng thau trên vùng đất này. Cùng với trống đồng, trong các mộ táng và rải rác ở nhiều nơi cũng đã phát hiện được nhiều loại công cụ, đồ đựng, đồ trang sức, vũ khí bằng đồng.
Thời đại đồ đồng thau phát triển cũng là thời kỳ các vua Hùng dựng nước Văn Lang, chia cả nước thành 15 bộ. Vùng đất Hà Nam khi ấy thuộc bộ Giao Chỉ. Kinh tế phát triển, đời sống tinh thần của dân cư Hà Nam thời đại đồ đồng, thời kỳ Hùng Vương cũng ngày càng phong phú và phong tục tập quán dần dần hình thành, nảy nở. về lề lối và tập quán sản xuất, nảy sinh từ một nền văn minh lúa nước là chủ yếu, người Hà Nam có trình độ thâm canh tăng vụ cao, nắm vững kỹ thuật làm đất chọn giống, thời vụ gieo cấy, thu hoạch mùa màng, sử dụng năng lượng với hiệu quả cao, xét về góc độ sinh thái cây trồng.
Làng xóm (tên cổ gọi là “chạ”: “ăn chung, ở chạ”) lập nên ngày càng nhiều, những làng cổ xưa mà địa danh học lịch sử mách bảo cho chúng ta với từ tố “kẻ” ở đầu còn lưu lại tên gọi ở khá nhiều nơi trên đất Hà Nam như: kẻ Non, kẻ Sở, kẻ Tâng, kẻ Lác, kẻ Lũ, kẻ Chuôn, kẻ Ngăm... và những làng xóm lập trên những khu đất cao (gò, đống): Đống Cầu, Đống Thượng, Đống Sấu, Đống Bùi... còn giữ nguyên địa danh cho đến ngày nay.
Trên trống đồng Ngọc Lũ khắc họa hình ảnh những tốp người ăn mặc chỉnh tề vừa đi vừa múa, chuyển động nhịp nhàng xung quanh những tia mặt trời thể hiện ngày vui hội mùa. Nghệ thuật nhảy múa có nhạc đệm (khèn và trống) đã là những món ăn tinh thần của dân cư nông nghiệp Hà Nam thời dựng nước. Cảnh đua thuyền trang trí trên thân trống, cảnh ngày lễ cầu mùa của dân cư nông nghiệp còn lưu lại dấu ấn trong một số lễ hội truyền thống ở Hà Nam.
Quy luật của lịch sử Việt Nam là dựng nước đi đôi với giữ nước. Quy luật đó được thể hiện ngay từ thời các vua Hùng. Truyền thuyết ở một số nơi trong tỉnh Hà Nam đã nói tới các vị tướng và dân địa phương tham gia đánh giặc Ân, giặc “mũi đỏ” và dẹp nạn cướp bóc, nhiễu loạn mà thần phả 3 vị hoàng thành được thờ ở đình Công Đồng, làng An Thái (xã An Mỹ, huyện Bình Lục) là một dẫn chứng.
Cũng như nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Hồng, dân số Hà Nam đã trải qua nhiều thời kỳ biến động lớn. Tuy vậy, để có được những số liệu cụ thể, chi tiết của những thời kỳ trước 1975, thì cực kỳ khó khăn. Theo nhà địa lý học người Pháp Gourou - nhà địa lý học nổi tiếng về nghiên cứu Đông Dương thì trên lãnh thổ Hà Nam vào năm 1921 có 404.000 người sinh sống. Đến năm 1931, tức sau 10 năm, dân số Hà Nam tăng lên khoảng 438.000 người. Chỉ số phát triển dân số sau 10 năm là 108,42%, trung bình trong thời kỳ này mỗi năm dân số tăng 0,84%. Đến năm 1943, dân số Hà Nam đã là 596.200 người.
Biểu đồ: Biến động dân số (* Chu kỳ trước hoặc năm trước = 100)
Dân số Hà Nam sống tập trung chủ yếu ở nông thôn do quá trình định canh định cư trong lịch sử và tốc độ gia tăng dân số rất nhanh ở khu vực nông thôn.
Tháng 4 năm 1975, đất nước thống nhất, tỉnh Hà Nam có 623.600 người. Năm 1985, số dân đã tăng lên 697.700 người. Chỉ số phát triển dân số sau 10 năm là 111,88%. Trung bình mỗi năm tăng 1,19%.
Theo các số liệu thống kê, vào năm 1989, dân số của tỉnh Hà Nam là 753.100 người; đến năm 1999 dân số tỉnh Hà Nam tăng lên 799.843 người. Số dân gia tăng trong thời gian 10 năm là 46.743 người, tương đương với 6,2% so với số dân của thời điểm năm 1989; trung bình mỗi năm tăng 0,62%. Nhìn chung, sự gia tăng dân số trong giai đoạn này đang có xu hướng ổn định.
Biểu đồ: Tỷ lệ dân số trung bình
Theo số liệu thống kê mới nhất, năm 2003, tỉnh Hà Nam có số dân là 817.557 người, tăng 0,43% so với số dân năm 2002. Như vậy, từ năm 1921 đến năm 2003, sau 82 năm, dân số của tỉnh Hà Nam tăng hơn gấp đôi một chút (2,02 lần).
Nếu đem so sánh số dân của tỉnh Hà Nam với số dân của cả nước, ta thấy dân số tỉnh Hà Nam chiếm tỷ trọng rất thấp. Cho tới thời điểm này, tỷ trọng dân số tỉnh Hà Nam trong tổng số dân của cả nước giảm dần theo thời gian. Vào năm 1945, tỉnh Hà Nam có số dân bằng 2,61% và năm 1943, dân số tỉnh Hà Nam bằng 2,59% tổng số dân của cả nước.
Trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, đất nước ta không có điều kiện để tiến hành các cuộc điều tra kinh tế - xã hội, thống kê dân số. Thêm vào đấy là công tác lưu trữ cũng chưa được chú trọng, vì vậy những số liệu về số dân và lao động của tỉnh Hà Nam cũng như của các tỉnh khác trong cả nước không đầy đủ và không đồng bộ. Sau năm 1975, việc đầu tiên mà Đảng và Nhà nước ta quan tâm tới là tiến hành điều tra sơ bộ về tình hình kinh tế - xã hội - dân số - lao động. Kết quả của cuộc điều tra này cho biết, vào năm 1975, tỉnh Hà Nam có số dân là 623.600 người, chiếm 1,31% tổng số dân của cả nước. Đến năm 1989, tỷ trọng dân số tỉnh Hà Nam trong tổng số dân của cả nước giảm xuống còn 1,17%.
10 năm sau, tuy số lượng tuyệt đối về số dân của tỉnh Hà Nam có tăng, nhưng tỷ trọng số dân của tỉnh trong tổng số dân của cả nước vẫn giảm. Cụ thể, vào năm 1999, số dân của tỉnh Hà Nam chiếm tỷ trọng bằng 1,04% tổng số dân của cả nước. Những năm tiếp theo, dân số vẫn tăng, nhưng tỷ trọng cũng vẫn giảm: năm 2001, dân số Hà Nam chiếm tỷ trọng 1,03% trong tổng số dân của cả nước; năm 2002 là 1,02% và năm 2003 là 1,01%.
3. Hiện trạng phân bố dân cư - mật độ dân số
Trên thực tế, do địa hình có cả đồng bằng, trung du, miền núi nên sự phân bố dân cư trong tỉnh không đồng đều, tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng. Vào năm 1931, nhà địa lý học người Pháp Gourou đã xây dựng bản đồ “Mật độ dân số châu thổ sông Hồng”. Theo đó, vùng có mật độ dân số cao nhất (trung bình trên 600 người/km2) là vùng Duy Tiên, Lý Nhân và một phần phía đông nam của huyện Bình Lục; vùng có mật độ dân số thấp nhất là huyện Kim Bảng - dưới 400 người/km2. Trong những năm gần đây, các vùng đông dân nhất (mật độ trên 1.000 người/km2) vẫn là các huyện Lý Nhân, Bình Lục, thị xã Phủ Lý. Huyện Duy Tiên có mật độ dân số xấp xỉ 1.000 người/km2; còn huyện Kim Bảng, Thanh Liêm vẫn là những huyện có mật độ dân số thấp nhất - dưới 800 người/km2.
Năm 2002, Hà Nam có diện tích tự nhiên là 851,7 km2, chiếm 0,26% diện tích đất cả nước. Với số dân 814.044 người (chiếm 1,02% tổng số dân cả nước) thì mật độ trung bình toàn tỉnh là 956 người/km2, cao hơn rất nhiều so với mật độ dân số trung bình của cả nước (bình quân chung của cả nước: 236 người/km2), nhưng thấp hơn mật độ dân số trung bình của đồng bằng sông Hồng (1.151 người/km2) [Nguồn: Tổng cục Thống kê. Niên giám thống kê năm 2002, Hà Nội, 2003].
Năm 2003, trong khi 4 huyện, thị đồng bằng (thị xã Phủ Lý, huyện Duy Tiên, huyện Lý Nhân, huyện Bình Lục) tập trung 67,63% số dân của cả tỉnh (diện tích chiếm 57,74%) thì hai huyện có vùng núi Kim Bảng và Thanh Liêm (chiếm 42,26% diện tích của tỉnh) chỉ có 32,37% số dân của tỉnh. Vì vậy, trong khi bình quân trên 1 km2 ở các huyện đồng bằng có tới 1.124 người sinh sống, thì ở các huyện miền núi chỉ có 735 người. So sánh mật độ dân số năm 2003 với mật độ dân số năm 1931, ta thấy mật độ dân số của 3 nhóm khác nhau trên lãnh thổ Hà Nam sau 72 năm đã tăng lên hơn 2 lần.
Biểu đồ: Sự thay đổi mật độ dân số
Năm 2003, dân số trung bình của tỉnh Hà Nam đã là 817.557 người và được phân bố như sau: thị xã Phủ Lý có 75.492 người, chiếm 9,23% tổng số dân toàn tỉnh; huyện Duy Tiên có 130.972 người (chiếm 16,02%); huyện Lý Nhân có 188.843 người (chiếm 23,10%); huyện Bình Lục có 157.624 người (chiếm 19,28%); huyện Kim Bảng có 128.940 người (chiếm 15,77%) và huyện Thanh Liêm có 135.686 người, chiếm 16,60% tổng số dân toàn tỉnh. Trong số 6 đơn vị hành chính của tỉnh, thì huyện Lý Nhân và huyện Bình Lục tuy không đứng nhất, nhì về diện tích trong các huyện, thị, song lại có số dân nhiều nhất.
Nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô và mật độ dân số của tỉnh Hà Nam trong suốt thời gian qua là sự gia tăng dân số tự nhiên. Bên cạnh đó là sự thay đổi địa giới hành chính tỉnh.
Một ví dụ điển hình: năm 1999, thị xã Phủ Lý là nơi chỉ rộng 8,4 km2 nhưng chứa tới 32.040 người với mật độ dân số là 3.814 người/km2. Năm 2000, do nhu cầu phát triển kinh tế và đô thị hoá, sau khi có nghị định 53/2000/NĐ-CP của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính mở rộng thị xã Phủ Lý theo quy hoạch, một số xã của các huyện kề cận như xã Lam Hạ, huyện Duy Tiên; xã Phù Vân, xã Châu Sơn, huyện Kim Bảng; xã Liêm Chung, huyện Thanh Liêm được chuyển nhập vào thị xã Phủ Lý, đưa diện tích tự nhiên của thị xã tăng lên 34,24 km2 (tăng thêm 25,9 km2 so với năm 1999) với số dân là 72.480 người; mật độ dân số lúc này là 2.117 người/km2. Mặc dù diện tích và dân số của thị xã tăng so với năm 1999, nhưng mật độ dân số chung toàn thị xã lại giảm. Điều này chứng tỏ những xã mới nhập vào có mật độ dân cư rất thấp.
Ngay trong thị xã Phủ Lý, dân cư phân bố cũng không đều. Thời điểm năm 2000, vùng nội thị có diện tích 6,782 km2 (chiếm 19,80% diện tích thị xã) nhưng chứa tới 37.418 người (chiếm 51,63% dân số thị xã). Mật độ dân số trung bình của vùng nội thị là 5.517 người/km2. Đặc biệt, tại 4 phường nội thị cũ, mật độ dân số rất cao: Phường Minh Khai có mật độ là 18.663 người/km2; phường Lương Khánh Thiện là 22.283; phường Hai Bà Trưng là 10.086 và phường Trần Hưng Đạo là 30.349 người/km2. Trong khi đó, vùng ngoại thị có diện tích là 27,458km2 (chiếm 80,20% diện tích thị xã) nhưng chỉ chứa có 35.062 người (chiếm 48,37% dân số thị xã). Mật độ dân số trung bình vùng ngoại thị là 1.277 người/km2. Điều này chứng tỏ dân cư sống tập trung khá đông ở vùng nội thị.
Gia tăng tự nhiên là một chỉ tiêu tổng hợp, được thể hiện bằng sự chênh lệch giữa tỷ suất sinh thô và tỷ suất chết thô trong một khoảng thời gian xác định trên một đơn vị lãnh thổ xác định. Có nghĩa là tỷ suất tăng dân số tự nhiên phản ánh trung bình trong một thời kỳ xác định cứ 1.000 người dân thì có bao nhiêu người tăng thêm.
Tỷ suất sinh thô là khái niệm biểu thị số trẻ em được sinh ra sống trong năm so với 1.000 dân. Đây là thước đo đánh giá mức sinh khá đơn giản, dễ tính, dễ hiểu và được áp dụng rộng rãi. Tỷ suất sinh thô rất khác nhau giữa các địa phương và các thời kỳ. Nó phụ thuộc nhiều vào cơ cấu tuổi, giới tính, tập quán và tâm lý của dân cư.
Tỷ suất chết thô là khái niệm biểu thị số người chết trong một năm trên 1.000 người dân. Tỷ suất chết thô chịu ảnh hưởng nhiều bởi cơ cấu dân số, đặc biệt là cơ cấu tuổi và giới tính. Ở những nơi có dân số trẻ, tỷ lệ chết thô sẽ thấp hơn so với những nơi có dân số già bởi tỷ lệ chết ở lứa tuổi 50 - 70 thường cao gấp nhiều lần tỷ lệ chết ở lứa tuổi 30 - 35. Việc tăng hay giảm số sinh và số chết đều làm thay đổi quy mô, cơ cấu và tốc độ tăng tự nhiên của dân số.
Số dân của Hà Nam tăng lên chủ yếu là do tăng tự nhiên (tỷ lệ sinh cao hơn tỷ lệ chết). Tăng cơ học không đáng kể. Nguyên nhân chủ yếu là số người trong độ tuổi sinh đẻ cao và trước kia nhân dân ít có ý thức về kế hoạch hoá dân số. Mặt khác, do nền kinh tế phát triển chủ yếu dựa vào nông nghiệp, mà đặc biệt là làm nông nghiệp trên vùng đất chiêm trũng, nên rất cần lao động. Vì vậy, việc sinh nhiều con trước đây là tất yếu.
Ở tỉnh Hà Nam, sau ngày hoà bình lập lại, trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn thấp, những tập quán và tâm lý lạc hậu về số lượng con và con trai đã có tác động đến mức sinh cao. Trong nhân dân tư tưởng trọng nam hơn nữ vẫn là yếu tố cản trở đến việc chấp nhận và thực hiện quy mô gia đình ít con. Tuy vậy, tỷ lệ sinh nói chung đã giảm dần theo thời gian, do thế hệ trẻ nhận thức được rằng: gia đình đông con sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc nâng cao đời sống. Cụ thể, tỷ lệ sinh thô năm 1975 là 3,67%; năm 1985 là 2,82%; năm 1990 là 2,09%; năm 1997 là 1,70%; năm 2000 là 1,63% và năm 2003 là 1,60%. Tỷ lệ sinh ở nông thôn thường cao hơn ở thành thị.
Năm 1975, tỷ lệ chết trong dân cư ở Hà Nam là 0,59%; năm 1985 là
0,58%; năm 1997 là 0,46% và năm 2003 là 0,56%.
Trong thập niên 70, 80 của thế kỷ XX, tỷ lệ sinh trong dân cư cao nhưng tỷ lệ chết thấp, vì vậy tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của tỉnh Hà Nam còn cao: năm 1975 là 3,07%; năm 1985 là 2,24%. Sang thập niên 90, tỷ lệ sinh trong dân cư đã giảm nên tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của tỉnh Hà Nam cũng giảm. Đầu thế kỷ XXI: năm 2000, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của Hà Nam là 1,17%. Đến năm 2003, tỷ lệ tăng tự nhiên chỉ còn 1,04%.
Một điều đáng chú ý là: mức sinh đã giảm mạnh nhưng rất không đều giữa các huyện, thị trong khi tỷ lệ chết của dân cư các huyện, thị chênh nhau không nhiều nên đã dẫn đến tỷ lệ tăng tự nhiên dân số của các huyện, thị trong tỉnh khác nhau. Năm 2000, huyện Kim Bảng có tỷ lệ sinh cao nhất (1,73 %) và cũng là huyện có tỷ lệ tăng dân số tự nhiên cao nhất (1,27%); huyện Duy Tiên có tỷ lệ sinh thấp nhất (1,31 %) và cũng là huyện có tỷ lệ tăng dân số tự nhiên thấp nhất (0,84%).
Vì tỷ lệ sinh thô và tỷ lệ chết thô đều phụ thuộc chặt chẽ vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội và khoa học - kỹ thuật, nên gia tăng tự nhiên có quan hệ chặt chẽ đến tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh. Việc áp dụng các công nghệ y tế công cộng như vắcxin, thuốc kháng sinh, trong đó có các chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em đã góp phần quan trọng làm giảm mức chết, nhất là mức chết ở trẻ sơ sinh.
Trong những năm gần đây, do trình độ phát triển kinh tế - xã hội ngày một nâng cao, đời sống của người dân được cải thiện; bên cạnh đó là sự tiến bộ về nhận thức của nhân dân, cùng với sự áp dụng sâu rộng chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình, nên từ năm 1990 trở lại đây số người dùng các biện pháp tránh thai ngày một tăng. Năm 2000, số người sử dụng biện pháp tránh thai chiếm 72,5% số người trong độ tuổi sinh đẻ. Năm 2001, số người này đã tăng lên chiếm 73,5% số người trong độ tuổi sinh đẻ.
5. Ảnh hưởng của tốc độ gia tăng dân số kinh tế – xã hội của tỉnh
Hàng năm, số dân tỉnh Hà Nam vẫn tăng thêm khoảng 8 – 9 nghìn người, tạo thêm nguồn lao động dồi dào, bổ sung cho nền kinh tế quốc dân. Song trong điều kiện trình độ sản xuất còn thấp, ngành nghề còn ít được đầu tư phát triển thỏa đáng thì áp lực dân số và nguồn lao động đã làm cho nền kinh tế của tỉnh chưa thể đáp ứng được nhu cầu đời sống và giải quyết việc làm cho người lao động.
Dân số tăng nhanh gây ra nhiều khó khăn do sản xuất chưa cân đối giữa tăng dân số và những tư liệu sinh hoạt, trước tiên là lương thực. Tại Hà Nam, dân số năm 1999 có 799.843 người, tăng 1,28 lần so với năm 1975; trong khi đó lương thực bình quân đầu người của năm 1999 so với năm 1975 chỉ tăng 2,09 lần. Người ta đã tính ra được hệ số - nói cách khác là điều kiện cần và đủ cho mối quan hệ giữa sự phát triển dân số và lương thực. Khi dân số tăng 1% thì buộc lương thực phải tăng 2,5% mới bảo đảm được tính ổn định và an toàn tối thiểu.
Nhận thức được vấn đề tăng dân số nhanh sẽ ảnh hưởng tới tốc độ phát triển kinh tế và nâng cao mức sống cho nhân dân, thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã tăng cường đẩy mạnh có hiệu quả công tác truyền thông dân số - kế hoạch hoá gia đình đến cộng đồng, đến từng gia đình, đến từng đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ.
6. Biến động cơ học: tình hình và di chuyển dân cư
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam 1999, số người nhập cư từ các tỉnh khác đến Hà Nam và xuất cư từ Hà Nam đi các tỉnh khác (từ 5 tuổi trở lên) trong 5 năm trước thời điểm tổng điều tra dân số (31/3/1999) như sau: số người nhập cư từ tỉnh khác là 6.354 người, trong đó nữ có 2.525 người; số người xuất cư từ Hà Nam đi các tỉnh khác là 30.932 người, trong đó nữ có 17.140 người. Như vậy số người di cư thuần tuý (gia tăng cơ học) trong 5 năm qua là (âm) -24.578 người, có nghĩa nếu không tính gia tăng tự nhiên thì dân số năm 1999 của Hà Nam giảm 24.578 người so với năm 1994.
Quá trình di dân không chỉ ảnh hưởng đến quy mô dân số của một vùng, mà còn có thể gây ra những biến đổi đáng chú ý trong cơ cấu và sự phân bố dân cư, đến nguồn lao động và phân bố các ngành sản xuất ở những vùng có dân chuyển đi và vùng có dân chuyển đến; nó làm tăng mật độ dân cư ở vùng này và làm giảm mật độ dân cư ở vùng khác, kéo theo nó là quá trình phân bố lại và tập trung nguồn lực phát triển tại một số vùng nhất định.
Nếu tính theo tuổi lao động, ta thấy nhóm tuổi 20 - 29 của thời điểm 1999 (tức nhóm tuổi 15-24 của thời điểm 1994) có số lượng người tham gia di chuyển nhiều nhất: 8.916 người, chiếm 44,28% tổng số người tham gia di chuyển. Tại thời điểm 1994, số người này là lực lượng lao động trẻ, khoẻ, mới bước vào tuổi lao động nên hăng hái rời nơi ở cũ đến nơi ở mới để tìm việc làm. Còn nhóm tuổi 50 trở lên tham gia di chuyển ít hơn, chỉ có 1.223 người - chiếm 6,07% tổng số người tham gia di chuyển; vì ở lứa tuổi này phần lớn đã ổn định nơi ở và nơi làm việc.
Quá trình di dân còn phụ thuộc vào các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội, tư tưởng, ước mơ của con người. Những người di dân có tổ chức được Nhà nước và chính quyền địa phương nơi nhập cư tạo điều kiện giúp đỡ để có thể ổn định và tổ chức tốt cuộc sống nơi định cư mới. Từ khi xoá bỏ bao cấp và nhất là vào đầu những năm 90 thì di dân tự do bắt đầu phát triển. Hiện tượng di dân tự do không chỉ diễn ra trong nội bộ tỉnh, mà ở các huyện cũng thường xuyên xảy ra, nhất là ở các huyện miền núi.
Tại Hà Nam, ở những nơi đang phát triển, các khu đô thị luôn luôn là địa điểm thu hút các luồng di cư trong tỉnh. Tại thời điểm 31/3/1999, tỉnh Hà Nam có 20.137 người thay đổi nơi ở thường trú so với nơi thường trú của 5 năm về trước. Trong đó có 11.547 người trước đây cư trú ở nông thôn, 7.317 người cư trú ở thành thị và 1.273 người không xác định được nơi ở trước đây (kể cả nội tỉnh và ngoại tỉnh), huyện Kim Bảng là nơi có số người chuyển đến đông nhất - 4.296 người; huyện Duy Tiên có số người chuyển đến ít nhất - 2.567 người. Trong số 20.137 người thay đổi nơi ở thường trú thì có 2.391 người đến cư trú ở các đô thị trong tỉnh, còn 17.746 người đến cư trú ở nông thôn.
Thị xã Phủ Lý là nơi có sức hút dân cư đô thị lớn nhất trong tỉnh. Vào thời điểm 31/3/1999, có 1.538 người từ các nơi khác chuyển đến cư trú thường xuyên tại thị xã (chiếm 64,32% tổng số dân chuyển đến thành thị); còn 853 người từ các nơi khác chuyển đến cư trú tại các đô thị khác, mà chủ yếu là các thị trấn - huyện lỵ trong tỉnh (chiếm 35,68% tổng số dân chuyến đến thành thị).
Trong số dân chuyển đến cư trú tại khu vực nông thôn, huyện Kim Bảng là nơi có số người chuyển đến nhiều nhất - 4.201 người (trong số đó có 2.343 người chuyển từ các vùng nông thôn khác; 1.672 người chuyển từ các đô thị và 186 người không xác định được nơi ở trước chuyển đến). Tiếp đến là số người chuyển đến huyện Lý Nhân - 3.575 người; chuyển đến huyện Thanh Liêm - 3.509 người; huyện Duy Tiên - 2.383 người; huyện Bình Lục - 2.349 người và cuối cùng là đến các vùng nông thôn ngoại thị xã Phủ Lý - 1.729 người.
7. Cơ cấu dân số
7.1 Cơ cấu dân số theo giới tính
Cơ cấu dân số theo giới tính là chỉ tiêu phản ảnh kết quả phân chia tổng số dân thành dân số nam và dân số nữ. Để biểu diễn cơ cấu dân số theo giới tính, người ta thường dùng các chỉ tiêu tỷ lệ nam (nữ) trong tổng số dân (%). Tỷ lệ nam (nữ) được xác định bằng số nam (số nữ) chia cho tổng số dân rồi nhân với 100. Chỉ số này cho biết: cứ 100 dân thì có bao nhiêu nam, bao nhiêu nữ.
Cũng có thể gọi là tỷ lệ giới tính (%). Tỷ lệ giới tính được xác định bằng cách: chia số nam cho số nữ rồi nhân với 100. Chỉ số này cho biết: có bao nhiêu nam trên 100 nữ.
Trong những năm trước đây, tại tỉnh Hà Nam tỷ lệ dân số nam, dân số nữ nhìn chung chênh lệch tương đối lớn. Theo dòng thời gian và theo số liệu thống kê, tỷ lệ nam trong tổng số dân thay đổi như sau: năm 1976 là 41,81%; đến năm 1980 tỷ lệ này là 43,95%. Tổng điều tra dân số toàn quốc 1/4/1989 cho biết tỷ lệ nam trong tổng số dân của tỉnh Hà Nam đã tăng lên 46,79%.
Vào thời điểm tổng điều tra dân số toàn quốc 1/4/1999, dân số tỉnh Hà Nam có 793.103 người; trong đó, tỷ lệ dân số nam là 48,43% và tỷ lệ dân số nữ là 51,66%. Sang năm 1990, tỷ lệ dân số nam là 48,40% và tỷ lệ dân số nữ là 51,60%. Cũng vào thời điểm tổng điều tra dân số toàn quốc 1/4/1999, tỷ lệ dân số nam trong tổng số dân của nước ta là 49,09% và đến năm 2003 là 49,14%. Điều đó nói lên tỷ lệ nam trong tổng số dân của Hà Nam thấp hơn tỷ lệ nam chung của toàn quốc, đồng thời cũng chứng tỏ rằng: ở tỉnh Hà Nam dân số nữ nhiều hơn dân số nam.
Tính chung cho toàn tỉnh, tỷ lệ giới tính năm 2003 của tỉnh Hà Nam là 93,78%; có nghĩa là cứ 100 người nữ thì có 93,78 người nam. Tỷ trọng này cho biết hiện tại cán cân nam - nữ trong dân số ở Hà Nam như vậy là thừa nữ. Ngay trên địa bàn từng huyện, thị thì tỷ lệ dân số nam trong tổng số dân cũng thấp hơn tỷ lệ dân số nữ và tỷ lệ này giữa các huyện, thị chênh lệch nhau không nhiều.
7.2 Cơ cấu dân số theo nhóm tuổi
Trong quá trình nghiên cứu dân số phục vụ phát triển, bên cạnh việc nghiên cứu dân số theo giới, người ta cần phải nghiên cứu dân số chia theo lứa tuổi của mỗi giới nhằm xác định số người trong độ tuổi đi học; dưới, trong và trên độ tuổi lao động. Cơ cấu dân số theo lứa tuổi thay đổi theo thời gian.
Theo tổng điều tra dân số toàn quốc ngày 1/4/1999, cơ cấu dân số tỉnh Hà Nam vào loại trẻ đang chuyển dần sang cơ cấu dân số già. Trong những nhóm tuổi dưới 17, nam giới thường chiếm tỷ lệ lớn hơn nữ giới, thường chiếm khoảng 51% tổng số dân trong nhóm tuổi đó. Nhưng do tính hiếu động của nam giới và cường độ lao động nặng nhiều hơn nên từ 18 tuổi trở đi dân số nam thường chết nhiều hơn dân số nữ. Vì vậy, từ nhóm tuổi 18 trở lên, nữ giới có tỷ lệ cao hơn hẳn so với nam giới cùng nhóm tuổi. Đặc biệt, từ 60 tuổi trở lên và càng cao tuổi thì tỷ lệ nữ cùng nhóm tuổi cao hơn tỷ lệ nam cùng nhóm tuổi rất nhiều. Cụ thể: nhóm tuổi 80 - 84, tỷ lệ nữ chiếm tới 70,64%; từ 85 tuổi trở lên, tỷ lệ nữ chiếm 77,65% số dân cùng nhóm.
Vào thời điểm này, toàn tỉnh có 31,82% dân số dưới tuổi lao động (từ 0 đến 14 tuổi). Trong khi đó, nhóm này ở Việt Nam chiếm khoảng 34%. Dân số trẻ, ở tầm ngắn hạn, làm tăng gánh nặng nuôi, dạy và chăm sóc trẻ em; ở tầm trung hạn thì sức ép về lao động, việc làm sẽ ngày càng tăng thêm. Tuy nhiên, nhờ quá trình giảm sinh tương đối mạnh trong những năm qua mà tỷ trọng dân số trẻ đã có xu hướng giảm và tỷ trọng dân số già tăng lên (quá trình già hoá dân số). Nhóm người trong độ tuổi từ 60 trở lên chiếm 10,94% tổng số dân của tỉnh.
Cơ cấu dân số theo nhóm tuổi của các huyện, thị thường khác nhau. Tại thị xã Phủ Lý, nhóm tuổi từ 0 đến 14 có tỷ lệ rất thấp, chiếm 27,09%; nhóm tuổi 15-59 chiếm 64,47% và nhóm 60 tuổi trở lên chiếm 8,44% tổng số dân toàn thị xã. Trong khi đó, tỷ lệ số dân trong các nhóm 0 - 14 và 60 tuổi trở lên của các huyện còn lại trong tỉnh Hà Nam đều cao hơn của thị xã Phủ Lý và được thể hiện cụ thể trong bảng sau:
Từ năm 2000 đến nay (2003), số liệu thống kê số dân theo nhóm tuổi của tỉnh Hà Nam chưa có.
7.3 Dân số thành thị, nông thôn
Hà Nam là một tỉnh nông nghiệp. Dân số của tỉnh sống tập trung chủ yếu ở nông thôn do quá trình định canh định cư trong lịch sử và tốc độ gia tăng dân số rất nhanh ở khu vực nông thôn.
Hà Nam có nền công nghiệp phát triển chậm nên khả năng tập trung và tiếp nhận lao động chưa nhiều. Là một tỉnh có nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, mà đặc biệt là ruộng vùng đất trũng, độ phì thấp, nên đòi hỏi rất nhiều sức lao động. Mặt khác, nguồn thu nhập chính của phần lớn dân cư trong tỉnh dựa vào nông nghiệp nên dân cư sống tập trung quá đông ở vùng nông thôn.
Năm 1976, lãnh thổ của Hà Nam nằm trong địa phận của tỉnh Hà Nam Ninh. Dân số của Hà Nam lúc này có 653,4 nghìn người, trong đó dân cư sống ở thành thị chỉ có 14,9 nghìn người - chiếm 2,28%; dân cư sống ở nông thôn là 638,5 nghìn người - chiếm tới 97,72% tổng số dân toàn tỉnh.
Sau năm 1975, nền kinh tế ở Hà Nam đã đi vào ổn định và phát triển. Thị xã Phủ Lý nằm dọc quốc lộ 1A được chú ý đầu tư xây dựng. Vì vậy năm 1980, dân số thành thị đã tăng lên 35,8 nghìn người - chiếm 5,64% tổng số dân của tỉnh, số dân sống ở nông thôn chiếm 94,36%. (Trong khi đó tỷ lệ dân cư thành thị trên tổng số dân của cả nước năm 1976 là 20,60% và năm 1980 là 19,17%).
Từ năm 1981 đến năm 1986, nền kinh tế nước ta nói chung và nền kinh tế của Hà Nam nói riêng bước vào giai đoạn trì trệ do cơ chế quan liêu bao cấp, nên một số dân ở thành thị đã chuyển về nông thôn sinh sống làm cho tỷ lệ dân cư thành thị trong tổng số dân giảm xuống rất nhiều. Năm 1984 tỷ lệ dân cư thành thị của Hà Nam giảm còn 3,28%. Dưới thời bao cấp, thu nhập chủ yếu của phần lớn dân cư đô thị là tiền lương từ các công sở quản lý, hành chính sự nghiệp.
Năm 1986, Việt Nam xoá bỏ chế độ bao cấp và phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Quá trình đô thị hoá đã bước sang giai đoạn mới, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Nhiều thành phố cũ được mở rộng, nhiều khu công nghiệp - đô thị mới được xây dựng. Đô thị thu hút lực lượng lao động rất lớn từ khu vực nông thôn đến tìm việc làm.
Tại thời điểm tổng điều tra dân số toàn quốc 1/4/1989, số dân của Hà Nam sống ở thành thị có 51.950 người - chiếm 6,99% tổng số dân toàn tỉnh; còn số dân sống ở nông thôn có 691.875 người; tuy con số tuyệt đối tăng nhưng tỷ lệ dân cư nông thôn đã giảm, chiếm 93,01%. Tỷ lệ dân cư thành thị tăng, một phần là do nước ta đã xoá bỏ chế độ bao cấp vào năm 1986, người dân sống không còn phụ thuộc vào chế độ tem phiếu nên dễ di chuyển hơn. Mặt khác, do kinh tế thị trường phát triển và làm nông nghiệp ở vùng chiêm trũng quá vất vả nên một bộ phận dân cư sống ở nông thôn đã chuyển ra đô thị sinh sống. Họ hy vọng thu nhập từ các nghề dịch vụ, buôn bán ở đô thị cao hơn thu nhập từ nông nghiệp.
Tại thời điểm này (năm 1989), tỷ lệ dân số thành thị của cả nước là 19,79%. Điều này chứng tỏ rằng quá trình đô thị hoá trong giai đoạn này của Hà Nam chưa phát triển. Đây là một thực tế, vì trong giai đoạn này tỉnh Hà Nam đang sáp nhập với tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh, với thủ phủ là Nam Định. Thị xã Hà Nam lúc này (ngày nay là thị xã Phủ Lý) chỉ là một thị xã nhỏ thuộc tỉnh Hà Nam Ninh.
Năm 1991, tỉnh Hà Nam Ninh tách thành 2 tỉnh: Nam Hà và Ninh Bình. Lúc này lãnh thổ của Hà Nam nằm trong địa phận của tỉnh Nam Hà và số dân của Hà Nam đã tăng lên 727.618 người; trong đó, số dân sống ở thành thị có 50.800 người - chiếm 6,98%; số dân sống ở nông thôn vẫn chiếm 93,02%.
Sau khi tái lập tỉnh, năm 1997, dân số của tỉnh Hà Nam là 782.068 người; trong đó dân số sống ở thành thị là 60.904 người, chiếm 7,79% và dân số sống ở nông thôn là 721.164 người, chiếm 92,21% tổng số dân toàn tỉnh.
Đến năm 1999, theo số liệu thống kê thì tỷ lệ dân cư thành thị của Hà Nam chiếm 7,98% và dân cư nông thôn chiếm 92,02%. So với năm 1999, năm 2000 những tỷ lệ này có sự thay đổi tương đối lớn. Năm 2000, số dân trung bình toàn tỉnh là 807.312 người; trong đó: số dân sống ở thành thị có 71.766 người - chiếm 8,89%; số dân sống ở nông thôn có 735.546 người - chiếm 91,11% tổng số dân toàn tỉnh.
Nếu đem so sánh với năm 1999 thì ta thấy: chỉ số phát triển dân số năm 2000 đạt 100,93%; trong khi đó chỉ số phát triển dân số thành thị đạt 112,42%. Nguyên nhân chính của sự thay đổi tỷ lệ dân cư thành thị - nông thôn ở tỉnh Hà Nam trong một thời gian ngắn (1999 - 2000) là do thị xã Phủ Lý được mở rộng. Vào đầu năm 2000, các xã lân cận như: xã Lam Hạ thuộc huyện Duy Tiên; xã Phù Vân, Châu Sơn thuộc huyện Kim Bảng; xã Liêm Chung thuộc huyện Thanh Liêm được chuyển sáp nhập vào thị xã Phủ Lý. Cùng với việc mở rộng diện tích từ 8,349 km2 lên 34,24 km2, dân số của thị xã Phủ Lý cũng tăng thêm khoảng 40 nghìn người. Trong đó một bộ phận dân cư không nhỏ được sống trong những phường mới được thành lập, làm cho số dân đô thị tăng.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ số dân sống ở thành thị ngày một tăng. Năm 2001, dân số sống ở thành thị chiếm 8,96% tổng số dân của toàn tỉnh; năm 2002, dân số sống ở thành thị tăng lên 9,15% và năm 2003, số dân thành thị đã tăng lên, chiếm 9,41% tổng số dân của toàn tỉnh. Điều này chứng tỏ quá trình đô thị hoá ở Hà Nam đang trên đà phát triển.
Năm 2003, dân cư thành thị tỉnh Hà Nam phân bố theo lãnh thổ như sau: thị xã Phủ Lý có 41.251 người, chiếm 53,65% tổng số dân thành thị toàn tỉnh. Tiếp đến là huyện Duy Tiên, dân cư thành thị có 9.238 người (chiếm 12,01%); huyện Thanh Liêm có 9.145 người (chiếm 11,89%); huyện Lý Nhân có 6.609 người (chiếm 8,59%); huyện Bình Lục có 5.442 người (chiếm 7,08%) và huyện Kim Bảng, dân cư thành thị chỉ có 5.210 người (chiếm 6,78% tổng số dân thành thị toàn tỉnh).
Ngay cả tỷ lệ số dân thành thị so với tổng số dân của từng huyện, thị trong tỉnh Hà Nam cũng khác nhau. Thị xã Phủ Lý là nơi có tỷ lệ dân cư thành thị cao nhất tỉnh; tại đây dân cư sống trong khu vực đô thị chiếm 54,64% tổng số dân của toàn thị xã. Tiếp đến là huyện Duy Tiên, dân cư thành thị chiếm 7,05% tổng số dân của huyện. Tại huyện Thanh Liêm, dân cư thành thị chiếm 6,74%; huyện Kim Bảng - 4,04%; huyện Lý Nhân - 3,50% và tại huyện Bình Lục, dân cư thành thị chiếm 3,45% tổng số dân của huyện.
7.4. Dân số nông nghiệp, phi nông nghiệp
Hà Nam là một tỉnh thuần nông, vì vậy dân số nông nghiệp chiếm đa số. Năm 1975, dân số nông nghiệp chiếm 83,64% tổng số dân của tỉnh. Quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá hầu như không phát triển trong một thời gian dài, nên nhìn chung tỷ lệ dân số nông nghiệp so tổng số dân của tỉnh thay đổi không nhiều; đến năm 1991 dân số nông nghiệp vẫn chiếm 83,85%; dân số phi nông nghiệp chỉ chiếm 16,15% tổng số dân của tỉnh.
Tuy vậy, số dân nông nghiệp và phi nông nghiệp của từng huyện, thị cũng khác nhau. Theo số liệu thống kê kinh tế - xã hội Hà Nam Ninh 1975 - 1991 thì vào năm 1991, Hà Nam có 125,7 nghìn nhân khẩu phi sản xuất nông nghiệp. Nếu xét tỷ lệ dân số nông nghiệp và phi sản xuất nông nghiệp so tổng số dân của từng đơn vị hành chính trong tỉnh ta thấy: tại thị xã Phủ Lý, số dân nông nghiệp chỉ chiếm có 19,81%, còn số dân phi nông nghiệp chiếm tới 80,19% số dân toàn thị xã. Trong khi đó tại các huyện còn lại, số dân nông nghiệp chiếm tới trên 80%; còn số dân phi nông nghiệp chỉ chiếm chưa tới 20% tổng số dân của huyện.
Số nhân khẩu này phân bố theo lãnh thổ trong tỉnh như sau: thị xã Phủ Lý có 25,5 nghìn người (chiếm 20,29%); huyện Duy Tiên có 16,0 nghìn người (chiếm 12,73%); huyện Kim Bảng có 24,3 nghìn người (chiếm 19,33%); huyện Thanh Liêm có 23,2 nghìn người (chiếm 18,46%); huyện Lý Nhân có 18,0 nghìn người (chiếm 14,32%) và huyện Bình Lục có 18,7 nghìn người (chiếm 14,88%).
7.5 Dân số theo trình độ văn hoá
Mức sinh cao và gia tăng dân số dẫn đến sự gia tăng tỷ trọng dân số trong độ tuổi đi học. Năm 1999, ở Hà Nam dân số dưới 15 tuổi chiếm xấp xỉ 32%. Do dân số tăng nhanh nên trong những năm 1990, số lượng học sinh cả 3 cấp: tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông trung học tăng lên không ngừng. Tuy vậy, sang những năm đầu thế kỷ XXI, tổng số học sinh của tỉnh có phần giảm hơn so với năm học 1999 - 2000. Cụ thể: năm học 2000 - 2001 có 178.267 học sinh; năm học 2001 - 2002 có 174.986 học sinh và năm học 2002 - 2003 có 171.563 học sinh. Đặc biệt, số học sinh ở các cấp học mẫu giáo và tiểu học giảm nhiều, còn ở cấp trung học cơ sở và phổ thông trung học lại tăng.
Riêng năm học 2003 - 2004, toàn tỉnh có 167.289 học sinh học tại các trường công lập và số học sinh này phân bố theo lãnh thổ trong tỉnh như sau: Thị xã Phủ Lý có 16.059 học sinh (chiếm 9,60%); huyện Duy Tiên có 26.261 học sinh (chiếm 15,70%); huyện Kim Bảng có 26.435 học sinh (chiếm 15,80%); huyện Lý Nhân có 37.541 học sinh (chiếm 22,44%); huyện Thanh Liêm có 28.905 học sinh (chiếm 17,28%) và huyện Bình Lục có 32.088 học sinh (chiếm 19,18%).
Nếu tỉnh tỷ lệ số học sinh trong tổng số dân thì ta thấy số học sinh tại các trường công lập chiếm 20,46% tổng số dân của tỉnh. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh tại các trường công lập so tổng số dân của từng huyện, thị có khác nhau một chút: huyện Thanh Liêm có tỷ lệ cao nhất 21,30%; tiếp đến là thị xã Phủ Lý 21,27%; huyện Kim Bảng 20,50%; huyện Bình Lục 20,36%; huyện Duy Tiên 20,05% và thấp nhất là huyện Lý Nhân 19,88%.
II. LAO ĐỘNG, Cơ CẤU LAO ĐỘNG, sự PHÂN Bố LAO ĐỘNG HIỆN NAY
1. Số lượng nguồn lao động
Thông thường, dưới 5 là tuổi đi nhà trẻ mẫu giáo, từ 6 đến 18 tuổi là tuổi đi học. Số người dưới, trong và trên tuổi lao động được xác định bởi tuổi lao động do từng nước quy định. Theo quy định của Bộ luật Llao động hiện hành của Việt Nam, độ tuổi lao động tính từ 16 đến tròn 60 tuổi đối với nam và từ 16 đến tròn 55 tuổi đối với nữ. Những người trong độ tuổi lao động có nghĩa vụ và quyền lợi đem sức lao động của mình làm việc cho xã hội. Những thanh thiếu niên dưới 16 tuổi, nữ từ 56 tuổi và nam từ 61 tuổi trở lên là những người ngoài tuổi lao động, không có nghĩa vụ đem sức lao động của mình làm việc cho xã hội.
Tính đến năm 1995, nguồn lao động tỉnh Hà Nam có 401.368 người, chiếm 52,50% tổng số dân của tỉnh. Trong đó, số người trong tuổi lao động có khả năng lao động là 356.368 người, chiếm 46,62% tổng số dân và 88,71 % tổng nguồn lao động của tỉnh; số người còn lại là ngoài độ tuổi lao động có tham gia lao động. Năm 1997, nguồn lao động của tỉnh Hà Nam tăng lên 416.365 người, chiếm 53,24% tổng số dân toàn tỉnh. Nguồn lao động của tỉnh Hà Nam dồi dào và đông đảo; số người hàng năm bước vào tuổi lao động ngày càng tăng, trung bình mỗi năm tăng khoảng 8.100 người. Năm 2000, nguồn lao động của tỉnh Hà Nam có 443.244 người; năm 2001 có 471.154 người và năm 2002 có 466.216 người Cục Thống kê Hà Nam. Niên giám thống kê năm 2003. Tháng 4/2004. Tr. 17).
Cùng với sự tăng về số lượng, tỷ lệ người lao động so với tổng số dân và tỷ lệ lao động trong độ tuổi có khả năng lao động so với nguồn lao động của từng năm cũng tăng. Theo số liệu thống kê, năm 2003, nguồn lao động của Hà Nam có 465.242 người, chiếm 56,91% tổng số dân toàn tỉnh. Trong đó: số người trong tuổi lao động có khả năng lao động là 423.064 người (chiếm 90,93%) và số người ngoài độ tuổi có tham gia lao động là 42.178 người (chiếm 9,07%).
Trong số người ngoài tuổi lao động có tham gia lao động sản xuất thì số người trên tuổi lao động tăng theo thời gian; cụ thể: năm 1997 có 32.500 người, năm 1999 có 32.817 người, năm 2000 có 33.092 người và năm 2003 có 33.678 người. Ngược lại, số người dưới tuổi lao động lại giảm dần trong những năm gần đây: năm 1997 có 15.087 người, năm 1999 có 15.200 người, năm 2000 có 15.436 người và năm 2003 chỉ có 8.500 người. Điều này chứng tỏ một phần do kinh tế – xã hội phát triển nên trẻ em dưới tuổi lao động đã quan tâm hơn đến việc học hành, một phần do các cơ sở sử dụng lao động của tỉnh Hà Nam đã vận dụng đúng Bộ luật Lao động.
Tính về số lượng, thì số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế của tỉnh tăng dần hàng năm: năm 1997 có 370.778 người, năm 1999 có 383.458 người, năm 2000 có 388.903 người và năm 2003 có 407.682 người. Song, nếu so với nguồn lao động, thì tỷ lệ lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế lại giảm dần từ 89,05% năm 1997 xuống 87,63% năm 2003.
Tuy nhiên, nếu xem xét cụ thể số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế của từng huyện, thị từ khi tái lập tỉnh đến nay thì ta thấy: nhìn chung số lao động này của thị xã Phủ Lý và các huyện Duy Tiên, Thanh Liêm, Bình Lục tăng dần hàng năm; còn của Kim Bảng và Lý Nhân lại giảm dần.
Cùng với sự tồn tại chưa bố trí của các năm trước, số lượng đông đảo người trong độ tuổi có khả năng lao động đang không có việc làm (thất nghiệp) – chiếm 2,68% nguồn lao động năm 1999 và 1,02% nguồn lao động năm 2003 - đang gây một áp lực lớn đối với vấn đề giải quyết việc làm. Một đặc điểm nữa của nguồn lao động trong tỉnh là tỷ lệ nữ trone độ tuổi lao động chiếm khoảng 51% và số người hết tuổi lao động thấp hơn nhiều so với số người đến tuổi lao động (xem cơ cấu dân số theo tuổi) càng làm tăng thêm áp lực và tính phức tạp trong việc giải quyết việc làm của tỉnh.
2. Trình độ văn hoá và chuyên môn kỹ thuật của lao động
Theo số liệu của Sở Khoa học và Công nghệ Môi trường tỉnh Hà Nam: năm 2002, toàn tỉnh có 167.827 người có trình độ từ trung học phổ thông trở lên, chiếm 21,15% tổng số dân toàn tỉnh. Trong đó số dân có trình độ phổ thông trung học là 147.733 người, số dân có trình độ cao đẳng là 13.796 người, số dân có trình độ đại học là 5.836 người và số dân có trình độ trên đại học là 461 người. Tổng số đại học và trên đại học chiếm 3,75% số người có trình độ từ trung học phổ thông trở lên của tỉnh.
Tuy vậy, số lao động có trình độ chuyên môn cao lại phân bố tập trung ở thị xã Phủ Lý. Toàn thị xã có 23.613 người (33,72% số dân) có trình độ từ trung học phổ thông trở lên, cao hơn rất nhiều so với bình quân chung toàn tỉnh. Đặc biệt, số người có trình độ chuyên môn khoa học kỹ thuật cao tập trung với số lượng tương đối lớn: đại học - 2.215 người (chiếm 37,95% số người có trình độ đại học của tỉnh), trên đại học - 380 người (chiếm 82,43% số người trên đại học của tỉnh). Tổng số người có trình độ đại học và trên đại học chiếm tới 10,99% số người có trình độ từ trung học phổ thông trở lên của thị xã.
Huyện Duy Tiên là nơi có nguồn lao động dồi dào nhất tỉnh. Toàn huyện có 24.356 người (18,95% số dân) có trình độ từ trung học trở lên. Tuy vậy, lại không có lao động nào có trình độ trên đại học, chỉ có 462 người có trình độ đại học, 1.292 người có trình độ cao đẳng và 22.602 người có trình độ phổ thông trung học. Số người có trình độ đại học trở lên chỉ chiếm 1,90% số người có trình độ từ trung học phổ thông trở lên của huyện.
Huyện Kim Bảng là nơi có 31,84% diện tích đất là đất lâm nghiệp và mật độ dân số thấp nhất tỉnh, nhưng số người có trình độ từ trung học trở lên chiếm 20,65% số dân toàn huyện (24.959 người). Toàn huyện có tới 27 người có trình độ trên đại học và 676 người có trình độ đại học. Tổng số người có trình độ từ đại học trở lên chiếm 2,82% số người có trình độ từ trung học trở lên của huyện.
Huyện Thanh Liêm là nơi có tiềm năng lao động lớn, nhưng hiện nay toàn huyện chỉ có 23.275 người (17,69% số dân) có trình độ từ trung học trở lên. Huyện này cũng không có lao động nào có trình độ trên đại học. Nhưng số người có trình độ cao đẳng và đại học nhiều gấp hai lần huyện Duy Tiên, với số lượng tương ứng là 2.111 và 953 người. Số người có trình độ đại học chiếm tới 4,09% số người có trình độ từ trung học phổ thông trở lên của huyện.
Huyện Lý Nhân có 36.365 người (19,32% số dân) có trình độ từ trung học trở lên; trong đó số có trình độ trung học phổ thông là 31.862 người, cao đẳng là 3.563 người, đại học là 896 người và trên đại học là 44 người. Tổng số người có trình độ đại học và trên đại học chiếm 2,58% số người có trình độ từ trung học trở lên của huyện.
Huyện Bình Lục có 35.259 người (22,87% số dân) có trình độ từ trung học trở lên; trong đó số có trình độ trung học phổ thông là 32.705 người, cao đẳng là 1.910 người, đại học là 634 người và trên đại học là 10 người. Tổng số người có trình độ đại học và trên đại học chiếm 1,83% số người có trình độ từ trung học trở lên của huyện.
Như vậy, trong 6 huyện, thị xã thì huyện Duy Tiên và huyện Bình Lục có tỷ lệ người có trình độ từ đại học trở lên rất thấp.
Về trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động của tỉnh Hà Nam ta thấy: năm 2000, toàn tỉnh có 430.577 người từ đủ 15 tuổi trở lên tham gia hoạt động kinh tế thường xuyên, chiếm 53,33% tổng số dân của tỉnh. Trong đó, 361.939 người không có chuyên môn kỹ thuật, chiếm 84,06%; số người có trình độ sơ cấp là 8.246 người, chiếm 1,92%; số công nhân kỹ thuật không có bằng là 18.511 người - chiếm 4,30%; số công nhân kỹ thuật có bằng là 19.156 người, chiếm 4,45%; trung hoc chuyên nghiệp có 16.782 người, chiếm 3,90% và số cao đẳng, đại học trở lên có 5.943 người, chiếm 1,38% tổng số người từ đủ 15 tuổi trở lên tham gia hoạt động kinh tế thường xuyên trong tỉnh. Như vậy, nếu chỉ tính số lao động được đào tạo có bằng từ công nhân kỹ thuật trở lên thì toàn tỉnh Hà Nam có 41.881 người, chiếm 9,73% tổng số người từ đủ 15 tuổi trở lên tham gia hoạt động kinh tế thường xuyên trong tỉnh. Trong khi đó, tỷ lệ này của cả nước là 11,73%. Còn của đồng bằng sông Hồng là 15,94%.
Nếu xét về cơ cấu lao động có bằng trong toàn tỉnh thì thị xã Phủ Lý đứng thứ nhất, chiếm 21,28%. Tiếp đến là huyện Lý Nhân - 20,30%, huyện Bình Lục - 17,31%, huyện Kim Bảng - 15,04%, huyện Thanh Liêm - 12,15% và cuối cùng là huyện Duy Tiên - 13,93%.
Nếu xét về tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp theo huyện, thị thì thị xã Phủ Lý là đơn vị có số lao động được đào tạo có bằng cấp chiếm tỷ lệ cao nhất tỉnh, số lao động này chiếm tới 27,50% số lao động từ đủ 15 tuổi trở lên tham gia lao động thường xuyên của thị xã. Tiếp đến là huyện Bình Lục, tỷ lệ này chiếm 9,21%; huyện Kim Bảng - 9,15%; huyện Lý Nhân - 8,06%; huyện Duy Tiên - 7,94% và cuối cùng là huyện Thanh Liêm - 7,10%. Những số liệu này được tổng hợp trong bảng sau:
3. Phân bố lao động theo lãnh thổ
Năm 2003, số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế chiếm 49,87% tổng số dân của tỉnh. Nếu xét theo huyện, thị thì huyện Thanh Liêm có tỷ lệ lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế so tổng số dân của huyện cao hơn các huyện, thị khác trong tỉnh, chiếm 50,90% tổng số dân toàn huyện. Trong những năm tới, số người bước vào tuổi lao động khá nhiều. Điều này chứng tỏ rằng, huyện Thanh Liêm có lực lượng lao động rất dồi dào.
Tiếp đến là thị xã Phủ Lý, số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế của thị xã chiếm 50,48% tổng số dân thị xã. Trong những năm tới số người bước vào tuổi lao động của thị xã không nhiều. Hơn nữa, Phủ Lý là trung tâm chính trị, kinh tế,văn hoá, khoa học kỹ thuật của tỉnh đang trên đà phát triển, Vì vậy trong những năm tới chắc chắn sẽ thiếu lao động.
Huyện Duy Tiên có số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế chiếm 50,45% tổng số dân của huyện; huyện Kim Bảng là 50,07%; huyện Lý Nhân là 49,43% và huyện Bình Lục có số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế chiếm 48,55% tổng số dân của huyện.
Tuy lực lượng lao động dồi dào như vậy nhưng phân bố không đồng đều giữa các huyện, thị trong tỉnh. Một điều đáng chú ý là có sự thay đổi lớn trong phân bố lao động theo lãnh thổ. Năm 1997, số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế tại thị xã Phủ Lý chỉ chiếm 4,83% tổng số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế của tỉnh. Đến năm 2003, số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế của thị xã tăng lên, chiếm 9,35% tổng số lao động này trong tỉnh. Trong khi đó, tỷ lệ lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế của mỗi huyện so tổng số đang làm việc trong các ngành kinh tế toàn tỉnh đều giảm.
4. Lao động đang làm việc chia theo khu vực kinh tế
Sự phân bố lao động theo khu vực kinh tế gắn liền với việc chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế của tỉnh. Năm 1995, lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế của tỉnh có 362.660 người. Trong đó, lao động thuộc khu vực kinh tế Nhà nước quản lý có 15.476 người, chiếm 4,27%; lao động thuộc các thành phần kinh tế khác (tập thể, liên doanh, cá thể...) quản lý có 347.184 người, chiếm 95,73% tổng số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân của tỉnh Hà Nam. Năm 2003, lao động thuộc khu vực kinh tế Nhà nước quản lý tăng lên 21.581 người, chiếm 5,29%; lao động do các thành phần kinh tế khác quản lý có 386.101 người, chiếm 94,71% tổng số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân của tỉnh.
Xét theo các ngành kinh tế trong tỉnh thì số lao động thuộc khu vực kinh tế Nhà nước năm 2003 được phân bố như sau: ngành giáo dục và đào tạo có số lượng nhiều nhất - 8.054 người, chiếm 37,32% tổng số lao động trong khu vực kinh tế Nhà nước và 84,42% lao động trong ngành. Điều này chứng tỏ rằng, lao động trong khu vực kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong mọi hoạt động của ngành giáo dục và đào tạo. Tiếp đến là công nghiệp chế biến có 4.182 người, chiếm 19,38% tổng số lao động trong khu vực kinh tế Nhà nước nhưng chỉ chiếm 10,74% lao động trong ngành. Như vậy, trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, lao động của kinh tế tập thể và cá thể chiếm ưu thế. Lao động thuộc khu vực Nhà nước của ngành y tế và hoạt động cứu trợ xã hội có 1.694 người, chỉ chiếm 7,85% tổng số lao động khu vực kinh tế Nhà nước, nhưng chiếm tới 65,66% tổng số lao động của ngành.
Đặc biệt, Hà Nam là một tỉnh thuần nông, nền kinh tế phát triển chủ yếu dựa vào nông nghiệp nhưng lao động thuộc khu vực kinh tế Nhà nước chỉ có 989 người, chiếm 4,58% tổng số lao động trong khu vực Nhà nước và 0,33% lao động trong ngành nông, lâm nghiệp. 99,67% lao động hoạt động trong ngành nông, lâm nghiệp thuộc khu vực kinh tế tập thể và cá thể.
5. Lao động làm việc chia theo ngành nghề kinh tế và cấp quản lý
Năm 2003, toàn tỉnh Hà Nam có 407.682 người đang tham gia lao động trong các ngành kinh tế quốc dân. Ngành có số lượng lao động đông nhất là ngành nông, lâm nghiệp, có 296.924 người, chiếm 72,83% tổng số người đang tham gia hoạt động kinh tế trong tỉnh; trong đó, lao động ngoài khu vực kinh tế Nhà nước có 295.935 người (chiếm 99,67% tổng số lao động toàn ngành), còn khu vực kinh tế Nhà nước chỉ có 989 người (chiếm 0,33% tổng số lao động toàn ngành). Trong số lao động toàn ngành nông, lâm rmhiệp thì trung ương quản lý 173 người (chiếm 0,06%) và địa phương quản lý 296.751 người (chiếm 99,94%). Tiếp đến là ngành công nghiệp chế biến có 38.950 lao động, chiếm 9,55% tổng số người tham gia hoạt động kinh tế của tỉnh; trong đó: lao động trong khu vực kinh tế Nhà nước có 4.185 người (chiếm 10,74% lao động toàn ngành), trung ương quản lý 1.740 người (chiếm 4,47%) và địa phương quản lý 37.210 người (chiếm 95,53%).
Đứng thứ 3 về số lượng là nhóm ngành thương nghiệp, sửa chữa xe có động cơ - 23.867 người (chiếm 5,84% tổng số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế của tỉnh), trong đó: lao động trong khu vực kinh tế Nhà nước chiếm 6,44%; trung ương quản lý 371 người (chiếm 1,54%); ngành xây dựng có 10.400 lao động, chiếm 2,55% tổng số lao động đang làm việc của tỉnh; trong đó: lao động trong khu vực kinh tế Nhà nước chiếm 12,23% và trung ương quản lý 2,93%; ngành giáo dục đào tạo có 9.540 người (chiếm 2,29% tổng số người tham gia hoạt động kinh tế), trong đó: lao động khu vực Nhà nước chiếm 84,42%; địa phương quản lý 9.315 người, chiếm 97,64% lao động toàn ngành.
Bên cạnh đấy, hầu hết số lao động tham gia trong các ngành kinh tế như: ngành thuỷ sản; sản xuất phân phối điện, nước; khách sạn và nhà hàng; các hoạt động liên quan đến kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn; y tế và hoạt động cứu trợ xã hội; hoạt động văn hoá thể thao; hoạt động Đảng, đoàn thể và hiệp hội; hoạt động phục vụ cá nhân và cộng đồng... đều do địa phương quản lý. Cụ thể, số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân của tỉnh phân bố theo khu vực kinh tế và cấp quản lý như sau:
Tỷ trọng lao động trong nông nghiệp trong những năm gần đây có xu hướng tăng. Đại bộ phận lao động tập trung vào các ngành trồng trọt, nhất là trồng cây lương thực để giải quyết vấn đề ăn. Lao động chăn nuôi trong khu vực tập thể giảm. Nếu kể cả chăn nuôi gia đình thì có tăng, nhưng tốc độ còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu và còn thấp nhiều so với tiềm năng của tỉnh.
Phân bố lao động trong lâm nghiệp chưa chú trọng vào khâu trồng rừng, tu bổ và cải tạo rừng. Do vậy lao động lâm nghiệp mới chỉ chiếm tỷ trọng rất thấp trong tổng số lao động. Vì vậy vấn đề đặt ra là phải khôi phục, tu bổ, tái tạo vốn rừng, thực hiện phương thức nông lâm kết hợp. Đồng thời phải chọn lọc các loại cây có hiệu quả kinh tế cao... Có như vậy mới sớm phục hồi được vốn rừng, tạo tiềm năng cho nghề rừng phát triển và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái chung cho toàn vùng Bắc Bộ.
Phân bố lao động trong khu vực phi sản xuất vật chất tăng nhanh ở khu vực hành chính, quản lý Nhà nước. Những ngành trực tiếp phục vụ sản xuất như nghiên cứu khoa học, quản lý kinh tế - xã hội chưa được đầu tư phát triển một cách thoả đáng nên năng suất lao động chưa cao.
6. Số người chưa có việc làm - thất nghiệp
Người thất nghiệp là người từ đủ 15 tuổi trở lên trong nhóm dân số hoạt động kinh tế, mà trong tuần lễ trước điều tra không có việc làm nhưng có nhu cầu làm việc.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Nam, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị của toàn tỉnh năm 2000 là 6,98% tổng số dân từ đủ 15 tuổi trở lên hoạt động kinh tế hoặc 7,11% so với số dân trong độ tuổi lao động hoạt động kinh tế. Với lực lượng lao động nữ, các tỷ lệ này là 7,09% và 7,18%. Trong khi đó, ở khu vực thành thị cả nước, các tỷ lệ tương ứng là 6,37%; 6,44% và 6,19%; 6,26%. Điều này chứng tỏ ở khu vực thành thị của Hà Nam, tỷ lệ người thất nghiệp cao hơn bình quân chung của cả nước.
Tỷ lệ số lao động đã qua đào tạo từ sơ cấp, học nghề trở lên thất nghiệp chiếm 1,53% trong trong số lao động đã qua đào tạo nói chung ở khu vực thành thị của tỉnh. Trong đó, lao động được đào tạo ở trình độ trung học chuyên nghiệp ngành tài chính có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất - 26,09%; tiếp đến là lao động đã qua dạy nghề ngành sửa chữa máy móc thiết bị cơ khí - 25,98%; lao động đã qua dạy nghề ngành dệt may - 13,33%; cao đẳng sư phạm trung học cơ sở - 7,43%. Thấp nhất là trung học kế toán - 2,85%.
Tại khu vực nông thôn, tỷ lệ thời gian lao động được sử dụng của dân số từ đủ 15 tuổi trở lên tham gia hoạt động kinh tế thường xuyên trong 12 tháng qua tính đến thời điểm điều tra của cả tỉnh là 72,60% (cả nước là 73,86%), trong 6 huyện, thị xã có 2 huyện, thị đạt tỷ lệ cao hơn, đó là: thị xã Phủ Lý - 81,77% và huyện Thanh Liêm - 75,43%; một huyện đạt trên 74% là huyện Duy Tiên. Các huyện còn lại tỷ lệ ở mức 70% - 72% là Lý Nhân - 70,25%; Kim Bảng - 71,79% và Bình Lục - 72,04%.
Tính chung cho khu vực nông thôn của toàn tỉnh, tỷ lệ thời gian lao động đã được sử dụng của số lao động có hoạt động kinh tế chính trong 12 tháng qua là trồng trọt mới đạt 60,28% (cả nước tỷ lệ này là 68,01%; đồng bằng sông Hồng là 64,13%). Trong 6 huyện, thị xã thì thị xã Phủ Lý có tỷ lệ cao nhất - 76,34%; tiếp đến là Duy Tiên, Thanh Liêm, Kim Bảng đạt 60% - 61%; thấp nhất là Lý Nhân và Bình Lục đạt 58% - 59%.
Theo số liệu thống kê, vào thời điểm 1/7/2003, nguồn lao động của tỉnh Hà Nam có 465.242 người, trong đó: số trong tuổi lao động có khả năng lao động là 423.064 người và số ngoài tuổi lao động có tham gia lao động là 42.178 người. Vào thời điểm này, số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động đang không có việc làm (thất nghiệp) là 4.730 người, chiếm 1,02% tổng nguồn lao động của tỉnh hoặc 1,12% tổng số người trong tuổi lao động có khả năng lao động.
7. Đánh giá chất lượng và tình hình sử dụng nguồn lao động
Tại Hà Nam, năm 2000, lao động ở khu vực thành thị có 43.245 người, chiếm 8,95% tổng số lao động, còn lại 91,05% lao động ở khu vực nông thôn - 440.119 người. Hiện nay, cơ cấu lực lượng lao động chia theo khu vực thành thị, nông thôn đang chuyển dịch theo hướng: tăng tỷ trọng lực lượng lao động ở khu vực thành thị và giảm tỷ trọng lực lượng lao động nông thôn trong tổng lực lượng lao động nói chung của cả tỉnh (thời điểm 1/1/1999, lực lượng lao động ở Hà Nam được chia ra như sau: thành thị chiếm 6,12%; nông thôn chiếm 93,88%).
Lực lượng lao động trẻ (từ đủ 15 tuổi đến 34 tuổi) tiếp tục tăng thêm cả về số lượng và tỷ trọng trong tổng lực lượng lao động nói chung của toàn tỉnh; lực lượng lao động cao tuổi tiếp tục giảm cả về số lượng và tỷ trọng.
Lực lượng lao động đã qua đào tạo từ sơ cấp/học nghề trở lên còn chiếm tỷ lệ thấp trong tổng lực lượng lao động nói chung của tỉnh. Năm 2000, số lao động qua đào tạo có bằng chỉ chiếm 9,73% tổng số lao động hoạt động kinh tế thường xuyên của tỉnh. Lao động được đào tạo ngành nghề hàng năm có tăng càng gây sức ép tìm kiếm việc làm cho người lao động.
Số người trong tuổi lao động ở khu vực thành thị không có việc làm trong nền kinh tế quốc dân còn chiếm tỷ trọng lớn (7,11%); tỷ lệ lao động được sử dụng nói chung ở khu vực nông thôn mới đạt 72,60%. Tuy Hà Nam có nhiều cố gắng trong lĩnh vực dạy nghề và giải quyết việc làm, nhưng với đặc điểm là một tỉnh thuần nông, công nghiệp và dịch vụ phát triển yếu, vì vậy giải quyết việc làm cho các đối tượng vẫn là vấn đề bức xúc. Dư thừa lao động vẫn là bài toán đặt ra cho các nhà kinh tế Hà Nam trong những năm tới.
Cơ cấu lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân chia theo ngành kinh tế của toàn tỉnh đã có sự dịch chuyển khá rõ rệt theo hướng công nghiệp hoá. Đường lối phát triển kinh tế - xã hội do những Đại hội Đảng toàn quốc trong những năm gần đây đề ra đã và đang tạo ra những chuyển biến trong cơ cấu lao động và cơ cấu sử dụng lao động trong các ngành kinh tế. Lao động trong khu vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại... ngày càng tăng. Lao động trong khu vực nông nghiệp ngày càng giảm. Đây là xu hướng tất yếu đang diễn ra ở Hà Nam nói riêng và cả nước cũng như các nước đang phát triển nói chung.
III. MỨC SỐNG DÂN CƯ HIỆN NAY
1. Chỉ tiêu lương thực bình quân đầu người
Nhờ tổng sản lượng lương thực có hạt hàng năm tăng nên sản lượng lương thực có hạt bình quân đầu người trong tỉnh cũng tăng lên qua các năm. Tại Hà Nam, nếu như năm 1995 đạt bình quân 447 kg/người/năm thì đến năm 2003 đã đạt bình quân 501 kg/người/năm. Trong khi đó, bình quân chung của cả nước là 363,1 kg/người vào năm 1995 và 462,9 kg/người vào năm 2003.
Nếu xét theo đơn vị hành chính thì huyện Bình Lục và huyện Duy Tiên luôn có mức bình quân lương thực đầu người rất cao. Năm 2003, lương thực có hạt bình quân đầu người của huyện Bình Lục đạt 612 kg/người; huyện Duy Tiên là 598 kg/người. Tiếp đến là huyện Thanh Liêm đạt 552 kg/người; huyện Kim Bảng đạt 529 kg/người, huyện Lý Nhân đạt 409 kg/người và thị xã Phủ Lý, nơi có bình quân lương thực đạt thấp nhất tỉnh là 184 kg/người.
Là một tỉnh có giá trị sản xuất nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng lớn trong GDP; trong những năm tới, Hà Nam vẫn xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, tiếp tục đầu tư, tập trung cao cho nông nghiệp phát triển ổn định, vững chắc làm cơ sở để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đồng thời từng bước nâng cao đời sống nhân dân trong tỉnh, ở địa phương nào cũng thấy xuất hiện các mô hình công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, nhằm đưa chuyển dịch cơ cấu kinh tế lên tầm cao mới, làm tiền đề để phát triển công nghệ, dịch vụ, du lịch.
Từ năm 1996 trở lại đây, tỷ trọng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp có xu hướng giảm. Trong khi đó tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng có xu hướng tăng. Điều này chứng tỏ việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Hà Nam đang diễn ra nhưng còn chậm.
Năm 2002, toàn tỉnh có 77 hộ có trang trại nhưng tập trung chủ yếu ở huyện Kim Bảng - nơi mà diện tích đất lâm nghiệp chiếm tới 32% tổng diện tích đất toàn huyện - 41 hộ; huyện Bình Lục có 24 hộ. Trong khi đó, huyện Thanh Liêm có 8 xã miền núi thì lại không có trang trại nào.
2. Nhà ở
Về nhà ở, năm 2002 toàn tỉnh Hà Nam có 186.976 căn nhà, trong đó có 49.058 nhà được xây kiên cố, 125.470 nhà bán kiên cố và 12.448 nhà không kiên cố. Nhìn toàn cảnh, phổ biến nhất là loại nhà bán kiên cố được xây dựng ở khắp nơi và chiếm tỷ trọng trên 60%, còn loại nhà không kiên cố (tranh, tre, nứa, lá...) chiếm tỷ trọng không nhiều - 6,66%. Địa phương có tỷ trọng nhà kiên cố cao nhất là thị xã Phủ Lý - 35,24% (tỷ trọng này của tỉnh là 26,24%), tiếp đến là huyện Kim Bảng - 28,91%; huyện Thanh Liêm - 27,76%; huyện Duy Tiên - 24,54%; huyện Bình Lục - 24,30% và cuối cùng là huyện Lý Nhân - địa phương có tỷ trọng nhà kiên cố thấp nhất tỉnh - 22,98%. Hiện nay toàn tỉnh đang phấn đấu xoá bỏ nhà tranh tre nứa lá.
3. Các điều kiện, tiện nghi sinh hoạt khác
Năm 2002, toàn tỉnh có 198.676 hộ được dùng điện (chiếm 98,70%); 2.615 hộ chưa dùng điện (chiếm 1,13% tổng số hộ trong tỉnh). Số hộ dùng điện trong tỉnh phân bố như sau: huyện Lý Nhân chiếm nhiều nhất (23,46%); tiếp đến là huyện Bình Lục (19,45%); huyện Thanh Liêm (16,83%); huyện Duy Tiên (16,33%); huyện Kim Bảng (15,59%) và cuối cùng là thị xã Phủ Lý (8,34%).
Tuy nhiên, nếu tính theo huyện, thị thì huyện Bình Lục có số hộ chưa dùng điện chiếm tỷ lệ cao nhất, số hộ này chiếm 2,45% tổng số hộ trong huyện; sau đấy là huyện Kim Bảng (2,16%); thị xã Phủ Lý (1,75%). Các huyện còn lại, tỷ lệ này chiếm dưới 1%.
Hiện nay, nước dùng cho sinh hoạt của người dân trong tỉnh được cung cấp từ nhiều nguồn. Toàn tỉnh có 27 công trình cấp nước tập trung, phân bố như sau: thị xã Phủ Lý - 2; Kim Bảng - 18; Thanh Liêm-2; Lý Nhân-1 và Bình Lục-4. Riêng huyện Duy Tiên không có công trình nào.
Tỉnh Hà Nam có 201.291 hộ gia đình, trong đó có khoảng 13.000 hộ được dùng nước từ nguồn cấp nước tập trung; 127.545 hộ dùng nước giếng (chiếm 63,36% tổng số hộ trong tỉnh), các hộ còn lại dùng nước từ những nguồn khác (nước sông, nước mưa...).
Số hộ dùng nước từ nguồn cấp nước tập trung sống chủ yếu ở thị xã Phủ Lý và huyện Kim Bảng, chiếm khoảng 82% tổng số hộ được cung cấp từ nguồn nước này. Trong số hộ dùng nước giếng thì có 50.777 hộ dùng nước từ giếng đào có thành xây hợp vệ sinh (39,81% tổng số hộ dùng nước giếng); 17.778 hộ dùng nước từ giếng đào có thành xây chưa hợp vệ sinh (13,94%); 49.354 hộ dùng nước giếng khoan (38,69%); còn lại là các hộ dùng nước giếng khác.
Ngoài điện, nước là những điều kiện cần thiết cho cuộc sống; do kinh tế phát triển, mức sống được nâng cao, nhiều hộ gia đình đã mua sắm những tiện nghi đắt tiền, phục vụ cho cuộc sống tinh thần và phát triển kinh tế gia đình như: toàn tỉnh có 548 hộ có ô tô; 22.802 hộ có xe máy; 7.402 hộ có điện thoại; 128.545 hộ có tivi; 41.594 hộ có đầu video và 149 hộ có máy tính. Các hộ có những tiện nghi này được phân bố theo các huyện, thị như sau:
4. Về chăm sóc sức khoẻ
Trong nhiều năm qua, công tác quản lý Nhà nước về y tế ở Hà Nam ngày càng được tăng cường và có chiều sâu. Đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn cả về số lượng và chất lượng. Các đơn vị y tế làm tốt công tác quản lý các bệnh xã hội như lao, phong, tâm thần và mổ giải phóng mù lòa cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì kết quả thanh toán bệnh bại liệt và loại trừ bệnh phong trên quy mô toàn tỉnh. Hiện nay, mạng lưới y tế cơ sở thôn xóm, công tác vệ sinh phòng bệnh được triển khai rộng rãi tại cộng đồng từ các hoạt động vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, đến vệ sinh lao động, vệ sinh trường học... Công suất sử dụng giường bệnh tuyến tỉnh đạt 97%, tuyến huyện đạt 95%. Các trạm y tế cơ sở đã làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại cộng đồng, thực hiện khám và điều trị ngoại trú cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế tại 76/116 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Đến nay, tỷ lệ bác sỹ công tác tại trạm y tế cơ sở đạt 60%; 90% thôn xóm, đội sản xuất có nhân viên y tế.
Ngoài những bệnh viện, phòng khám đa khoa, bệnh viện đông y của tỉnh Hà Nam được thành lập với quy mô 50 giường bệnh. Bên cạnh việc chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh, bệnh viện còn đẩy mạnh hoạt động sản xuất thuốc và đã có nhiều sản phẩm được phép lưu hành toàn quốc.
5. Sự phân hoá giàu - nghèo trong dân cư
Đến nay, các khu công nghiệp lớn ở Hà Nam chưa nhiều. Hơn 60 làng nghề thủ công truyền thống ở các huyện đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Tuy vậy, sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế... vẫn tiếp tục có bước phát triển.
Đời sống vật chất, tinh thần nhân dân trong tỉnh có nhiều cải thiện và đổi mới. Bộ mặt nông thôn với cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm ngày một phát triển: ánh sáng điện về làng; ô tô, xe máy về tận xóm; loa, đài, tivi mang văn hoá, văn minh về từng hộ... Đó là những thành tựu đáng tự hào, minh chứng cho những thay đổi mang tính cách mạng của tỉnh Hà Nam. Đã mãi mãi đi vào dĩ vãng cái cảnh “chiêm mất đằng chiêm, mùa mất đằng mùa”; “bóng thuyền thấp thoáng vờn trên vách, sóng nước long bong vỗ trước nhà” của nông thôn Hà Nam.
Theo chuẩn mới áp dụng cho 5 năm (2001 - 2005) thì hộ nghèo có mức thu nhập bình quân đầu người 1 tháng theo giá hiện hành như sau:
- Nông thôn miền núi, hải đảo: dưới 80.000 đồng
- Nông thôn đồng bằng: dưới 100.000 đồng
- Thành thị: dưới 150.000 đồng
Theo chuẩn này, tỉnh Hà Nam đã tiến hành điều tra đánh giá hiện trạng hộ nghèo, kết quả cho thấy: năm 2002, toàn tỉnh có 36.420 hộ nghèo chiếm 18,09% tổng số hộ trong tỉnh. Trung bình mỗi hộ có 4 nhân khẩu, như vậy, năm 2002 ước tính tỉnh Hà Nam có khoảng 158.440 người nghèo.
Số hộ nghèo này nằm chủ yếu ở 3 huyện: Lý Nhân chiếm tỷ lệ 28,11% tổng số hộ nghèo trong tỉnh; Kim Bảng - 21,25% và Thanh Liêm - 19,84%. Hai huyện chiếm tỷ lệ thấp hơn là huyện Duy Tiên - 14,15% và huyện Bình Lục - 12,61%. Thị xã Phủ Lý chiếm tỷ lệ số hộ nghèo thấp nhất tỉnh - 4,06%.
Nếu tính tỷ lệ hộ nghèo theo huyện/thị thì ta thấy: huyện có tỷ lệ số hộ nghèo cao nhất là huyện Kim Bảng - 24,45% tổng số hộ trong huyện; tiếp đến là huyện Lý Nhân (21,82%), Thanh Liêm (21,45%), Duy Tiên (15,83%), Bình Lục (11,59%) và cuối cùng là thị xã Phủ Lý (8,75%).
Qua 3 năm triển khai thực hiện chương trình quốc gia xoá đói, giảm nghèo bằng các dự án: di dân phát triển vùng kinh tế mới, chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chương trình làm kinh tế theo mô hình VAC, chương trình hỗ trợ người nghèo về giống vốn, kiến thức, kinh nghiệm làm ăn... của các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội đã giúp cho hàng vạn người nghèo đói vươn lên hoà nhập vào cuộc sống cộng đồng. Vì vậy, năm 2002, trong tỉnh Hà Nam không còn hộ đói; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 18,09%. Hiện nay toàn tỉnh đang phấn đấu hạ thấp tỷ lệ các hộ nghèo xuống còn 10% vào năm 2005 (theo chuẩn mới).
IV. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN DÂN SỐ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN LAO ĐỘNG TRONG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI CỦA TỈNH ĐẾN NĂM 2010
Từ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hướng phát triển dân số và sử dụng nguồn lao động trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Nam giai đoạn 2001 - 2010 tập trung vào các nội dung sau:
- Phát triển hợp lý dân số, mà trước mắt là ổn định tốc độ tăng tự nhiên 1,08% cho toàn tỉnh.
- Hình thành cơ cấu, chất lượng dân số và nguồn lao động phù hợp với quy mô cơ cấu kinh tế của tỉnh; nâng cao chất lượng lao động, đào tạo công nhân kỹ thuật và cán bộ chuyên môn; tăng nhanh tỷ trọng lao động kỹ thuật trong dân số và nguồn lao động.
- Tạo việc làm cho người lao động bằng việc đẩy nhanh việc khai thác các tiềm năng kinh tế, phát triển sản xuất, mở rộng liên kết kinh tế với bên ngoài và tỉnh bạn, trong đó chú trọng phương thức vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo nguyên vật liệu...
- Đẩy mạnh phân bố sử dụng nguồn lao động theo các ngành kinh tế, tạo sự ổn định theo hướng tích cực là tăng dần lao động công nghiệp (bao gồm cả tiểu thủ công nghiệp), lao động trong lĩnh vực phi sản xuất vật chất, đặc biệt là những ngành trực tiếp phục vụ sản xuất như nghiên cứu khoa học, ứng dụng... và phục vụ con người (y tế, giáo dục, văn hoá, phục vụ công cộng...)
- Thực hiện tốt việc phân bố lại lao động theo các thành phần kinh tế, trong đó kinh tế quốc doanh đóng vai trò nòng cốt, đặc biệt trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao năng suất lao động xã hội. Kinh tế tập thể và kinh tế gia đình sẽ là khu vực lớn nhất thu hút nguồn lao động tăng lên hàng năm. Còn kinh tế tư nhân (tiểu chủ và cá thể) có quy chế và chính sách hướng dẫn sự phát triển nhằm phát huy tính tích cực và tận dụng nguồn vốn, tận dụng trang thiết bị kỹ thuật, kinh nghiệm kinh doanh, quản lý... nhằm đóng góp vào phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho người lao động.
- Đẩy mạnh phân bố lao động theo lãnh thổ, thực hiện tốt chiến lược phát triển dân số và phân bố lại dân cư, lao động của cả nước; nhằm sử dụng, khai thác đầy đủ hợp lý các tiềm năng tự nhiên, kinh tế của tỉnh.
V. HỆ THỐNG QUẦN CƯ
1. Lịch sử hình thành các điểm quần cư trên lãnh thổ Hà Nam
Cùng với sự ra đời sớm của cộng đồng người Việt là sự xuất hiện sớm các loại hình quần cư cư trú trên toàn bộ lãnh thổ đất nước. Trong sự hình thành và phát triển của cộng đồng dân tộc đi đôi với sự tiến lên của lực lượng sản xuất, từ các điểm quần cư cư trú rời rạc, phụ thuộc vào thiên nhiên và mang nặng tính chất xã hội truyền thống ban đầu, đã hình thành từng bước một hệ thống quần cư quốc gia, phản ánh sâu sắc đặc điểm môi trường bao quanh, đặc điểm kinh tế - xã hội, tâm lý và tập quán sinh hoạt từng địa phương cùng với bản sắc văn hoá chung.
Làng xã là đơn vị tụ cư, đơn vị kinh tế - xã hội, đơn vị hành chính cơ sở của xã hội Việt Nam. Đó là nơi sản sinh và bảo tồn những giá trị văn hoá dân tộc. Hai từ: một Nôm (làng), một Hán - Việt (xã), được dùng phổ biến, cùng có chung một khái niệm - đơn vị tổ chức cơ sở. Cùng một khái niệm này, còn có nhiều từ ngữ khác (như lý, hương, ấp, trang, giáp...) tuỳ thuộc vào từng thời kỳ lịch sử, địa phương, quá trình khai thác đất đai và tụ cư, quy mô tổ chức...
Từ thế kỷ X, khi mới giành quyền tự chủ, hương được đổi thành giáp. Thời Lý - Trần, đơn vị giáp, hương còn thấy ghi khá nhiều trong sách vở, bia đá, chuông đồng. Từ thế kỷ XV trở về sau, các từ xã, thôn ngày càng phổ biến trong văn bản, giấy tờ. Trong khi đó, cho đến đầu thế kỷ XX, trong ngôn từ của người dân, mỗi khi nói về quê hương, chốn cư ngụ, vẫn thường nói làng này, làng kia, hơn là thôn này, xã nọ. Từ làng in đậm dấu ấn trong ý nghĩ, tình cảm, ngôn ngữ thường ngày hơn các từ xã, thôn. Từ giữa thế kỷ XX trở về sau, qua nhiều thay đổi trong tổ chức cơ sở, từ làng ít được nhắc tới, và từ hầu như thống nhất được dùng nhiều trong lời nói và văn bản là xã.
Tên làng xã phản ánh địa hình, khung cảnh thiên nhiên, môi trường sinh thái của khu vực cư trú: rừng núi, sông biển, nơi cao, nơi thấp (Đọi Sơn, Mộc Bắc, Mộc Nam, Tân Sơn, Liên Sơn...). Chúng ghi lại những nét đặc trưng của phong vật địa phương (Châu Giang, Ngọc Sơn...). Tên làng xã cũng thể hiện sự tiếp nhận những khái niệm đạo đức của Nho giáo như: Công Lý, Đức Lý, Đạo Lý, Nhân Đạo, Nhân Chính, Tiến Thắng, Hoà Hậu...
Tổ chức xã hội và hình thái cư trú của người Việt rất chặt chẽ. Thôn xóm, làng xã, phố phường xếp đặt theo một trật tự thống nhất về truyền thống nhưng đa dạng theo từng địa phương. Mật độ cư trú và hình thế làng gắn liền với nền kinh tế lúa nước, nghề thủ công và nghề đánh cá, đi sông, trồng rừng.
Ngày nay, đất nước ta đã bước sang thời kỳ phát triển mới cùng với quá trình đô thị hoá nảy sinh trong công cuộc công nghiệp hoá đang chi phối sự vận động của hai loại hình quần cư cơ bản là nông thôn và đô thị.
2. Sự phân bố các điểm quần cư ở Hà Nam
Với 89,13% cư dân sống ở nông thôn, hoạt động chủ yếu trong nông nghiệp, lâm nghiệp và tiểu thủ công nghiệp truyền thống, các loại hình quần cư ở nông thôn Hà Nam giữ vị trí nổi bật trong hệ thống quần cư thống nhất của đất nước. Các loại hình đó vừa gắn liền với đặc điểm tự nhiên, đặc điểm sản xuất của từng địa phương, vừa phản ánh đặc thù văn hoá của cộng đồng người cư trú tại địa phương đó. Ở Hà Nam, sự khác biệt địa phương thể hiện rõ nét trong các loại hình cư trú truyền thống tại đồng bằng, trung du và miền núi.
Trong từng khu vực địa lý cư trú lại có sự khác biệt giữa nơi này với nơi khác. Ngày nay các loại hình cư trú truyền thống đó đang biến đổi mạnh mẽ. Một số yếu tố mới và loại hình cư trú mới đang xuất hiện làm cho diện mạo cư trú nông thôn Hà Nam càng trở nên phong phú và đa dạng hơn.
Trên địa bàn tỉnh Hà Nam không có ấp, bản; chỉ có thôn, làng, xóm. Theo quyết định số 590 ngày 24/7/2000 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Nam thì khái niệm làng, xóm tương đương với thôn nên gọi chung là thôn.
Hiện nay toàn tỉnh có 1.206 thôn, trong đó: thị xã Phủ Lý có 48 thôn; Duy Tiên - 162 thôn; Kim Bảng - 197 thôn; Thanh Liêm - 204 thôn; Lý Nhân - 341 thôn và huyện Bình Lục có 254 thôn.
Vì thôn được hình thành từ xa xưa theo địa hình tự nhiên, không có sự thống nhất nên quy mô của các thôn khác nhau. Thôn có số dân đông nhất trong tỉnh là thôn Nhất, xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên: 2.915 nhân khẩu. Thôn có số dân thấp nhất trong tỉnh là thôn An Ninh, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục: 52 nhân khẩu (tên thường gọi là xóm trại An Ninh).
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 100 tổ dân phố, nằm chủ yếu ở các thị xã, thị trấn, cụ thể: thị xã Phủ Lý - 89 tổ dân phố; huyện Duy Tiên - 07 tổ; huyện Lý Nhân - 03 tổ và huyện Thanh Liêm - 01 tổ. Tổ dân phố có số dân đông nhất trong tỉnh là tố 11B phường Lương Khánh Thiện thị xã Phủ Lý: 1.372 nhân khẩu. Tổ dân phố có số dân thấp nhất trong tỉnh là tổ 19 phường Lê Hồng Phong thị xã Phủ Lý: 71 nhân khẩu (phường Lê Hồng Phong mới thành lập năm 2000; tổ 19 gồm toàn cán bộ viên chức).
Căn cứ vào chức năng sản xuất khác nhau mà tất cả các điểm dân cư đó (thôn xóm, tổ dân phố) được chia thành các loại quần cư, đó là loại hình cư trú nông thôn và loại hình cư trú thành thị.
2.1. Các loại hình quần cư nông thôn
Theo kết quả thống kê của các huyện, thị tại thời điểm 1/7/2000, Hà Nam có 807.312 người. Trong đó: thành thị có 87.767 người, chiếm 10,87%; nông thôn có 719.545 người, chiếm 89,13% tổng số dân toàn tỉnh.
Trong loại hình cư trú nông thôn, dân cư thường tham gia sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với các ngành nghề truyền thống có từ lâu đời như trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc và gia cầm, đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản, các ngành nghề thủ công mỹ nghệ...
Việc tạo ra đầy đủ những phương tiện vật chất cần thiết để cho các ngành sản xuất đó vận hành và ngày càng phát triển, cũng như việc hình thành các ngành sản xuất mới, duy trì các ngành nghề truyền thống của địa phương, đưa dân vào chuyên môn hoá và phát triển tổng hợp... đã làm cho mối giao lưu kinh tế giữa các ngành nghề, giữa các địa phương ngày càng phát triển; tăng cường các mối liên kết kinh tế, nhu cầu của thị trường và cùng với nó là sự phát triển của mạng lưới giao thông vận tải giữa các vùng nông thôn với nhau, nông thôn với thành thị sẽ giữ vai trò quyết định cho sự hình thành cơ cấu kinh tế trong loại hình nông thôn.
2.1.1. Loại hình cư trú truyền thống ở đồng bằng
Hà Nam là địa bàn cư trú chủ yếu của người Việt. Tại đây người Việt (Kinh) cư trú tập trung thành từng làng, theo trật tự dày đặc. Mỗi làng là một điểm dân cư với những chức năng kinh tế - xã hội bắt nguồn từ chế độ công xã nông thôn ra đời khá sớm trong lịch sử Việt Nam. Các làng mạc thường tập trung ven các dòng sông hoặc trên các đống đất cao. Làng, xã thường có quy mô khác nhau về dân số. Nhỏ nhất là vài trăm người, trung bình đến ba bốn nghìn người, cũng có khi lên tới hơn một vạn người. Những điểm quần cư này phù hợp với nền nông nghiệp cổ truyền mà đặc điểm chủ yếu là sản xuất lúa nước, thủ công nghiệp gắn liền với hoạt động nông nghiệp hoặc dưới hình thức hoạt động phụ trong những thời gian nông nhàn hoặc đã trở thành độc lập, chuyên môn hoá một hay vài sản phẩm nhất định (thêu ren, đan lát, dệt, rèn, mỹ nghệ truyền thống, thậm chí một bộ phận nhất định của một sản phẩm hàng hoá như khung nón, nắp bồ, tấm tre đan).
Một số thôn tập hợp thành một xã, được coi là tế bào hành chính cơ sở trên lãnh thổ. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, làng xã người Việt đã giữ một vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp sức người, sức của cho đất nước, giữ vững cốt cách văn minh dân tộc, không bị chao đảo khi kẻ thù âm mưu đồng hoá. Làng xã, đó là bộ khung tạo hình cho diện mạo nông thôn Việt Nam qua ngàn đời kế tiếp nhau, một nông thôn cơ bản là khép kín với một nền kinh tế tự túc.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội hiện nay, ở nông thôn, làng xã đồng bằng đã và đang thay đổi mạnh mẽ về quy mô, cấu trúc và hình thái. Từ những điểm nhỏ, làng xã đang được tổ chức lại thành những cấu trúc lãnh thổ mới. Nhà cửa được xây cất cao ráo, thoáng mát hơn, với những vật liệu bền hơn. Nhiều công trình công cộng, kinh tế, văn hoá xuất hiện như nhà kho, sân phơi, trạm phát điện, trạm bơm, xưởng chế biến nông sản, sửa chữa công cụ, cửa hàng mua bán và tín dụng, trường học và nhà văn hoá, nhà trẻ, sân vận động, trạm xá.
Trung tâm xã thường là trụ sở uỷ ban nhân dân cùng với nhà văn hoá và cơ sở giáo dục, y tế. Mạng lưới đường giao thông trong làng, xã cũng từng bước được cải tạo và mở rộng cho xe thô sơ và cơ giới đi lại. Một khung cảnh nông thôn mới với bờ vùng, bờ thửa, hệ thông kênh rạch, đường giao thông được quy hoạch lại với những hàng cây thẳng tắp và nhà cửa được ngói hoá cơ bản. Đó là cảnh quan văn hoá mới của nông thôn Hà Nam sau chiến tranh, một nông thôn mở cửa dần để đón đời sống hiện đại.
Tuy nhiên, trong từng loại hình cư trú truyền thống ấy của đồng bằng, tuỳ thuộc vào đặc điểm phân hoá tự nhiên, lịch sử văn hoá - xã hội, cũng có những đặc tính riêng biệt, về cơ bản chúng ta thấy nổi lên một số loại hình sau đây:
2.1.2. Loại hình cư trú vùng trồng lúa nước.
Loại này đặc trưng cho vùng trồng lúa hai hoặc ba vụ. Làng mạc ở đây vừa theo trật tự dày, vừa có quy mô lớn và chiếm ưu thế về số lượng trong nông thôn Hà Nam.
2.1.3. Loại hình cư trú kết hợp nông nghiệp với thủ công nghiệp.
Đây là loại hình cư trú phổ biến ở những vùng quanh đô thị và các thị trấn với hoạt động sản xuất có tỷ trọng hàng hoá cao hơn nơi khác. Hoạt động thủ công nghiệp khẩn trương quanh năm hoặc theo thời vụ. Quy mô làng xóm thường lớn, nhà cửa khang trang, trật tự quần cư dày đặc có khi chen chúc dọc theo đường làng ngõ xóm lát gạch hoặc đổ bê tông.
2.1.4.Loại hình cư trú kết hợp giữa nông nghiệp và ngư nghiệp.
Loại hình này phổ biến dọc sông, nam giới hướng ra sông đánh cá và khai thác đặc sản, nữ giới thường hướng về đồng ruộng để trồng trọt và chăn nuôi, tuy gần đây có tham gia vào đánh bắt thuỷ sản. Các điểm dân cư này thường không lớn, phân bố theo tuyến dài, trên các bờ sông hoặc trên các gò cao gần sông vừa tiện cho việc khai thác thuỷ sản phía trước, vừa tiện cho công việc trên đồng ruộng phía sau.
2.2. Các loại hình cư trú ở trung du - miền núi
Loại hình này đặc trưng cho nền sản xuất nông lâm nghiệp kết hợp của các cư dân cư trú tại vùng trung du và vùng núi Hà Nam, nhất là những vùng núi sót của huyện Kim Bảng và huyện Thanh Liêm.
Nói chung các điểm quần cư theo kiểu này thường phân bố ở trên các cánh đồng bồn địa, hoặc tập trung men theo sườn đồi, hướng về một đường giao thông bộ hay một con suối lấy nước, hoặc rải ra theo những sườn đồi hướng về các cánh đồng ruộng khác nhau nhưng đều gần nguồn nước và gần nơi lao động nông lâm kết hợp.
Các làng xóm loại hình cư trú này có quy mô lớn hay nhỏ phụ thuộc vào diện tích đất canh tác nông lâm nghiệp. Phần lớn các điểm dân cư này có số dân hạn chế so với số dân ở các vùng đồng bằng.
Sản xuất của cư dân trong loại hình quần cư này đã theo cung cách mới: trồng trọt, chăn nuôi, tu bổ rừng, lập vườn rừng và khai thác lâm sản.
2.3. Các điểm dân cư mới xuất hiện
Trong công cuộc bước đầu đi vào xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, trên phạm vi toàn tỉnh đã xuất hiện một số loại hình cư trú mới: đó là các công trường xây dựng giao thông, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, quốc phòng, cùng với các điểm dân cư mới của đồng bào lên xây dựng kinh tế mới ở trung du và miền núi.
Những làng mới ra đời như là một sự vận động tự thân cần thiết của cộng đồng làng, xã. Trong những năm gần đây, tại Hà Nam đã xuất hiện một số làng mới như: làng Hồng Sơn thuộc xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng được thành lập vào những năm đầu của thập kỷ 80; làng thanh niên Ba Sao cũng nằm trong huyện Kim Bảng được thành lập vào những năm đầu của thập kỷ 90...
Đặc trưng chung của các loại hình cư trú mới nêu trên là có quy hoạch mặt bằng sản xuất, sinh hoạt với cơ cấu hạ tầng tương đối rõ nét; nhà cửa được xây dựng theo một quy hoạch kiến trúc tổng thể, hướng về tương lai. Đời sống đồng bào đi dần vào tổ chức, với trường học, trạm xá, nhà văn hoá, hệ thống truyền thanh. Cơ sở sản xuất bao gồm các trạm, trại, các xí nghiệp sơ chế hoặc tinh chế, các cơ sở sửa chữa...
Các điểm dân cư mới xuất hiện đang làm thay đổi diện mạo cư trú ở trung du và miền núi, tác động mạnh mẽ đến các điểm cư trú truyền thống của nhân dân, góp phần đưa miền núi từng bước đổi mới đi theo con đường xã hội chủ nghĩa và những tiến bộ khoa học kỹ thuật trước hết làm thay đổi tầm nhìn và cách nghĩ, cách làm. Đồng thời đó là cơ sở ban đầu trong việc phân công lại lao động theo lãnh thổ và tiến tới “đô thị hoá” từng bước nông thôn miền núi.
2.4.Các loại hình quần cư đô thị
Về mặt quản lý theo thể chế hiện nay, trên lãnh thổ Hà Nam có các loại hình quần cư đô thị như sau: thị xã Phủ Lý là thủ phủ, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá chính của tỉnh, do tỉnh quản lý; thị trấn thường là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá chính của huyện, nhưng cũng có thể chỉ là một nơi sinh hoạt kinh tế tấp nập không phải là huyện lỵ và do huyện quản lý; thị tứ thường là trung tâm của thôn, xã tổ chức theo kiểu thị trấn với các cơ sở buôn bán, dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp và bán dịch vụ, trao đổi hàng hoá liên xã.
Năm 2000, tỷ trọng dân cư thành thị của Hà Nam chiếm 8,89%; nông thôn chiếm 91,11%. Còn ở Việt Nam, năm 2000 tỷ trọng dân số thành thị chiếm 23,97%, nông thôn chiếm 76,03%.
Theo thống kê năm 2002 thì Hà Nam có 1 thị xã và 6 thị trấn, trong đó thị xã Phú Lý có 70.026 người, chiếm 68,20% tổng số dân thành thị của tỉnh; 3 thị trấn có số dân từ 5.000 - 9.000 người (Bình Mỹ, Vĩnh Trụ, Kiện Khê) và 3 thị trấn có số dân từ 3.000 đến dưới 5.000 người (Hoà Mạc, Đồng Văn, Quế). Số dân đô thị toàn tỉnh là 102.678 người, chiếm 12,94% so với số dân toàn tỉnh. Điều này chứng tỏ tỷ trọng dân cư đô thị của Hà Nam thấp hơn rất nhiều so với tỷ trọng dân cư đô thị chung của cả nước. Nó cũng chứng tỏ rằng quá trình đô thị hoá ở Hà Nam diễn ra chậm. Trong mạng lưới đô thị Hà Nam, đô thị trong thế phát triển phải kể đến thị xã Phủ Lý.
Căn cứ vào chức năng chính của các đô thị là chức năng tổ chức lãnh thổ kinh tế vùng, chúng ta có thể thấy ở Hà Nam một số loại hình đô thị như sau:
2.4.1. Loại hình đô thị là trung tâm phức hợp kinh tế, văn hoá, chính trị, v.v... có tầm quan trọng đối với cả tỉnh, đó là thị xã Phủ Lý.
Thời Pháp thuộc, Phủ Lý là một thị xã nhỏ bé nằm bên bờ sông Châu, giáp sông Đáy. Tuy gọi là thị xã, nhưng vẫn còn mang nhiều dáng dấp nông thôn, có nhiều hồ ao, với các bụi tre, các hàng cây xoan ta có những cánh hoa tím, có mùi thơm ngát rơi lả tả trên đường đi.
Dân số cao nhất của thị xã thời bấy giờ cũng chỉ có trên ba ngàn người mà phần lớn ở các khu phố người Việt, làm đủ nghề, có đủ các hàng quán, cho đến các hiệu ăn, hiệu tạp hoá, hiệu chụp ảnh, hiệu sửa xe đạp... Có 5 - 6 cửa hàng người Tàu bán tạp hoá, cân thóc gạo, bán thuốc bắc. Cả tỉnh chỉ có một trường tiểu học, hết lớp 5, muốn học thêm phải về Nam Định hoặc Hà Nội. Gần trường học là các dinh thự của các quan lại người Việt Nam. Cạnh đấy là một bệnh viện nhỏ, mà cũng là bệnh viện chính của tỉnh.
Thời chống Mỹ, diện tích thị xã Phủ Lý chỉ có bốn cây số vuông. Từ khi tái lập tỉnh (01/01/1997), thị xã trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng và được mở mang to rộng, thoáng đãng hơn. Sau khi có Nghị định 53/2000/NĐ-CP ngày 25/9/2000 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính, mở rộng thị xã Phủ Lý thì diện tích của thị xã đã tăng lên 34,25km2. Trong đó diện tích nội thị chỉ chiếm khoảng 1km2, còn lại là các xã ngoại thị.
Các xã này, ngoài việc sản xuất nông nghiệp còn phát triển ngành nghề dịch vụ như: chế biến lương thực thực phẩm, trồng hoa cây cảnh, chăn nuôi theo hướng công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng... Các ngành nghề này phát triển một cách tự phát và phần nào đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của xã hội.
Năm 2002, giá trị tổng sản lượng nông nghiệp của thị xã đạt 25.683,906 triệu đồng; giá trị tổng sản lượng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đạt 36.516 triệu đồng; thu ngân sách 854.443 triệu đồng; chi ngân sách 741.731,037 triệu đồng.
Hiện nay, toàn thị xã có 16.874 hộ với 70.026 nhân khẩu, trong đó, nhân khẩu nữ có 36.893 người. Trên địa bàn thị xã có 4 hộ có trang trại, 124 hộ có ô tô, 2.383 hộ có điện thoại, 13.290 hộ có tivi, 65 hộ có máy tính.
Thị xã có 37 trạm biến áp với 39,75 km đường điện cao thế và 71,4km đường điện hạ thế. Số hộ dùng điện là 16.579, số hộ chưa dùng điện là 295.
Hệ thống giao thông được mở rộng và nâng cấp thường xuyên. Cụ thể: đường được bê tông hoá có 12,5km; đường được nhựa hoá - 14km; đường đá hoá - 31,2km.
Về giáo dục đào tạo: Thị xã có 23 trường học. Trong đó tiểu học có 10 trường với 158 phòng học; trung học cơ sở có 9 trường với 102 phòng học và 4 trường phổ thông trung học (trong đó có 1 trường dân lập).
Về y tế: Toàn thị xã có 13 cơ sở y tế, trong đó: 2 bệnh viện với 430 giường bệnh, 1 phòng khám đa khoa với 30 giường bệnh, 10 trạm y tế xã/phường với 46 giường bệnh. Đội ngũ cán bộ y tế có 346 người làm ngành y và 49 người làm ngành dược.
Toàn thị xã có 15.464 căn nhà, trong đó: 5.450 nhà kiên cố; 9.574 nhà bán kiên cố và 440 nhà không kiên cố.
Ngoài ra, thị xã còn có 1 sân vận động khá bề thế; 2 công trình cấp nước sạch tập trung.
2.4.2. Loại hình đô thị là trung tâm phức hợp kinh tế, văn hoá, chính trị, v.v... có tầm quan trọng đối với huyện, đó là các thị trấn: Hoà Mạc, Đồng Văn, Quế, Bình Mỹ, Vĩnh Trụ, Kiện Khê.
Các thị trấn này hầu hết có quy mô nhỏ, diện tích tự nhiên khoảng từ 1,8 km2 đến 2,7 km2. Dân số cũng không lớn, từ 3.400 người đến 9.000 người.
Cơ sở vật chất của các thị trấn còn nghèo nàn. Thị trấn Bình Mỹ có số trạm biến áp nhiều nhất - 14 trạm với 1,18km đường điện cao thế và 6,62km đường điện hạ thế; thị trấn Kiện Khê có số trạm biến thế ít nhất - 2 trạm với 2,2km đường điện cao thế và 20km đường điện hạ thế.
Về giao thông: đã được nhựa hoá, bê tông hoá 100%.
Về giáo dục: trung bình mỗi thị trấn có 1 trường trung học phổ thông; 2 trường trung học cơ sở và trường tiểu học với số lượng; lớp học không nhiều.
Về y tế: Mỗi thị trấn (huyện lỵ) có 1 bệnh viện đa khoa với khoảng 100 giường bệnh; các huyện có 2 hoặc 3 phòng khám đa khoa, 1 trạm điều dưỡng với mỗi nơi khoảng 30 giường bệnh; mỗi xã/phường có 1 trạm y tế. Riêng thị trấn Vĩnh Trụ thì không có phòng khám đa khoa nhưng số trạm điều dưỡng nhiều hơn.
Ngoài ra, mỗi thị trấn có 1 sân vận động và hầu như không có bể bơi (thị trấn Hoà Mạc có 1 bể bơi).
Trong loại hình cư trú ở thành thị, dân cư đô thị ở Hà Nam ngày nay thường tham gia vào các ngành nghề chủ yếu như tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khoa học kỹ thuật và trực tiếp sản xuất ra tư liệu sản xuất phục vụ nông - lâm - ngư nghiệp.
2.5. Những vấn đề đô thị hoá và quá trình đô thị hoá
Quá trình đô thị hoá đã nảy sinh từ trong công cuộc công nghiệp hoá đang chi phối sự vận động cuả hai loại hình quần cư cơ bản là nông thôn và đô thị ngày càng đổi mới và đa dạng hoá. Hệ thống quần cư Việt Nam thống nhất đang được định hình trên các vùng kinh tế - xã hội khác nhau.
Cho tới khi kết thúc ách thống trị của thực dân Pháp, tỷ lệ dân thành thị ở Hà Nam không đáng kể. Trong những thập kỷ gần đây số dân thành thị tăng lên khá nhanh do nhiều nguyên nhân kinh tế - xã hội và lịch sử. Năm 1976, tỷ lệ dân cư thành thị chiếm 2,28%; năm 2000, tỷ lệ này tăng lên 10,87% và năm 2002 là 12,94%. Quá trình đô thị hoá đang đi lên từ từ là do kết quả tất yếu của bước ngoặt hiện nay trong công cuộc công nghiệp hoá XHCN. Thành thị ngày càng tỏ rõ ý nghĩa to lớn và giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân và đời sống xã hội.
Trước đây Phủ Lý được ôm bọc bởi sông Đáy, sông Nhuệ và sông Châu thì bây giờ nơi hội tụ ba con sông lại nằm gọn trong lòng thị xã. Tốc độ đô thị hoá tăng nhanh rõ rệt. Nhà ở của công sở và nhân dân được xây dựng gọn gàng đẹp mắt. Quốc lộ 1A - đoạn chạy qua thị xã Phủ Lý, được nắn lại thẳng tắp và đặt tên là đường Lê Hoàn, nối liền với chiếc cầu kiên cố mới bắc qua sông Châu ngày đêm tấp nập người, xe qua lại.
Chợ Trấn nằm bên bờ sông Châu từng bị huỷ diệt nặng nề trong chiến tranh, nay được xây dựng lại khang trang, to, rộng. Nhiều đường phố của thị xã Phủ Lý ngày càng sầm uất, cải tạo nâng cấp khá tốt.
Một số công sở của tỉnh và khu dân cư của thị xã được bố trí sang cả phía bờ phải sông Đáy. Công ty xi măng Bút Sơn, một công ty xi măng mạnh của ngành xi măng Việt Nam cách thị xã Phủ Lý khoảng 6 km về phía Tây. Quần thể thắng cảnh, di tích lịch sử văn hoá Đền Trúc - Ngũ Động Sơn, Chùa Bà Đanh
- Núi Ngọc... thuộc huyện Kim Bảng, cách thị xã Phủ Lý không xa là tiềm năng du lịch của tỉnh.
Tại các thị trấn huyện lỵ, quá trình đô thị hoá tuy đã bắt đầu nhưng diễn ra còn chậm.
Có thể nói, thị xã Phủ Lý cũng như 5 huyện khác của tỉnh Hà Nam đã và đang có những chuyển động mới, xuất hiện nhiều nhân tố tích cực, nhằm góp phần nhanh chóng đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh lên cao hơn nữa, xứng đáng với tiềm năng và sức bật của địa phương.
(Còn nữa)
Sáng 23/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội họp ở hội trường nghe trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số; báo cáo thẩm tra dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Sau đó, các đại biểu thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam thảo luận ở tổ 18.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, ngày 22/11, tại Kuala Lumpur, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Đảng Tổ chức thống nhất dân tộc Mã Lai (UMNO) Dato’ Seri Dr. Ahmad Zahid Hamidi và các lãnh đạo cấp cao trong Liên minh cầm quyền tại Malaysia.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.