Ông Trần Văn Thoát, thành viên Ban quản lý khu di tích cho biết: Đình Cao Đà thờ Ngũ vị thành hoàng gồm: Nam Hải Đại vương, Câu Mang Đại vương, Nguyễn Du Dược (Trung quân Đại tướng), Nguyễn Phổ Tế (Thủy sư Đại tướng) và thánh Lỗ Ban (ông tổ nghề mộc). Tháng 11/1996, cụm di tích đình và chùa Cao Đà được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật.
Theo tư liệu được lưu giữ nơi đình làng (dịch từ thần phả đình Cao Đà): Từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, vào ngày 24/2, ông bà họ Trương ở phủ Hà Trung, Thanh Hóa sinh được một người con trai diện mạo khác thường. Ông bà nghĩ đến mộng thấy rắn hổ mang nên đặt tên là Hổ Mang. Khi ông Hổ Mang lớn lên, cha mẹ lần lượt qua đời, ông lo liệu báo hiếu chu tất. Vua Thục An Dương Vương cầu người hiền tài ra giúp nước, ông Hổ Mang được trọng dụng, phong làm Tham tán Trưởng lý binh mã.
Có lần ông Hổ Mang đi kinh lý qua đất Cao Đà, thấy đất đẹp, nhân dân chất phác, hiền lành, ông ở lại dạy dân làm ruộng, giáo hóa làm điều nhân nghĩa. Tại Cao Đà có gia đình có hai anh em trai văn võ song toàn tên là Du Dược và Phổ Tế. Thân phụ hai ông mất sớm, thân mẫu đã già yếu. Khi Triệu Đà đem quân xâm chiếm nước ta, ông Hổ Mang dìu dắt hai anh em trở thành những vị tướng tài. Ông Hổ Mang được phong làm Đô đốc. Du Dược được phong làm Tướng Trung quân. Phổ Tế được phong làm Thủy sư Đại tướng. Ba ông chỉnh đốn binh mã vây hãm quân giặc, đánh bại âm mưu xâm chiếm nước ta của Triệu Đà. Ít lâu sau, vào ngày 15/5, ông Hổ Mang qua đời được truy phong là Câu Mang Đại vương thượng đẳng thần. Hai ông Du Dược và Phổ Tế đem thần hiệu của ông về Cao Đà thờ phụng. Thời gian sau, khi Thục An Dương Vương chủ quan, khinh địch, mất cảnh giác đã chấp thuận lời cầu hôn của Trọng Thủy (là con trai của Triệu Đà) với công chúa Mỵ Châu. Can ngăn không được, hai ông Du Dược và Phổ Tế xin từ quan về quê phụng dưỡng mẹ già. Khi mẹ mất, hai ông xây đền thờ trên khu lăng để thờ phụng.
Năm 205 trước Công nguyên, Thục An Dương Vương thất bại chạy vào vùng Diễn Châu, Nghệ An rồi nhảy xuống biển tự vẫn. Nghĩ tình quân vương, dân làng Cao Đà lập đền thờ tưởng niệm. Khi Triệu Đà đánh thắng nhà Thục, tự xưng là Nam Việt Vương, sắc chỉ về tìm hai ông Phổ Tế và Du Dược ra cộng sự. Giữ trọn tấm lòng trung thành với vua, với nước, hai ông đã khước từ. Biết không thoát khỏi tay của Triệu Đà hai ông nhảy xuống sông tự vẫn. Cảm phục tấm lòng trung nghĩa của hai ông, dân làng lập đền thờ cùng Nam Hải Đại vương.
Nói về lễ hội cụm di tích đình và chùa Cao Đà, ông Trần Văn Thoát chia sẻ: Hội đình và chùa làng Cao Đà đông và vui lắm. Năm nào cũng vậy, làng tổ chức lễ tế mở hội (khai hội) vào ngày 22/2 (âm lịch). Đội tế nam tế ở đình, đội tế nữ tế ở phủ mẫu (nơi thờ thân mẫu hai ngài Du Dược và Phổ Tế). Trước hội làng cả tuần, người dân tổ chức dọn vệ sinh trong nội tự đình, chùa và đường làng, ngõ xóm sạch sẽ. Cùng với đó, các hộ thống nhất, tự nguyện góp một số tiền nhất định để sắm lễ tế chung. Ngoài ra, các ngõ xóm, tộc sắm lễ riêng mang đến tế ở đình.
Ngày 23/2, tầm bẩy giờ sáng, làng tổ chức rước kiệu quanh làng (khoảng 6km), người tham dự lễ rước rất đông vui. Trước kia, trong lễ rước có múa sư tử. Mười năm trở lại đây, trong lễ hội có đội múa rồng. Chiều ngày 23/2, làng tổ chức tế chính. Nội dung văn tế là cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng bội thu... Tối ngày 23/2, tại sân đình có biểu diễn văn nghệ, người dân tới xem rất đông. Ngày 24/2, là ngày chính hội, mọi người cùng nhau tưởng nhớ, ôn lại công lao của những người đã có công với làng xóm, quê hương, đất nước. Bên cạnh phần lễ trọng thể, linh thiêng là phần hội vui tươi, náo nhiệt được tổ chức từ ngày 21/2 với môn bóng chuyền hơi, thi cờ tướng; cùng với đó là các trò chơi dân gian như: bắt vịt, đi cầu kiều, kéo co, bịt mắt bắt dê, bịt mắt đánh trống...
Bao năm qua, hội làng Cao Đà là nét đẹp văn hóa cộng đồng, là món ăn tinh thần không thể thiếu với người dân nơi đây. Tham gia hội làng, những muộn phiền, lo lắng trong cuộc sống thường nhật của mọi người như được giải tỏa, cởi bỏ; niềm tin, niềm hy vọng vào những điều tốt đẹp được nhân lên.
Đặc biệt, hội làng Cao Đà còn là dịp để giáo dục thế hệ tiếp nối lòng tự hào, tự tôn dân tộc; lòng biết ơn, sự thành kính đối với thế hệ đi trước, những người đã có công giúp dân, giúp nước, từ đó nỗ lực hơn, cố gắng hơn trong sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước thời kỳ đổi mới.
Phạm Hiền
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, ngày 22/11, tại Kuala Lumpur, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Đảng Tổ chức thống nhất dân tộc Mã Lai (UMNO) Dato’ Seri Dr. Ahmad Zahid Hamidi và các lãnh đạo cấp cao trong Liên minh cầm quyền tại Malaysia.
Từ ngày 1- 31/10/2024, lực lượng chức năng đã triển khai Tháng cao điểm ra quân xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đối với học sinh trên địa bàn tỉnh. Với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) về TTATGT gắn với tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, sau một tháng thực hiện, tình hình chấp hành pháp luật giao thông trong học sinh đã có những chuyển biến tích cực.
Việc phải lái xe ở những cung đường bị nắng "xiên khoai" là điều không mấy dễ chịu với cánh tài xế, ngay cả vào thời điểm đầu mùa đông như hiện nay.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.