Đầu tháng 11/2024, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bình Lục phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh; Phòng Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (PC10, Công an tỉnh) tổ chức phiên giao dịch việc làm. Hơn 300 học viên lớp 11, lớp 12 của trung tâm đã tham gia phiên giao dịch này. Ông Trần Ngọc Hà, Trưởng phòng Việc làm - Thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Từ phiên tư vấn, giới thiệu việc làm này, học viên của trung tâm có thêm cơ hội tìm hiểu về thị trường lao động, định hướng nghề nghiệp và lựa chọn lộ trình học tập phù hợp sau khi tốt nghiệp THPT.
Theo quan sát, rất nhiều học viên quan tâm tới các khu vực tư vấn du học. Nguyễn Yến Vi (học viên lớp 11A1) cho biết: Em vừa tham gia tư vấn du học Nhật Bản, Hàn Quốc của Trung tâm Ngoại ngữ Happy Hà Nam. Với điều kiện của bản thân, em nghĩ sau khi tốt nghiệp THPT em sẽ đi du học, hoàn thành ước mơ của mình... Trao đổi với nhiều học viên về nhu cầu học, một chuyên gia của Trung tâm Ngoại ngữ Happy Hà Nam đã tư vấn, việc đầu tiên là phải học tiếng Nhật, tiếng Hàn mới có thể vào làm việc ở các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc tại Hà Nam. Đó là những doanh nghiệp FDI có quy mô sản xuất, kinh doanh lớn, nhu cầu tuyển dụng lao động cao. Ngay tại thời điểm này, các em có thể học tiếng luôn tại địa phương, không cần phải đi xa…
Qua theo dõi những trao đổi giữa các bạn với doanh nghiệp, học viên Nguyễn Đức Tài chia sẻ: Từ những thông tin cập nhật được, em biết hiện nay các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh đang rất thiếu công nhân. Các bạn nữ sau khi học xong có thể vào làm việc ở các công ty này để không phải đi xa, tiết kiệm chi phí ăn, ở, dành dụm tiền làm ra. Còn với các bạn nam, ai không thể theo học tiếp đại học hay cao đẳng nên tìm kiếm việc làm tại địa phương để ổn định cuộc sống và giúp đỡ gia đình... Đồng quan điểm, em Chu Thị Ngọc Mai cho biết: Sau khi nghe tư vấn, giới thiệu, định hướng nghề nghiệp, em quyết định sẽ đi làm sau khi tốt nghiệp THPT. Nhà em ở An Lão, khu vực này cũng có nhiều doanh nghiệp nên em có thể sẽ vào đó để học và làm một nghề ổn định…
Hiệu quả của các phiên tư vấn, giới thiệu việc làm cho học viên ở Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bình Lục được nhìn thấy rõ. Theo ông Trần Ngọc Hà, Trưởng phòng Việc làm - Thị trường lao động, đối với học viên đang học cuối cấp, chuẩn bị tốt nghiệp THPT, chương trình tư vấn việc làm được thực hiện như vậy sẽ giúp định hướng sớm một bước giúp các em tự xác định con đường đi phù hợp của mình sau khi tốt nghiệp. Tại các buổi tư vấn, hướng nghiệp, cán bộ, nhân viên đơn vị đã chia sẻ với học viên nhiều thông tin quan trọng về thị trường lao động và nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp. Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp chỉ cần lao động phổ thông, không đòi hỏi lao động có bằng cấp gì. Vào doanh nghiệp, chỉ cần được đào tạo 1 đến 2 tháng là lao động mới đã có thể bắt nhịp được với yêu cầu công việc. Đây cũng là hướng đi tốt sau này cho những học viên, học sinh không tiếp tục theo con đường học đại học, cao đẳng.
Tâm lý chung của học viên luôn mong được học đại học, cao đẳng như bạn bè nhưng làm sao để các em hiểu được con đường nào mình đi sẽ phù hợp với bản thân và gia đình, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh… đòi hỏi đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác tư vấn hướng nghiệp trong các cơ sở giáo dục cần vận dụng linh hoạt thực tế để giúp học viên hiểu và tự xác định hướng đi cho mình sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và học viên mới giúp công tác định hướng nghề đạt kết quả. Ông Trần Thế Vinh, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bình Lục cho biết: Thực hiện nhiệm vụ năm học, trung tâm đã xây dựng các kế hoạch hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học viên với sự tham gia, phối hợp, liên kết của nhiều lực lượng giáo dục trong và ngoài trung tâm. Cùng với đó, việc tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp, thực hiện tuyển sinh mở các lớp học cho học viên chương trình GDTX cấp THPT kết hợp với học nghề trên cơ sở nguyện vọng của người học và phù hợp với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của địa phương đã làm thay đổi nhận thức và quyết định của học viên về học nghề, chọn nghề. Trung tâm đã bố trí linh hoạt thời gian học văn hóa và học nghề; thời gian, địa điểm thực hành nghề hợp lý, bảo đảm thực hiện nghiêm túc các chương trình học văn hóa và học nghề, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Những đặc trưng công nghệ quân sự Việt Nam góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược được kế thừa từ hàng nghìn năm của dân tộc. Việt Nam có “mặt tiền” trông ra Biển Đông, là nơi dừng chân qua lại giữa hai đại dương lớn của thế giới là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vừa có điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu các nền văn minh trên thế giới, nhưng cũng là tâm điểm “nhòm ngó” của các thế lực bành trướng, xâm lược. Do trải qua nhiều thế kỷ chống kẻ thù xâm lược nên người Việt đã sớm biết chế tạo và sử dụng vũ khí để đánh giặc.
Trạm Y tế (TYT) xã Khả Phong (Kim Bảng) hiện có 5 cán bộ, nhân viên. Thời gian qua, đội ngũ nhân viên y tế nơi đây đã nỗ lực khắc phục khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, góp phần chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.