Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam cho biết, hiện nay tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; nhất là các dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp, dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng... Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, làm gia tăng số ca mắc. Bên cạnh đó, các bệnh do thay đổi thời tiết, thời tiết cực đoan cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của nhiều người, nhất là người có bệnh nền, người già và trẻ nhỏ sức đề kháng yếu. Trước tình hình trên, các cấp, ngành, đặc biệt là ngành Y tế đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, bệnh. Tuy nhiên, người dân cũng phải nâng cao ý thức giữ gìn sức khỏe của mình và gia đình, cộng đồng.
Gia tăng các trường hợp mắc cúm A, COVID-19, bệnh do thời tiết rét đậm
Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Khoa Cấp cứu Nhi, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh cho biết: Mùa đông là mùa của cúm và thời gian gần đây có 2 dịch bệnh truyền nhiễm đáng lưu tâm ở trẻ là cúm A và COVID-19. Khi bị mắc cúm A trẻ sốt cao, ăn kém hoặc bỏ ăn. Cúm A từ đầu mùa đến nay có nhiều trẻ mắc và hiện tại chưa có dấu hiệu giảm. COVID-19 mấy tháng trước ít, nhưng thời gian này có dấu hiệu quay trở lại đặc biệt là ở trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng vắc - xin COVID-19. Số trẻ mắc COVID-19 được phát hiện phòng khám qua test tăng hơn so với trước. Với những ca bệnh này thường bác sỹ kê thuốc, dặn dò phụ huynh cách chăm sóc con và cho về nhà tự điều trị, theo dõi, nếu có gì bất thường hoặc tăng nặng thì cho đến bệnh viện.
Số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam cho thấy trong tuần trước toàn tỉnh ghi nhận 03 trường hợp mắc COVID-19 có địa chỉ lần lượt tại xã Liêm Phong, Thanh Hương (Thanh Liêm), xã Bình Nghĩa (Bình Lục). Hiện tại, các trường hợp trên sức khỏe ổn định. Như vậy từ đầu năm 2024 đến nay toàn tỉnh ghi nhận 09 trường hợp mắc COVID-19, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, không có bệnh nhân biến chứng và tử vong. Bệnh tay- chân- miệng từ đầu năm 2024 đến nay toàn tỉnh ghi nhận 01 trường hợp mắc. Bệnh sốt xuất huyết Dengue trong tuần trước ghi nhận 02 trường hợp mắc/nghi mắc mới có địa chỉ tại xã Công Lý (Lý Nhân) và xã Tiên Sơn (thị xã Duy Tiên). Đáng chú ý, điều tra tiền sử dịch tễ các bệnh nhân trên đều không đi đâu ra khỏi địa phương trong vòng 14 ngày gần đây, xung quanh khu vực bệnh nhân sinh sống không có trường hợp mắc bệnh tương tự. Như vậy từ đầu năm 2024 đến nay toàn tỉnh ghi nhận 07 trường hợp mắc/nghi mắc sốt xuất huyết. Hội chứng cúm ghi nhận 06 trường hợp, trong đó có 3 mẫu lấy xét nghiệm được xác định là cúm A.
Ngoài các dịch bệnh truyền nhiễm, thời tiết rét đậm rét hại đang diễn ra và dự kiến kéo dài đến Tết Nguyên đán cũng khiến nhiều người già, người có bệnh nền phải nhập viện. Bác sỹ Đinh Ngọc Tuấn, Trưởng Khoa Cấp cứu, BVĐK tỉnh Hà Nam cho biết: Những ngày rét đậm vừa qua số bệnh nhân vào khoa không tăng, duy trì bình quân khoảng 70 bệnh nhân/ngày, nhưng số bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, phải cấp cứu tăng gấp đôi so với trước đó. Cụ thể, những ngày bình thường số bệnh nhân cấp cứu chiếm khoảng 10% so với số bệnh nhân vào khoa mỗi ngày, nhưng những ngày rét đậm số bệnh nhân cấp cứu tăng, chiếm khoảng 20%. Trong số bệnh nhân vào viện, nhất là các bệnh nhân nặng chủ yếu là các bệnh lý hô hấp và tim mạch, chiếm tới 60-70% bệnh nhân vào khoa, đa số là người từ 60 tuổi trở lên. Hiện tại BVĐK tỉnh có khoảng 600 bệnh nhân đến khám/ngày. Số bệnh nhân nội trú khoảng 700 bệnh nhân.
Chủ động các biện pháp phòng, chống
Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác y tế bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân năm 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đã có công văn yêu cầu các bệnh viện, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố chủ động công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2024. Theo đó yêu cầu các đơn vị tham mưu, trực tiếp xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024, huy động nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2024. Thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, lưu ý theo dõi sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút, thông báo kịp thời tới các đơn vị y tế dự phòng để phối hợp tiến hành điều tra ca bệnh, yếu tố dịch tễ và triển khai biện pháp phòng, chống, không để dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng. Tổ chức tốt việc thu dung và điều trị bệnh nhân, thực hiện phân tuyến điều trị theo quy định. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng yêu cầu các trung tâm y tế chỉ đạo trạm y tế xã, phường, thị trấn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương triển khai vệ sinh môi trường, khử trùng đối với các địa bàn có yếu tố nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết, COVID-19, cúm mùa và báo cáo kịp thời theo quy định khi phát hiện trường hợp mắc/nghi mắc bệnh. Tiếp tục duy trì thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng. Chuẩn bị sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị để đáp ứng khi có dịch xảy ra. Tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông, hướng dẫn cán bộ, nhân viên, người lao động và nhân dân thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường dự phòng lây nhiễm, đặc biệt chú trọng đến công tác phòng các bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội năm 2024.
Đối với người dân, để có một sức khỏe tốt, không bị nhiễm bệnh, nhất là trong dịp Tết cần duy trì rèn luyện thể dục phù hợp với thể trạng, có chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý để tăng sức đề kháng của cơ thể, hạn chế rượu bia, ăn đồ khó tiêu, nhiều dầu mỡ... Khi có biểu hiện bất thường về sức khỏe cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không nên tự ý điều trị tại nhà. Trước tình hình gia tăng các ca bệnh tim mạch, hô hấp do thời tiết lạnh, bác sỹ Đinh Ngọc Tuấn, Trưởng Khoa Cấp cứu BVĐK tỉnh cũng khuyến cáo, khi trời rét đậm những người có bệnh lý tim mạch cần duy trì uống các loại thuốc vẫn uống trước đó, điều trị tăng huyết áp, tránh để bị lạnh đột ngột. Những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng phải luôn giữ ấm cơ thể, hạn chế ra ngoài trời để tránh tiếp xúc trực tiếp với không khí lạnh.
Đỗ Hồng