kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Lợi ích của việc cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh

Lợi ích của việc cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh

Sau nhiều năm triển khai thực hiện Chương trình “Làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo”, toàn tỉnh hiện có gần 100% số cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) với trên 27.600 trẻ em tham gia, bước đầu đạt kết quả khả quan. Thực tế cho thấy, cùng với sự nỗ lực của ngành giáo dục và các cơ sở GDMN thì sự đồng thuận, ủng hộ của cha mẹ trẻ là một trong những động lực chính thúc đẩy sự phát triển của chương trình.

Thực hiện Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT, ngày 31/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Chương trình "Làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo", Sở GD&ĐT đã tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các phòng GD&ĐT, các cơ sở GDMN trên địa bàn tỉnh triển khai cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh ở nơi có đủ điều kiện. Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, chương trình được xây dựng theo quan điểm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”. Các hoạt động trong chương trình tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ để trẻ được “chơi mà học, học bằng chơi”. Với sự chủ động, linh hoạt của các nhà trường và đơn vị phối hợp tổ chức, chương trình đã được lồng ghép tích hợp thông qua các hoạt động giáo dục và giao tiếp trong các ngữ cảnh và hoạt động gần gũi, có ý nghĩa.

Thông qua việc triển khai chương trình, Trường Mầm non Lương Khánh Thiện (thành phố Phủ Lý) hiện có 270 trẻ mẫu giáo tham gia, đạt tỷ lệ 98%. Theo chia sẻ của lãnh đạo nhà trường, năm học đầu tiên triển khai chương trình, nhà trường chỉ có trên 50% số trẻ được cha mẹ đăng ký cho tham gia. Song nhà trường đã nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp cha mẹ trẻ có sự hiểu biết về nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình nên chỉ sau 3 năm học đã có gần 100% số trẻ đăng ký tham gia. Thực tế cho thấy, chương trình đã giúp trẻ được bồi dưỡng, phát huy năng lực cá nhân, luôn cảm thấy hứng thú với các hoạt động, dần mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, có phản xạ và tư duy bằng tiếng Anh, đặc biệt là kỹ năng nghe - nói. Trong quá trình thực hiện, nhà trường luôn nhận được sự đồng thuận của cha mẹ trẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai chương trình.

Một hoạt động trong Chương trình Làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo tại Trường Mầm non Lương Khánh Thiện, thành phố Phủ Lý.

Triển khai thực hiện chương trình, các cơ sở GDMN trên địa bàn tỉnh phải đáp ứng yêu cầu bảo đảm cơ sở vật chất của trường chuẩn quốc gia mức độ I trở lên; phòng cho trẻ làm quen với tiếng Anh có đủ thiết bị nghe, nhìn tối thiểu và được kết nối mạng internet; có hệ thống đồ chơi, tranh, ảnh phù hợp, liên quan đến chương trình, tài liệu cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh... Để hỗ trợ các nhà trường trong việc triển khai thực hiện chương trình, Sở GD&ĐT đã cho phép Công ty TNHH Giáo dục Asset, Công ty cổ phần GD&ĐT Victoria và Công ty cổ phần Kiến tạo giáo dục Việt Nam AEV liên kết, phối hợp với các cơ sở GDMN với hình thức xã hội hóa, bảo đảm tinh thần tự nguyện của cha mẹ trẻ và điều kiện triển khai của nhà trường. Theo đó, các đơn vị liên kết và các cơ sở GDMN thống nhất kế hoạch, sắp xếp thời khóa biểu linh hoạt, phù hợp, bảo đảm tối thiểu 70 hoạt động/năm; mỗi hoạt động kéo dài khoảng 25 đến 35 phút. Các công ty liên kết thực hiện chương trình đều sử dụng tài liệu làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo được Bộ GD&ĐT phê duyệt hằng năm. Việc thu học phí của trẻ tham gia chương trình theo quy định mức thu học phí tại Nghị quyết số 09/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, không vượt quá 8.000 đồng/trẻ/hoạt động. Mức thu thực tế tại các cơ sở theo thỏa thuận giữa nhà trường, công ty và cha mẹ trẻ em.

Có con học tại Trường Mầm non thị trấn Kiện Khê (Thanh Liêm), năm học 2024- 2025 là năm thứ 2 chị Nguyễn Thị Huệ đăng ký cho con tham gia Chương trình "Làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo" và thấy rất phấn khởi khi thấy con có thể gọi tên các đồ vật, con vật bằng tiếng Anh, phát âm tương đối rõ ràng. Chị Nguyễn Thị Huệ cho biết: Sau mỗi hoạt động ở trường, cô giáo lại gửi video ghi hình ảnh các con và cô giáo cùng chơi, cùng làm quen với tiếng Anh qua các trò chơi vui nhộn. Chúng tôi cảm thấy rất vui và yên tâm. Cùng với đó, mỗi tháng cha mẹ chỉ cần nộp gần 70 nghìn đồng là con được tham gia một chương trình bổ ích nên ngày càng có nhiều người ủng hộ, đăng ký cho con tham gia...

Cũng giống như các cơ sở GDMN khác, năm đầu tiên triển khai thực hiện chương trình của Trường Mầm non thị trấn Kiện Khê, tỉ lệ cha mẹ đăng ký cho con tham gia khá khiêm tốn. Nhưng qua một số năm triển khai, trên cơ sở tìm hiểu thực tế, nhiều cha mẹ trẻ đã có sự tin tưởng với việc triển khai chương trình của nhà trường. Đến nay, đã có gần 90% trẻ mẫu giáo của trường được cha mẹ đăng ký tham gia. Cô giáo Nguyễn Thị Hường, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Kiện Khê chia sẻ: Chương trình không bắt buộc đối với trẻ em, việc đăng ký tham gia hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện của cha mẹ trẻ. Sau một thời gian triển khai trong nhà trường, chương trình đã có những tác động tích cực tới sự phát triển của trẻ, tạo được nền tảng ngôn ngữ vững chắc hơn cho trẻ trong việc học cách phát âm, ngữ điệu. Trong một hoạt động, trẻ có thể vừa nói tiếng mẹ đẻ, vừa học từ ngữ tiếng Anh thông qua các tình huống sẽ kích thích tư duy não bộ, giúp các bé phản ứng nhanh hơn... Cứ đến giờ hoạt động của chương trình, các bé vô cùng hào hứng, phấn khích với những bài hát tiếng Anh đơn giản. Bởi vậy, nhà trường ngày càng nhận được nhiều hơn sự đồng thuận của cha mẹ trẻ đối với chương trình. Đây chính là động lực thúc đẩy các hoạt động giúp trẻ làm quen với tiếng Anh đạt hiệu quả hơn.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, sự hài lòng của cha mẹ trẻ đã tạo điều kiện thuận lợi để chương trình tiếp tục phát huy tính tích cực đối với GDMN. Toàn tỉnh hiện có 115/119 cơ sở GDMN trong và ngoài công lập tổ chức cho 42.261 trẻ ở 1.522 lớp làm quen với tiếng Anh. Tuy vậy, việc triển khai chương trình còn gặp một số vướng mắc do đa số giáo viên tham gia chương trình đều là giáo viên hợp đồng của các công ty, không ổn định về công việc nên gây khó khăn cho nhiều trường trong việc sắp xếp và duy trì hoạt động cho trẻ theo chương trình. Với những cơ sở GDMN chưa có phòng học ngoại ngữ riêng, có thời điểm gặp lúng túng đối với việc sắp xếp thời khóa biểu, bố trí, điều chuyển các nhóm tham gia và không tham gia hoạt động... Do đó, để chương trình "Làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo" được liên tục, phát huy hiệu quả, thời gian tới cần có kế hoạch bổ sung biên chế vị trí việc làm giáo viên tiếng Anh cho các trường mầm non; tăng cường tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng triển khai cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh.

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy