Khó khăn của công tác y tế trong trường mầm non

Đa số các trường mầm non kể cả công lập và tư thục trên địa bàn tỉnh hiện nay đều rất loay hoay, lúng túng trước sự thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân viên y tế.

Trường Mầm non Trần Hưng Đạo là một trong những đơn vị đi đầu của cấp học mầm non thành phố Phủ Lý. Những năm qua, để đáp ứng nhu cầu nuôi dạy trẻ,  hệ thống cơ sở hạ tầng của nhà trường đã từng bước được xây dựng theo hướng  hoàn thiện, được sử dụng và khai thác tối đa công năng thiết kế. Tuy nhiên, theo quy định của một trường mầm non được công nhận đạt chuẩn, hiện tại nhà trường vẫn còn thiếu một số phòng chức năng, trong đó có phòng y tế.

Cô giáo Trần Thị Vinh, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Theo Thông tư liên tịch số 22 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Y tế quy định mỗi trường mầm non phải có một phòng y tế với diện tích tối thiểu là 12m2 và một tủ thuốc với các loại thuốc và trang thiết bị phục vụ công tác sơ cứu, cấp cứu và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ. Nhưng nhiều năm nay nhà trường chưa có phòng y tế riêng biệt mà thường xuyên phải đặt tại phòng làm việc của một cán bộ quản lý.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng chưa có nhân viên y tế chuyên trách, toàn bộ các hoạt động mạng y tế trường học đều do giáo viên kiêm nhiệm. Công tác chăm sóc trẻ vì vậy đều “khoán” cho các cô giáo phụ trách các nhóm lớp. Nếu chẳng may có sự cố xảy ra với trẻ, nhà trường phải nhờ sự can thiệp, xử lý của cán bộ y tế phường…

Không chỉ thiếu nhân viên y tế, Trường Mầm non Trần Hưng Đạo (TP. Phủ Lý) còn thiếu cả phòng y tế, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng công tác y tế trường học.

Đa số các trường mầm non kể cả công lập và tư thục trên địa bàn tỉnh đều rất loay hoay, lúng túng trước sự thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân viên y tế. Tại một số trường mầm non, nhận thức về tầm quan trọng của công tác y tế trường học, mặc dù còn thiếu phòng chức năng nhưng lãnh đạo nhà trường luôn đặc biệt quan tâm công tác y tế. Song, trên thực tế, phần vì diện tích quá nhỏ hẹp, phần vì trang thiết bị, dụng cụ y tế thiết yếu không được bổ sung, thay thế thường xuyên, đồng thời lại không có nhân viên y tế chuyên trách thường trực tại chỗ, hầu hết các phòng y tế này chưa phát huy được tính năng, tác dụng trong việc thực hiện nhiệm vụ sơ cứu, cấp cứu, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ.

Bên cạnh đó, với số lượng trẻ được huy động ra lớp có xu hướng tăng dần qua mỗi năm, ngay cả việc sắp xếp, bố trí thế nào để có đủ giáo viên đã là rất khó đối với các nhà trường chứ chưa nói đến bố trí người vào vị trí làm nhân viên y tế. Mặt khác, nguồn tài chính bảo đảm hoạt động cho công tác y tế trường học hiện nay chủ yếu từ nguồn trích lại của bảo hiểm y tế học sinh và từ nguồn kinh phí tại chỗ của các trường. Thông qua các nguồn này, các nhà trường cùng lúc phải thực hiện việc trả lương hợp đồng cho nhân viên y tế (nếu có) và mua sắm các loại thuốc được phép sử dụng trong trường học, các loại vật tư tiêu hao khác.

Do nguồn kinh phí hoạt động hạn hẹp, việc trích trả lương cho nhân viên y tế hợp đồng cũng rất khiêm tốn nên nhiều người có trình độ y sĩ trung cấp không thiết tha với công việc của một nhân viên y tế trong trường mầm non. Các trường mầm non vì thế cũng khó tuyển dụng được nhân viên y tế. Đa số các trường mầm non hiện đang phải thực hiện việc phân công giáo viên luân phiên nhau phụ trách phòng y tế. Không có kiến thức và kỹ năng chuyên môn, việc phải đảm nhận thêm nhiệm vụ ở phòng y tế thực sự không đơn giản với hầu hết giáo viên mầm non.

Trong khi đó, theo quy định, nhân viên y tế trường học bắt buộc phải có trình độ chuyên môn từ y sĩ trung cấp trở lên, phải thường xuyên được cập nhật kiến thức chuyên môn y tế; trực tiếp kiểm tra sức khỏe cho trẻ vào đầu năm học để đánh giá tình trạng dinh dưỡng, chiều cao và cân nặng để ghi biểu đồ tăng trưởng cho từng trẻ; phối hợp với các cơ sở y tế có đủ điều kiện để tổ chức khám và điều trị các bệnh chuyên khoa cho trẻ, hướng dẫn và tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng, an toàn, vệ sinh…Nhưng vì kiêm nhiệm, hầu hết các giáo viên đều phải dành thời gian cho việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ trên lớp chứ không có nhiều thời gian cho công việc của một nhân viên y tế.

Hơn nữa, kỹ năng xử lý của các nhân viên y tế kiêm nhiệm đối với các tình huống liên quan tới sức khỏe con trẻ thiếu chuyên nghiệp, lúng túng. Chính vì những lý do này nên khi  có trẻ nào có vấn đề đột xuất về sức khỏe, các cô giáo hoặc phải gọi cho gia đình đến đón trẻ, hoặc phải đưa trẻ đến trạm y tế của địa phương chứ chưa làm được công việc đáng ra nhà trường cần làm ngay, trước hết nếu có đủ phòng y tế và nhân viên y tế là xem xét, kiểm tra, theo dõi sức khỏe cho trẻ.

Theo đánh giá, mặc dù chưa để xảy ra trường hợp đáng tiếc nào liên quan đến chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhưng hoạt động y tế trong các trường mầm non dường như chưa được thể hiện đúng vai trò, vị trí của nó trong thực tế.

Ngoài việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ trên lớp, giáo viên Trường Mầm non Liêm Chính (thành phố Phủ Lý) còn phải kiêm nhiệm công việc của nhân viên y tế.

Trên địa bàn tỉnh, số trường mầm non công lập có nhân viên y tế chuyên trách mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, công tác y tế trong các trường mầm non chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, trẻ em đang phải đối mặt với nhiều căn bệnh học đường có xu hướng gia tăng, như: bệnh về răng miệng, béo phì, tật khúc xạ, tay-chân-miệng, cùng nhiều dịch bệnh khác, đặc biệt là một số tai nạn, thương tích bất ngờ trong quá trình học và tham gia các hoạt động tập thể của trẻ tại trường.

Để tháo gỡ vấn đề này cần sự quan tâm tích cực của các cấp, các ngành, trong đó quan trọng nhất là có chỉ tiêu tuyển dụng mang tính đặc thù đối với nhân viên y tế chuyên trách tại các trường học, thực hiện các chế độ, chính sách về tiền thù lao cho nhân viên y tế học đường bảo đảm đúng quy định, có sự đầu tư hợp lý cho hệ thống y tế trường học về cả cơ sở vật chất, cơ số thuốc và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ người làm công tác y tế…

Thanh Hà

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy