Chủ động phòng, chống dịch bệnh bạch hầu

Ngày 9/8 UBND tỉnh Thanh Hóa công bố dịch bệnh Bạch hầu trên địa bàn thị trấn Mường Lát. Hà Nam cách không quá xa Thanh Hóa, cùng có trục Quốc lộ 1A chạy qua, lưu lượng khách giao thương, du lịch sôi động, do vậy việc chủ động phòng, chống dịch (PCD) bệnh nguy hiểm này là rất cần thiết. Cùng với sự tích cực của ngành y tế người dân cũng cần quan tâm đến các khuyến cáo trong phòng bệnh, biết được các đặc điểm lâm sàng của ca bệnh để báo ngay cho cơ quan y tế khi bị mắc bệnh, hoặc chứng kiến có ca bệnh trong cộng đồng.

Tiêm vắc - xin là một trong những biện pháp phòng bệnh Bạch hầu hiệu quả.
Ảnh: Tiêm vắc - xin cho trẻ tại Trạm Y tế Thanh Sơn, Kim Bảng.

Bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khi có dấu hiệu bệnh bắt buộc phải khai báo

Theo tài liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nam, bệnh bạch hầu lưu hành rộng rãi ở mọi nơi trên thế giới và đã gây nên các ổ dịch nghiêm trọng, nhất là ở trẻ em trong thời kỳ chưa có vắc - xin dự phòng. Bệnh đã phát triển và bùng nổ thành dịch lớn trong những năm 90 của thế kỷ XX (năm 1994 ở Nga đã có hơn 39.000 người mắc bạch hầu, trong đó có 1.100 người chết và ở Ukraina có hơn 3.000 người mắc. Tuổi mắc bệnh chủ yếu là trên 15 tuổi.)

Tại Việt Nam, trước khi triển khai tiêm chủng mở rộng (TCMR) có khoảng 3.500 ca/năm. Sau khi triển khai TCMR, giai đoạn 2004-2019 số ca mắc giảm nhanh còn khoảng 10-50 ca/năm. Năm 2020, số ca mắc bạch hầu gia tăng, với 226 ca. Các năm tiếp theo có số ca mắc giảm: Năm 2021 có 6 ca và năm 2022 có 2 ca. Năm 2023 cả nước ghi nhận 57 ca mắc tại 3 tỉnh: Hà Giang, Điện Biên và Thái Nguyên, trong đó 7 ca tử vong.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 9 ca mắc bạch hầu, trong đó 1 ca tử vong. Cụ thể, 3 ca mắc tại Hà Giang ở các ổ dịch cũ, 1 ca mắc và tử vong tại Kỳ Sơn, Nghệ An (tháng 6), 2 ca mắc tại Hiệp Hòa, Bắc Giang (tháng 7) và 3 ca mắc tại Mường Lát, Thanh Hóa (tháng 8).

Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh có thể diễn tiến nặng gây tử vong. Bệnh lây trực tiếp qua đường hô hấp khi tiếp xúc với giọt bắn của người nhiễm bệnh lúc ho, hắt hơi. Lây gián tiếp khi tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch mũi hầu từ người bệnh. Bệnh cũng có thể lây nhiễm khi tiếp xúc với vùng da tổn thương do bạch hầu.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh là viêm họng, mũi, thanh quản. Họng đỏ, nuốt đau, sốt. Da xanh, mệt, chán ăn, mạch nhanh, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ. Khám thấy có giả mạc... Bạch hầu là một bệnh bắt buộc phải khai báo. Tất cả bệnh nhân viêm họng giả mạc nghi bạch hầu phải được vào viện để cách ly đường hô hấp nghiêm ngặt cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn hai lần.

Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vắc - xin phòng bạch hầu. Hiện trẻ em dùng vắc - xin đa giá: bạch hầu - ho gà - uốn ván (trong chương trình TCMR quốc gia). Bắt đầu tiêm từ 2-3 tháng tuổi, tiêm 2 lần, mỗi lần 1ml cách nhau 1 tháng. Một năm sau nhắc lại mỗi một năm 1 lần cho đến 5 tuổi. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch. Che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi. Vệ sinh miệng, mũi, họng hằng ngày. Vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học... đảm đảm thông thoáng. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc theo chỉ định của cán bộ y tế.

Ngành y tế khuyến cáo người dân nên đi tiêm vắc - xin phòng bệnh Bạch hầu

Ngày 9/8, UBND tỉnh Thanh Hóa công bố dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn thị trấn Mường Lát, đồng thời huy động hàng trăm người thần tốc khoanh vùng, truy vết, cách ly. Là tỉnh có quốc lộ 1A chạy qua, lưu lượng khách giao thương qua lại, du lịch sôi động, CDC Hà Nam vừa triển khai kế hoạch phòng, chống bệnh bạch hầu; trong đó có kế hoạch cụ thể cho cả 2 tình huống: Chưa ghi nhận ca bệnh và đã ghi nhận ca bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh để chủ động trong công tác PCD bệnh nguy hiểm này.

Hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận ca bệnh, nhưng cần đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng về PCD bệnh bạch hầu và vận động nhân dân tiêm vắc - xin phòng bệnh bạch hầu. Chủ động phối hợp để tổ chức giám sát, phát hiện, quản lý các đối tượng có tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính và các trường hợp có tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần. Kiện toàn đội đáp ứng nhanh tại các tuyến. Duy trì tổ chức trực dịch từ tỉnh đến cơ sở nhằm thu thập thông tin và báo cáo kịp thời về tình hình dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn, duy trì hệ thống báo cáo hằng ngày và đột xuất khi có yêu cầu.

Thực hiện nghiêm các nội dung PCD bệnh theo khuyến cáo, hướng dẫn. Tăng cường trách nhiệm của các cơ sở y tế. Chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, sinh phẩm, vật tư chuyên dùng, trang thiết bị cần thiết, trang bị phòng hộ cho công tác PCD. Thông tin kịp thời, chính xác diễn biến dịch bệnh cũng như các hoạt động PCD để nhân dân chủ động áp dụng các biện pháp phòng dịch bệnh nhưng không hoang mang, lo lắng. Tổ chức tập huấn hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về công tác điều tra, giám sát, khoanh vùng và xử lý dịch bệnh, các biện pháp cần triển khai trong PCD bệnh bạch hầu; công tác lấy mẫu triển khai xét nghiệm, điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn cho cán bộ y tế các tuyến.

Tất cả các trường hợp bệnh xác định, các trường hợp bệnh lâm sàng hoặc có dấu hiệu, triệu chứng nghi ngờ mắc bạch hầu phải được điều tra xác minh, giám sát đầy đủ, kịp thời và xử lý theo đúng quy định. Giám sát, theo dõi chặt chẽ, cách ly y tế bắt buộc các trường hợp mắc và nghi ngờ mắc tại các ổ dịch… Tăng cường giám sát chủ động tại các cơ sở y tế và cộng đồng nhằm phát hiện sớm, khoanh vùng và xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

CDC Hà Nam cũng đề nghị các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh phối hợp tổ chức tập huấn chuyên môn về công tác tiếp nhận, chẩn đoán, điều trị, cách ly người nghi mắc bệnh và kiểm soát nhiễm khuẩn cho cán bộ y tế các tuyến. Rà soát, bổ sung bảo đảm nhân lực, chuyên môn, trang thiết bị vật tư, hóa chất, buồng bệnh sẵn sàng tiếp nhận, chẩn đoán, điều trị, cách ly bệnh nhân. Sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu. Đề nghị các trung tâm y tế phối hợp giám sát, điều tra và xử lý ca bệnh nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu. Kịp thời thông báo tình hình dịch bệnh, đề xuất hỗ trợ các biện pháp phòng chống khi vượt quá khả năng của đơn vị/địa phương.

Ngày 12/8 vừa qua, CDC Hà Nam phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức tập huấn "Nâng cao năng lực giám sát, chẩn đoán, điều trị và phòng chống các bệnh ho gà và bạch hầu" cho cán bộ y tế một số bệnh viện thuộc Sở Y tế; các trung tâm y tế; phòng khám đa khoa, chuyên khoa nội, nhi, truyền nhiễm ngoài công lập. Sau tập huấn các đơn vị tiếp tục triển khai công tác PCD bệnh ở cơ sở mình, chủ động tuyên truyền, rà soát những trường hợp đi từ vùng dịch về, phát hiện sớm ca mắc, nghi mắc bệnh, kịp thời xử lý không để dịch lây lan ra cộng đồng.

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy