Bùng phát dịch đau mắt đỏ trong các trường học

Những ngày qua, số bệnh nhân bị bệnh đau mắt đỏ (bệnh viêm kết mạc) trên địa bàn tỉnh tăng mạnh, chủ yếu là học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS. Trước thực trạng này, ngành Y tế đang tích cực phối hợp với các nhà trường tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh, học sinh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, để phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, người dân, đặc biệt là phụ huynh, học sinh cũng cần chủ động thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống, nơi học tập và làm việc. Khi bị mắc bệnh cần có các biện pháp để tránh lây lan sang người xung quanh và đến cơ sở y tế để được thăm khám, cấp thuốc điều trị. Đau mắt đỏ thường diễn biến lành tính và ít khi để lại di chứng. Tuy nhiên, nếu như không điều trị đúng cách khiến bệnh có thể kéo dài, lâu dần làm ảnh hưởng đến giác mạc và gây ra suy giảm thị lực. Ở cả người lớn và trẻ em, đau mắt đỏ có thể là nguyên nhân gây viêm, loét giác mạc, thậm chí dẫn đến mù lòa nếu để lâu.

Dịch bùng phát nhanh, mạnh, triệu chứng nặng nề

Tại Lý Nhân, tổng hợp từ ngày 12-16/9, toàn huyện có gần 1.600 học sinh bị đau mắt đỏ. Trong 21 xã, thị trấn đến ngày 16/9 chỉ còn 3 xã: Hợp Lý, Chính Lý và Văn Lý là chưa ghi nhận học sinh mắc. 18 xã còn lại đều có học sinh bị đau mắt đỏ, trong đó số liệu báo cáo nhiều nhất là học sinh thuộc các trường học của xã Nhân Chính.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng Trạm Y tế (TYT) xã Nhân Chính cho biết: Khi thấy số học sinh trên địa bàn mắc đau mắt đỏ nhiều, Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân xã rất sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo. Cụ thể chỉ đạo cung cấp dung dịch khử khuẩn, phun thuốc khử trùng cloramin B trong các nhà trường, yêu cầu trường báo cáo hằng ngày về tình hình dịch bệnh, số lượng ca mắc. Tất cả học sinh bị mắc bệnh đều đến TYT khám và được cấp thuốc. Vì thế số liệu báo cáo về bệnh nhân đúng với thực tế. Cùng đó đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, phụ huynh, học sinh về phòng, chống bệnh. Từ ngày 13/9 đến ngày 18/9 ghi nhận 792 học sinh của các trường học trên địa bàn mắc bệnh đau mắt đỏ. Đến 10h ngày 18/9 đã có tổng số 216 học sinh khỏi bệnh và đi học trở lại.

Trường Tiểu học Nhân Chính có tổng số gần 1.000 học sinh, trong đó có trên 290 học sinh mắc bệnh, đến ngày 18/9 đã có 155 em khỏi. Thầy Cao Văn Giảng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tất cả những học sinh phát hiện mắc bệnh đều ở nhà để tiện cho việc điều trị và tránh lây lan. Các em vẫn duy trì việc học qua hình thức trực tuyến.

Bùng phát dịch đau mắt đỏ trong các trường học
Bác sỹ Bệnh viện Mắt Hà Nam khám cho một học sinh tiểu học ở Phủ Lý bị đau mắt đỏ. Ảnh: Đan Vũ

Tại Thanh Liêm đến ngày 18/9 đã có 7/16 xã, thị trấn có bệnh nhân đau mắt đỏ, chủ yếu là học sinh các trường học. Từ ngày 14-18/9 trên địa bàn huyện ghi nhận hơn 700 học sinh bị đau mắt đỏ. Thị trấn Kiện Khê là đơn vị ghi nhận số ca mắc nhiều nhất với 406 học sinh của 3 trường học trên địa bàn, trong đó riêng ngày 18/9 ghi nhận 295 học sinh bị mắc. Có 40 học sinh đã khỏi bệnh.

Ở thành phố Phủ Lý, theo báo cáo của Trung tâm Y tế (TTYT) thành phố, đến ngày 18/9 đã ghi nhận 11/21 phường, xã có bệnh nhân đau mắt đỏ với tổng số ca mắc cộng dồn đến ngày 18/9 là 573 ca, trong đó chủ yếu là học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS. Có 59 ca đã khỏi bệnh. Trong ngày 18/9 ghi nhận 156 ca mắc mới.

Ông Đinh Duy Bính, Phó Giám đốc TTYT Bình Lục cũng cho biết: Tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có bệnh nhân đau mắt đỏ. Qua thống kê, từ ngày 5-18/9 trên địa bàn huyện ghi nhận gần 1.300 ca mắc đau mắt đỏ, nhiều nhất là học sinh mầm non, tiểu học, THCS. 

Khoảng 1 tuần trở lại đây số bệnh nhân đau mắt đỏ đến Bệnh viện Mắt Hà Nam khám cũng tăng vọt. Theo bác sỹ Lê Thị Định, Phó Giám đốc bệnh viện, từ đầu tuần trước đến nay mỗi ngày bệnh viện có khoảng từ 100-150 bệnh nhân đến khám các bệnh về mắt, trong đó có trên 50% số bệnh nhân đến khám vì bị đau mắt đỏ.

Bác sỹ Định cũng đánh giá dịch năm nay bùng phát nhanh, mạnh, triệu chứng nặng nề. Nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng mắt sưng to, tấy đỏ nặng, nhìn kém. Có bệnh nhân tự điều trị theo phương pháp dân gian như xông lá trầu không, nhỏ sữa (đối với trẻ nhỏ) càng làm tình trạng bệnh nặng thêm và nguy cơ nhiễm trùng cao. 

Tích cực thực hiện các biện pháp, hạn chế dịch bệnh bùng phát trên diện rộng

Bà Lại Thị Thanh Nga, Phó Giám đốc TTYT Phủ Lý cho biết, trước tình hình dịch đau mắt đỏ gia tăng, TTYT đã chỉ đạo, thực hiện giám sát, tuyên truyền hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh tại các trường học, cộng đồng. Cụ thể, tuyên truyền cách nhận biết các dấu hiệu của bệnh đau mắt đỏ (mắt có cảm giác cộm, bị rát, chảy nước mắt, có nhiều rỉ mắt)… Cách phòng bệnh và điều trị: người bệnh cần hạn chế tiếp xúc với người khác, đeo kính khi ra đường, dùng riêng cốc nước, khăn, chậu rửa mặt, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng…

Tuần này trung tâm phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nam giám sát, tuyên truyền hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ tại các trường tiểu học, mầm non của 2 đơn vị phường Châu Sơn và Phường Lê Hồng Phong. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị phường, xã tiếp tục giám sát, tuyên truyền hướng dẫn các biện pháp phòng và điều trị bệnh đau mắt đỏ tại các trường học và cộng đồng.

Theo ông Vũ Kim, Giám đốc CDC Hà Nam, trước tình hình số bệnh nhân đau mắt đỏ gia tăng, trung tâm đã có công văn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, đề nghị các TTYT tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả nhằm hạn chế dịch bệnh bùng phát trên diện rộng. Đặc biệt, đơn vị phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn tăng cường tuyên truyền cho người dân, cộng đồng, nhất là tại các cơ sở giáo dục.

Tại các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình, đơn vị khuyến cáo cần bảo đảm có đủ xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay để ở vị trí thuận tiện; thực hiện vệ sinh lớp học, thường xuyên làm sạch bề mặt bàn ghế và đồ chơi hằng ngày bằng chất tẩy rửa thông thường; không dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn mặt, cốc nước uống,… và báo ngay cho cơ quan y tế địa phương khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh.

CDC Hà Nam cũng yêu cầu lãnh đạo các TTYT chỉ đạo các TYT tham mưu với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các xã, phường, thị trấn triển khai tốt biện pháp phòng, chống dịch đau mắt đỏ trên địa bàn; hướng dẫn trường học trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Cùng với đó, các TTYT phải rà soát, bổ sung trang thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất,… đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch. 

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy