Theo CDC Hà Nam, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 90 ca mắc chân tay miệng, tăng 95,65% so với cùng kỳ năm 2023. Dù vậy, các địa phương trong tỉnh đều không ghi nhận ổ dịch tại nhà trẻ, trường mẫu giáo và cộng đồng; không có trường hợp nào bị biến chứng và tử vong.
Những địa phương được ghi nhận có nhiều ca mắc chân tay miệng là Bình Lục, Lý Nhân, Thanh Liêm. So với cùng kỳ năm 2023, tại huyện Bình Lục đã ghi nhận 36 trường hợp mắc, tăng 227,27%; Thanh Liêm ghi nhận 32 trường hợp mắc, tăng 10 trường hợp; Thanh Liêm tăng 6 trường hợp.
Bác sỹ Trần Thị Duyên, Phó Trưởng khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Hầu hết các bé mắc chân tay miệng được đưa vào viện có độ tuổi từ 2 đến 5 tuổi, có diễn biến nhẹ. Mặc dù đây là một bệnh lý lành tính, nhưng nếu trẻ bị bệnh không được chăm sóc và điều trị đúng phương pháp sẽ gây chuyển biến nặng và biến chứng nguy hiểm như viêm não, phù phổi, viêm màng não, có thể gây tử vong.
Theo đó, bác sỹ khuyến cáo các bậc phụ huynh khi phát hiện trẻ có những biểu hiện như loét miệng, vị trí loét nhiều nhất ở vùng hầu họng, hoặc có thể ở niêm mạc má, môi, lưỡi…, xuất hiện nhiều nốt ban dạng phỏng nước trên cơ thể, tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông, sốt nhẹ. Tuy nhiên, nếu trẻ sốt cao trên 39 độ C liên tục, cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để khám chuyên sâu, can thiệp y tế kịp thời.
Bác sỹ Trần Thị Duyên cho rằng: Việc phát hiện sớm bệnh lý đối với trẻ giúp cho việc điều trị thuận lợi, nhanh chóng hơn, hạn chế những rủi ro gây hại đến sức khỏe của trẻ.
Năm học mới đang đến gần, trẻ em sẽ đến trường học tập và sinh hoạt tập thể, vì thế việc phòng, chống chân tay miệng đối với các bé mầm non, tiểu học rất đáng quan tâm. Các cơ sở giáo dục cần tăng cường vệ sinh trường lớp, đồ chơi và các vật dụng của trẻ; hướng dẫn cho trẻ vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Nên khử trùng các đồ vật thường xuyên…
Giang Nam