5 phút cho 5S...

5 phút cho 5S...

5 phút 5S mỗi ngày/ Tiếp sức thầy thuốc chặn tay tử thần. Lúc đầu tôi tưởng chữ S là ký hiệu chỉ thời gian. 5S là 5 giây. Không phải. Đây là chữ cái đầu của 5 từ "Săn sóc", "Sàng lọc", "Sắp xếp", "Sạch sẽ", "Sẵn sàng". Từ 5S, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đã xây dựng một logo biểu tượng của nghề y khá ấn tượng.

Biểu tượng có hai vòng tròn. Vòng ngoài, nửa trên ghi dòng chữ "5 phút cho 5S mỗi ngày"; nửa dưới ghi "Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam". Vòng trong ôm trọn ký hiệu 5S. Hai ký tự, số 5 và chữ S màu trắng dựa lưng vào nhau bên trên có hình trái tim đỏ tươi và bàn tay đỡ. Một nữ nhân viên áo trắng, người làm nhiệm vụ hướng dẫn bệnh nhân nhẹ nhàng giải thích ý nghĩa của bức thông điệp trên. Đây là những thao tác chuẩn bị của người thầy thuốc trước mỗi ngày làm việc. Cụ thể hơn, công việc trong 5 phút đó là: Xác định rõ những vật cần sử dụng và không cần sử dụng để loại bỏ (Sàng lọc); cất các vật dụng vào nơi phù hợp để dễ dàng lấy khi cần (Sắp xếp); giữ gìn nơi làm việc sạch sẽ (Sạch sẽ). Ba bước trên được tiêu chuẩn hóa, quy trình hóa, thường xuyên hóa để thành thói quen. Đó là "Săn sóc". Làm tốt cả 4 bước để đạt mục đích "Sẵn sàng". Phương tiện sẵn sàng, tâm thế sẵn sàng, tư tưởng sẵn sàng... Tất cả sẵn sàng cho việc khám, chữa bệnh, cứu giúp bệnh nhân. Chị nói thêm, ở đây thời gian là sức khỏe, sự sống của người bệnh nên chúng tôi luôn sẵn sàng.

Bác sỹ Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Nguyễn Điền.

Liên tưởng tới những vận động viên trước khi vào cuộc đấu, người chiến sĩ trước khi vào trận đánh, thí sinh trước khi vào phòng thi, tôi nghĩ 5 phút khởi động trước khi xuất phát quan trọng biết nhường nào. Chính nó góp phần quyết định sự thành công hay thất bại. Với người thầy thuốc kết quả lại ở bệnh nhân. Đó là sức khỏe, thậm chí là mạng sống.

Chỉ 5 trong số 480 phút (ngày làm việc 8 giờ x 60 phút = 480 phút) mà đã cần đến 5 thao tác với một quy trình nghiêm ngặt. Còn 475 phút trong ngày sẽ thế nào? Tìm hiểu công việc của các bác sỹ Khoa Khám bệnh, BVĐK tỉnh. Thạc sỹ, bác sỹ, Phó Trưởng khoa Khám bệnh Trương Thị Phương Lan cho biết: Tính đến hết tháng 11/2016, sau 11 tháng, Khoa Khám bệnh đã đón gần 140.000 lượt người đến khám chữa bệnh. Bình quân một ngày (không kể thứ 7 và chủ nhật) có từ 500 đến 1.000 người vào viện khám bệnh. Bệnh nhân đủ loại. Từ người mắc bệnh mãn tính đến người ốm đau, nhức đầu, sổ mũi, tai nạn, bệnh trọng, khám sức khỏe... Các phòng khám Nhi, Nội tiết, tim mạch, Răng hàm mặt... lúc nào cũng đông bệnh nhân. Từ sáng sớm đến chiều muộn. Từ đầu tuần đến cuối tuần. Ngày làm việc của nhiều thầy thuốc ở đây không phải 8 tiếng, tuần không phải 5 ngày. Khoa Cấp cứu, Khoa Chấn thương nơi “nóng” nhất, cứu người như cứu hỏa nhiều khi trắng đêm, quên bữa. Cuộc đấu trí, đấu sức với bệnh tật để giành lại mạng sống cho người bệnh diễn ra từng phút. Nó cần sự cộng sức của rất nhiều người, nhiều bộ phận. Từ y, bác sỹ đến nhân viên. Công nhân vệ sinh cũng phải thay nhau làm việc cật lực vào các giờ nghỉ trong ngày để giữ bệnh viện sạch sẽ mọi nơi mọi chỗ.

Cường độ làm việc, áp lực công việc quá lớn nhưng không gắt gỏng, to tiếng. Cũng không vô cảm, thờ ơ. Cũng không chen chúc, lộn xộn. Khoa Khám bệnh có 28 phòng khám được sắp xếp khoa học. Giữa các phòng khám có nhiều điểm nghỉ, chờ. Điểm nào cũng rộng thoáng với nhiều hàng ghế. Trong lúc chờ đến lượt vào khám bệnh, bệnh nhân được ngồi, nằm thoải mái. Được tiếp đón chu đáo. Bác sỹ, nhân viên đều nhẹ nhàng kiên trì khi tiếp xúc với người bệnh. Có thể thấy sự "Sắp xếp" khoa học, hợp lý ngay ở Khoa Khám bệnh, sự "Sạch sẽ", ngăn nắp trong, ngoài phòng bệnh và thái độ niềm nở "Sẵn sàng" đón tiếp bệnh nhân của những "chiến sỹ áo trắng" đã làm dịu căng thẳng nơi phòng khám. Bác sỹ yên tâm hành nghề. Bệnh nhân yên tâm bước vào phòng khám. Bác sỹ, bệnh nhân thân mật trao đổi về sức khỏe, bệnh tật trước khi khám bệnh kê đơn. Tôi gặp ở đây nhiều người quen, bệnh tiểu đường. Bệnh nhân bình thản khi nói về bệnh tình của mình. Yên tâm theo hướng điều trị và thực hiện lời khuyên của bác sỹ. "Mình coi bệnh viện là nhà, bác sỹ là người thân từ lâu rồi". Đáp lại cái nhìn tò mò của tôi, anh bạn tôi vừa cười vừa nói như vậy. Để thêm sức thuyết phục, anh nhấn mạnh: "Mình đang rất khỏe. Bạn xem, sức khỏe là sự thoải mái về tinh thần...". Bệnh nhân vào Phòng "Y học cổ truyền" có nhiều người cao tuổi. Bác sỹ Lương Thị Thanh lại rất trẻ. Như gạch nối giữa cổ truyền - hiện đại, chị ngồi trước bức tranh lớn chụp cơ thể người với hệ thống chằng chịt kinh, mạch, huyệt, cơ... và máy vi tính. Bệnh nhân vào khám, kể bệnh. Bà lang thực hành các thao tác: "Vọng, văn, vấn, thiết" (nhìn, nghe, hỏi, bắt mạch). Có lúc tư vấn để bệnh nhân đi chụp, chiếu, xét nghiệm... Cuối cùng mới kê đơn, bốc thuốc. Tại sao dân gian lại nói: "Mát tay hay thuốc" mà không phải: "Thuốc hay tay mát". Theo chị, "mát tay" ở đây được hiểu là những phẩm chất cần có của bác sỹ đông y. Có kiến thức uyên bác, sâu, rộng về y thuật; có thái độ bình tĩnh kiên trì khi tiếp xúc với người bệnh. Bệnh nhân được coi là người thầy thứ hai để thầy thuốc học những bài học thực tế. Tiếp xúc với bệnh nhân, thầy thuốc giỏi bao giờ cũng khéo léo khai thác để bệnh nhân nói ra những bất thường trong sức khỏe, sinh hoạt. Sau đó mới chẩn bệnh bốc thuốc.

Thực hiện 5S mỗi ngày, Bệnh viện Đa kha tỉnh đang hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Ảnh: Thế Tuân

BVĐK tỉnh là bệnh viện hạng I theo phân hạng của Bộ Y tế. Hiện nay, bệnh viện có 42 khoa, phòng với hơn 700 cán bộ, nhân viên. Trang thiết bị y tế ngày càng hiện đại. Ngoài bảo đảm quy định của Bộ Y tế, bệnh viện còn có nhiều thiết bị ngang tầm bệnh viện lớn ở trung ương như:  Máy chụp cắt lớp vi tính, máy chụp cộng hưởng từ, máy phẫu thuật nội soi, máy chụp mạch... Cơ sở vật chất bệnh viện được nhà nước đầu tư ngày càng khang trang. Hàng loạt nhà cao tầng, khu chức năng, phòng điều trị theo yêu cầu... Bước qua cổng chính của bệnh viện, đối diện với khoa khám bệnh (tầng 2) có khẩu hiệu ghi lời dạy của Bác: "Lương y phải như từ mẫu". Dòng chữ to, đậm chạy suốt chiều dài khung cổng. Một nhân viên y tế nói về ý nghĩa của chữ "phải". Chữ "phải" nhằm thể hiện rõ ý chí, tâm thế sẵn sàng của tập thể cán bộ, nhân viên khi thực hiện lời Bác dạy. Chị nói trong ngôi nhà sức khỏe của thầy thuốc và bệnh nhân này, chúng tôi luôn nhắc nhau:

Thuốc hay chữa bệnh thể xác

Lời hay động viên tinh thần

Lương y phải như từ mẫu

Thương yêu chăm sóc bệnh nhân.

Sau nhiều lần hẹn, tôi mới gặp được Giám đốc Bệnh viện, Thầy thuốc ưu tú, bác sỹ CKII Đỗ Trung Đông. Bác sỹ Đông cho biết: Bệnh viện đang tổng kết đánh giá các giải pháp tổng hợp nhằm xây dựng bệnh viện thân thiện. Những năm gần đây, bệnh viện đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Xây dựng đội ngũ, nâng cao trình độ năng lực cán bộ; bổ sung trang thiết bị; xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp... 5S là một trong các giải pháp được quan tâm đặc biệt năm 2016. Cùng với 5S, bệnh viện tăng cường công tác giáo dục tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, kỹ năng giao tiếp ứng xử văn minh cho cán bộ, nhân viên. Đó cũng là tư tưởng chỉ đạo của ngành y tế "Sẵn sàng cứu giúp người bệnh là lương tâm và trách nhiệm của cán bộ, nhân viên y tế".

Đinh Thị Hằng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.