kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Duy trì, nâng cao chất lượng nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất

Duy trì, nâng cao chất lượng nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất

Kinh tế và tổ chức sản xuất là 1 trong 4 nhóm tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM).

Nhóm tiêu chí này bao gồm 4 tiêu chí: Thu nhập; nghèo đa chiều; lao động; tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Đây là nhóm tiêu chí quan trọng, phản ánh mức sống, đời sống vật chất của người dân nông thôn. Để đáp ứng yêu cầu cao hơn của nhóm tiêu chí theo quy định mới tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 318), các địa phương trong tỉnh đã và đang rà soát, thực hiện bổ sung chỉ tiêu mới và nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí đã đạt.

Nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất theo quy định mới bao gồm 9 chỉ tiêu, tăng 4 chỉ tiêu so với giai đoạn trước. Trong đó, lao động; tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn là hai tiêu chí được quy định mở rộng, cụ thể, chi tiết hơn. Nếu như ở giai đoạn trước, yêu cầu đạt chuẩn của tiêu chí lao động là tỷ lệ người có việc làm trên dân số trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động đạt từ 90% thì theo quy định mới, tiêu chí này gồm 2 chỉ tiêu: tỷ lệ lao động qua đào tạo phải đạt từ 80%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 30% (đối với vùng đồng bằng sông Hồng). 

Duy trì nâng cao chất lượng nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất
Mô hình chăn nuôi gà sinh sản của gia đình bà Đặng Thị Thanh Sự, thôn Trung Sơn, xã La Sơn (Bình Lục) cho hiệu quả kinh tế cao.

Ngày 11/5/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng đã ban hành Quyết định số 1680/QĐ-BNN-VPĐP hướng dẫn thực hiện một số tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đã hướng dẫn thực hiện đối với các chỉ tiêu thuộc tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Cụ thể, các xã đạt chuẩn NTM phải đáp ứng các yêu cầu: Có hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả và theo đúng quy định của Luật HTX; xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực bảo đảm bền vững; thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương; có kế hoạch và triển khai kế hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống (nếu có) gắn với hạ tầng về bảo vệ môi trường; có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả.

Hướng tới xây dựng thành công xã NTM nâng cao vào năm 2023, mới đây, xã La Sơn (Bình Lục) đã tiến hành rà soát, đánh giá chất lượng 19 tiêu chí NTM dựa theo Quyết định số 318. Đối với nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, xã La Sơn đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện bổ sung các chỉ tiêu còn thiếu theo quy định mới về xã NTM, phấn đấu hoàn thành trong năm 2022.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã La Sơn, việc bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí trong nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất theo quy định mới về xã NTM có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề để xã xây dựng NTM nâng cao trong thời gian tới. Theo đó, xã đang triển khai đồng bộ giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của HTX dịch vụ nông nghiệp; đẩy mạnh tích tụ ruộng đất nông nghiệp; khuyến khích chăn nuôi theo hình thức tập trung, xa khu dân cư; xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; tiếp tục triển khai thực hiện đề án chăn nuôi bò sữa, bò sinh sản trên địa bàn xã… Ước đến cuối năm 2022, hầu hết các chỉ tiêu trong nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất thuộc Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM của xã sẽ cơ bản đạt chuẩn theo quy định mới. Trong đó, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 53 triệu đồng/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp đạt xấp xỉ 40%; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 3%.

Huyện Kim Bảng xác định rõ: 4 tiêu chí trong nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất có quan hệ tác động qua lại, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Để nâng cao chất lượng nhóm tiêu chí này, huyện Kim Bảng đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đưa các giống cây, con mới vào nuôi trồng; duy trì, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình nuôi dê sinh sản, dê thịt, bò sữa, bò thịt, nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao”. Huyện chỉ đạo các xã rà soát, giao cho các hội, đoàn thể giúp đỡ những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững; quan tâm công tác đào tạo nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động từ ngành nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ để cải thiện thu nhập. Ngoài ra, huyện Kim Bảng còn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân về tầm quan trọng của làng nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; quan tâm công tác xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm làng nghề, làng nghề truyền thống... 

Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện Kim Bảng, kết quả rà soát nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM của huyện mới đây cho thấy, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đã từng bước phát triển, năm 2022 ước đạt 68 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới tính đến tháng 6/2022 giảm còn 4,07%. Lao động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cơ bản có việc làm thường xuyên, ổn định. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp ước đạt 75,8%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 71,2%. Hiện, 16/16 HTX nông nghiệp của huyện đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, hoạt động có hiệu quả. Mỗi xã có 1 mô hình phát triển nông sản sạch: rau, củ, quả với diện tích 10 ha/mô hình, bảo đảm liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực…

Có thể thấy, ngay sau khi Quyết định số 318 được ban hành, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM, các địa phương trên địa bàn tỉnh đều tập trung rà soát, từng bước nâng cao, hoàn thiện các tiêu chí, chỉ tiêu để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Khó khăn lớn nhất trong thực hiện nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất là yêu cầu truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ NN&PTNT và ngành nông nghiệp tỉnh, các xã đều đang xây dựng kế hoạch, lựa chọn sản phẩm và lên ý tưởng hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc bảo đảm các yêu cầu lưu trữ, truy xuất thông tin ở mỗi công đoạn từ sản xuất đến lưu trữ, chế biến và thương mại sản phẩm. 

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy