Năm 2023, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng, chung tay góp sức của người dân... tỉnh ta có thêm 17 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) nâng cao, gồm: Thụy Lôi, Lê Hồ, Liên Sơn (huyện Kim Bảng); Công Lý, Nguyên Lý, Tiến Thắng (huyện Lý Nhân); Trịnh Xá, Tiên Hải (thành phố Phủ Lý); Liêm Thuận, Liêm Túc (huyện Thanh Liêm); Đồng Du, Bình Nghĩa, La Sơn, Tràng An, Bồ Đề, Đồn Xá (huyện Bình Lục); Yên Nam (thị xã Duy Tiên). Bằng việc chú trọng hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí, diện mạo nông thôn ở các xã đạt chuẩn NTM nâng cao có sự chuyển biến tích cực, thực sự trở thành những miền quê đáng sống.
Nhận thức rõ xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, năm 2023 xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Kết quả nổi bật, 100% các tuyến đường trục thôn, liên thôn với tổng chiều dài 18,2 km được bê tông hóa, nhựa hóa và được bảo trì hằng năm. Tuyến đường trục chính nội đồng được cứng hóa đáp ứng yêu cầu sản xuất và vận chuyển hàng hóa...
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thời gian qua công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn xã có chuyển biến rõ nét. 100% cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh (174 cơ sở, hộ) đã thực hiện ký cam kết bảo vệ môi trường với địa phương. Xã có 6 làng nghề truyền thống đang hoạt động đã được UBND huyện Lý Nhân phê duyệt phương án bảo vệ môi trường theo quy định; các hộ trong làng nghề đều tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường. 6/6 thôn của xã đều thành lập được tổ thu gom rác thải.
Chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại được hợp đồng với Công ty cổ phần môi trường Hà Nam thu gom, vận chuyển về nhà máy xử lý rác thải với tỷ lệ đạt trên 98%. Chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn xã (chủ yếu từ các loại vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật, chất thải y tế, bóng đèn huỳnh quang, pin...) được thu gom và hợp đồng vận chuyển đưa đi xử lý với các đơn vị chức năng theo đúng quy định, đạt 100%.
Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xã Nguyên Lý triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ... nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện xã có sản phẩm bánh đa nem làng Chều được chứng nhận OCOP 3 sao. Sản phẩm được tiêu thụ khắp cả nước; được xuất khẩu sang thị trường một số nước Đông Âu...
Ngoài ra, xã còn có sản phẩm cam canh tại thôn Thư Lâu được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 4ha, sản lượng đạt khoảng 55 tấn/năm. Mô hình đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng (sản phẩm có ứng dụng công nghệ số quảng bá và bán trên các sàn thương mại điện tử với sản lượng 31 tấn, đạt 56,3% trong năm 2023)...
Nhờ thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, năm 2023 thu nhập bình quân đầu người của xã Nguyên Lý đạt 69,82 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 0,98%. Xã không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM. Thông qua phiếu lấy ý kiến đánh giá, tỷ lệ người dân hài lòng với kết quả xây dựng NTM nâng cao của xã đạt tỷ lệ cao. Cụ thể, tổng số hộ dân lấy ý kiến là 2.362/2.950 hộ (đạt 80,06% tổng số hộ dân của xã), trong đó tỷ lệ người dân hài lòng đối với kết quả xây dựng NTM nâng cao đạt bình quân từ 99,1% trở lên (từ câu hỏi số 1 đến câu hỏi số 18). Riêng câu hỏi số 19 về kết quả xây dựng NTM nâng cao tỷ lệ hài lòng đạt 100%.
Cũng như xã Nguyên Lý, năm 2023, với sự nỗ lực và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Lê Hồ đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Kết quả thực hiện xây dựng NTM nâng cao của xã làm thay đổi diện mạo làng quê; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân... Cụ thể, tỷ lệ đường xã được bảo trì hằng năm bảo đảm sáng – xanh- sạch – đẹp, có các hạng mục cần thiết (biển báo, biển chỉ dẫn, gờ giảm tốc tại những vị trí nguy hiểm, cây xanh...) đạt 100%. Đường thôn, xóm khang trang, sạch sẽ. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2023 đạt 78,02 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 0,64%...
Bên cạnh chú trọng nâng cao đời sống vật chất, đời sống tinh thần của nhân dân cũng được xã hết sức quan tâm. Xã có nhà văn hóa tổng diện tích 600m2 với 300 chỗ ngồi, đầy đủ các phòng chức năng; có sân thể thao trung tâm xã; 6/6 thôn có nhà văn hóa và khu thể thao. Xã đã triển khai lắp đặt hệ thống wifi miễn phí ở các điểm công cộng (trụ sở UBND xã, Bưu điện văn hóa xã, 6 nhà văn hóa thôn) để phục vụ nhu cầu của người dân. Tại các điểm công cộng ngoài trời như khuôn viên UBND xã, khu vui chơi thể thao của thôn có lắp đặt các dụng cụ luyện tập thể thao ngoài trời; các loại hình hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức thường xuyên thu hút đông đảo người dân tham gia... Thông qua phiếu lấy ý kiến đánh giá, tỷ lệ người dân hài lòng với kết quả xây dựng NTM nâng cao của xã đạt tỷ lệ cao - đạt từ 99,91% trở lên với câu hỏi từ số 1 đến số 18; câu hỏi số 19 về kết quả xây dựng NTM nâng cao của xã tỷ lệ hài lòng đạt 100%.
Cùng với Nguyên Lý, Lê Hồ năm 2023 toàn tỉnh công nhận thêm 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao đến nay là 29 xã (hiện nay tỉnh ta có 83/83 xã đạt chuẩn NTM, 29 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 19 xã đạt NTM kiểu mẫu). Quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tạo sự chuyển biến về nhận thức, khơi dậy vai trò chủ thể của người dân, làm thay đổi diện mạo các làng quê (cơ sở hạ tầng được các địa phương tiếp tục đầu tư, nâng cấp, làm mới tương đối đồng bộ; nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng; chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được bảo đảm)...
Thực hiện mục tiêu phấn đấu năm 2024 công nhận thêm từ 8-10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 62 triệu đồng/người/năm, nghèo đa chiều còn 1,96%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 94%... thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; phối hợp triển khai, thực hiện phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”.
Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại gắn với phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, tạo việc làm tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng khuyến khích, hỗ trợ nông dân và các chủ trang trại thành lập hợp tác xã kiểu mới; hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã và hộ sản xuất hình thành các liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh gắn với truy xuất nguồn gốc.
Triển khai toàn diện, hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương. Xây dựng và nhân rộng các mô hình cảnh quan môi trường nông thôn theo hướng xanh - sạch - đẹp; thực hiện đồng bộ biện pháp xử lý môi trường tại các làng nghề, các khu chăn nuôi tập trung, cụm công nghiệp; tiếp tục phát động phong trào toàn dân tham gia xây dựng nông thôn theo hướng “sáng - xanh - sạch - đẹp”. Phát triển và nâng cao chất lượng toàn diện văn hóa, giáo dục, y tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn.
Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện xây dựng NTM. Huy động đa dạng hoá các nguồn vốn, có cơ chế chính sách tạo điều kiện cho địa phương tăng nguồn thu để có đủ nguồn lực đầu tư xây dựng NTM; tiếp tục vận động người dân tham gia đóng góp xây dựng NTM theo nguyên tắc tự nguyện, góp phần duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, NTM nâng cao hướng tới xây dựng xã NTM kiểu mẫu...
Phạm Hiền